"Góc khuất" - Truyện ngắn của CCB – Đại tá Trương Ngọc Hùng

Ngày đăng: 04:43 29/11/2022 Lượt xem: 248
GÓC KHUẤT
Truyện ngắn
 
           Nhận được thông báo có đoàn Nhà báo về, lão như người lẩn thẩn, hết ra lại vào. Ngồi vào bàn, viết được vài chữ lại đứng lên. Đang đêm vùng dậy, hai chân co lên ghế rít thuốc lào sòng sọc.
          - Rõ khổ. Đã bảo đừng ôm vào cho nhọc xác nhưng không nghe, giờ thấm chưa?- Nằm trong màn, bà nói với ra.
          - Thì tôi nào có ham hố gì. Bao nhiêu năm về hưu chỉ mong yên ổn. Cuối đời lại phải ra gánh cái khối “u” nhọc này, chỉ vì muốn minh oan cho thằng bạn già.
          Bà trở mình. Cái giường cót két như người ngủ mê nghiến răng. Bà và lão ở cùng một làng ven sông Châu. Học cùng nhau từ thưở chăn trâu, cắt cỏ, khi vào cấp ba, hai đứa lại học chung trường chuyên của tỉnh trên thành phố, cách làng chừng một tiếng đạp xe. Lão học toán còn bà học văn. Hai bộ môn “đấu” nhau chan chát, một bên khô khốc toàn công thức với đố đoán bí hiểm. Một bên là lãng mạn với nào bướm, nào hoa, nào trăng trôi, mây lạc. Bởi thế, dù chỉ có hai người, chung một đoạn đường nhưng lão luôn đi đường tắt, dù gập ghềnh đá sỏi vì lý do “Cạnh huyền bao giờ cũng ngắn hơn tổng hai cạnh góc vuông.” Bà lại chọn con đường “Có con sông luôn tỏa hương, có hàng phượng khoe sắc.” Lão luôn về trước. Dĩ nhiên là thế. Mỗi buổi tan học, vừa về đến nhà, bà đã nghe mẹ cằn nhằn: “Con người ta về từ tám hoánh, đã chuyển cả đống lúa về rồi, giờ mới vác được cái xác về. Con gái đúng là đồ vô tích sự. Học hành lắm làm gì, gả quách đi cho yên chuyện.” Bà không trách mẹ, lẳng lặng đi làm. Số mẹ cũng khổ. Nhà ông bà ngoại ngày xưa thuộc dạng cùng đinh, mẹ không được đi học. Vừa chớm tuổi “cập kê”, mẹ bị “gán” để trả nợ. Mang tiếng con dâu nhà hào phú nhưng thân phận chẳng khác tôi đòi. Ngày “cải cách”, nhà chồng bị quy địa chủ. Cán bộ “đội” cải cách muốn mẹ làm “cốt cán” để đấu tố nhà chồng nhưng mẹ nhất quyết không chịu: “Tôi làm dâu, sướng tôi hưởng, khổ tôi chịu, chả ai bắt, cũng không ai bóc lột.” Lúc đó, mọi người bên chồng mới nghĩ lại. Hai bà chị lần lượt ra đời. Khi mẹ mang thai bà, cả nhà hy vọng có đứa “nối dõi tông đường” nhưng niềm tin đó sụp đổ ngay khi bà cất tiếng khóc chào đời và bị coi là nguyên nhân gây nên bất hạnh cho gia đình.
