Một bí mật được giấu kín gần nửa thế kỷ - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 08:52 22/01/2023 Lượt xem: 130
MỘT BÍ MẬT ĐƯỢC GIẤU KÍN GẦN NỬA THẾ KỶ

        Truyện của Phạm Thành Long



Căp uyên ương Nguyễn Đô Lương và Hoàng Thị Ngà - nhân vật trong truyện "Một bí mật được giấu gần kín nửa thế kỳ".
           

          Một ngày Hà Nội đẹp trời. Tôi đột ngột nhận được điện thoại của Nguyễn Đô Lương, từ Hạ Hòa, Phú Thọ.
-Anh ơi, em được lên chức cụ nội rồi anh ạ!
          Tôi tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại:
-Ai lên chức cụ? Tiếng Lương cười trong điện thoại:
-Thì em chứ còn ai nữa anh. Đứa cháu dâu nội của em vừa sinh cho vợ chồng em một thằng chắt trai anh ạ. Bọn em gọi nó là Tôm. Trộm vía thằng bé kháu lắm, anh ạ. Ôi! Thế là vợ chồng em được lên chức cụ nội rồi anh. Mới sáu tám tuổi như em mà đã có chắt nội. Anh bảo có sướng không kia chứ! Hì hì! Chả thấy ông anh lên tiếng chúc mừng em câu nào thế hả?
-Thì từ nãy đến giờ chú cứ thia lia thế, anh chen vào lúc nào?
-Xin lỗi, nhưng em vui lắm anh ạ.
Chờ cho niềm vui của Lương “giảm ga” đi đôi chút, tôi mời từ từ hỏi:
-Chú cho anh hỏi nhé. Thế thằng chắt Tôm vừa chào đời là con đứa nào?
-Ấy chết, em chưa nói rành rõ để anh biết. Thằng Nguyễn Anh Hùng, con cả của em sinh đôi được hai cháu trai là Quang và Vinh. Cháu Quang là anh. Cháu Vinh thứ hai, nhưng cháu Vinh lại lấy vợ trước thằng anh nó, anh ạ. Vợ cháu Vinh vừa đẻ ra thằng chắt Tôm đấy anh.
-Ôi trời! Nhà chú có gien lấy vợ sớm có khác. Thằng cu Hùng có phải là đứa con “từ trên giời rơi xuống” mà chú không ngờ mình có con, đúng không?
-Đúng đúng! Nhưng nó là con trai của em sao anh lại bảo là “từ trên giời rơi xuống”!?
-Thế chả đúng còn gì? Khi thằng cu Hùng ra đời thì chú đã cưới hỏi gì mẹ nó đâu, kia chứ! Đêm trước khi lên đường vào Trường Sơn, chú chả “ăn vụng” nên mới có nó còn gì? Mà chú có bao giờ nghĩ chuyện mình có con đâu kia chứ!
-Thôi thôi ông anh, chuyện gần nửa thế kỷ rồi, anh còn nhắc lại làm gì? Ngày ấy bọn em yêu nhau thật sự mà. Lương cố thanh minh. Tôi cười.
-Thôi, chúc mừng cụ nội trẻ nhé. Cụ trẻ quá đấy! Anh dám chắc rằng mấy chục vạn lính Trường Sơn, chắc chắn chỉ có chú làm ông nội khi chưa đầy 68 tuổi!
-Có lẽ vậy! Thế nên em viết vội bài thơ mừng chắt nội em, em đã đưa lên phây rồi. Anh đọc nhé! Hà hà…
-Này này, thằng cu Tôm không phải là chắt đích tôn của em đâu?
-Sao anh lại bảo thế! Đứa con dâu của con trai em đẻ thằng con trai thì đích thị nó là chắt đích tôn của em, còn gọi là gì nữa anh?
-Thế chú chả vừa nói thằng Quang là cháu đích tôn của chú. Mà nó đã lấy vợ đâu! Con trai của nó mới là chắt đích tôn của chú nhá. Đúng là vui quá…hóa nghĩ lộn mất rồi chú em ơi!
Lương à lên rất to trong điện thoại.
