Nguyễn Hữu Quý và bài thơ “Lau Biên giới” của Chế Lan Viên

Ngày đăng: 08:17 20/02/2023 Lượt xem: 705
Nguyễn Hữu Quý và bài thơ “Lau Biên giới” của Chế Lan Viên
 
LAU BIÊN GIỚI
 
Ai lên biên giới cho lòng ta theo với
Về với ngàn lau chỉ trắng có một mình
Những ngàn lau đứng canh cho bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh.

Chế Lan Viên

 
Lời bình của Nguyễn Hữu Quý:
 
       Chữ nghĩa trong một bài thơ tứ tuyệt hay như những chiến binh tinh nhuệ, ít mà mạnh. Sức mạnh của ngôn từ thể hiện khả năng dồn nén cảm xúc và ý tuởng của người viết để khi đến với bạn đọc nó bùng tỏa theo cấp số nhân gợi ra cho họ những bến bờ mới. Vì chỉ có 4 câu nên sự cân nhắc trong chọn lựa hình ảnh, ngôn từ phải rất công phu kỹ càng. Mỗi hình ảnh phải mang nhiều ý nghĩa, có bề mặt và có chiều sâu; cái đích của bài thơ thường nằm ngoài đối tượng được đề cập cụ thể trong bài, nó thuộc tầng dưới, tầng âm và ở ngoài những con chữ gánh vác vai trò ẩn dụ và biểu tượng kia.
"Ai lên biên giới cho lòng ta theo với"
       Biên giới, sự thiêng liêng của nó không nói ra thì ai cũng biết. Đó là vùng đất phên dậu của Đất nước, là cương vực của non sông, là tài sản vô giá của Tổ tiên, Ông cha ngàn đời để lại. Bao nhiêu máu, mồ hôi, nước mắt của dân tộc đã đổ xuống đó, trên mỗi thước đất, ngọn suối, đỉnh núi, rặng cây…Là người yêu nước ai mà không diết da thương nhớ, yêu mến biên giới biển đảo của Tổ quốc mình. Biên giới, đã một lần đến thì khó quên lắm bởi những cảm xúc mà vùng đất này để lại trong lòng ta. Khi biên cương “có chuyện” thì tình cảm ấy lại bùng lên dào dạt, ai cũng muốn có mặt ngay nơi bờ cõi giang sơn. Nếu vì lý do gì đó mà chưa đến được thì nhắn gửi: "Ai lên biên giới cho lòng ta theo với" như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết. Thực ra, tấm lòng nhà thơ đã luôn hướng về biên giới rồi. "Ai", duy nhất có từ ấy chỉ con người. Còn toàn bộ 3 câu thơ còn lại là nói về lau, một thứ cây mọc bạt ngàn nơi biên cương xa vắng. Lau là gì, lau là ai mà đọc lên ta nghe bâng khuâng xào xạc đến vậy?
"Về với ngàn lau chỉ trắng có một mình".
       Lòng ta đã theo ai đó lên biên giới và giờ đây trước mắt ta, trong hồn ta đã thấy miên man những triền hoa lau trắng. Lớp lớp ngàn lau đong đưa trong gió lạnh. Lớp lớp ngàn lau nhấp nhô, trắng như sóng, như mây. Lau trắng với lau nơi xa xôi heo hút thưa vắng bóng người. Cái màu trắng của ngàn lau ấy đã trắng từ xưa và tới bây giờ vẫn trắng. Trắng như là sự mặc định truyền kiếp về một ranh giới:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…"
       Cái màu trắng ấy như sự tồn sinh muôn đời của non sông đất nước. Cái màu trắng của ngàn lau nơi phên dậu dù hoang vắng đến bao nhiêu cũng là màu cỏ cây Tổ quốc, nó là một phần của đất đai thiêng liêng yêu dấu.
"Những ngàn lau đứng canh cho bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh".
       Nếu tôi không nhầm thì cây lau trổ bông về mùa lạnh. Muôn vàn bông lau trắng mong manh quét qua quét lại trong những cơn gió bấc thổi từ phương Bắc tới. Mềm mại, mỏng mảnh nhưng những cây lau, bông lau ấy không hề bị đổ rạp trước bao đợt gió lạnh ào ạt, dồn dập đổ về. Dẻo dai, nhẫn nại đến mức khó ngờ. Cuộc giao tranh giữa gió và lau kéo dài từ năm này qua năm khác và những ngàn lau kia chưa bao giờ chịu thua, chịu khuất phục đối phương; như khúc luân hồi bất tử, đến mùa đông khi những trận gió lạnh căm căm phũ phàng tràn sang thì lại trổ trắng bông. Những ngàn lau ấy đích thị là những chiến binh, dân binh đứng canh cho bờ cõi. Là ngàn ngàn cột mốc đánh dấu chủ quyền của Tổ quốc ta. Bền bỉ. Nhẫn nại. Mềm mại. Can trường. Lặng lẽ. Như ngàn lau đứng đầu gió, những người lính, người dân biên cương xưa và nay bám rễ, trụ lại trên mảnh đất ông cha với sứ mệnh canh giữ vẹn toàn lãnh thổ.
       Đến bây giờ thì ta đã cảm nhận rõ ngàn lau trắng, ngàn lau đứng canh cho bờ cõi, ngàn lau suốt một đời cùng với gió giao tranh nơi biên giới ấy là ai?

 
Nguyễn Hữu Quý
(Phó CT Hội VHNT Trường Sơn)
 
QUY BINH THO

tin tức liên quan