Linh hồn đá ong - Tản văn: Nguyễn Thanh Duyên

Ngày đăng: 04:38 09/06/2024 Lượt xem: 33
                                         LINH HỒN CỦA ĐÁ ONG
                                                                                             Tản văn
                                                                       - Kính tặng cô tôi và làng đồi Quỳnh Lưu

       Trưa tháng ba, nắng chói chang, đất đồi đỏ quạch chỉ chực chờ có một bánh xe lăn, một bàn chân đạp lên là đất bụi tung cuộn như túm khói toé loe trên đường. Bụi tung lên cả dãy tường đá ong khô mốc, ráp xù lỗ chỗ, chạy quanh co theo dưới những tán cây cổ thụ lâu đời. Tôi chưa lớn đã thấy tường đá ong, thường lẫm chẫm men ra mé tường, sờ tay vào cái lỗ chỗ ấy cậy cậy, bới bới, rồi cứ thế theo bờ tường ấy lần ra tận cuối làng đón mẹ về chợ. Cả tuổi thơ tôi vin theo tường đá ong, nép dưới ngôi nhà xây bằng viên đá ong, dần lớn lên!
        Lộc cộc, lộc cộc, lộc cộc. Ấy là tiếng xe bò của thầy tôi đã về. Bao giờ thầy cũng trở về nhà lúc quá trưa. Nắng tháng ba nhễ nhại, gay gắt trên cánh đồng xanh lúa và cái đói vàng mắt. Con bò già nhẫn nại bước từng bước chậm mà chắc, miệng túa ra từng nạm bọt sùi trắng, nó khát nước. Tôi chạy ra theo thầy:
        Hầy, thầy về! Cho con đi với!
        Thầy tôi khoả cái roi bò.
        Hừm!
      Chỉ chờ có thế, tôi nhảy tót lên xe, ngồi trên những viên đá tổ ong được xếp vuông chằn chặn. Cái xe lóc lóc, lóc cóc lăn bánh đến cuối làng, nhà ông Đấu đây rồi.
      - Ho ...o họ! 
       Sau tiếng ra lệnh ấy, con bò dừng lại, nó thờ ơ không thái độ gì, miệng vẫn nhai sùi trắng bọt mép. Thày tôi tháo cái vai bò lên, được thoát ách nó chậm rãi bước ra khỏi đôi càng. Hai thày con xếp từng viên gạch xuống, bê vào tận trong vườn ổi, cây ổi chín thơm ghê mà con chó nhà bà Đấu cứ gầm ghè làm tôi chả dám tí toáy quả nào. Phủi tay bám bụi, thày tôi nhận tiền công rồi lại “ Hầy” con bò chịu cổ vào ách và chậm rãi ngược đường về nhà.
     Năm nào cũng vậy, khi lúa trong nhà không còn, lúa ngoài đồng chưa chín, sắn, khoai và lạc thì đang xuống củ. Việc nhà nông không còn mấy, cái ăn lại thiếu. Đàn ông trai tráng trong làng vác mai vào đồng rừng tìm đào đá ong. Đám đất có đá ong phải là những mảng đồi khô, đất rắn: “rắn như đá”, chỉ có cây sim, cây mua, cây chàng ràng, cây ngái mọc lúp xúp. Có những chỗ đất trơ ra không cây nào mọc lên được, là chỗ có đá ong. Những người đàn ông miền đồi núi hai bàn tay to rám nắng, khô mốc đường chỉ tay và sần chai các đầu ngón. Những bàn tay ấy, giơ cuốc lên, bổ đánh phập xuống lớp đất rắn đanh tựa đá ấy, gợt bỏ khoảng bốn, năm mươi cm bề mặt đất lộ thiên thì tạo được cái giếng đá ong. Lúc này là dùng cái mai, đâm, trổ những nhát chính xác và thật sâu để tạo ra được viên đá ong hình chữ nhật tầm như viên gạch bi bây giờ. Viên đá nâu vàng, sần sùi, lỗ chỗ như tổ ong mà rắn câng.
     Một giếng đá thường là ba người thợ làm chung, buổi sáng đánh được chừng 50 viên đá là nhiều. Đó là tìm được những mảng đồi rắn và chất lượng đá cao. Vậy rồi lại đặt lên xe bò lọc cọc chở đi bán. Lúc ấy người ta nghèo cũng mua đá rẻ ấy thôi. Đá ong thường để xây công trình phụ, xây cổng, xây nhà, tường đá ong với tôi như một công trình kiến trúc mê mẩn vì kì bí. Tôi nhìn cái màu nâu vàng xếp lớp lang lên nhau, chạy dài quanh co dưới lùm nhãn, dâu da, vải, bưởi, và mít, mít nhiều vô kể lủng lẳng bám đầy cây.
       Đám cưới cô tôi với chú Trương cán bộ Đoàn xã diễn ra mấy tháng trước ngày chú đi bộ đội. Suốt cả những ngày ra Tết chú ra đồi chọn một một khoảng đất vàng trơ đá. Tạo một mỏ đá ong, rồi vợ chồng tranh thủ đánh đá đêm sau những buổi đi làm công điểm hợp tác xã. Có những khuya, cô tôi chong đèn dầu, gánh mỗi đầu quang bốn viên đá ong về nhà. Tháng sau thì chú đã xây nên bức tường đá ong chạy bao quanh vườn, lại còn cuốn cái cổng cong cong rõ là đẹp. Bức tường mới nâu vàng xuộm chưa hề dính rêu phong. Chú trồng ở cổng một cây  dâu da bảo để cho cô khi có em cu muốn ăn quả chua là có ngay. Chú vuốt ve, sang sửa cái cổng đá ong kĩ càng lắm, quay sang nói với cô đang nhào hồ gần đó: “Cổng đá rêu phong ý đợi người”. Cô tôi nói: “Anh cứ yên tâm đi ra trận, ở nhà em đã có mẹ, có tường đá ong này che chở, mấy tháng nữa có cu con nó chờ anh. Khi nào anh về con chắc lẫm chẫm biết đi, ra cổng đón anh đấy. Vậy rồi chú tôi đi chuyến ấy chưa bao giờ trở về thăm nhà.
       Những ngày chăn trâu trên nghĩa trang làng, thằng Tỏ đứa hoa văn và lém lỉnh nhất bọn hay vuốt ve những cánh hoa sim, hoa ngái tím bảo: “Ôi đẹp quá, phí quá”. Rồi nó bày trò chơi đám cưới. Chủ hôn là ông Triển già, cầm cái mo cau đọc lý do một cách ê a. Đến đoạn cài hoa tôi không chịu cúi xuống. Thằng Tỏ bảo: “Ly, mày cúi xuống đi, rồi tao đuổi trâu ăn lúa cho, khi nào lớn tao đào đá ong xây cho mày cái lầu hoa; “Thế rồi tôi chưa kịp cúi đầu thì tiếng hô huầy đuổi trâu ăn lúa váng lên, cả bọn chạy cuống cuồng. Ông Triển già quýnh quáng làm rơi mất tiêu cái mo cau, tan một đám cưới. Những trưa không ngủ lũ bạn trẻ con chúng tôi chơi trốn tìm trong vườn mít và dãy tường đá ong là thành trì của cuộc chơi trốn bất tận ấy. Nhà bà Lư có đống đá ong gom góp để xây thêm phòng cho anh Lư cưới vợ. Nhưng anh Lư đã đi bộ đội trước ngày cưới, anh bảo: Cưới xong rồi đi, biết đâu mình đi mãi không về, thì tội chị Loan. Mẹ anh vội mắng te tát: “Phỉ thiu cái mồm mày đi”. Vậy rồi đống đá ong cứ nằm đó cuối vườn rập rạp, nó thành cái lô cốt cho bọn trẻ chơi trận giả. Một chiều tối mẹ thằng Xa khóc khóc, mếu mếu gọi : Xa ơi Xa, Xa ơi .... Mãi không thấy con đâu. Cả xóm đồi nháo nhào đi tìm. Thằng Tỏ chui vào vườn, chui sâu vào khu lô cốt đá ong, thấy thằng Xa đang ôm súng bẹ chuối dựa lưng vào tường ngủ gờ gờ, có bóng người nó vội giơ súng lên: “Đứng im”. “Tao chứ ai mà đứng im”, thằng Tỏ bảo: “Mày về đi, cả xóm đi tìm mày, mẹ mày đang khóc váng lên kia kìa. “Xa nắm chắc báng súng chuối hỏi lại: “Sao chúng mày bảo tao ở đây đây gác lô cốt” .
     Tôi lớn lên một chút, đến nhà cô, ra bờ giếng kín nước. Nước đá ong bao giờ cũng trong và ngọt rượi. Buổi trưa dưới gốc mít bên giếng đá ong, thả cái gầu cao su nghe rơi um...um...um, dây gầu dài đến hơn mười sải tay, mãi mới nghe “tẹt” một tiếng dưới đáy giếng, tôi lo lộn cổ xuống nên một tay lần thả dây, một tay bám thành giếng. Lúng lắng, lúng lắng rồi cái gàu cũng đầy nước, kéo lên được thì sóng sánh hết một phần ba. Bẻ mấy cành chè xanh bỏ cả vào nồi bắc lên bếp, nhặt những cành ngô, cây đậu vào đun, vậy là có ấm nước chè xanh sóng sánh thơm dìu dịu, mùi thơm đặc trưng của miền đồi đá ong Quỳnh Lưu.