-Ừ nhỉ! Anh không nhắc, em quên khuấy mất. Cu Tôm là chắt nội của em. Cám ơn ông anh đã nhắc em…
 
Điện thoại tắt. Tôi như còn nghe tiếng Lương cười. Tiếng cười của cậu ấy vẫn như ngày nào, tiếng cười chân thật và tự nhiên như chính con người của cậu ấy.
Nghe tiếng cười của “cụ Lương” trong điện thoại, tôi lại nhớ về cái ngày đầu tiên tôi gặp Nguyễn Đô Lương ở Trường Sơn.
Tháng 5 năm 1973, Sư đoàn 471 chúng tôi đang làm nhiệm vụ ở Nam Lào, thì được lệnh lật cánh về Đông Trường Sơn. Cơ quan sư đoàn bộ tạm thời trú quân tại khu vực sân bay Khâm Đức cũ của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Đà (nay là tỉnh Quảng Nam). Hơn mười ngày sau, lực lượng của sáu cơ quan thuộc Sư đoàn bộ kéo lên để “đánh thức” con đường 13 chạy từ Bến Giằng, vào sâu căn cứ của huyện Nam Giang. Đây là con đường mà Pháp đã mở từ Việt Nam chạy sang Nam Lào. Từ lâu, con đường gần như bỏ hoang nên lau sậy, cây cối mọc che kín con đường. Không ai còn có thể nhận ra con đường xưa từng dành cho xe cơ giới, với mặt đường rộng hơn ba mét. Giờ nó chỉ còn là một lối mòn nhỏ chạy giữa lau lách để đồng bào các dân tộc Nam Giang và cán bộ, bộ đội địa phương đi lại.
Con đường cũ đã dần lộ diện sau một tuần được mấy trăm lính cơ quan và đơn vị trực thuộc Sư đoàn chúng tôi “đánh thức”. Mỗi phòng, mỗi tiểu đoàn trực thuộc đều được phân công phục trách “khai phá” một đoạn đường mấy trăm mét dài. Tại những nơi nền đường hẹp, chiếc máy húc được Sư đoàn điều lên từ Trung đoàn 10 công binh có nhiệm vụ bạt vách núi để mở rộng đường sao cho hai ô tô có thế tránh nhau dễ dàng…
Sau khi “trả lại tên” cho con đường 13, tất cả sáu cơ quan và các tiểu đoàn trực thuộc đã hành quân rời Khâm Đức về đây để xây dựng căn cứ Sư đoàn bộ. Cách Bến Giằng chừng một ki lô mét lần lượt là vị trí của Viện Quân y 46 và Tiểu đoàn 18 quân y. Tiếp theo là vị trí của đại đội cảnh vệ, rồi phòng Tham mưu Tác chiến, Phòng Tham mưu Vận chuyển, Ban 5 và khu vực làm việc của Bộ Tư lệnh, Nhà khách Sư đoàn, Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần, Phòng Công binh. Ở “sâu” nhất là Tiểu đoàn An dưỡng - Huấn luyện. Căn cứ Sở chỉ huy Sư đoàn trải dài gần hai ki lô mét dọc con đường 13 bên dòng sông Thanh trong xanh.
Cuối tháng bảy năm một chín bảy ba, nhà ở và làm việc của các ban và nhà Chủ nhiệm Phòng Chính trị xây dựng gần như đã xong. Hôm ấy một chiếc com măng ca “đít vuông” từ ngoài đường 13 tiến vào sân của Phòng Chính trị. Bước xuống xe là Trung tá Ngô Mạnh Thu. Ông là Chính ủy Binh trạm 36. Ông về Sư đoàn nhận nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn. Một cậu mặt non choẹt bước xuống cùng ông. Được báo từ trước, nên cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn chúng tôi chạy lại giúp Chủ nhiệm chuyển đồ đạc, tài liệu từ xe mang vào nhà. Gần như tất cả chúng tôi đều biết Chủ nhiệm Ngô Mạnh Thu khi ông là Chính ủy Binh trạm 36 nên ông cười chào chúng tôi như người thân trong nhà. Chủ nhiệm dừng lại, nhìn chúng tôi, nói:
-Giới thiệu với các cậu, cậu Nguyễn Đô Lương, sinh năm năm ba, quê “Xin xà phòng” là công vụ của mình. Đoàn viên trẻ đấy!
