"Trở lại Sư đoàn 968 Anh hùng Quân tình nguyện Nam Lào" - Ghi chép của Lê Lợi (Tiếp theo.)

Ngày đăng: 12:12 22/06/2023 Lượt xem: 100
TRỞ LẠI SƯ ĐOÀN 968 ANH HÙNG QUÂN TÌNH NGUYỆN NAM LÀO
Ghi chép
TTUT-BsCKI Lê Lợi, CCB F968
Phó CT Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam


 
 
(Tiếp theo)

 
        THĂM SƯ ĐOÀN 968
       Chiều 16/6/2018, theo kế hoạch đã định, chúng tôi rời nhà khách Tỉnh đội Quảng Trị để đến với sư đoàn bộ sư đoàn 968 đang đóng quân ở Km 3, phía Bắc đường 9 sang Lào. Khu vực sư đoàn bộ trông thật rộng rãi, khang trang. Ngoài cổng doanh trại có hai khẩu đại bác được đắp bằng xi-măng và được sơn trông đen bóng, mấy anh lính vệ binh đứng nghiêm giơ tay lên mũ chào đoàn xe chở các thế hệ cựu chiến binh sư đoàn vào gặp gỡ Chỉ huy sư đoàn 968 hiện tại. Đón và làm việc với đoàn cựu chiến binh có Đại tá Hoàng Văn Vinh, Chính ủy; Đại tá Phạm Văn Đông, Phó Chính ủy sư đoàn cùng Thượng tá Phạm Văn Dũng, sư đoàn trưởng với độ tuổi chưa đến 50 thật trẻ trung. (Đại tá Hoàng Văn Vinh là người người nhiều tuổi nhất sinh năm 1970, lúc giao lưu buổi tối có nói với tôi như vậy). Tay bắt mặt mừng, cả hội trường lớn của sư đoàn đầy ắp sắc màu quần áo lính, phải nói là đủ loại, có người mặc bộ quần áo cũ chắc là có từ mấy chục năm trước, người thì súng sính trong bộ quân phục mới toanh còn nguyên nếp gấp mới mua để về tụ hội. Chỉ riêng quân hàm, quân hiệu cũng đa dạng, phần lớn là đeo quân hàm sĩ quan, chí ít thì cũng là thiếu úy một gạch, một sao, các dải huân, huy chương cứ gọi là đỏ rực trên ngực áo, một số rất ít mặc đồ dân sự và không đeo phần thưởng gì cả. Trong số vô vàn sắc lính, hình như chỉ có mỗi mình tôi là đeo lon Trung sĩ, cái quân hàm hạ sĩ quan được quân đội phong và cấp cho khi còn là anh lính trong quân ngũ từ bên Lào. Kể ra là còn tiến bộ chán, đơn vị tôi hồi đó Tiểu đoàn trưởng mới Thượng úy, Chính trị viên tiểu đoàn là Đại úy, cấp đại đội chủ yếu là Thiếu úy và Trung úy, còn trung đội trưởng mới chỉ là Chuẩn úy, Thượng sĩ, thậm chí là Trung sĩ. Đến nay tôi vẫn còn giữ được quyết định phục viên sau hơn bốn năm lăn lộn ở chiến trường Hạ Lào, do Trung tá Lê Thanh Oai, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 968 ký. Lon Trung sĩ tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm, bây giờ có dịp mang ra sử dụng. Thì mình ra quân thế nào thì cứ đeo vậy chớ sao, nhìn quanh thấy không ít bạn lính dù nhập ngũ cùng ngày, được ra quân về địa phương trước mình mà giờ đeo hẳn lon đại úy, thiếu tá !!!. Vậy mà cái anh lính có khuôn mặt nhàu nhĩ, tóc bạc, đeo lon hai sao màu bạc đè lên một gạch vàng là Trung sĩ tôi đây lại được chú ý thật nhiều, từ các chiến sĩ binh nhì mới nhập ngũ đến Chỉ huy sư đoàn hiện tại, đến các thế hệ cựu chiến binh vì đã rất lâu họ mới lại thấy có anh lính tóc nửa trắng, nửa đen đeo quân hàm thưở trước mấy chục năm, phải chăng gợi nhớ cho họ tìm về những kỷ niệm xa xưa...
       Sau khi nghe lời chào mừng, nghe báo cáo quá trình phát triển của sư đoàn, lời đáp từ và tặng hoa, quà, chụp ảnh chung, thăm nhà truyền thống sư đoàn ... Chỉ huy sư đoàn bố trí cho chúng tôi đi thăm Trung đoàn 19 bộ binh, một trong những trung đoàn chủ lực của sư đoàn, nhiều năm liên tục là “lá cờ đầu” trong khối các trung đoàn chủ lực đủ quân của Bộ tư lệnh Quân khu 4. Đầu tiên chúng tôi đi thăm tiểu đoàn bộ binh số 4, quân số hiện có trên 500 đồng chí, sau cuộc gặp gỡ, giao lưu ở hội trường là tôi tranh thủ xuống thăm chỗ ở, chỗ luyện tập của người lính hiện nay. Nhìn những chiếc chăn, màn gấp vuông vức như hòn gạch ở đầu giường mà chợt nhớ đến thuở lính tráng xa xôi của mình. Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi đi nhanh xuống khu vực nuôi quân, vào nhà bếp, nhà ăn của tiểu đoàn, những công trình này thật rộng rãi và kiên cố, thực đơn được công khai trong ngày. Mức ăn 50.000 ngày của một người được chia làm ba bữa, bữa sáng 10.000đ, hai bữa chính gồm buổi trưa và tối là 20.000đ/bữa. Đấy là kinh phí do trên cấp, còn tận mắt nhìn thấy những luống rau, con gà, con lợn, đàn bò, ao cá... của đơn vị tăng gia được bổ sung thêm bữa ăn thì tôi mới hiểu vì sao lính của sư đoàn ai nấy đều trông thật khỏe mạnh.
       Điều này còn rõ hơn khi chúng tôi di chuyển tới thăm tiểu đoàn bộ binh 6. Những giàn bí xanh, mướp trĩu quả, mấy ao rộng nuôi cá tra quẫy tung khi chúng tôi xúc thức ăn ném xuống. Lợn đầy chuồng, con nào con ấy béo núng nính, đàn bò đang gặm cỏ ở bãi gần bờ rào, phía xa là dòng suối từ bìa rừng Trường Sơn được dẫn về qua hệ thống mương bằng beton cung cấp nước cho tiểu đoàn tăng gia.