     Mẹ chồng cô đợi con lâu quá nên đã về trước với ông bà tổ tiên. Ngày giải phóng Miền Nam cả nước hân hoan náo nức, làng xã nào cũng trống rong cờ mở mừng vui. Cô tôi và con ra cổng đón chú mà nào đâu thấy người. Rồi em tôi cùng bọn trẻ con hò reo đi tắm ở đồng Liềm vẫn trong không khí háo hức ngày toàn thắng! Nhưng!.. Nước đuối cuốn em chìm xuống đó, lúc bọn trẻ hô hoán lên, có đứa chạy về làng gọi người lớn ra lặn ngụp mãi mới thấy em đã cứng ra rồi.
      Cô tôi còn lại gì đây? Người phụ nữa đi qua cuộc chiến tranh chỉ còn lại hai bàn tay trắng! Còn đau thương nào hơn nữa! Chất chồng đau thương! Bức tường đá ong đã giăng mắc lớp rêu xanh xỉn, lằng ngoằng. Sau này cô đi bước nữa với một chú goá vợ ở xã bên, con chú đông, cô lại mang những đứa con chú về nuôi và vẫn sinh sống trong ngôi nhà cũ xây bằng đá ong. Trong nhà chẳng có gì đáng giá, ngoài những cuốn sách chú Trương để lại, những bằng khen, giấy khen, tấm bảng “Tổ quốc ghi công” treo tận trên hàng rui mè của ngôi nhà là có giá nhất, lớp mica nhận ánh sáng đèn điện nhiều nên thường lấp loá, lấp loá… Mười năm nay cô nằm dính xuống cái giường cũ kĩ. Nếp nhà trùng võng xuống, giếng đá ong bây giờ cây dương xỉ mọc vòng xanh um. Em tôi nói sang năm phấn đấu xây lại nhà cho mẹ hưởng những ngày cuối đời cửa cao nhà rộng, cả làng, cả xóm người ta xây nhà của khang trang cả rồi, chỉ có mẹ già con cọc nhà cô vẫn ở cái nhà ọp ẹp, cô biết nó tiền đâu ra mà xây nhà, thương con cô bảo: “Thôi cứ để mẹ ở lại ngôi nhà này, đừng phá tường đá ong đi”.
    Lũ bạn trẻ trâu lớn rồi cũng dần bay đi các nơi kiếm sống, vài ba đứa trụ lại quê nhà với nghề trồng cây hoa quả, nghề cưa xẻ gỗ. thằng Xa vào Bình Dương và mang mẹ nó vào trong ấy rồi. Tôi đi xa và lâu nhất, lâu lắm rồi tôi chưa trở lại với những tường đá ong. Chiều nay người bạn khác xứ hỏi: “Tường đá ong nó như thế nào mầy”. Tôi ngơ ngác rồi bật nhớ ra tường đá, cổng đá rêu phong, tiếng xe bò cút kít  của thầy tôi mỗi buổi về làng. Thấy cái giếng nước cuốn cong cong, nước đá ong ngọt ngào làm sao! Tôi bật máy tính, lia nhanh về quê nhà. Ô kìa, anh bạn Tỏ áo kẻ, quần bò đang đứng giữa khu du lịch đồi Sọong. Cái đồi ba km chạy dài trơ đất đá ong đỏ quạch, bây giờ sim, mua tươi tốt trái chín ngọt lịm. Những viên đá ong được cất xây tinh tế hình thành cả một khu du lịch thẫm đẫm hồn quê trong cái màu vàng nâu đá ong vẫn thô ráp mà ấm áp như bàn tay cha tôi ngày nào. Tôi như kẻ đói khát chạy về mâm cơm của mẹ sắp sẵn dưới hiên nhà. Thấy mình thơ bé đang sờ tay vào từng viên đá xù xì thô ráp mà yêu thương gắn bó tựa linh hồn làng. Không kịp trả lời người bạn, bởi có những điều không thể nói mà đủ hiểu. Bởi những viên đá ong ngày xưa xa không thúc mà hối tôi về bên. Vội vã cuốn vali ra thẳng sân bay, tôi về lại quê với những bức tường đá ong như ngày xưa yêu dấu!


                                                                   Nguyễn Thanh Duyên
                             SDT: 0823529299 - ĐC: Thị trấn Me - Gia Viễn - Ninh Bình.
                                                                

tin tức liên quan