MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ THƠ NGUYỄN XUÂN HÙNG
Th.S Đoàn Mạnh Tiến - Giảng viên Đại học Vinh, Ban lý luận phê bình Hội Văn nghệ Nghệ An
Nhà thơ Nguyễn Xuân Hùng (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh) vừa cho ra mắt tập thơ Lời ru của lính. 256 bài thơ của anh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Hơn năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Nguyễn Xuân Hùng viết những câu thơ đầu tiên. Sinh ra từ Hương Vinh, Gia Bình (thuộc tỉnh Bắc Ninh), mảnh đất giàu truyền thống Văn học Nghệ thuật với những làn điệu quan họ làm say đắm lòng người, tâm hồn thơ của Nguyễn Xuân Hùng đã được ấp ủ từ tuổi ấu thơ. Những năm học ở trường phổ thông rồi vào bộ đội, anh đã làm thơ và có một số bài thơ được bạn bè chú ý. Từ đó đến nay, nhiều thập kỷ đã trôi qua, bàn chân anh đã đi khắp mọi nẻo đường của đất nước. Và ở mỗi chặng đường, hồn thơ anh nén lại rồi ào ạt tuôn trào. Các tập thơ: Nhớ, Mưa Hà Nội, Thơ và lời bình, Lời ru của lính đã ghi lại những dòng cảm xúc mãnh liệt ấy.
Trước hết, đọc thơ Nguyễn Xuân Hùng, cảm nhận đầu tiên, bao trùm và xuyên suốt là tâm hồn Nguyễn Xuân Hùng rất giàu chất thơ. Chất thơ ấy, trước hết gắn với những cảm xúc trực tiếp trước thiên nhiên, trước cuộc đời, gắn liền với sự xúc động trong trái tim nhà thi sĩ. Trong nhiều bài thơ của anh, yếu tố cảm xúc trực tiếp của chủ thể là một trong những nhân tố cơ bản để tạo nên chất thơ. Nếu xem việc giàu cảm xúc là một năng lực tinh thần thuộc về tư chất của nhà thi sĩ thì điều đó thể hiện rất rõ trong thơ Nguyễn Xuân Hùng: “Khi ta nhớ mây giăng mờ núi biếc/ Khi ta vui hoa tím nở lưng đèo/ Khi ta buồn ve sầu kêu xao xác/ Ta yêu em mầu tím cứ đi theo” (Nhớ 1).
Trong thơ Nguyễn Xuân Hùng, cảm xúc không chỉ là cái gốc của hồn thơ mà còn là nhân tố chủ yếu để tạo nên hình tượng thơ: “Tôi về thăm mái trường xưa/ Mừng vui gặp lại thầy cô thuở nào/ Thăm hàng phượng vĩ vươn cao/ Bao năm thắp lửa đón chào mùa thi” (Về thăm trường cũ). Với Nguyễn Xuân Hùng, những cảm xúc bồi hồi, rạo rực đã tạo nên một trạng thái đặc biệt trong quá trình sáng tạo thơ ca, từ sự rung động thực sự ấy, những hình ảnh cứ bay lượn, đi về, rồi niềm xúc động bùng lên mãnh liệt: “Bồi hồi xao xuyến lòng tôi/ Cầm tay một thoáng suốt đời còn say/ Anh về Kinh Bắc chiều nay/ Ngẩn ngơ Tam Đảo mây bay trắng trời” (Chia tay sơn nữ).
Nguyễn Xuân Hùng có nhiều bài bàng bạc chất thơ, thấm đượm chất thơ, thể hiện ở các bài Truyền thuyết khoang xanh, Nét Huế, Thu, Cùng em ngắm quỳnh, Bên hoa, Chiều quê… Đọc thơ Nguyễn Xuân Hùng ta gặp một hồn thơ tinh tế và đầy chất nghệ sỹ, thơ anh có sự giao cảm màu nhiệm giữa thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm của nhà thơ: “Bờ đê gió mát mùa hè/ Chiều nay nhớ ngoại tôi về thăm quê/… Một vùng trời đất mênh mông/ Diều ai như chiếc thuyền cong lững lờ/ Sáo rung đôi cánh mộng mơ/ Hoà trong câu hát tiếng hò thôn quê/ Ngẩn ngơ đi giữa chiều hè/ Tôi yêu - yêu đến thiết tha quê mình” (Chiều quê). Ở đây, cái cụ thể của từng hình ảnh, từng chi tiết đều có sức gợi, góp phần tạo nên một cảm nhận tinh tế và trong chiều sâu của hình ảnh như đang trỗi dậy cả một sức sống.