       Đang giờ là giờ tăng gia và thể thao, hoạt động này được duy trì ngay từ thời chúng tôi là lính. Trừ cánh nuôi quân đang túi bụi và tất bật trong bếp chế biến thức ăn chuẩn bị các món tiếp khách và số lính trực chiến thì quân số còn lại hầu như ra hết khu tăng gia và thể thao. Trông các em thật khỏe và ngoan, lễ phép chào các bác CCB chúng tôi. Nhiều khu vườn trồng các loại rau, quả, củ trông mướt mát, rau muống, rau cải, rau mồng tơi, đay, cà, mướp…thôi thì đủ cả. Theo giới thiệu của chỉ huy sư đoàn thì ngoài nhiệm vụ chính là sẵn sàng chiến đấu và cơ động thì trung đoàn 19 chủ động kế hoạch bảo đảm dự trữ các sản phẩm củ, quả ở thời kỳ chính vụ… giúp cải thiện nhu cầu rau xanh cho bữa ăn hàng ngày của bộ đội không những của trung đoàn mình mà phục vụ cho những đơn vị khác của sư đoàn kể cả khi giáp vụ.
       Một hiệu lệnh bằng kẻng báo hiệu đến giờ ăn chiều (y như hiệu lệnh quen thuộc mấy chục năm trước), chúng tôi lại được ăn bữa cơm lính do người lính của tiểu đoàn bộ binh 6 chế biến. Không phải là bữa đại táo như thời lính ngày trước chỉ có cơm và một món rau, một món ăn mặn mà đây đích thực là tiểu táo. Là cơm đãi khách nên có rất nhiều món. Hầu hết các món ăn đều từ thực phẩm do đơn vị tăng gia, từ bò, lợn, gà, cá, rau .. được chế biến bởi bàn tay tài hoa của các chiến sĩ nuôi quân. Cùng một loại thực phẩm nhưng được chế biến làm nhiều món khác nhau như cá rán, chả cá, cá nấu canh chua, thịt bò xào rau muống, đĩa bò hấp, có lòng lợn, có thịt lợn luộc, có giò, canh bí nấu xương…thấy ăn ngon hơn nhà hàng bởi do lính nuôi quân nấu. Chính ủy và các lãnh đạo sư đoàn đi từng mâm thăm hỏi CCB. Như tôi đã viết ở trên, có lẽ cái quân hàm Trung sĩ thời xa xưa của tôi trông thật khác lạ nên làm cho mọi người chú ý. Đại tá Vinh, Chính ủy và các Chỉ huy sư đoàn đến chạm li và ngồi lại luôn mâm tôi để trò chuyện.
       Buổi tối, sau khi ăn cơm chúng tôi chia tay với tiểu đoàn 6 để di chuyển về giao lưu văn nghệ và tọa đàm các thế hệ chiến sĩ ở sân vận động ở Trung đoàn bộ của Trung đoàn bộ binh 19, đây là trung đoàn điển hình về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện nhiều năm. Nguyên đây là doanh trại của sư đoàn 342, sau khi giải thể được bàn giao về cho trung đoàn bộ binh 19 của sư đoàn 968. Từ quốc lộ 9 có một con đường rộng và bằng phẳng, thẳng tắp dẫn vào sân vận động trung đoàn. Nhìn sân vận động cũng thật rộng và cỏ mọc mướt mát, không hề có vật cản tôi nói với Chỉ huy sư đoàn rằng cái sân bóng này rất thích hợp cho việc cất và hạ cánh của trực thăng và máy bay quân sự hạng nhỏ để cơ động, chuyển quân sẵn sàng chiến đấu ở chiến trường quen thuộc là Hạ Lào khi cần, các anh chỉ cười.
       Trung đoàn bộ binh 19 được thành lập ngày 26/4/1972 tại Hạ Lào là một trung đoàn thiện chiến của sư đoàn 968 có gần 13 năm hoạt động, gắn bó thủy chung, son sắt với Chính quyền và nhân dân các bộ tộc vùng Hạ Lào. Ngay từ khi mới thành lập, cán bộ và chiến sĩ của Trung đoàn hai lần tham gia chiến dịch giải phóng Khong Sedon, tham gia chiến dịch 128 ngày đêm giải phóng Salavan và cao nguyên Boloven cùng các đơn vị khác của sư đoàn 968, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cũng như bảo vệ chính quyền non trẻ của Cách mạng Lào.
       Trong đội hình sư đoàn 968, vào cuối tháng 12/1974, Trung đoàn 19 trở về Tổ quốc tham gia chiến đấu giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, Trung đoàn trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ truy quét Fulro, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng. Từ năm 1977-1987 tiếp tục trong đội hình của Sư đoàn 968 trở lại giúp Lào lần thứ hai. Giai đoạn này cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn 19 kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ cùng chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Lào chiến đấu, nổ súng hàng ngàn lần tiêu diệt phỉ và các thế lực phản động có vũ trang được nước ngoài nuôi dưỡng để bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng Lào non trẻ, hỗ trợ giúp nhân dân Lào xây dựng cuộc sống mới. Năm 1988 hoàn thành xuất sắc nghiã vụ quốc tế, Trung đoàn 19 trở về Tổ quốc làm nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
       Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn và nhiều cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Lào tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương trong đó Trung đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
       Phần tọa đàm có sự tham gia của các thế hệ cán bộ chiến sỹ, người cũ, người mới về những kỷ niệm chiến đấu của 50 năm trước, những CCB có mái tóc bạc phơ bên những người lính lứa tuổi đôi mươi. Tất nhiên, người cũ thì kể những kỷ niệm và niềm vui khi trở lại thăm đơn vị cũ, còn lính trẻ thì hứa hẹn phát huy truyền thống, quyết tâm xây dựng sư đoàn ngày càng vững mạnh. Ngoài chương trình biểu diễn võ thuật của chiến sĩ còn có những tiết mục văn nghệ của cán bộ và chiến sĩ của trung đoàn 19, đặc biệt là có sự tham gia của các cô gái và chàng trai thanh niên địa phương trẻ trung, xinh đẹp, đơn vị kết nghĩa với trung đoàn, thể hiện sự tiếp nối tình nghĩa quân với dân như cá với nước …
       Và những vần thơ mới được hình thành…

