LỜI HẸN VỀ THUÝ SƠN
Truyện ngắn
Trưa hè nắng chang chang, ngọn tre im lìm không vẫy gió, bầu trời cao xanh vời vợi điểm vài nhúm mây trắng mỏng manh, nắng nhảy múa những ánh vân vi hoa cả mắt. Người lớn đã đi phơi rơm, đảo lúa cả rồi, những đứa trẻ con lợi dụng khoảng thời gian nghỉ hiếm hoi giữa trưa chạy ra sân đội chơi chỗ mấy cái bể nước ngâm mạ của hợp tác xã. Ở đó chúng chơi bắn súng đóp, có một nhân vật quan trọng ấy là thằng Mậm. Thằng Mậm cao lớn nhất đám, nó mập mạp và to khoẻ như một mậm măng vầu, măng bương, có lẽ vì thế mà nó tên là Mậm.
Mậm có một thứ mà chẳng ai trong nhóm có được đấy là khẩu súng đóp. Nhìn thấy nó ở đằng xa, đi hơi khom khom, hoặc dựa lưng vào bờ tường, lần từng bước một, lúc lại rúc vào bụi duối thò mỗi nòng súng ra rồi lên đạn, bắn cái “đụp”, tiếng hô "xung phong” và Mậm ta nhảy ra khỏi vị trí, băng băng tiến lên, vừa chạy vừa nhồi đạn và bắn đùm đụp, âm thanh rất to bởi tiếng đạn bay ra khỏi đầu súng và tiếng cậu ta hò reo.
Gặp ngay đống rơm nó nằm phục xuống núp, lúc ấy con Huê, thằng Tiền, cu Tiu và tôi liền chạy tới tiếp viện đạn cho nó một cách cung cúc, hề hả. Rồi thằng Mậm bị thương, tay nhả miếng thịt máu chảy thành dòng, nó bỏ súng xuống rồi lại cầm lên ngay tắp lự. Cái mồm chưa kịp giành ra mếu máo thì đã đã vội thu gọn lại ra giọng chỉ huy:
- Cu Tiu, cầm súng chiến đấu, tôi bị thương rồi.
Thằng Tiu vui sướng cầm lấy súng, nhả nhanh lọn lá chuối nhai xanh lè miệng từ nãy đến giở. Tống đạn vào, giơ lên bắn phùm phụp, thằng Tiu hết đạn bởi không kịp nhai lá chuối. Thằng Tiền vồ lấy súng sẵn đạn trong túi quần lôi ra nó tra đạn lên nòng và bắn loạn xạ, nó bắn quyết liệt như người chiến sĩ trước giờ xung đồn.
Mậm bảo tôi với con Huê băng vết thương cho nó, nhưng mà không có vải, con Huê lấy rơm buộc vào, máu vẫn túa ra. Mậm ghé xuống cắn gấu áo, xé toang một mảnh vải đưa cho tôi, tôi run run buộc chỗ máu chảy lại. Nhưng quần Mậm toang hai đầu gối ra và bắp chân xây sát máu rơm rớm lẫn bụi rơm lúa bám đầy. Thằng Mậm tỉnh bơ như không hề đau đớn, nó phủi đít quần cười hề hề với hai đứa con gái đang mắt tròn, mắt dẹt:
Không sao cả, đánh giặc mà lỵ!
Nó chạy ra giằng lại súng không kịp đợi con Huê đưa cho viên đạn giấy. Ba đứa con trai với một khẩu súng lộn tung sân rơm ngày mùa gặt, chúng bốc rơm tung lên trời, chui vào đống rơm trốn, xung phong bắn giặc bòm bòm dù súng không còn đạn. Chúng hò hét khản đặc cổ cho tới hồi bà Khương (Khương là tên bố nó đấy) gọi thằng Mậm về đội lúa ra cổng xóm cho mẹ nó rê, cả bọn mới rã đám.
Trưa hôm sau tôi đang ngó nghiêng từng quả duối trong bụi thì Mậm đi đến, không phải đi mà là chạy, dáng điệu vui vẻ lắm, tay vẫn cầm súng đóp, tay kia xà xuống bốc tung từng lọn rơm lên. Nó hổn hển chạy đến chỗ tôi nói trong hơi thở dồn dập:
Ê này Mây ơi, bố tao là chiến sĩ anh hùng đấy nhé!
Chúng tôi và mọi người trong xóm đều biết bố nó ra trận lâu lắm chưa về, mọi khi nhắc đến bố nó đều bùi ngùi, nhung nhớ. Sao hôm nay nó hớn hở thế nhỉ? Tôi hỏi:
Thế bố cậu được về thăm nhà à?
