“Nang Khom và Bộ đội tình nguyện Việt Nam” – Truyện ký của Lê Lợi

Ngày đăng: 06:14 07/10/2023 Lượt xem: 161
-----------------------------------------

NANG KHOM VÀ BỘ ĐỘI TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM
Truyện Ký



 Tác giả Lê Lợi
       Buổi trưa ngày 4/9/1983, Nang Khom từ bản Noọngkuang cắt rừng chạy gần 30 km tới Xenouan là nơi đại đội 7 (tiểu đoàn 5, trung đoàn 19, sư đoàn 968) đóng quân báo tin bản của chị có phỉ đang hoạt động. Nhận ra Nang Khom, chiến sĩ gác bèn báo cáo với chỉ huy đại đội. Nang Khom nói rằng, buổi sáng khi đi làm ruộng, chị phát hiện có một toán địch rất đông ở bản Noọngkuang.
       Nhìn người phụ nữ tầm thước, váy áo đẫm mồ hôi, mái tóc rối bù, khuôn mặt đỏ lựng, đại đội trưởng Nguyễn Quốc Lập nhớ lại đầu năm 1983 đại đội 7 được lệnh hành quân chiến đấu bảo vệ và xây dựng chính quyền xã Phơi Khao, huyện Songkhone, tỉnh Savanakhet. Đây là địa bàn phức tạp, giáp sông Mekong địch qua lại thường xuyên, chính quyền gần như mất trắng, ban ngày theo cách mạng, đêm theo phỉ. Theo đề nghị của bạn, đại đội 7 đóng quân tại bản Noọngkuang để giúp bạn khôi phục và xây dựng chính quyền.
       Do địch từ Thái Lan về tuyên truyền rằng nếu để người lạ (bộ đội Việt Nam) vào nhà thì sẽ bị “con ma rừng” bắt cho nên khi đại đội 7 tới, nhà nào cũng chặt cành cây tươi để ở cầu thang nhằm không cho bộ đội lên nhà. Bộ đội phải đóng quân bên ngoài bản, từ cán bộ đến chiến sĩ mắc võng ngủ ở các gốc cây mặc cho gió, mưa…Chỉ huy đại đội họp bàn phải thuyết phục già bản và những gia đình cách mạng để gây dựng cơ sở nhằm thuyết phục, tuyên truyền, vận động đồng thời đơn vị thực hiện công tác dân vận trước hết là từ những hoạt động thực tiễn.
       Đặc điểm nhà sàn của người Lào trên là người ở, bên dưới là trâu, bò, lợn, gà… ỉa, đái tùm lum, muỗi, rết, bọ cạp nhưng bộ đội Việt vẫn phải cố gắng chịu. Hàng ngày bộ đội quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải để đốt, san lấp đường đi trong bản…dần dần từ người già đến trẻ em trong bản đã có cái nhìn thiện cảm với bộ đội.
Những ngày đầu khi bộ đội Việt tỏa ra đến các nhà để dọn vệ sinh, lấp ló trên nhà sàn là những đôi mắt của người già, trẻ em yên lặng dõi nhìn. Dần dần thấy bộ đội hiền lành, chịu khó nên người dân bảo nhau nhà nào cũng vứt bỏ cành tươi ở cầu thang để đón anh em bộ đội vào nhà ở. Cán bộ, chiến sĩ của đại đội 7 bỏ ra hơn 1.000 ngày công để khai thác gỗ giúp dân sửa chữa nhà ở, đào giếng, làm nhà tắm, làm nương rẫy giúp những gia đình gặp khó khăn, gia đình có công với cách mạng. Nang Khom là con liệt sĩ có 2 con hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cán bộ, chiến sĩ đại đội 7 ở đó đã giúp chị sửa nhà, làm rẫy…Quân y đơn vị khám, chữa bệnh cho dân bản khi bị ốm đau. Sau hơn nửa năm vừa lùng sục chiến đấu đánh địch xâm nhập, bảo vệ chính quyền và xây dựng lực lượng tại chỗ, vừa làm công tác dân vận, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Được lệnh hành quân trở về Xenouan nhận nhiệm vụ mới, đại đội 7 bàn giao địa bàn cho bạn, rời bản Noongkuang trong sự luyến tiếc của nhân dân địa phương.
       Sau khi nhận được tin báo từ Nang Khom, đại đội trưởng Lập báo cáo với chỉ huy cấp trên. Nhận được thông tin, chỉ huy Trung đoàn 19 lệnh cho đại đội 7 triển khai chiến đấu. Đại đội trưởng Lập cùng đơn vị hành quân đến cầu Xenuoan thì gặp đồng chí Võ Phi Lâm, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 đang chờ xe để về nước nghỉ phép. Nghe báo cáo tình hình, đồng chí Lâm lập tức hủy phép và yêu cầu được tham gia vào đội hình chiến đấu của đại đội 7.
       Một lúc, các anh vẫy được một xe tải chạy tới hướng về phía bắc trên đường 13, tất cả 32 cán bộ, chiến sĩ chen chúc trên thùng xe.
       Trên thùng xe, hai anh Lâm và Lập thống nhất với nhau rằng, nếu cứ tiếp tục hành quân trên xe thế này thì sẽ bị lộ. Thế là chập tối, khi đến cầu Sebanghieng, nơi này cách địa điểm địch họat động khoảng chục cây số thì mọi người xuống xe. Cầu Sebanghieng có vị trí rất quan trọng, đây là cây cầu duy nhất bắc qua sông Sebanghieng trên đường 13 nối phía Bắc và Nam Lào và được bảo vệ bởi một đơn vị của Lào. Để nghi binh, đại đội 7 hành quân vào đơn vị bảo vệ cầu của Lào, thông báo với bạn là đơn vị đi đổi gác cầu và đề nghị bạn bố trí nhường cho cán bộ, chiến sĩ đại đội 7 hai dãy nhà riêng biệt ở sát mép sông. Tổ chức cho bộ đội ăn cơm tối sau đó thông báo cho bạn biết là đơn vị sẽ đi ngủ sớm vì ban ngày hành quân vất vả.