Chúng tôi phá lên cười với lời giới thiệu “sặc mùi” lính tráng khi giới thiệu về quê hương cậu Lương của Chủ nhiệm. Lương nhìn chúng tôi ngượng ngùng, lý nhí cất tiếng:
-Em chào các thủ trưởng và chào các anh ạ. Dạ em được dùng ké tiêu chuẩn xà phòng của Thủ trưởng nên không phải đi xin đâu ạ.
Cậu Phồn, nhân viên đội điện ảnh, đứng cạnh quay sang hỏi tôi:
-Này anh Thành Long. Quê “Cầu tõm”, “Nhà máy cháo” hay “Rau má” thì em biết chứ quê “Xin xà phòng”thú thật em không biết là ở tỉnh nào đâu?
Chúng tôi lại ồ lên cười trước câu hỏi rất “ngây thơ” của “Phồn sứt”.
-Là ở Phú Thọ chứ ở đâu nữa. Ông không biết thật à? Tôi hỏi.
-Em không biết thì mới hỏi chứ! Nhưng Phú Thọ nổi tiếng với rừng cọ, đồi chè sao lại là “Xin xà phòng”nhỉ?
Chúng tôi lại cười vì sự thật thà của Phồn. Thấy thế, tôi liền giải thích:
-Ngày mới hòa bình. Xà phòng mà nhất là xà phòng thơm hiếm lắm. Các anh bộ đội đóng quân ở Phú Thọ ra sông tắm. Các cô gái địa phương nơi đóng quân bạo dạn lắm. Khi tắm cùng một bến sông với bộ đội, nhiều cô gái che ngực, khép đùi tiến lại phía các anh bộ đội để xin xà phòng thơm gội đầu…Giai thoại về chuyện các cô gái xin xà phòng nhanh chóng lan truyền. Từ đấy cái tên dân “Xin xà phòng” được bộ đội ta đùa vui gắn với quê hương Phú Thọ là vì thế. Cậu hiểu chưa?
Phồn à lên thích thú:
-Chuyện hay thế mà giờ em mới biết! Rồi cậu ta dơ tay lên vẫy:
-Chào cậu Lương “Xin xà phòng” nhé!
Anh Lê Xuân Toản, quê Tam Nông, Phú Thọ bây giờ mới lên tiếng.
-Tớ cũng là dân “Xin xà phòng” đây. Chào đồng hương nhé! Cậu ở huyện nào thế? Lương như bắt được vàng khi gặp được người đồng hương ở đây.
-Dạ em chào anh. Em ở Chính Công, Hạ Hòa, anh ạ. Còn anh?   
-Tớ ở Vĩnh Lại, Tam Nông đây.
-Thế ạ! Nói rồi, Lương chạy lại ôm chầm lấy anh Toản.
-Ở phòng ta còn có cậu Nguyễn Văn Toàn đội điện ảnh, Ban Tuyên huấn, người Thanh Ba đấy…
Lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ cậu ta: Khuôn mặt tròn, miệng nhỏ, da trắng, người tầm thước, toát lên vẻ thư sinh. Sau này tìm hiểu tôi mới biết Nguyễn Đô Lương nhập ngũ giữa tháng mười hai năm bảy mươi tại Sư đoàn 304 B và huấn luyện ở huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc. Theo kế hoạch, đơn vị của Lương hành quân vào bổ sung cho chiến trường B2 – Nam Bộ. Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào vừa kết thúc, đơn vị của Lương được Bộ điều bổ sung lực lượng cho Trường Sơn. Thế là Lương trở thành lính của Binh trạm 36. Thấy Nguyễn Đô Lương nhanh nhẹn lại tốt nghiệp lớp 10, mặt mũi, vóc dáng cũng ưa nhìn nên quân lực Binh trạm liền điều cậu về làm công vụ cho Chính ủy Ngô Mạnh Thu. Đầu tháng sáu vừa qua, cậu ta được “bám càng” Chính ủy ra họp quân chính ngoài Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Lương được các thủ trưởng cho về thăm quê ít ngày.