Bọn trẻ trong xóm cũng đã đến đông đủ, đứa nào cũng bị lôi cuốn bởi sự vui vẻ, hồ hởi của Mậm. Nó lại tung cái súng lên trời, cả bọn rồ lên bắt, súng rơi vào tay thằng Viên. Mậm cho tay vào túi quần lôi ra nắm hạt đạn là những viên giấy vo tròn tung lên như pháo hoa! Bây giờ nó mới quay sang trả lời tôi, đúng ra là nó khoe với tất cả lũ nhóc chứ không riêng tôi:
Bố tớ là chiến sĩ Giáp Văn Khương, bố tớ là anh hùng, bố tớ đánh giặc rất anh dũng trên núi Thuý Sơn, bố tớ gan dạ lắm, trong một trận đánh để yểm trợ cho đồng đội, bố tớ nhảy từ trên núi cao xuống sông Đáy, bọn giặc không bắt được bố tớ nhé! Bố tớ là anh hùng đấy! Ôi! Bố tớ là anh hùng!
Thằng Mậm chạy đi khoe tiếp niềm vui về người bố anh hùng của nó. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì sự kiện mới mẻ và thái độ hoạt ngôn của thằng Mậm. Cả lũ reo hò vang xóm cùng con trai người anh hùng. Từ hôm ấy, chúng tôi nhìn Mậm bằng sự thán phục và kính trọng chả gì nó cũng mạnh mẽ nhất nhóm và hơn nữa nó con của một anh hùng. Trò chơi bắn súng có tổ chức hơn, Mậm còn nhờ ông ngoại làm cho mỗi đứa con trai một cái súng đót. Nó còn hẹn với cả đám là: Khi nào chúng ta lớn chúng ta sẽ đến núi Thuý nhé. Mẹ tớ bảo Núi Thuý rất đẹp và còn là địa danh lịch sử đấy. Những trò chơi thời thơ ấu nuôi dưỡng chúng tôi lớn nhanh như mậm măng, mậm sậy. Mậm đã về quê nội lâu lắm rồi, bố nó là người dân tộc Tày mãi tít trên Hoàng Liên Sơn. Trước khi đi Mậm mang cho tôi cây súng đóp và dặn đi, dặn lại:
- Bao giờ chúng mình lớn, chúng mình đến núi Thuý nhé. Đến xem phong cảnh và những bài thơ khắc trên núi, thăm lại chỗ bố tớ anh dũng nhảy từ đỉnh núi xuống dòng sông Đáy, hẹn gặp Mây ở Thuý Sơn.
Lũ chúng tôi chưa đi đâu xa khỏi cánh đồng làng nhưng vẫn gật đầu đồng ý với Mậm và ngay tức khắc tôi tưởng tượng ra ngọn núi tên Thuý Sơn soi mình bên dòng sông, mong một ngày đặt chân đến đó. Mậm đi rồi chúng tôi cũng chia tay với trò chơi bắn súng đóp mà vác cặp đến trường học chữ. Hàng ngày vào lớp thường hô vang 5 điều Bác Hồ dạy và câu khẩu hiệu:” Đánh Mỹ cứu nước, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Một hôm nhằm lúa đồng đang cúi bông, gió nam thổi rào rào ngoài bụi tre, cô giáo hồ hởi bảo:
Đất nước toàn thắng rồi, từ nay chúng ta chỉ hô 5 điều Bác Hồ dạy thôi, không hô câu khẩu hiệu kia nữa.
Học lên lớp 5 tôi hiểu ra rằng bố Mậm trùng tên với chiến sĩ Giáp Văn Khương người anh hùng đánh Pháp trên núi Thuý. Chứ Mậm và tôi sinh ra trong thời chống Mĩ kia mà. Sau ngày đất nước toàn thắng mấy năm tôi theo ba mẹ về quê dừa Bến Tre, chia tay làng đồi Quỳnh Lưu căn cứ cách mạng nơi ba tôi đã gặp mẹ mà sinh ra tôi, nơi có lũ bạn thuở nhỏ chơi trò bắn súng đóp và người bạn tên Mậm cùng lời hẹn về Thuý Sơn. Thời gian làm phôi pha nhiều hình ảnh, thế nhưng cậu con trai tự hào mình là con người anh hùng đầy phấn chấn buổi ấy vẫn găm cài trong tâm trí tôi. Tôi đã đến Thuý Sơn mấy lần từ khi ra Hà Nội học Đại học. Sau này trở về Nam công tác, dù bận rộn, dù xa xôi cách trở, năm qua đi, tháng qua đi tôi vẫn luôn sắp xếp thời gian để trở về thăm Thuý Sơn ngọn núi đẹp như viên ngọc, con chim trả tắm bên dòng Đáy mộng mơ, bao thế hệ đã đến đây thưởng thức vẻ đẹp của thế núi hình sông và thăm lại nơi ghi chiến công lẫy lừng của quân dân Ninh Bình những ngày chống Pháp với hình ảnh anh hùng Giáp Văn Khương quả cảm! Riêng tôi còn là kỉ niệm về người bạn ngày xa xưa. Biết đâu, như lời hẹn một ngày nào đó chúng tôi gặp lại nhau nơi này.