Nếu trong thơ, cảm xúc là yếu tố cơ bản tạo nên chất thơ, tạo nên hình tượng thơ thì Nguyễn Xuân Hùng tỏ ra có nhiều năng lực trong việc tạo cảm xúc. Năng lực này bộc lộ rõ trong khả năng đồng cảm với mọi người, trong việc chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với đồng loại, trong sự phân thân thành những đối tượng khác. Nhiều cảnh ngộ, nhiều trạng thái tình cảm của người thân, của bạn bè thường làm xúc động đến tình cảm sâu kín nhất khiến cho nhà thơ tham dự vào đó như chính cảnh ngộ của bản thân mình (thể hiện ở các bài Nhớ anh Phúc Toản, Cháu Sơn ra đi, Cháu đi, Em đi nhẹ nhàng, Nhớ anh Nguyễn Tâm v.v…).
Theo nhịp gõ của thời gian, thơ Nguyễn Xuân Hùng lớn dần lên. Những câu thơ sôi nổi, trẻ trung của tuổi thanh xuân dần dần nhường chỗ cho những câu thơ giàu chất suy tưởng. Trên nền tảng của sự xúc động, trong khi hoà quyện được cảm xúc và suy nghĩ, càng về sau, thơ Nguyễn Xuân Hùng càng mang đậm chất suy tưởng. Hình tượng thơ trong anh là hình tượng cảm xúc và suy nghĩ, của xúc động và ý tưởng, trong đó phần suy tưởng để lại dấu ấn rất đậm nét. Cảm xúc và suy tưởng trong thơ anh luôn luôn có khả năng chuyển hoá qua lại như một dòng tư duy, một nguồn mạch đi về không có sự cách ngăn. Nhiều câu thơ giàu chất triết lý. Chất triệt lý ấy không chỉ bộc lộ ở câu từ mà còn được thể hiện ở cách đặt vấn đề của tác giả, ở những lập ý, những liên tưởng, ở trí tưởng tượng, ở những chi tiết và những hình ảnh cách tân mới mẻ: “Có lẽ ông trời đã phù hộ cho cha/ Được in thơ vào sách giáo khoa con học/ Để ra trường cha ngẩng cao gương mặt/ Chỗ thấp nào cha đứng thẳng cũng thành cao/ Cha tự hào không sống kiểu bon chen/ Chẳng khom lưng nên dáng cha không thấp/ Biết sống đủ đầy luôn thấy mình sung túc/ Chẳng hám giàu – tiền lắm sợ ky bo/ Sướng khổ giàu nghèo thật khó mà so/ Hãy sống vươn lên hưởng niềm vui đích thực/ Đời lãi nhất là khi ta trung thực/ Tích sự yên bình để trưng cất niềm vui” (Nói với con gái út). Thơ Nguyễn Xuân Hùng là tiếng nói của một cuộc đời từng trải, một tầm hồn sâu nặng yêu thương và cảm nhận sâu sắc. Cảm xúc, suy nghĩ trong thơ anh là sự chuyển hoá của một dòng năng lượng, dòng năng lượng đó bắt nguồn từ cảm xúc để dần dần nâng lên thành sự suy tư, băn khoăn, suy tưởng và cuối cùng thành triết lý: “Chỉ cần xem ý tứ thôi/ Đã tường gan ruột nó rồi còn đâu/ Ở đời sống có trước sau/ Qua cầu rút ván chắc đâu thành người” (Xem ý). Tâm hồn anh lắng đọng nhiều suy tư, cho nên đọc thơ anh ta phải đọc thật chậm, trong một không gian yên tĩnh, trong một thời khắc trầm lắng thì mới cảm nhận hết cái hay, cái sâu sắc của thơ anh. Trong tiếng nhạc âm vang của quá khứ, anh thường nghĩ đến thái độ sống trước hiện tại, anh muốn bình tĩnh để nghiền ngẫm những vấn đề thuộc về số phận, nhân bản, con người, tình yêu và cuộc đời. Có những bài thơ chỉ 14 chữ nhưng đã cho ta một triết lý mới mẻ: “Khi ta biết sống vì nhau/ Tình yêu là đấy chứ đâu mà tìm” (Tình yêu).
Thơ Nguyễn Xuân Hùng gắn liền với trí tưởng tượng và liên tưởng. Trong thơ anh, trí tưởng tượng là một đường dây nối liền những hiện tượng tưởng như riêng lẻ, cách biệt nhau thành một nguồn mạch thống nhất. Nguyễn Xuân Hùng có những câu thơ trong đó trí tưởng tượng đã chắp cánh cho hồn thơ bay lên vượt khỏi giới hạn xác định của một địa điểm, thời điểm cụ thể. Trong bài Biển mây, anh viết: “Em hỏi anh: Có đảo sao không có biển?/ Anh nói rằng chỉ có biển mây thôi/ Dưới chân dốc bồng bềnh như sóng vỗ/ Núi khoả thân trắng nõn một vùng trời”. Hay trong bài Thác bạc: “Suối bắt nguồn từ núi Máng Chì/ Nước chảy quanh năm uốn lượn/ Bất chợt trên cao đổ xuống/ Như dải lụa ngà bay giữa đại ngàn xanh”. Đọc các bài thơ trên, ta thấy cảm xúc của nhà thơ đã trực tiếp kích thích trí tưởng tượng, và đến lượt nó, trí tưởng tượng làm cho cảm xúc thêm phong phú, trí tưởng tượng và sự liên tưởng đó còn được thể hiện trong nhiều bài thơ, tiêu biểu là bài Buồng cau trên tàu thống nhất.