Lương rất chịu khó, công việc phục vụ Chủ nhiệm khá bận bịu. Ngoài phục vụ về hậu cần, cậu luôn được Chủ nhiệm sai chuyển công văn, tài liệu đến các Phòng ban trong các Cơ quan của Sư đoàn, đến Chính ủy hoặc Tư lệnh Sư đoàn…Những lúc rảnh rỗi ít ỏi trong ngày, Lương thường sang Ban Tuyên huấn chúng tôi chơi. Ban Tuyên huấn của chúng tôi là đơn vị duy nhất trong Phòng có nhiều lính trẻ. Nhiều hôm, Lương lao vào phụ tôi và Nguyễn Chí Công sản xuất tranh, khẩu hiệu bằng phương pháp in lưới. Lại có hôm, Lương phụ giúp tôi và Chí Công in Rô nê ô tờ Bản tin của Sư đoàn. Có hôm mải mê giúp chúng tôi, Chủ nhiệm Ngô Mạnh Thu có việc ới gọi, Lương lao về nhà với hai bàn tay lem luốc mực in. Trái với cậu Sơn, cậu Nghiêm nhân viên cơ công và Nguyễn Chí Công họa sĩ, Lương khá kín tiếng. Ít khi nào Lương thổ lộ về gia đình, về quê hương. Tất cả chúng tôi càng không nghĩ Lương đã có vợ. Vì thế mà một bí mật “tày trời” của Lương ngày ấy mà tất cả chúng tôi không ai được biết. Tất nhiên Chủ nhiệm Ngô Mạnh Thu thì biết rành rọt về “bí mật” này. Nhưng cụ lại rất kín tiếng, không muốn cậu công vụ mặt non choẹt của mình bị trêu trọc về câu chuyện “sự cố hôn nhân”... Tôi vô cùng ngạc nhiên về sự kín tiếng của Chủ nhiệm Ngô Mạnh Thu. Nhưng sau khi biết cụ là một trong những trợ lý thanh niên đầu tiên của quân đội ta ở Tổng cục Chính trị thì tôi mới hiểu: Thảo nào cụ hiểu tâm lý thanh niên như vậy! 
Mãi gần 50 năm sau, bí mật được giấu kín ngày ấy đã được Lương hé lộ với tôi.
 
  1.  
 
Khi tốt nghiệp lớp mười, mùa hè năm bảy mươi, Lương về tham gia sinh hoạt Đoàn ở địa phương. Bố cậu lúc ấy là Phó Chủ tịch xã. Ông kêu cậu tham gia làm việc ở Lò thúc mầm của hợp tác xã nằm trong khu trung tâm. Ngay từ ngày đầu đến làm việc tại đây, cậu đã bị cô gái Hoàng Thị Ngà – người xinh nhất làm việc ở Lò thúc mầm hớp hồn. Mấy ngày sau cậu mới biết Ngà là con gái cưng của ông Chủ nhiệm hợp tác xã Hoàng Văn Hòe, nhà ở thôn bên cạnh. Trái tim của cô bé Ngà cũng đã bắt được “tần sóng” từ “cậu tú” Nguyễn Đô Lương. Tình yêu đầu đời thật lạ. Nó hớp hồn cả hai. Ngày nào mà đôi trai gái ấy không nhìn thấy mặt nhau thì cả hai đều bồn chồn, bứt dứt, đứng ngồi không yên. Lò thúc mầm không phải hôm nào cũng có việc làm đâu. Thành thử để có điều kiện gặp mặt nhau, Lương và Ngà đều tìm mọi cách để được gặp nhau, nhìn nhau trong yêu thương…Có những buổi chiều, Lương và Ngà cùng rảo bước trên đê Gò Gão. Rồi đôi trai gái ấy thường dắt tay nhau dạo bước dưới đồi bạch đàn xanh ngắt của quê hương. Họ nắm tay nhau mà trái tim rạo rực. Thầm nghĩ về nhau bao điều nhưng cả hai cứ đi như thế trong tiếng lá sào sạc, tiếng chim truyền cành…Họ đi sát bên nhau. Hơi ấm cơ thể mà họ truyền cho nhau trong sự rung động thổn thức của hai trái tim…Nhưng rồi đôi trai gái ấy dù có nhau đến ngất ngây nhưng họ không dám vượt qua cái ranh giới mà xã hội ngày đó không cho phép...
