“Miền yên tĩnh” – Tản văn của Nguyễn Thị Thanh Duyên (Châu Duyên)

Ngày đăng: 09:03 15/11/2023 Lượt xem: 89
MIỀN YÊN TĨNH  
Tản văn
                                                          
          Tôi biết đến miền yên tĩnh ấy như là một cơ duyên khi đến thăm trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan, nơi điều dưỡng chăm sóc các thương bình tâm thần, tâm thần phân liệt từ những năm 1965, ở đó tôi được nghe kể về một nghĩa trang chốn yên nghỉ của các thương binh tâm thần khi từ giã cuộc đời. Giữa trưa nắng tôi chạy tới nghĩa trang,  nhìn nắng vân vi những đốm đầy màu sắc cầu vồng trên hàng hàng bia mộ tôi thầm hứa sẽ quay trở lại thắp hương hoa thành kính các thương binh đã nằm nơi đây:
                                  “ Nhập nhoà lá, chập chờn hoa
                               Ngước lên ảnh những nguời xa xếp hàng”
      Tháng sau tôi trở lại, đường lên nghĩa trang chạy qua thị trấn, qua làng mạc và qua một đầm sen rộng bát ngát, ở đây có bán hoa sen trắng, đến nơi chỉ có mấy bông hoa sen hồng thưa thớt cánh và chừng mươi bông sen trắng gói túm tùm trong lá. Ông già bán sen bảo tôi rằng muốn mua nhiều thì phải đợi 30 phút nữa hoặc vào làng mà hỏi, vậy là tôi lại chạy xe vào làng. Chỉ  hơn mười phút tôi đã có được một trăm bông sen trắng gấp cánh tinh tế, lớp cánh nhỏ bên trong cùng nhuỵ phô nhẹ nhàng thanh cao. Chở hoa chạy đến chỗ hẹn cô bạn thì hai đứa quên đường vào nghĩa trang, hỏi một bác già, bác nhìn chúng tôi từ đầu đến chân không mấy thiện cảm, sau khi chỉ dẫn xong bác hỏi như khiển trách:
-Các cô đi thăm người nhà mà không nhớ đường à?
    Tôi vội phân trần:
-Dạ, chúng cháu không có người nhà ở đó ạ!
-Vậy các cô đi thăm ai, người yêu cũ ?
          Ôi lại càng không! Chỉ biết nói với bác già rằng chúng cháu đến viếng nơi an nghỉ của những anh thương binh tâm thần. Ông bảo:
-À, à, các cô đi đi, cứ thẳng đường này chạy một hồi nữa là đến, dân làng chúng tôi những ngày lễ tết cũng vẫn đến thắp hương cho các anh ấy đó.
       Nghĩa trang nằm tận cuối một cánh đồng, cổng cao, tường xây mới trang nghiêm, có dòng chữ vàng dịu: “ Nghĩa trang trung tâm thương binh Nho Quan” hàng rào điện tử nioc sáng trắng dẫn lối vào. Bạn tôi là người khéo nói, cô ấy chắp tay khấn lạy hoàng thành thổ công, các anh thương binh đã yên nghỉ. Trời hôm nay nhiều mây, gió cũng không lấy gì làm to mà cứ quẩn quanh ở lầu vọng thành ra thắp mãi mới được nắm nhỏ hương, số bó hương còn lại thắp mãi không cháy, tôi lẩm bẩm khấn rằng: “ Thưa các ông, bà, bác, chú, chúng con có nhiều thiếu sót khi sắm lễ, mong các vị thông cảm, đánh chữ đại xá cho hương cháy ạ”. Vừa nói xong thì lửa bùng lên và những bó  hương đỏ rực đồng loạt. Chúng tôi đặt mỗi ngôi mộ một bông hoa sen trắng. Hiền  bảo: “Mấy ngày nay mưa nên cát mịn, chị em mình cắm hoa sâu xuống cát hoa sẽ tươi được mấy ngày đấy.”