Trong thơ Nguyễn Xuân Hùng, những bài viết trong những ngày nằm viện gây được nhiều ấn tượng cho người đọc. Bệnh tật hiểm nghèo thường xuyên đe doạ cuộc đời anh, anh phải chịu liên tục nhiều ca mổ, xạ trị, hoá trị làm cho sức khoẻ suy sụp, tài chính kiệt quệ, ai cũng tưởng Nguyễn Xuân Hùng sẽ ngã gục và tuyệt vọng. Nhưng không! Anh đã bất chấp tất cả, vượt lên trên tất cả. Anh vẫn đến với THƠ với niềm say mê cháy bỏng. Cũng dễ hiểu thôi, thơ ca vốn là một lĩnh vực tinh thần có bản năng sinh tồn kỳ lạ, không theo quy luật thông thường. Càng khổ cực con người càng cần có thơ ca, càng gian nan, con người càng cần sự lãng mạn, càng khốc liệt tâm hồn càng tươi xanh. Nguyễn Xuân Hùng là thế: “Hơn một năm tôi không ngơi nghỉ phút nào/ Hai mươi ngày ở nhà, hai mươi ngày ở viện/ Vẫn làm thơ, vẫn hăng say công việc/ Lúc ở nhà, bạn gọi… có mặt ngay” (Ngẫu hứng ngày thoát viện). Đây cũng chính là thể hiện bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường của nhà thơ – chiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng.
Nguyễn Xuân Hùng còn có nhiều bài thơ thể hiện tình yêu mãnh liệt, tha thiết, nồng nàn đối với quê hương, gia đình và người thân. Hình ảnh quê hương trong thơ anh sinh động, tươi vui, rộn ràng, nhộn nhịp, đầy sức sống: “Tôi trèo lên núi Thiên Thai/ Nhìn về Gia Bình bát ngát/ Thị trấn nhà lầu san sát/ Đường phố nhộn nhịp dọc ngang/ Nhìn cánh đồng quê Hương Vinh/ Trải một màu xanh tít tắp/ Ngô đang trổ cờ phơi bắp/ Hẹn một mùa vàng bội thu” (Bức tranh quê). Và đây là những câu thơ đầy ấn tượng về người vợ: “Về hưu thơ bắt tôi say/ Mải đi sáng tác những ngày gần xa/ Em quen tần tảo việc nhà/ Thương chồng – môi thắm như hoa giữa đời/ Tôi giờ mắc bệnh của trời/ Em không ngần ngại chăm tôi tháng ngày” (Người ngoan).
Nguyễn Xuân Hùng có nhiều bài thơ viết về đề tài người lính (như: Đội ngũ chúng tôi đi, Khúc quân hành, Vượt ngầm, Thư về cho mẹ, Nhớ thời quân ngũ v.v…). Trong thơ anh, vẻ đẹp người lính được thắp sáng với tình đồng chí, tình đồng đội mặn nồng, sâu đậm, bao trùm lên tất cả là vẻ đẹp của tâm hồn, của ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc: “Mẹ ơi con đến đây rồi/ Đứng trong đội ngũ sáng ngời ánh sao/ Thoả lòng mong đợi ước ao/ Được vào bộ đội vui nào vui hơn/ Chí trai xẻ dọc Trường Sơn/ Còn quân xâm lược con còn ra đi” (Thư về cho mẹ).
Trên đây chúng tôi đã trình bày những cảm nhận bước đầu về thơ Nguyễn Xuân Hùng. Những vấn đề khác của thơ anh sẽ được đề cập trong những bài viết tiếp theo. Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh và khẳng định là thơ Nguyễn Xuân Hùng luôn lấy cái tình làm trọng, lấy cái chân thật, mộc mạc làm nền. Với anh, cảm xúc là cái gốc của hồn thơ.
Hơn nửa thế kỷ lặng lẽ, cần mẫn thâm canh gieo hạt trên cánh đồng thơ. Nguyễn Xuân Hùng đã có nhiều vụ bội thu. Hơn mười giải thưởng anh được nhận đã nói lên điều đó. Hy vọng Nguyễn Xuân Hùng sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa.