"Công thần Trường Sơn" - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 05:41 01/04/2023 Lượt xem: 783
 “CÔNG THẦN TRƯỜNG SƠN”
                                                   Phạm Thành Long
 
     Cứ tưởng các lĩnh vực khác của xã hội mới có hiện tượng công thần. Nhưng hóa ra với nhiều anh lính già Trường Sơn chúng ta cũng không hiếm biểu hiện “công thần” đâu. Tôi gọi hiện tượng này ở không ít đồng đội Trường Sơn là “Công thần Trường Sơn”!
      Thành tích và sự cống hiến trong cuộc đời của mỗi người đều đáng tự hào lắm chứ! Nhất là với những người mặc áo lính Cụ Hồ, lính Trường Sơn. Nhưng tự hào phải đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ, ấy mới là cái tự hào chính đáng!
          Hiện nay, sự biểu hiện của “công thần Trường Sơn” cũng khá nhiều và có nhiều dạng lắm.
          Phần nhiều đồng chí sau khi rời Trường Sơn vẫn tiếp tục khoác áo lính trong các đơn vị quân đội. Rồi họ được quân đội cho nghỉ hưu. Cứ đến hẹn lại lên, họ được thăng quân hàm. Nhiều người là Thượng tá, Đại tá…Đó là chuyện bình thường “đến hẹn lại lên”, đánh dấu dự cống hiến cho quân đội của nhiều người. Anh Ngô Văn Dụ, đồng đội của tôi ở Sư đoàn 471. Khi chuyển ngành ra công tác ở Bộ Nông nghiệp (năm 1984) anh chỉ mang quân hàm Đại úy (Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp của sư đoàn). Rồi anh được Bộ Nông nghiệp cho đi Liên Xô đào tạo. Về nước, anh được điều về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng. Từ chuyên viên, anh lần lượt phấn đấu làm Phó Chánh Văn phòng rồi Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Anh là Ủy viên BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng. Với chức vụ cao trong Đảng, Đại úy Ngô Văn Dụ ngày nào có thể sáng ngang với cấp hàm cấp Thượng tướng, Đại tướng của quân đội…Nhưng chưa bao giờ anh thể hiện sự “công thần” với đồng đội chúng tôi. Anh gần gũi, thân tình với tất cả đồng chí, đồng đội…
       Nhiều người lính Trường Sơn, sau năm 1975 đã chuyển ngành hoặc phục viên, về địa phương công tác. Trong số họ, nhiều người đã trưởng thành nhanh chóng. Có người đảm nhiệm chức vụ cao của chính quyền các cấp. Những lần gặp mặt đơn vị Trường Sơn, gặp lại các thủ trưởng cũ của mình, họ vẫn rất khiêm tốn và chân tình với thủ trưởng cũ và đồng chí, đồng đội. Nhưng không ít cán bộ lãnh đạo cũ của họ ở Trường Sơn đã buông lời rất "công thần" rằng: Nó là lính của tớ ấy mà! Trong con mắt của họ, hôm nay "nó" vẫn là lính của mình! Thế mới khổ!
     Một số lãnh đạo các Hội TS địa phương trước khi nghỉ hưu cũng mang quân hàm Thượng tá, Đại tá. Nhưng khi làm việc với lãnh đạo địa phương lại mang tâm thế của bậc cha chú, có quân hàm khá oai. Họ nghĩ, nếu phiên lương quân hàm ra thì họ còn cao hơn hoặc tương đương với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Tỉnh…Khi làm việc với các cơ quan, đoàn thể và lãnh đạo địa phương, họ “mang tâm thức” là cha chú và có hàm cấp cao…Vì thế khó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ Sở ngành và lãnh đạo Mặt trận, lãnh đạo địa phương. Đồng chí Phó Chủ tịch Hội TS tỉnh nọ, do mỗi quan hệ đã liên hệ được 50 suất quà từ một cơ quan nọ của tỉnh. Vị này đã soạn thảo sẵn công văn mang lên để Chủ tịch Hội ký. Sau khi đọc xong nội dung công văn, ông Chủ tịch nọ kiên quyết không ký. Ông ta bảo: Họ tặng quà, sao phải cần có công văn? Họ tặng quà bộ đội Trường Sơn thì họ phải mang tới tặng chứ? Chúng ta không đi xin nhé! Dù Phó Chủ tịch “gãy lưỡi” giải thích: Đây chỉ là thủ tục thôi anh ạ. Tuy nhiên, ông Chủ tịch nọ vẫn kiên quyết không ký. Thế là Tết năm ấy, 50 hội viên Trường Sơn của tỉnh không được nhận món quà Tết trị giá 500 ngàn đồng một suất, chỉ vì sự “công thần Trường Sơn” của vị Chủ tịch Hội TS nọ… Có lẽ do "công thần Trường Sơn" mà nhiều đơn vị đã không nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo và các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp ở địa phương. Vì thế kinh phí hoạt động vô cùng khó khăn!.
          Còn có chuyện biểu hiện “công thần” khá nực cười sau đây. Tôi có một anh bạn học tên Ba về hưu ở quân đội. Một hôm gặp bạn bè, có người hỏi: Ông về hưu lương lậu thế nào, đủ tiêu không?
       Ba tự hào bảo: Mình lương Đại tá nâng lương lần 2 – tương đương Thiếu tướng nên cũng tàm tạm!. Tôi biết nâng lương vượt khung ở quân đội cho một cấp hàm cũng giống như nâng lương vượt khung ở dân chính thôi mà.
