NHỮNG ÁNG THƠ NGÀY TOÀN THẮNG
Tháng tư lại về, trong lòng mỗi chúng ta lâng lâng như muốn bay lên hòa vào niềm vui cùng đất nước, đọc lại những áng thơ viết vào những ngày tháng ấy ta sẽ cảm nhận được những niềm vui sướng bất tận của dân tộc ta trong ngày toàn thắng. Chỉ có thơ, ca mới kịp ghi lại những cảm xúc thăng hoa lóe sáng nhất của thế giới tâm hồn. Cảm ơn các nhà thơ ngày đó đã nói hộ tấm lòng muôn triệu con tim người Việt Nam sau 30 năm bền bỉ đấu tranh, mòn mỏi đợi chờ.
Trưa ngày 30/4/1975, cả dân tộc hát vang khúc ca khải hoàn thống nhất đất nước. Hầu như tất cả các nhà thơ ở mọi miền Tổ quốc đều có thơ bày tỏ niềm sung sướng, tự hào đến trào nước mắt.
Nhà thơ Tố Hữu, “con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam” đã sớm có bài thơ “Toàn thắng về ta” với bao nỗi mừng vui khôn xiết:
“Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng
Trào vui nước mắt cứ rưng rưng
Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy
Dồn dập tim ta trăm trận thắng bừng bừng.”
Đi giữa dòng người và rừng cờ hoa mà ta cứ ngỡ như đi trong mơ. Nước mắt của những đứa con xa giành cho ngày độc lập, nhà thơ Thu Bồn viết:
“Tôi không khóc nhưng vẫn trào nước mắt
Con đã về đây với mẹ Quê hương”.
Cũng trong trong cái thời khắc 30/4 ấy, nhà thơ Bằng Việt như trẻ lại thời ấu thơ, tung tăng giữa phố để khóc cười, thể hiện trong bài “Đêm 30 tháng 4”:
“Đi giữa phố, khóc cười như trẻ nhỏ…
Cái giây phút một đời người mới có”.
Chế Lan Viên, đến với những ngày đầu ta giành đại thắng với bản hùng ca “Ngày vĩ đại” là bản hợp xướng thơ khá hoành tráng mang âm hưởng anh hùng ca và triết luận sâu sắc:
“… Ngoặt một cái non sông sạch làu bóng giặc
Pắc Pó nhìn thấu suốt tận Cà Mau
… Liền trời ta một tấm ở trên đầu…
… Ta reo vui sao bỗng chốc khóc ròng
Cái hữu hạn lòng ta òa lên vì gặp cái vô cùng
Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ cơn mơ vĩ đại…”.
Nhà thơ Huy Cận lại muốn theo kịp bước chân thần tốc của các chiến sĩ giải phóng quân bay tới khắp xóm làng miền Nam yêu thương, thể hiện trong bài “Hôm qua Huế, hôm nay Đà Nẵng”:
“ Thơ ơi, ta giang đôi cánh lửa
Bay khắp miền Nam, khắp phố khắp thôn
Cùng nhân dân nổi dậy, mõ giục trống dồn
Cùng nhân dân giang hai cánh tay giành ôm đất nước”.
Nhà thơ Bùi Văn Bồng đằm sâu miên man trong suy tưởng, cảm nhận mọi sự vật, hiện tưởng trở nên trẻ trung tươi mới:
“Mẹ già tóc bạc dường xanh lại
Đàn chim kết nhạc rộn tầng không”
(Mở hội non sông).
Nhà thơ - Nhạc sỹ Phạm Tuyên lại nhìn ra một hình ảnh hết sức lớn lao và tươi đẹp. Ông tưởng tượng ngày đại thắng của dân tộc như có cả Bác Hồ vị cha già kình yêu đã cùng về với cháu con, như lòng Người hằng mong ước, qua bài: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Trong bài “Cảm ơn Sài Gòn” viết ngày 30/4/1975, Nguyễn Bá - Nhà thơ của miền Tây Nam Bộ, đã nói hộ lòng dân miền Nam làm theo lời Bác:
“Ta vào Sài Gòn… theo lời Di chúc
Vào nội ô sáng rực tên Người
Sài Gòn nhìn ta bằng đôi mắt
Ba mươi năm trông ngóng Sài Gòn ơi!...”
Chế Lan Viên đã tưởng tượng Bác đang đi giữa đoàn quân, đi cùng cháu con giữa ngày hội non sông đất nước:
“Da Bác đỏ hồng, tóc Bác bạc phơ
Kìa Bác đang xuống nhà sàn từng bước gấp
Hoa sen trắng, hoa sen hồng nở bừng theo mỗi bước
Bác đi giữa cháu con, sông núi đang chờ”.