Giữa tháng mười hai năm ấy, Lương nhận được thông báo trúng tuyển vào bộ đội. Lương hồi hộp báo tin này với người yêu. Ngà im lặng, cúi đầu dấu giọt nước mắt vừa trào ra khóe mi… Nước mắt của cô ướt đẫm vai người yêu. Cô như người bước đi bị hụt hẫng, lảo đảo như muốn gục xuống... Đêm trước của ngày ngập ngũ, Lương Ngà hẹn nhau chia tay ở đồi bạch đàn, nơi mà họ nhiều lần từng nắm tay nhau trò chuyện và đi bên nhau… Không còn vẻ e thẹn, ngượng ngùng như mọi khi, chỉ kịp thốt lên tiếng gọi “anh!” và “em!” cả hai lao vào ôm chầm lấy nhau trong thổn thức dồn nén. Cơ thể họ như hòa làm một trong cái rét thấu xương của những ngày cuối năm bảy mươi. Lương ôm chặt Ngà trong tay. “Ngày mai mình đã khoác áo lính rồi. Thế là không còn được nhìn ngắm em mỗi ngày…” Một sự hụt hẫng ập đến! Ôm chặt người yêu trong vòng tay, từ trong sâu thẳm, Lương có dự cảm, “lẽ nào người con gái đang nằm trọn trong đôi tay của mình sẽ là người gắn bó cùng anh đi suốt cuộc đời?…” Nhưng rồi, nghĩ về phía trước, đời người lính thời chiến biết tương lai thế nào…Lương cảm thấy trống trếnh…Lương càng ôm chặt người yêu trong nghẹn ngào… Đêm ấy cả hai đã nói với nhau nhiều lắm. Trong sự dồn nén của tình yêu đầu đời, đêm ấy không còn sự ngượng ngùng, không còn sự sợt sệt của dư luận xã hội, họ đã cùng “dắt tay nhau” đi đến tận cùng của tình yêu đôi lứa. Họ đã tự nguyện dâng hiến, đã trao điều cao quý thiêng liêng đầu đời của người con trai, con gái cho nhau mà không chút do dự. Ranh giới của tình yêu đã bị phá vỡ!...
     Hôm sau, Nguyễn Đô Lương khoác ba lô hành quân về Hiệp Hòa, Hà Bắc. Rồi đơn vị anh hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường…
 
  1.  
 
Đầu năm bảy ba, Lương nhận được bức thứ khá dài của người cậu ruột Trần Khanh. Ông đang dạy học ở quê nhà. Bức thư phải sau sáu tháng mười bốn ngày vượt Trường Sơn mới đến tay Lương. Anh bàng hoàng khi đọc bức thư của cậu. Cậu báo tin “Tháng mười năm bảy mốt, cháu đã được làm bố rồi, cháu có biết không? Con của cháu được mẹ nó đặt tên là Nguyễn Anh Hùng. Nó là một bé trai rất kháu kỉnh và giống cháu như đúc ấy. Nhưng cháu có biết không, những ngày tháng qua cháu Ngà đã phải sống trong điều tiếng, trong sự ê chế, dèm pha, dị nghị của gia đình, họ hàng, làng nước kinh khủng lắm. Ngà giấu bố mẹ. Nó quấn bụng suốt mấy tháng đầu để che giấu cái bụng ngày một lớn dần…Thế rồi khi cháu Hùng ra đời, mẹ cháu đã định mang nó cho đi… Nhưng tình mẫu tử đã níu cản điều ấy. Nhờ có tình thương yêu đùm bọc, che chở của bà gì ruột, Ngà đã nguôi ngoai phần nào. Nhưng Ngà lại phải vượt qua một thử thách mới rất lớn để nuôi con một mình, cháu ạ…Nghe lời đồn, bố mẹ cháu ban đầu không tin. Vì trước khi lên đường có thấy cháu nhắc về người yêu của cháu bao giờ đâu. Rồi bố cháu phải kiếm cớ sang nhà ông Hoàng Văn Hòe, bố cháu Ngà để xem mặt