          Biết chuyện, lão không đi “cạnh huyền” nữa mà sóng đôi cùng bà mỗi chiều thứ bẩy và chủ nhật để không biết tự bao giờ một chiếc xe đã trở thành không cần thiết. Năm cuối cùng bậc học phổ thông được vài tháng, lão nhập ngũ như bao thanh niên thời đó. Đêm trước ngày lão đi, bà cùng lũ bạn ào vào, tíu tít một hồi rồi dắt díu nhau đến với những người bạn khác. Lão phải ở nhà tiếp người cùng làng đến thăm, chia tay. Bà thập thò ngoài ngõ chờ mọi người về để đặt vào tay lão chiếc khăn thêu hai chữ “Mãi nhớ…” gói vào đó chùm hoa bưởi và những muốn đọc cho lão nghe đoạn thơ của Phan Thị Thanh Nhàn: “Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp…/(Anh vô tình anh chẳng biết điều/Tôi đã đến với anh rồi đấy)”. Nhưng… Lão nhận gói quà, rồi vội vã quay vào. Hôm sau, mọi người đưa tân binh lên huyện tập trung. Một người đi có năm, bảy người đưa tiễn. Bà lọt thỏm trong đám người đưa tiễn ấy. Lão nhìn bà. Đôi mắt như muốn nói điều gì trước khi khuất sau cánh cửa sân vận động. Bà dằn vặt, ám ảnh bởi ánh mắt ấy: “Hay là giận mình vì hôm trước đã hất tay nó khi đặt lên vai mình? Sao ngu ngơ đến thế. Sao nó không chịu hiểu mình muốn bàn tay không chỉ đặt vào chỗ ấy. Mà chẳng biết trong đầu cái thằng gà tồ ấy có gì ngoài vài ba công thức toán?”
         Rồi lão biệt tăm từ đấy sau khi gửi cho bà mấy lá thư. Với bà, mỗi bức thư là một niềm hy vọng. Từng đêm, đợi cho mọi người ngủ yên, bà lại mang ra, xăm xoi từng câu chữ xem có ẩn ý gì trong đó. Nhưng không có gì ngoài những câu chuyện thường nhật về lính như gác xách, lăn, lê, bò, toài. Bà chỉ biết láng máng: lão vào lực lượng “đánh thủy đánh bộ” (Lính thủy đánh bộ) và đã bị thương. Vài người bóng gió, lão đã hy sinh. Bà gói chặt mối tình đầu chưa lời thổ lộ vào lòng, trở thành cô giáo trường làng dù tốt nghiệp Đại học nghĩa là được đào tạo để làm giáo viên cấp 3. Những năm sinh viên và từ khi đi làm, rất nhiều người đến tìm hiểu nhưng lòng bà dường như khép chặt. Đến khi thấy bạn bè chồng con đề huề, mẹ lại suốt ngày ca thán, bà gật đầu với một người trông hiền lành tử tế và nổi bật là sự kiên trì. “Người đàn ông như thế có thể gửi phận cho họ.” Ai cũng nói vun vào. Nào ngờ, người chồng của bà- người đàn ông kiên trì ấy hóa ra một kẻ cố chấp và vô cảm. Vô cảm với sự trinh trắng của bà đêm tân hôn, vô cảm với cuộc sống nội tâm của bà và vô cảm luôn với trách nhiệm làm bố, làm con. Bà tự nguyền rủa mình vì cái gật đầu ngu ngốc đó. Từ khi làm vợ, bà không có đến một phút, một giây hạnh phúc. Ngay sau ngày cưới, đêm nào nước mắt bà cũng đẫm gối. Nhưng nước mắt thì giải quyết được gì? Nó chỉ làm mình mỏi mòn theo năm tháng. Nhưng bà nhất quyết không để đứa con gái bé bỏng của bà phải chịu thiếu thốn, thiệt thòi như bà. Con bà phải được hạnh phúc. Bà lao vào công việc, tạo dựng cuộc sống cho con. Chồng bà, kẻ vô tích sự ấy lại là rào cản không cho bà thực hiện dự định. “Con giun xéo lắm cũng quằn.” Bà quyết định ly thân. Ly thân để thành người ngoài cuộc, nhìn cho khách quan để quyết định cho tương lai của mình. Nhiều khi, bà rùng mình tự hỏi, sức lực nào để mình có thể chịu đựng suốt thời gian qua và bà viết đơn ly hôn. Ly dị, một câu đơn giản nhưng đằng sau nó là cả cuộc đời. Cuộc đời bà, cuộc đời con và nhiều người khác nữa. Bao lần, bà tần ngần rất lâu trước cửa Tòa án rồi lê gót trở về khi nghĩ đến con. Nhưng rồi thực tế nghiệt ngã tiếp tục bủa vây bà. Không thể chịu hơn được nữa, đơn giản bà không thể sống cuộc đời như thế. Bà hiểu cái giá phải trả cho hôn nhân không có tình yêu. Kết thúc cuộc sống hôn nhân, bố chồng, chính xác hơn là bố chồng cũ nắm chặt tay bà: “Bố không có con gái. Từ khi có con về làm dâu, bố luôn coi con là con gái. Trước đây con là con gái bây giờ vẫn là con gái và sau này mãi là con của ta…” Bà se lòng trước giọt nước mắt hiếm hoi trên khuôn mặt khắc khổ của ông.
          Ngày cầm quyết định ly hôn cũng là ngày hai mẹ con bà chuyển vào khu tập thể của nhà trường. Bây giờ mới là những ngày tháng thảnh thơi, được sống thật với mình. Bao nhiêu năm qua đi, những tưởng nỗi nhớ sẽ vơi dần theo năm tháng. Nhưng không. Cứ đến khi bạn bè gặp nhau, cứ đến ngày đầu xuân, ngày tiễn lão lên đường nhập ngũ hay đi qua con đường, bến đò về quê, lòng bà lại quặn thắt khi nhớ đến “thằng gà tồ” ương ngạnh thiếu nhậy cảm của bà. Hơn chục năm trời không một lá thư, không một dòng địa chỉ. Không ai biết ngoài vài ba tin đồn hư thực.
          Cuộc sống dần ổn định lại bị xáo lên bởi “thằng gà tồ ương ngạnh” xuât hiện, lù lù đứng ngay trước cửa. Nhe bộ răng xin xỉn vì thuốc lá, nói tưng tửng như vừa mới gặp hôm qua: “Không mời bạn cũ vào nhà à?” Bám vào thành ghế, nói khào khào, bà không hiểu cái gì diễn ra sau đó. Bản lĩnh và nghị lực của một lần dang dở khiến bà đứng vững, vượt qua được con sóng đang trào dâng. Hóa ra, gia đình chuyển vào Nam sau ngày giải phóng, còn lão ra Trường Sa giữ đảo. Nơi sóng gió chập chùng ngày đêm, lão dường như bị cắt đứt lên lạc với mọi người. Rồi có lần, lão nghe tin bà đã lấy chồng. Nếu không có sự tình cờ, qua một người bạn thì sẽ không có cuộc gặp lại này. Từ đó, đều đặn một năm hai lần, một lần phép và một lần tranh thủ, lão về, không giấu ý định chung sống cùng bà. Một lần lão nói, cố vẻ ra có chút văn chương: “Một gia đình phải có đầy đủ đàn ông cộng với đàn bà và những đứa con.” Bà phì cười: “Nghe như cốt cộng cốt bằng hai cốt cốt. Cốt trừ cốt bằng hai sin sin, ấy nhỉ. Đây đã có đủ cả “cộng”, cả “trừ” và cả “bằng” nữa. Xin mời ông bạn đi tìm chỗ nào đó mà “cộng” nhé.” Mặt lão đỏ bừng luống cuống… Cuối cùng bà phải đầu hàng trước độ lỳ của lão.
           Mấy chục năm cùng nhau, không một lần to tiếng, đơn giản vì lão cưng chiều bà, chỉ một mình lão có thể chấp nhận được thói đỏng đảnh, thất thường của bà. Chưa một lần lão làm trái ý bà trừ lần này… Bà thở dài chìm vào giấc ngủ nặng nề. Nghe tiếng thở giật cục của vợ, lòng lão như lửa đốt. Chỉ vì thương bạn, lão làm bà lo lắng mất ăn, mất ngủ.
          ***
          - Người ta thấy ăn thì đến, thấy hoạ thì đi, đằng này… kẻ đi tù, người mất chức, trong làng như có đám, ông lại xung phong nhận chức trưởng thôn, ông có gàn không, ông Thông ơi.- Bà rên lên.
          Lão không gàn, cũng không ham hố chức quyền. Lão nhận chức trưởng thôn để lũ cơ hội không có điều kiện lập hồ sơ giả để chiếm đoạt và đổ lỗi cho người tiền nhiệm. Không phải lão không nhận ra sự bất cập và mặt trái của nó. “Tiền ít, sức dân có hạn, hạng mục cần triển khai nhiều, lấy gì ra để làm nếu không vi phạm.”- Lão cảnh báo thằng bạn cùng học và một thời máu lửa nhưng nó không chịu nghe:
          - Không làm thì không hoàn thành chỉ tiêu. Tao không tham ô, không tư lợi, không ai làm gì được tao hết. Và nó làm được thật. Điện đường sáng choang, nước sạch vào tận nhà, trường mẫu giáo, nhà văn hóa khang trang sạch sẽ. Nhà ống, nhà biệt thự mọc lên san sát, đường có tên, nhà có số. “Mày thấy không? Thôn mình oách hơn thành phố.”- Nó nói, mắt ngời lên.
          - Không ai phủ nhận được điều đó. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Không thể để người dân nông thôn chịu cảnh ao tù nước đọng, dầu đèn tù mù mãi được. Họ phải được hưởng những gì tiên tiến nhất do xã hội hiện đại mang lại. Nhưng không có nghĩa là “băm” nát, chia nhỏ, hình thành những “cát cứ” như thế này. Không nên đô thị hóa nông thôn và đặc biệt quan trọng là không được phá sạch trơn những truyền thống lâu đời của miền quê Bắc bộ. Chủ trương lớn là thế, sáng suốt là thế nhưng khi thực hiện thì sao? Đấy là còn chưa kể đến những khuất tất, mánh mung, cả những góc khất thâm sâu mà chỉ có…À…Ờ... người dân làm sao hiểu được. Vậy chứ tao hỏi mày: Họ được bao nhiêu phần trăm so với kỳ vọng ngoài vài ba thứ bề nổi mà mày vừa chưng ra. Trước kia, cách nhau một “dậu mồng tơi”, mọi việc diễn ra hàng xóm đều cùng nhau chia sẻ. Đi vắng chỉ cần kéo một ngọn chà rào là không ai bước vào, dù trong nhà không bao giờ khóa cửa. Mỗi sáng từ đầu thôn đến cuối xóm vang lên: “Nác mới, bớ làng, nác mới” (Nước mới, bớ làng, nước mới.) là tụ tập xung quanh nồi nước chè tươi sánh như mật, rổ khoai lang hoặc rá lạc luộc bốc hơi nghi ngút. Nếu có người lạ hỏi đường thì cách xa cả chục ki-lô-mét cũng được chỉ đến tận nơi thậm chí còn đưa đến tận ngõ. Giờ thì sao? “Ở đường nào, nhà số mấy?” là câu nói cửa miệng không chỉ của thanh thiếu niên. Nhà cao to nhưng được mấy người ở, xây lên dường như chỉ để đua nhau, để đạt chỉ tiêu của phong trào. Kín cổng cao tường mà vẫn mất cắp như ranh. Nói dại, vô phúc không may có chết trong đó cũng không ai biết.
          Ngồi trầm tư thật lâu, xem ra ông bạn cán bộ cũng thông ra vài chỗ: “Tao nhớ rồi. Ngày mày mới về, xã khoanh cho một mảnh đầu làng. Lúc ấy, người dân bỏ ruộng quê ra tỉnh nhiều lắm. Hàng xóm xung quanh gửi mày cả mẫu, có đủ ao chuôm vườn tược. Mày đã biến nơi đó thành trang trại mi ni. Đám bạn bè thường gọi đây là “ngôi nhà hạnh phúc” để hội họp vui chơi trong những cuộc gặp mặt, xa gần. Là nơi cung cấp thực phẩm cho cả đám và là nơi tụ bạ của lũ bạn phổ thông cùng những thằng bạn lính. Tấm biển dựng ngay đầu cổng: “Đón nhau chiều thứ bảy, tiễn nhau ngày chủ nhật. Soải mái đi” được xem như lời hò hẹn. Ai có gì mang đến thứ đó, xì xụp đun nấu như thời ca cóng của lính. Mệt, lăn lên võng giăng khắp mọi nơi. Đứa nào thích thiên nhiên mời ra bờ ao. Đứa nào sợ đen da mời vào trong lán. Món “súp” bồng khoai, món ăn dân dã bao giờ cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Tao không thể nào quên được ánh mắt rưng rưng của thằng Thao khi được nhóm tổ chức sinh nhật: “Từ bé đến giờ tao không có ngày sinh, tao cũng chả nhớ ngày sinh tháng đẻ. Chúng mày làm tao cảm động quá”. Thế rồi bôi kem lên mặt nhau mà chẳng buồn lau. Chẳng khác gì lũ trẻ trâu. Vui thật…
          - Hôm ấy, ai đó đã đọc bài thơ, mày còn nhớ không?