(1975- năm vĩ đại, ngày vĩ đại)
Cùng với ý tưởng về Bác Hồ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong bài “Chân dung người chiến thắng” đã xúc động trào nước mắt khi nghĩ về Người:
“Bác đã sống vì hôm nay hạnh phúc
Bác tha thứ, Bác ơi, nếu chúng con đã khóc
Khi nhớ về Người với năm tháng gian truân
Lúc hai miền đã đến giữa vinh quang”.
Nhà thơ Sóng Hồng (cố Tổng Bí thư Trường Chinh) khi nhìn thấy “Mặt trời lên quét sạch bóng xâm lăng” đã bồi hồi nhớ lại những mất mát, đau thương của quân và dân ta và hình bóng Bác luôn nặng trĩu bên lòng:
“Mùa thắng đã đến cho trái chín
Riêng canh cánh bên lòng, mơ tưởng đến
Bác Hồ, người thuyền trưởng thắng phong ba
Ngày hội tưng bừng, Bác vẫn ở bên ta”
(Sài Gòn giải phóng - 5/ 1975)
Nhà Thơ Hữu Thỉnh (Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập) “không ăn mà vẫn cảm thấy no”, chắc là ông đang ngất ngây trước những suy tưởng, những xúc cảm vì niềm vui quá lớn:
“Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu mãi ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi
… Ta no cười nói, say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông”.
Thanh Thảo - người con của Quãng Ngãi, sau năm năm mới trở lại Hà Nội, trong “Đêm pháo hoa” mừng chiến thắng, đã thủ thỉ với người em:
“Anh nói với em… cái đêm pháo hoa ấy
Như lần đầu anh hiểu người Hà Nội
Sau năm năm xa cách trở về
Mấy vạn người xem bỗng òa một nụ cười”.
Đó là những ngày “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”. Mỗi chúng ta lại nhớ đến các anh giải phóng “bước dài như gió lay thành chuyển non” (Tố Hữu).
“Nhân dân mừng reo, tự hào vì các anh:
Khi những binh đoàn tràn vào thành phố
Nhân dân trương cờ - tung gió
Ngàn vạn cánh tay khua nắng- vẫy chào”.
(Ký hiệu đỏ)
Có anh giải phóng quân đi suốt chiều dài cuộc chiến nhưng đã ngã xuống khi chỉ còn ít phút nữa là kết thúc chiến dịch. Nhà thơ Lê Văn Vọng kịp “ký họa” lại bằng thơ hình ảnh “Người chiến sĩ trong trận đánh cuối cùng” thật xúc động, luyến tiếc đến nao lòng:
“Anh ngã xuống phút cuối cùng chiến dịch
Chỉ một tầm tay thôi là chiến tranh kết thúc
Anh là người cuối cùng nhận về mình cái chết
Để ngày vui bạn bè đủ mặt….”.
Ở bài: “Trên đường phố Sài Gòn”, nhà thơ nhận ra người em gái giao liên năm nào giữa rừng người và cờ hoa vẫy gọi:
“Vẫn nguyên vành mũ lá sen
Vẫn đôi dép đúc vốn quen đường rừng
Vẫn quân phục cũ nửa chừng
Dáng em không lẫn giữa rừng người chen”
Sau những náo nhiệt, hoan ca, là những phút lặng im “vô thanh thắng hữu thanh”. Bầu trời Sài Gòn như cao rộng hơn, hiện ra với mây trắng, hàng me xanh, và những lá cờ trên các ô cửa sổ, nhà thơ Ngô Thế Oanh lặng lẽ nhớ về những đồng đội của mình:
“Quân phục đẫm mồ hôi bụi đất
Chiếc bi-đông chuyền tay cứu khát
Những vòm sao cao vút trên đầu
Cụm mây trắng tinh di động về đâu.
Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi
Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng”.
(Khoảng lặng yên tháng tư)
Đọc lại thơ viết trong những ngày rực lửa của tháng Tư lịch sử, ta vẫn còn cảm giác bàng hoàng, sung sướng đến rơi lệ. Mỗi vần thơ như cứ bồng bềnh ẩn hiện trong ký ức ta. Các nhà thơ - chiến sĩ, trưởng thành trong chiến tranh và thơ của họ là nguồn sữa dồi dào nuôi dưỡng các nhà thơ của các thế hệ sinh ra và lớn lên sau ngày 30/4 lịch sử. Lửa của những vần thơ chiến thắng ấy vẫn mãi chói ngời như một trời phượng đỏ.
Nguyễn Bá Thuyết
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
ĐT: 0944258548