       Một giờ sáng, đơn vị bấm chân nhau trở dậy, theo mấy du kích của bạn dẫn đường lặng lẽ rẽ trái hành quân về phía bản Noọngkuang cách đó chừng mười cây số về phía tây, gần sông Mekong. Sau hơn hai tiếng các anh đã tới sát bản Noọngkuang. Nhìn ánh lửa bập bùng thấy quân địch có kẻ ngủ, người thức. Sau khi bí mật trinh sát nắm địa hình, đơn vị lùi lại phía sau, chỉ huy họp bàn tổ chức ba mũi tấn công, tiểu đoàn trưởng Võ Phi Lâm đi với mũi ba.
       Gần năm giờ sáng ba mũi áp sát, mũi cánh phải cách địch khoảng bảy chục mét, mũi vu hồi ở cánh trái cách địch chỉ chừng năm mét. Tất cả nằm yên tại vị trí chờ hiệu lệnh nổ súng.
        Lúc này trời đã tang tảng. Một tình thế hi hữu xảy ra. Một tên lính địch mắt nhắm, mắt mở từ nhà na đi ra bờ ruộng để đi vệ sinh gần sát ụ mối mà đồng chí Hoàng Khắc Toản, tiểu đội trưởng ở mũi vu hồi đang phục kích. Khi dòng nước tiểu hết thì tên địch tỉnh hẳn, phát hiện bộ đội Việt bèn la toáng lên báo động buộc đồng chí Toản phải nổ súng. Thấy vậy, đại đội trưởng Nguyễn Quốc Lập hạ lệnh khai hỏa, chiến sĩ giữ khẩu B41 bắn một phát trúng nhà na (nhà ở ruộng) có chỉ huy, thấy thế các mũi đồng loạt nổ súng tấn công. Quả B41 tiêu diệt ngay tên đại úy Pakseth, toán trưởng chỉ huy sau này ta thu hồi được cả mũ nồi và ba-toong. Như rắn mất đầu, quân địch chống cự yếu ớt, súng nổ lẹt đẹt và tháo chạy về phía sông Mekong để vượt qua Thái Lan. Trận đánh kết thúc nhanh chóng, trong khoảng bốn chục tên địch ta tiêu diệt tại chỗ 19 tên, bắn bị thương 12 tên, thu 17 súng các loại như AK, AR15, M.79, Carbine và một khẩu cối 60. May là ta phán đoán đúng, du kích Lào dẫn đường đi vòng qua cánh ruộng lúa phía sau để tập kích, khi thu dọn chiến trường ta thu được ba quả mìn định hướng Cleymore do địch gài ở phía trước từ bản đi vào. Nếu tấn công ở hướng đó thì không biết hậu quả ra sao.
       Tính đến thời điểm năm 1983, đây là trận đánh có hiệu suất cao nhất trong các trận đánh địch thường xuyên của các đơn vị thuộc sư đoàn 968 ở Nam Lào khi đánh nhanh, tiêu diệt gọn trong mọi tình huống. Đơn vị và cá nhân đại đội trưởng Nguyễn Quốc Lập được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, đồng chí Hoàng Khắc Toản được thưởng phép về nước. 
       Giữ vững an ninh chính trị, xây dựng chính quyền cơ sở của bạn làm cho chính quyền và nhân dân Nam Lào càng tin tưởng bộ đội sư đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam, góp phần tô thắm thêm truyền thống đoàn kết chiến đấu giữa hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
       Vĩ thanh: Sau này các anh Nguyễn Quốc Lập, Võ Phi Lâm có quay trở lại bản NoọngKuang tìm Nang Khom nhưng không thấy. Những năm ấy địch hoạt động rất mạnh, sau trận đánh đó sợ bị trả thù nên Nang Khom bỏ bản đi nơi khác. Năm 2016 trong một lần về thăm chiến trường xưa, anh Võ Phi Lâm trở lại nơi tiểu đoàn 5 từng đóng quân, vào bản hỏi thăm thì người dân nói Nang Khom đi Viêng Chăn. Năm 2017, đại tá Võ Phi Lâm cùng trung tá Trần Đình Tý (nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 830-sư đoàn 968) đi Viêng Chăn có đến chơi và ở hai ngày tại nhà riêng của đồng chí Bounnhang Volachith- Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Những năm 80 của thế kỷ trước, đại tá Bounnhang Volachith được Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cử về làm Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Savanakhet nên ông rất gắn bó với cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn bộ binh 968 anh hùng. Khi các anh Tý và Lâm nói đến ý định tìm chị Nang Khom, ông Bounnhang trầm ngâm rồi nói rằng, khó tìm lắm…
       Nang Khom, chị còn sống không, giờ chị ở đâu ? Nếu chị nhận được thông tin này hoặc có ai biết về chị thì xin thông tin với chúng tôi, những người lính sư đoàn 968 quân tình nguyện Nam Lào đã được chị không quản hiểm nguy giúp đỡ tròn 40 năm về trước.
 
Trại viết Trường Sơn II tháng 9/2023 
TTUT.BsCKI Lê Lợi
Phó CT Hội VHNT Trường Sơn

 
tin tức liên quan