Về với Sư đoàn 968
Kỷ niệm 50 năm thành lập sư đoàn 968 anh hùng (28/6/1968-28/6/2018)

Bỏ lại bao nỗi lo thường nhật đời thường,
Những vết thương chiến tranh, khi trời trở gió.
Tập trung về đây là bao nhiêu thế hệ,
Mừng năm mươi năm, ngày thành lập sư đoàn.

Cứ ngăn ngắt, mênh mang trời Quảng Trị,
Mấy mươi năm gặp nhau, người khóc, người cười.
Đâu tướng, đâu tá, đâu hạ sĩ quan, chiến sĩ,
Chỉ biết mình là đồng đội của nhau thôi.

Thắp nén nhang thơm ở Nghĩa trang đường Chín,
Dâng hương liệt sĩ Thành cổ anh hùng.
Các anh vào sư đoàn từ mọi miền đất nước,
Tuổi thanh xuân quyết tử, cho Tổ quốc quyết sinh.

Bao phiên hiệu đơn vị nay còn, hay mất,
Các trung đoàn 19, 9, 830, 425...
E.4 pháo binh, ... kể sao cho xiết,
Giờ về đây, chỉ cựu chiến binh Sư đoàn.

Bâng khuâng về Outhoumphone, Sa-vẳn,
Km 10, nơi sư đoàn bộ đóng quân.
30 năm, giờ thành ruộng nương dân bản,
Na-cà-nó, Mường-phìn, hay Na-tran.

Mười bảy năm, hai lần sang giúp Bạn,
Máu đổ, xương tan đâu có ngại ngần.
Vẫn vang lên hành khúc sư đoàn 968,
Xứng danh Anh hùng, quân tình nguyện Việt Nam.

Năm mươi năm, ai người còn, người mất,
Hôm nay về đây bao kỷ niệm đong đầy.
Xabaidi, thời thanh niên hoa lửa,
968 anh hùng, sư đoàn còn đây.


(Còn tiếp)

 
tin tức liên quan