thằng bé. Khi biết thằng cu Hùng rất giống cháu, bố cháu mới tin mình đã là ông nội… Tuy nhiên, bố mẹ cháu cũng không dám nhận con, nhận cháu. Vì nếu nhận, sau này cháu trở về cháu không đồng ý thì giải quyết thế nào?... “Sự cố” này vẫn đang treo lơ ửng trên đầu cháu Ngà – mẹ của con cháu đấy… Nếu có điều kiện thì cháu xin đơn vị ra Bắc mà giải quyết “hậu quả” nhé!... Lương đọc thư của cậu mà nước mắt tuôn trào. Hàng trăm, hàng ngàn ý nghĩ tựa quả núi ập xuống đầu chàng thanh niên mới lớn như Lương. Anh thương Ngà quá! Chỉ vì “cái đêm hai đứa vượt qua ranh giới” ấy mà anh đã để em phải chịu biết bao đau khổ, khó khăn cùng cực suốt thời gian qua”… Lương đọc không biết bao nhiêu lần bức thư của cậu Khanh. Từ hôm ấy, Lương luôn sống trong sự dằn vặt tự trách mình… “Giờ này thằng cu Hùng con mình đã được hơn một tuổi rồi. Một mình em nuôi con trong biết bao khó khăn. Bao giờ anh mới được về bên em, chia sẻ nỗi nhọc nhằn cùng em đây”…
Từ hôm nhận thư, Lương như người mất hồn. Cậu thừ người hàng giờ rồi lại kín đáo lau nước mắt… Biểu hiện không bình thường ấy của Lương đã không qua được ánh mắt dạn dày kinh nghiệm của Chính ủy Ngô Mạnh Thu và Binh trạm trưởng Trương Văn Thanh. Trước bữa cơm chiều, hai ông gọi Lương đến bên.
-Cậu có chuyện gì mà buồn thế? Nói xem nào? Gia đình ngoài quê có tang à? Ai vậy? Nói xem nào? Chúng tớ sẽ gỡ cho.
Lương rất sợ. Nếu thú nhận tất cả liệu các thủ trưởng có kỷ luật mình không? Trường hợp có con của mình là “có con ngoài giá thú”. Rõ là vi phạm pháp luật rồi. Chắc gì các cụ đã bỏ qua?... Lương cúi mặt, thừ người ra trong bối rối.
- Có chuyện khó nói thế à? Nếu tin bọn tớ thì tiết lộ “bí mật quân sự” xem nào, bọn tớ sẽ giúp! Chính ủy hài hước nhưng chân tình thúc giục Lương. Lâu nay hai cụ vẫn coi Lương như con mà. Trước sự chân tình của hai thủ trưởng, Lương dụt dè đưa bức thư của cậu Khanh cho hai thủ trưởng xem. Lương nhìn hai cụ cùng chụm đầu đọc thư trong hồi hộp và người run lên vì lo sợ. Không biết sự cố ngoài ý muốn của mình có được các cụ thông cảm?...
Sau khi đọc xong bức thư, cụ Thanh cười phá lên:
- Thằng này giỏi nhỉ? Bắn một phát trúng luôn điểm mười! Chính ủy Ngô Mạnh Thu thì từ hỏi:
-Thế tớ hỏi thật, cậu có yêu con Ngà thật bụng không?
Không ngẫm nghĩ gì, Lương trả lời luôn:
-Dạ em vẫn yêu vợ con em chứ ạ?
Binh trạm trưởng nghiêm sắc mặt, nói:
-Này này, cậu đừng có mà nhận vơ nhé. Đã cưới xin người ta đâu mà cậu nhận là vợ, hả? Nhận con thì được. Đương nhiên cậu phải nhận rồi! Chối bỏ là chúng tớ kỷ luật cậu đấy, hiểu chưa? Nói rồi cụ Thanh phá lên cười. Thật hú hồn. Đến lúc này Lương mới bớt run.
-Đầu tháng sáu này, chúng tớ ra Quảng Bình họp quân chính, sẽ cho cậu đi cùng để tranh thủ về quê mà giải quyết “hậu quả” nhé! Muốn không? Chính ủy đánh mặt hỏi Lương.
-Dạ có chứ ạ. Em cám ơn hai thủ trưởng ạ!