          - Nhớ chứ, bài thơ ấy là của bạn con Hồng. “Vẫn là bạn thưở còn cắp sách/ Vẫn mày tao dù đã tuổi ông bà/ Vẫn đồng đội một thời sóng gió/ Rưng rưng hoài ánh mắt Trường Sa.”
          - Thôi, hoài cổ như thế được rồi.- Lão nói. Bây giờ mày nghe tao hỏi đây. Kinh phí ít, sức dân có hạn, mày lấy tiền ở đâu để xây dựng?
          - Có tiền mà làm thì thường quá. Không tiền làm nên mới vĩ đại.
          - Tao không hỏi cái “vĩ đại” ấy. Mày chỉ cần nói lấy tiền ở đâu thôi. Mày nên nhớ, tao hỏi không phải thóc mách hoặc đòi ăn chia với mày. Nói mau đừng quanh co.
          - Đơn giản thôi, tất cả đều là đất. Người nông dân suốt đời gắn với đất. Đất sinh ra tất cả. Vùng quê khi được đô thị hóa đất đắt kém gì thành phố đâu. Trục đường vào thôn dài cả cây số thừa sức cho tao “vẽ”.
          - Có được phép không?
          - Có chứ. Các bác ấy bảo: “Cứ làm đi, căn bản là hiệu quả.” Và tao làm. Mày không thấy báo chí ca ngợi ầm ầm à.
          - Có quyết định không? Chắc là không rồi. Báo chí hả? Báo này ca ngợi, báo kia rủa xả, vốn là lẽ thường mà. Cẩn thận tù như chơi đấy “con” ơi.
- Tù cái con tiều, phỉ phui cái mồm mày. Tao đâu có ngu, có nghị quyết của tất cả các hộ trong thôn, biểu quyết đàng hoàng. Tao cho ghi chép cẩn thận không sơ múi đồng nào. Cóc sợ.
          - Tao biết mày không chấm mút gì. Ngày còn khoác áo lính, mày làm hậu cần nhưng cũng chịu đói như chúng tao. Mày bảo: “Mình tao no, chúng mày đói thì có ra cái thằng người”. Nhưng bây giờ khác rồi. Sở dĩ tao gọi mày sang đây vì nghe loáng thoáng có đơn kiện mày làm trái Luật. Mà mày biết ai không, chính là cái thằng hăng hái xui mày bán đất.
          - Nhưng mà vợ nó cũng giơ tay biểu quyết mà.
          - Ôi giời ơi. Sao mày ngu vậy hở? Vợ nó chứ không phải nó. Nó sẽ đổ thừa là do trình độ hiểu biết kém nên a dua theo mọi người. Biểu quyết là thế nhưng ai quyết định người đó phải chịu.- Lão dừng lại. Như có gì nghẹn ứ.
          ***
          Sau buổi nói chuyện đó không lâu, cơ quan chức năng về làm việc. “Mặc dù có thành tích đi đầu và làm có hiệu quả trong xây dựng phong trào nhưng người đứng đầu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật đến mức phải thi hành kỷ luật.” Kết luận của đoàn nghe ra đánh giá có vẻ khách quan.
          - Tao ngu quá, đã không nghe mày. Nếu tao không tự bảo vệ được mình mày phải giúp tao đừng để bị đổi tội danh từ “Thiếu tinh thần trách nhiệm” sang “Tham ô tài sản.” Tao thề với mày không tư túi một xu. Nhưng biết đâu… Thằng bạn của lão rơm rớm nước mắt.
          Co chân lên ghế, thay đổi thế ngồi cho đỡ mỏi, lão khe khẽ rít thuốc lào, mắt nhìn sang bà vợ già đang nằm thở dấm dứt. Lão lại thở dài. Hơi thở dường như không thoát ra được, cứ ngắc ngứ trong cổ họng. Ngày mai họ về rồi. Biết nói cái gì đây…?"

 
                                                                                                                                                   
Chuyến đi thực tế Thịnh Long, Hải Hậu, Nam ĐịnhTháng 7 Năm 2022
CCB – Đại tá Trương Ngọc Hùng
Hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định
( Nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định)

tin tức liên quan