 
       Các anh khi nằm xuống đây, tên người, tên quê phần đông là xa tít, có phần mộ không có đủ thông tin. Tại sao? Bởi vì khi bị thương các anh đã được chuyển đổi qua nhiều trung tâm điều dưỡng, bản thân thương tích vào hệ thần kinh thần kinh,  không còn hoặc còn rất ít trí nhớ ( vì vậy trại còn có tên là trại tâm thần, thương binh tâm thần). Có người không còn biết tên của mình nữa nói gì đến quê quán, gia đình. Cán bộ trong trại đành đặt cho anh một cái tên và cái tên đó theo anh đi suốt phần đời còn lại. Tôi đứng thật lâu trước các ngôi mộ, đây là phần mộ thương binh Thái Văn Chép sinh năm 1920 quê tận Tân Châu - Châu Đốc. Thương binh Nguyễn Hữu Tiến sinh năm 1931 quê Sa Đéc - Nam Bộ. Thương binh Y B Lếch sinh năm 1920 quê Đắc Lắc - Tây Nguyên. Phần mộ Huỳnh Thị Liệu sinh năm 1919 quê Quảng Nam- Đà Nẵng. Có phần mộ không biết năm sinh quê quán chỉ có hai từ Miền Nam như phần mộ của thương binh Phạm Văn Ri. Có phần mộ  chỉ vẻn vẹn hai chữ: Phạm Dung và ngày mất 30-8-1965. Có một  anh còn rất trẻ sinh năm 1952  quê Kim Sơn - Ninh Bình đó là anh Phạm Văn Nghỉ mất ngày 26-01-1984 khi mới 32 tuổi. Còn rất nhiều bia mộ mang địa danh Sài Gòn, Gia Định, Bình Định, Hà Bắc, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Nam Định….Thực sự các anh ở những đơn vị nào, khi ra đi đã có vợ con chưa, có mộng ước nào được hoàn thành!  Cả một khu nghĩa trang được xây cất đẹp đẽ, có nhà  như ngôi miếu thờ, có bát hương to, nhưng biển đề  mang dòng chữ: Nghĩa trang thương binh Nho Quan. Vậy các anh khi chết không được là liệt sĩ ư? Các anh đã cống hiến, đã đổ máu mà ra hai chữ tâm thần, sống cuộc đời của người tâm thần. Khi chết đi gia đình, người thân có ai biết? Quê nhà cha mẹ, vợ con cứ khắc khoải đợi chờ, chiến tranh hết rồi sao anh chưa về? Nghĩa trang không có dòng chữ : Tổ quốc ghi công! Ôi linh hồn các anh có biết tìm về quê nhà không?
     Chúng tôi đi thật chậm, đến mỗi ngôi mộ đều nho nhỏ lời chào, có hai ngôi mộ nữ, Hiền bảo: “ Ngôi mộ của hai bác gái mình sẽ cắm mỗi ngôi ba bông hoa, phụ nữ phải được yêu thương hơn”. Ôi chiến tranh!  Hương đã thắp, hoa đã dâng, gió vẫn hiu hiu thổi qua cánh đồng rộng, kêu vu vu theo dây điện về khu biến thế ngay gần đó tạo nên bản hợp xướng u u, u u… Rồi cả khu cây xanh rậm rì xế bên không biết người ta kéo cưa hay nuôi trang trại mà tiếng rin rít, hí lên âm thanh không đều, dai dẳng triền miên từ lúc mới đến, vẫn cảm giác như mọi người ở đây đang “ nhìn” hai chị em tôi, nên lời ăn tiếng nói, bước chân đi rất chân thành từ tốn, cẩn trọng. Vẫn biết phải lần đầu tôi đến nghĩa trang đâu, cả tuổi thơ tôi chơi trò đánh chuyền, đánh đáo trên những ngôi mộ vô chủ. Mỗi khi về quê ra nghĩa trang làng thấy như gặp lại ông bà cô chú dì và cả bạn bè thơ ấu rất gần gũi. Nhưng hôm nay đến nghĩa trang của các thương binh trại trung tâm điều dưỡng Nho Quan lòng tôi rưng rưng những ý thương cảm, buồn đau, các anh đã vì dân vì nước mà phần cuối cuộc đời không được tỉnh táo tinh thần, gắn với cái tên:  Thương binh tâm thần:
                          “ Người về sau mỗi hoàng hôn
                         Có nghe tiếng lá gọi hồn gió xuân
                             Có nghe tiếng sáo vừa ngân
                          Hoà theo nhịp bước hành quân qua đồi”
                                                            ( Trần Xuân Trường)                               
         Vâng, những người nằm đây nếu về được thì cũng có người một trăm năm lẻ rồi? Một trăm năm lẻ có mấy mươi năm và mãi mãi nằm ở  xứ người, nằm đây hồn có tỉnh táo không? Niềm đau của người thương binh tâm thần. Hỏi có ai còn người thân để nhắc nhở rằng nhà mình có một anh ngày tháng năm ấy… ra chiến trường chưa về, còn phiêu du như mây trắng cuối trời với một trái tim thanh xuân, một tình yêu tổ quốc vẹn đầy, một lòng quả cảm như vừa ra đi xung đồn.
        Tôi tin và cứ muốn tin rằng các anh chị khi mất đi đã trở lại trạng thái tinh thần cân bằng, tỉnh táo bằng chứng cứ rất hiển linh:  Khi sáng tôi nhớ thông tin là có 83 ngôi mộ, nhưng tôi bảo cô bán hoa gói cho 100 bông tròn. Chị em sắm hoa lên đài tưởng niệm rồi mới mang đi cắm trước từng ngôi mộ, nghĩ rằng chỗ hoa này sẽ dư ra. Vậy mà số hoa cắm đầy đủ cho mọi ngôi mộ không thừa, không thiếu. Trời nay chiều người không nắng không mưa, cứ đìu hiu một vẻ mơ màng xa xăm hợp cảnh, hợp người, vô cùng yên tĩnh, miền yên tĩnh cho những người con hy sinh thân mình cho tổ quốc, cho độc lập tự do, cho hôm nay, cho mãi mãi mai sau. Biết nói sao đây, tôi chắp tay chỉ biết nói lời thực tâm: Nam mô a di đà Phật! Vâng nam mô a di đà Phật!

09/8/2023
Nguyễn Thị Thanh Duyên (Châu Duyên) -
Thị trấn Me- Gia Viễn- Ninh Bình.
ĐT  0823529299  
 

tin tức liên quan