“Mấy cảm nhận từ Trại viết Trường Sơn 2” - Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 03:59 30/09/2023 Lượt xem: 145


MẤY CẢM NHẬN TỪ TRẠI VIẾT TRƯỜNG SƠN 2
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
 
          Nghề viết đối với ai cũng đều cực nhọc. Cái cực nhọc âm thầm, lặng lẽ mà thiên hạ không nhiều người biết tới. Với người viết từng là chiến sĩ Trường Sơn như các anh, các chị ở Trại sáng tác văn học này thì sự nhọc nhằn càng nhân lên gấp bội. Từng đi qua chiến tranh khốc liệt, từng ở lằn ranh sinh - tử, từng đổ máu, từng ôm vào lòng cái chết đồng đội, từng bị những cơn sốt rét rung rừng hành hạ và từng đi qua bao nhiêu khúc đời trắc trở éo le, mệt mỏi chồng chất mà hạnh phúc cứ vời xa thăm thẳm. Muốn viết lắm những câu thơ, bài thơ, cả những trường ca vượt nghìn câu nữa hay những truyện ngắn, bút ký, tản văn, tiểu thuyết ấn tượng, xúc động về chiến tranh, về đồng đội của những năm tháng không thể nào quên hay cuộc sống không dễ dàng, không nhẹ nhàng thời hậu chiến mà đâu dễ, đâu muốn có là được. Nghề viết muôn đời là nghề khó; hình như nó chỉ dành cho ai có tài. Trong rất nhiều người cầm bút thì người tài bao giờ, ở đâu cũng hiếm, rất hiếm.
          Vậy thì ta đừng viết sao? Không viết sẽ cảm thấy mình như có lỗi với quá khứ, với cuộc sống; đặc biệt với những đồng đội đã hy sinh hay những người còn sống nhưng vẫn mang trong mình một cuộc chiến khôn nguôi và những người biết vươn lên từ tro bụi của bom đạn để khát khao và cống hiến cho Tổ quốc hôm nay và mai sau.
         Phải viết! Tôi nghĩ, các anh, các chị đã cầm bút, đã bấm bàn phím với cảm thức Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài như đại thi hào Nguyễn Du chiêm nghiệm. Tôi cảm nhận rõ cái Tâm sáng của các anh chị qua những trang viết còn ám ảnh ký ức chiến tranh và nóng hổi hơi thở cuộc sống hôm nay. Viết đâu chỉ để cho riêng mình mà trước hết cho đồng đội, cho Trường Sơn thuở trước và bây giờ. Viết để chối từ lãng quên quá khứ bi tráng, viết bởi tình yêu cuộc sống nồng nàn, viết cho khát vọng bình yên tươi sáng.

          Một tuần cho một trại viết là quá ngắn nếu như muốn nói hình như chưa ai làm như thế cả. Vừa tập trung viết, chủ yếu hướng tới cuộc thi Chiến sĩ Trường Sơn anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay (tổng kết, trao giải vào tháng 5.2024) vừa trao đổi kinh nghiệm sáng tác qua những buổi nói chuyện của các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Tú, Trần Đăng Khoa, Phạm Thành Long, Nguyễn Hữu Quý. Nhưng nhờ chuẩn bị kỹ đề cương sáng tác nên dù ít ngày mà kết quả thu hoạch được từ trại viết không hề non lép. Kết quả có: 33 bút ký, ghi chép dự thi Chiến sĩ Trường Sơn anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay. Tác phẩm không dự thi có:12 truyện ngắn, 25 bút ký, tản văn và 120 bài thơ.
          Với các bút ký, ghi chép dự thi, Ban Chủ nhiệm Trại viết không đánh giá, nhận xét cụ thể trong buổi tổng kết vì nó liên quan đến quy chế cuộc thi. Chỉ xin khái quát thế này: nhìn chung, tác phẩm của ta có nhân vật và sự việc nhưng còn thiếu điểm nhấn, ít chi tiết hay và yếu về chất văn. Tính trữ tình và những câu văn giàu cảm xúc, hình ảnh là thiếu hụt đáng kể làm giảm tính hấp dẫn của nhiều bút ký dự thi ở trại viết này.
         Rất mừng, truyện ngắn là thu hoạch đáng ghi nhận ở Trại viết Trường Sơn 2. Theo chúng tôi, đã có những truyện ngắn khá, tạo được ấn tượng với người đọc như Người đàn bà đi dưới nắng của Hồ Bá Thược; Xóm Đỉa của Nguyễn Văn Bổng; Bên bức tượng Puskin của Đỗ Thu Yên; Bố chồng tôi của Hoàng Văn Kính; Chị Lụa của Nguyễn Đại Duẫn; Mùi Hà Nội của Trương Ngọc Hùng; Số phận nước mắt của Phạm Hồng Loan. Những lát cắt của cuộc sống hiện ra với bao lấm láp, lầm lụi xen trộn với trong trẻo, thánh thiện. Dù trong hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình thì lòng nhân ái, bao dung, sự yêu thương vẫn luôn được gìn giữ và đề cao. Đọc những trang văn như thế, lòng ta thấy ấm lại bởi cái tốt chưa bao giờ biến mất trong cuộc sống.
         Đây, câu chuyện của một đêm chiến tranh bên dòng sông Thạch Hãn trong mùa hè 1972 tại Thành Cổ, Quảng Trị: “…- Em nhập ngũ dịp hè vừa rồi. Ba tháng huấn luyện, được bổ sung vào đây. Tiểu đội trưởng bảo, cả tiểu đội sẽ bổ sung vào đơn vị mới, trực tiếp chiến đấu.
        - Em đã có người yêu chưa.
        - Chưa chị ạ. Chúng em chơi với nhau, từ thời để chỏm, cùng tuổi mà. Trong thâm tâm, sau này sẽ lấy nhau. Còn bây giờ chưa có gì cả, thậm chí chưa dám cầm tay, chứ chưa nói tới chạm vào người cô ấy, để biết mùi mẫm phụ nữ ra sao.
      - Thật tội cho em quá, ngày mai em vào trận rồi, chị thương em lắm.
       Tui chưa kịp hỏi họ tên, quê quán cậu ấy ở mô, thì bất ngờ loạt đạn pháo bên bờ nam bắn sang rầm rầm. Tên tuổi, quê quán tui nghe không rõ. Cậu run người như lên cơn rét.
        -Em sợ lắm chị ạ, không biết ngày mai vào trận, sống chết ra sao?
       Tui vỗ về:
       - Em đừng sợ, vào trận ai cũng sợ, nhưng rồi súng đạn quen dần. Giữa sống và chết, ai cũng muốn cái sống về mình, vì thế thành chai sạn, vững tin. 
        - Còn chị, chị có sợ không?
        - Có, ban đầu thì sợ, sau đó quen đi không sợ nữa. Chị làm việc độc lập một mình trên thuyền, đàn ông hiếm lắm, họ đi đánh trận hết. Vì thế, chị chưa từng yêu ai. Năm nay, chị đã hai mươi tuổi rồi. Nếu chết, tiếc nuối lắm, vì chưa có người đàn ông nào chạm vào người chị.
       - Em cũng thương chị lắm.
       Tui nằm sát cậu ấy. Căn hầm chật, nhưng cũng đủ cho hai người ép sát vào nhau. Mùi thơm da thịt đàn ông và đàn bà lan toả, khiến đêm đen trở nên huyền bí, gợi cảm. Bỗng thấy cậu ấy nói, giọng run run, đứt quãng:

        -Chị ơi! Ngày mai em vào trận rồi, cho em nắm tay chị được không?
        -Được em ạ.
        Cậu ấy sờ soạng trong bóng tối, nắm chặt tay tui, vò tay tui vào trong lòng bàn tay cậu ấy. Thật bất ngờ, cậu ghé môi vào hôn đắm đuối. Tui muốn rút tay về, nhưng lòng lại không muốn. Ngược lại, người tui rạo rực, như bốc lửa. Hàng cúc áo, tự nhiên bật ra vì bộ ngực của tui tròn đầy, căng lắm.Tui cầm tay cậu ấy, ấn vào bầu vú trinh tiết của mình. Cảm giác của tui thật lạ, sự ham muốn dâng lên tột cùng. Tự nhiên, tui bỗng bật ra lời, tưởng không phải từ miệng mình phát ra:
        -Anh, em yêu anh, thân thể này là của anh. Em hiến dâng cho anh tất cả…Ngày mai, nếu hai người có ngã xuống, đêm nay chúng mình đã thành vợ chồng rồi.