-Được rồi. Nhưng với một điều kiện: Ngay từ bây giờ cậu phải bỏ bộ mặt đưa đám của cậu đi thì chúng tớ mới duyệt. Rõ chưa! Cụ Thanh ra điều kiện.
-Dạ dạ, em xin lỗi hai thủ trưởng ạ. Em vui rồi ạ! Vui lắm lắm rồi ạ!...
 
  1.  
 
Thế rồi, đầu tháng sáu năm bảy ba, từ Nam Bạc ra tới căn cứ Bộ Tư lệnh Trường Sơn đóng ở xã Hiền Ninh, Quảng Bình, hai cụ lao vào họp quân chính. Còn Lương thì được hai thủ trưởng cho tranh thủ về quê cưới vợ. Trong ba lô của cậu có cả giấy giới thiệu của Binh trạm ghi rõ “về địa phương tổ chức gia đình” hẳn hoi. Lương không nghĩ mình lại được hai cụ ưu ái ngoài sức tưởng tưởng như thế. Trước khi đi, Chính ủy còn dặn: “Khi nào giải quyết chuyện gia đình ổn thỏa thì trở lại đơn vị. Nhớ đừng làm chúng tớ thất vọng nhé!” Thật hiếm có thủ trưởng nào lại ưu ái với lính tráng như mình. Được nghỉ phép mà không giới hạn ngày trả phép…
 
  1.  
Run rủi thế nào mà trên chuyến tàu hỏa từ Hà Nội về đến Phú Thọ, Nguyễn Đô Lương lại gặp được cậu Đức, người cùng xóm với anh. Cậu ta  rối rít khoe:
-Anh ơi, anh có biết không, bố mẹ anh và gia đình có sang nhà chị Ngà để đặt vấn đề chính thức đấy. Bố mẹ chị ấy thì đồng ý nhưng ông trẻ của chị Ngà lại không đồng ý vì lý do “chiến tranh chả biết anh Lương sống chết thế nào! Chúng tôi mà đồng ý nhỡ sau này, nói dại… Thì cháu tôi lại mang tiếng lần nữa ư? Giờ nó đã mang tiếng là không có chồng mà có con rồi”…Vì thế mà chuyện của anh và chị Ngà vẫn chưa chính thức đâu. Anh về thế này thì chị Ngà và hai bên gia đình mừng lắm đấy!...
Chiều hôm ấy, Nguyễn Đô Lương quyết định dừng lại ở đồi bạch đàn. Anh mắc võng nằm chờ trời xẩm tối mới dám đi về xóm của Ngà. Đồi bạch đàn này là nơi Lương và Ngà nhiều lần nắm tay nhau đi dưới hàng cây những ngày đầu yêu nhau. Lương hồi hộp và tủm tỉm cười. Anh đảo mắt để cố tìm cái gốc bạch đàn, nơi mà đêm ấy hai đứa đã “dắt tay nhau” bước qua cái ranh giới của tình yêu… Anh cười về sự ngây thơ của mình… Nào ngờ sau cái đêm ấy, hình hài thằng cu Hùng đã hiện hiện…
Trời sập tối. Lương tháo võng, xốc ba lô bước nhanh về ngôi nhà của gia đình Ngà ở ven đồi. Trái tim anh đập mạnh. Bao ý nghĩ dồn lên trong đầu. Ngà sẽ thế nào khi gặp mình đây? Gia đình Ngà sẽ phản ứng thế nào khi mình xuất hiện? Liệu thằng cu Hùng có theo mình không? Vân vân và vân vân. Khi Lương đi qua cổng nhà ông Bảo – người họ với Ngà, nhà ở ngay dưới ngôi nhà của Ngà. Ông Bảo há hốc mồm không nói được câu nào khi bất ngờ nhìn thấy Lương. Rồi ông vội gọi rất to: “Mợ Ngà ơi, mợ Ngà! Cậu Lương về rồi đây này!”
Lương bước vào sân. Lúc này Ngà đi nhổ mạ chưa về. Chỉ có ông Hòe đang bế thằng Hùng đứng chơi trước cửa nhà. Nhìn thấy Lương, ông vội kêu lên:
-Ối anh Lương! Rồi ông bế bé Hùng chạy ra đón Lương.