      Nghe thế, tôi liền bảo: Lương Đại tá là Đại tá, làm quái gì có lương tương đương Thiếu tướng hả ông?
     Ông bạn tôi nóng tai liền bảo: Thì lương của tớ tương đương Thiếu tướng, thì tớ mới bảo là Thiếu tướng mà!
     Để cho ông bạn quý thích “công thần” và khoe mẽ này một bài học, tôi nói tiếp: Ông có dám cá với tôi không? Ông tìm ở đâu có văn bản ghi Đại tá nâng lương lần 2 là lương Thiếu tướng tôi biếu ông 100 triệu!
      Biết là không thể, ông bạn tôi không nói gì.
      Tôi vẫn chưa chịu, nói tiếp: Cậu Hùng hỏi ông lương lậu về hưu thế nào, đủ tiêu không? Ông chỉ nên thông báo: Lương hưu của tớ giờ được (ngần này), là đủ? Việc gì phải khoe “lương Đại tá nâng lương lần 2 là lương Thiếu tướng”! Sĩ vừa vừa vừa thôi. Tớ biết cậu Khoa lớp mình, lương Cố vấn bậc 2 còn cao hơn cả lương Trung tướng quân đội mà nó có khoe  đâu!
        Tôi nói thế, cậu Ba đành đánh trống lảng để chữa thẹn...
      Có một sự biểu hiện “công thần” dạng khác ở nhiều hội viên Trường Sơn. Ấy là việc “mang nhầm quân hàm”. Ngày trước, ở Trường Sơn, việc phong quân hàm khá chậm chễ. Vì thế, có người chiến đấu ở Trường Sơn 7-8 năm nhưng khi ra quân sau năm 1975, rất thiệt thòi. Nhiều người chỉ là Trung sĩ, Thượng sĩ…Các nữ chiến sĩ Trường Sơn phần lớn đều ra quân hoặc chuyển ngành sau năm 1975, 1976…Thế mà, các bạn cứ để ý mà xem, những cuộc gặp mặt truyền thống bây giờ, có mấy ai đeo quân hàm Trung sĩ, Thượng sĩ đâu? Gần như tất cả đều “trở thành” sĩ quan cả!? Bây giờ trong các cuộc gặp mặt bạn có “tìm cả ngày” cũng chẳng thấy một bóng một “chiến sĩ thực thụ” nào cả! Vẫn biết, nhiều người cũng mặc cảm với quân hàm “lính” của mình nên mới có chuyện “mang nhầm” quân hàm như thế! Nếu mà họ cứ mặc quân phục rồi đeo thêm “miếng tiết” trên ve áo cũng được mà! Cứ gì phải mang đầy đủ quân hàm kia chứ? Còn những vị sĩ quan có số má hẳn hoi thì cũng không ít vị “tự thăng” quân hàm cho mình thêm một hai cấp! Có năm tôi thấy một bạn quen mang quân hàm Thiếu úy. Năm sau lại thấy mang quân hàm Trung úy!? Tôi đã vỗ vai trêu: “Ông về hưu rồi mà Bộ Quốc phòng "chạy theo" thăng quân hàm cho ông. Ông “chạy” giỏi đấy!!!”
     Tôi biết có đồng chí khi nghỉ hưu chỉ là Phó Chính ủy Trung đoàn, quân hàm Trung tá. Nhưng những lần gặp mặt là khách mời ở một số đơn vị, người ta thấy vị Trung tá này thường mang quân hàm Đại tá! Tôi phải gọi đúng nghĩa dạng “công thần” này là “công thần đánh cắp”!
       Còn nhiều những biểu hiện “công thần Trường Sơn” mà tôi không tiện kể ra đây.
     Những người lính Trường Sơn chúng ta đã từng góp phần làm nên một Trường Sơn huyền thoại! Vinh quang lắm! Tự hào lắm chứ! Nhưng tự hào cũng cần phải đúng lúc, đúng chỗ. Nếu ai đó lỡ để cho sự “công thần” che lấp phẩm chất tuyệt vời của người lính Trường Sơn thì người ấy đã làm lu mờ “nét đẹp của  Trường Sơn tỏa sáng trong ta” – như một câu thơ của nhà thơ – Thiếu tướng – Anh hùng Hoàng Kiền (Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam) đã từng viết!
      Hội Truyền thống Trường Sơn của chúng ta ở các cập tuyệt nhiên không phải là một tổ chức của Hội CCB – đành rằng chúng ta đều là hội viên Hội CCB Việt Nam rồi. Nhưng tại sao trong những cuộc gặp mặt, lãnh đạo cấp nào cũng quy định trong giấy mời, hoặc thư mời có nội dung: “Nếu là quân nhân đề nghị mang quân phục, quân hàm và huân huy chương (nếu có). Rồi còn có quy định mang Lễ phục hay Tiểu lễ phục nữa cơ!  
     Tất cả chúng ta đều đã về với đời thường rồi. Tại sao lúc nào gặp mặt, họp mặt, sinh hoạt cũng phải quy định mang quân phục nhỉ? Tại sao không quy định: “Mặc lịch sự”, nhỉ? Mặc thế nào hãy để đại biểu tự quyết định.
     Có lẽ do những quy định không cần thiết này đã “tiếp tay” cho những biểu hiện “công thần” mà tôi đã nêu ở trên chăng?
     Xin đừng “công thần” để cho Trường Sơn mãi mãi tỏa sáng mọi lúc, mọi nơi ở nỗi chúng ta!

tin tức liên quan