        Chưa nói hết lời, anh bịt miệng tui bằng một cái hun nghẹt thở, đến tận bây giờ tui còn thấy nóng bỏng. Anh không còn dè dặt như lúc đầu mớí đến, mà chủ động ôm chặt lấy tui, đặt tay vào khắp cơ thể tui, thành thạo như một người trưởng thành. Tui như điên dại, cuồng nhiệt, rồi mê man trong ân ái. Quên hết hiện tại, không còn nghe pháo bờ Nam xối xả bắn sang…” (Trích từ truyện ngắn Người đàn bà đi dưới nắng của Hồ Bá Thược). Rồi, chuyện gì đến sẽ đến. Cái tình “một đêm” trong chiến tranh vô cùng khốc liệt trở thành sự vĩ đại. Nói đúng hơn, nó sẽ bất tử vì đó là tình yêu. Một Tình Yêu được viết hoa bởi sự dâng hiến trong sáng rất Con Người. Sau đêm đó, người lính 18 tuổi vào trận và ngã xuống ở Thành Cổ không còn một viên gạch vẹn nguyên bởi lượng bom đạn kẻ thù dội xuống bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ từng thả xuống ở Hirosima (Nhật Bản) trong thế chiến 2. Và, điều kỳ diệu đã xảy ra, anh để lại cho cô gái 20 tuổi (nhân vật xưng tui trong truyện) một giọt máu, một đứa con giống y hệt cha.
         Tôi tin chúng ta sẽ tìm thấy những vầng sáng nhân văn đầy rung động trong một số truyện ngắn được viết ra từ Trại này như Xóm Đỉa của Nguyễn Văn Bổng; Bố chồng tôi của Hoàng Văn Kính; Bên bức tượng Puskin của Đỗ Thu Yên; Chị Lụa cuẩ Nguyễn Đại Duẫn; Mùi Hà Nội của Trương Ngọc Hùng; Số phận nước mắt của Phạm Hồng Loan.
         Mảng bút ký, ghi chép, tản văn (không dự thì) cũng đã bám vào hiện thực cuộc sống bề bộn với những người thật, việc thật hôm qua và hôm nay. Quá khứ được tái dựng, hiện tại được phản ánh khá cụ thể và sinh động. Chúng ta gặp được điều đó qua các bút ký, ghi chép Người thắp lửa “ngọn đèn đứng gác”Nhớ Tây Nguyên của Đỗ Ngọc Thứ; Có một doanh nhân CCB như thế của Phạm Huy Chương;  Lính công vụ của Nguyễn Đô Lương; Tết ở Trường Sơn tây của Nguyễn Đại Duẫn; Vẫn còn nợ em một lời hứaNhớ Sa Thư của Nguyễn Kim Chúc; Nang Khom và bộ đội Việt Nam của Lê Lợi; Gạch nối của một bài thơ của Nguyễn Xuân Bách; Trung đội xung kích thép của Bùi Văn Hoằng; Người lính Trường Sơn với cây súng và thơ của Lê Ngọc Thiện; Người chiến sĩ - họa sĩ Trường Sơn của Phan Vĩnh Điển; Tôi và nó của Minh Phú; Từ chuyến xe số 18 của Phạm Hồng Loan; Lê Thị Luận  của một thời để nhớ của Hoàng Đại Nhân; Cái tát của Chu Công Dâu; Cánh chim không mỏi của Phương Nga…Trong đó, tôi rất cảm tình với bút ký Nhớ Sa Thư của Nguyễn Kim Chúc. Bút ký có khúc thoại sinh động thắm tình hữu nghị Việt - Lào:
         “Bà nội Phôn Say nắm tay bọn tôi lẩm bẩm “Việt Nam! Việt Nam!”. Bất ngờ cụ hỏi:
         -Có đứa nào thích lấy Phôn Say không?
          Dừng lại một chút cụ nhìn bọn tôi rồi tiếp:
         -Đứa nào lấy nó tao cho làm trưởng bản.
         Trong không khí vui vẻ như thế bọn tôi đứa nào cũng giơ tay miệng nhnh nhảu: “Con! Con!...”. Ra hiệu im lặng, cụ phán:
         -Thôi! Để bọn bay về Việt Nam lấy vợ. Con gái Việt Nam trắng đẹp lắm, con gái Lào đen, đen như cái này này…
         Nói đoạn, cụ cầm miếng bã trầu huơ huơ về phía bọn tôi…”
        Chả biết đoạn này tác giả kể thật hay bịa nhưng nếu bịa được như thế là hay. Bút ký cần có những đoạn văn sinh động, có chất văn như vậy. Tiếc rằng, một số bút ký của ta còn khô khan, sơ lược quá, thiếu sự mượt mà của câu chữ, thiếu cái rung rinh trữ tình rất đặc trưng của ký văn học.