-Anh về thật rồi sao! Thằng cu Hùng con anh đây. Nói rồi ông đưa cu Hùng cho Lương bế. Thằng cu không biết lạ là gì. Hình như thần giao cách cảm mách bảo thằng bé. Nó đã chìa hai tay ra phía bố Lương xin bế! Ông Hòe nhìn Lương vai vẫn đeo ba lô, tay bế bé Hùng. Nước mắt cứ chảy ra. Ông mỉm cười sung sướng và thú nhận với anh con rể tương lai:
 -Vừa nghe ông Bảo kêu thế, tôi không tin ở tai mình nữa. Tôi mừng quá! Thế là bố thằng Hùng về thật rồi!
Thật không thể dùng từ nào có thể tả cho đúng cái cảm giác mà một chàng trai mới tròn hai mươi tuổi như Lương được bế đứa con trai hơn một tuổi trên tay… Một lúc sau thì Ngà về. Chân tay cô bủn rủn. Chiếc đòn gánh và đôi quang gánh tuột khỏi tay cô lúc nào không hay. Cô cứ đứng như thế rất lâu cho tới khi Lương bế con đi lại phía cô…
Tối hôm ấy nhà ông Hòe chật ních người. Bà con chòm xóm, họ hàng kéo đến chật nhà. Sự xuất hiện của Lương đã xóa đi mọi dị nghị, mọi đồn thổi trùm lên ngôi nhà và mẹ con Ngà suốt thời gian qua. Ai cũng chúc mừng ông Hòe, chúc mừng Ngà và bé Hùng. Lương và Ngà thật sự sống trong hạnh phúc.
Khuya muộn hôm ấy Lương và Ngà đã được sống những giờ phút bên nhau thật hạnh phúc. Giữa họ bây giờ không còn là “khoảng cách” mà họ vừa rụt rè vừa dũng cảm và ngây ngất bước vào ngày nào…
Đám cưới của Lương và Ngà được tổ chức sau đó ít ngày. Lương được ở bên vợ, con đến ngày thứ mười lăm thì anh lại khoác ba lô vào Trường Sơn.
 
  1.  
 
Đầu năm một chín bảy sáu, tôi rời Nha Trang vào Viện quân y 175 Sài Gòn điều trị bệnh. Từ Nha Trang, Lương được Sư đoàn cho ra Bắc học trường quản lý kinh tế. Từ đấy tôi và Lương không có tin tức gì về nhau cho tới năm hai ngàn lẻ bốn. Nguyễn Đô Lương và anh Lê Xuân Toản đưa nhau về dự họp mặt kỷ niệm lần thứ 30 thành lập Sư đoàn tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Từ đấy, chúng tôi thường xuyên gặp nhau trên điện thoại hoặc trên zalo. Sau này tôi mới được biết: Tháng 9 năm 1979 vết thương tái phát, những cơn đau đầu hành hạ liên tục, nên anh được Sư đoàn cho giải ngũ. Về địa phương, Lương mất hai năm liền đi chữa bệnh. Sức khỏe tạm ổn, anh được địa phương mời ra làm nhân viên kế hoạch của hợp tác xã nông nghiệp, làm cán bộ quản lý đất đai của UBND xã, rồi cán bộ Mặt trận Tổ quốc… Năm 1976 và 1980 hai cậu con trai: Nguyễn Tiến Dũng và Nguyễn Thế Mạnh liên tiếp chào đời. Năm 1982 vợ chồng anh lại có thêm cô con gái út Nguyễn Thúy Hà…Giờ thì anh và Ngà sống điền viên, hạnh phúc cùng gia đình con trai cả Nguyễn Anh Hùng ở Khu 9 xã Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ.
Vậy mà phải đến mấy năm gần đây, câu chuyện bí mật “ăn cơm trước kẻng” và “có con ngoài giá thú” mới được Lương kể với tôi.
Bí mật ấy được Nguyễn Đô Lương giấu kín gần nửa thế kỷ được hé lộ. Không biết trong số mấy chục vạn lính Trường Sơn còn bao điều “bí mật” bị giấu kín như câu chuyện của Nguyễn Đô Lương, nhỉ?

tin tức liên quan