        Thơ thì muôn thuở vẫn vậy thôi, trữ tình qua cảm xúc và suy ngẫm của người viết về cuộc đời. Trong thơ của các anh chị, tôi gặp được những rung cảm chân thật và mạnh mẽ từ hồi ức xa gần.
         Hình tượng người lính và Trường Sơn đã được khắc họa từ thơ của Hải Ba: Ba lô vai lính đã sờn/ Nụ hôn xưa…/với dỗi hờn/ vẫn xanh… (Lạc nhau);  của Vương Văn Kiểm: Xa nhau, săng lẻ nhớ ai/ Nỗi đau âm ỉ, nối dài tình thương/ Nhớ trang cổ tích…máu xương/ Vết thương ngày đó, mở đường hôm nay…(Chất lính); của Vân Ngà: Ngàn cánh võng hôm nào mắc giữa ngàn mây/ Hơi thở thanh xuân đắm say binh trạm/ Không có trên bản đồ nơi em tìm măng hái nấm/ Nơi bất ngờ em trao một nụ hôn…(Những tấm bản đồ trong Bảo tàng Trường Sơn); của Trịnh Oanh Lan: Sợ nhìn thấy mình qua khe suối quá trong/ Sợ lọn tóc nuột nà thả trên vòm ngực/ Ống pháo sáng, cánh bom làm lược/ Lá cây rừng thơm hết cuộc chiến tranh…(Thuở ấy Trường Sơn); của Lê Lợi: Tháng Tư đến, chung vui Bun Hốt Nậm/ Té nước thơm và buộc chỉ cổ tay/ Tuổi thanh xuân của lính quân tình nguyện/ Có bao giờ quên em Bun Pi May (Tháng Tư Tết Lào); của Nguyễn Xuân Hùng: Tôi ru con giấc ngủ say/ Bù cho năm tháng dạn dày đạn bom/ Lời ru nghĩa nước tình non/ Tiếng con chim hót vo tròn võng ru…(Lời ru của lính); của Nguyễn Đình Triển: Miệng hát nước mắt rơi/ Mãi nhớ về đồng đội/ Chiều nay lên Thái Hải/ Nhớ một thời Trường Sơn…(Chiều Thái Hải)…
         Còn có những câu thơ gửi mẹ hay cất giữ văn hóa vùng miền của Nguyễn Đại Duẫn: Mẹ nghiêng vai gánh cánh đồng/ Chân trần lấm đất, áo nồng phèn chua/ Lời ru bay những chiêm mùa/ Gõ vào phách nhịp nắng mưa cánh cò…(Nhớ lời mẹ ru); của Lê Thúy Bắc: Mùa biết theo mùa, em biết theo anh/ Cái nắng, cái thương em gieo mầm chắc hạt/ Con suối đợi ai như lòng róc rách/ Thấm đẫm men rừng, đôi nhịp phách Phong Sư/ Ánh mắt tìm nhau trong veo vụ bản/ Vắt vẻo thang nhà nghe lượn ánh trăng treo…(Bản Tày gọi trăng)
         Chưa nói hết những hay, dở về các tác phẩm được viết ra tại Trại viết Trường Sơn 2. Có cái đang là sự vỡ vạc trên bản thảo của một truyện ngắn, bút ký hay thơ. Có cái đã thành hình nhưng cần phải nâng cao hơn nữa. Chất liệu đời sống là cái đáng quý nhất của các anh chị. Đừng để nó rơi vãi, trôi tuột đi mà hãy giữ lại bằng những trang viết của mình. Như ai đó đã nói, tác phẩm hay nhất của người cầm bút luôn đang ở phía trước, là tác phẩm chưa được viết ra. Vì thế, chúng ta không thể không hy vọng về những trang viết mới của những người lính Trường Sơn anh hùng và lãng mạn.

 
Làng Nhà sàn Thái Hải (Thái Nguyên)
Ngày 18 Tháng 9 năm 2023
NHQ

tin tức liên quan