Hôm nay tôi lại đến núi Thuý như những lần trước, Nhưng chuyến bay bị chậm vả lại khi xe chạy trong thành phố bị tắc đường, tôi rất nóng lòng bởi vé khứ hồi đã đặt. Lần này tôi chẳng thể thư thả đi ngắm cảnh vịnh Hạ Long cạn cùng bao cảnh đẹp tươi đất Ninh Bình. Nhưng sao tôi bỗng thấy bồi hồi, có điều gì đó như vẫy gọi tôi ở phía trước. Xe vừa tới chân núi, tôi mở cửa xe, không quên hẹn lái xe giờ đón, ròi tôi đi lên núi. Trên những lối vòng quanh có nhiều người tản bộ. Bỏ qua cả tảng đá to như chiếc bàn ngay sát lối lên núi mọi khi vẫn dừng chân. Đã có người ngồi nghỉ chỗ tôi vẫn ngồi mọi khi, thoáng qua tôi thấy là hai người đàn ông một già một trẻ mặc đồ Chàm. Lập tức họ nhìn tôi làm tôi bối rối đi nhanh tránh cái nhìn xa lạ, trên đường đi cái cái hoạ tiết nút áo trên trang phục người đàn ông làm tôi cứ hướng dòng suy nghĩ xuống chân núi.
Ngồi trong Nghinh Phong Các một hồi cho những phán đoán mơ hồ trấn tĩnh. Thuý Sơn hôm nay yên tĩnh đến tịch mịch, tôi biết sau lần về thăm Thuý Sơn này thì sẽ rất lâu tôi mới về lại bởi tôi có chuyến công du xa. Bồi hồi, tôi đi ra ven núi nhìn xa xa một vùng quê mênh mang trải dài dưới kia. Mùa này nước lớn nghe rõ cả tiếng sóng vỗ ì ọp vào vách đá thăm thẳm. Đang thả tâm trạng theo từng con sóng trải về hướng biển, bỗng giật mình vì tiếng động “bụp, bụp”. Qua lại thì quả là có một cậu bé áo chàm với cây súng đóp trong tay vừa bắn viên đạn giấy bay ra khỏi nòng. Thấy tôi cậu bé có chút bối rối, còn tôi lại bối rối hơn vì cậu bé quá giống Mậm ngày nhỏ. Niềm vui, niềm hy vọng loé lên trong tôi, hay đây là con trai Mậm! hôm nay có thể tôi gặp Mậm? Nhưng không thể, vì so với tuổi tác thì cậu bé này phải là cháu Mậm chứ không thể là con. Cậu bé đã quay lại với người đàn ông trong vừa đi tới, thì ra người ấy cũng đang hướng ánh nhìn về tôi. Bắt chợt gặp hai người xa lạ nhìn mình chăm chăm ở một nơi vắng vẻ tôi hơi chột dạ, có phần luống cuống. Người đàn ông lớn tuổi thì không hề giống Mậm chút nào, có chăng là bờ vai như một cánh cung lực lưỡng nhô lên dưới làn áo lam và cái nút gài như một điểm nhấn. Khẽ thở nhẹ, tôi lấy lại bình tĩnh, tinh thái điềm đạm, ngước mắt nhìn thẳng bước ngược về phía văn bia, tránh ánh mắt người đàn ông xa lạ kia vẫn đang nhìn mình:
- Mây! Xin hỏi có phải là Mây đó không?
Người đàn ông gọi ai giống tên mình thế! Hơi quay lại nhìn anh ta cho rõ:
- Mây! Có phải Mây không?
Giọng người đàn ông lớn tuổi nhắc lên lần nữa, gương mặt chằng chịt sẹo và con mắt hấp háy thụt lùi vào trong hố mắt, ông ấy gọi tôi ư? Tôi đâu có quen ông ta!
- Cô Mây! Bố cháu gọi cô kìa!
Cậu bé chạy lại phía tôi, tay giơ cao cây súng đóp hỏi vặn:
- Cô có phải là cô Mây ngày nhỏ ở làng đồi với bố cháu không cô?
Đến lúc này thì rõ họ gọi tôi rồi, vội đưa mắt nhìn quanh, trên núi hôm nay vắng ngắt không có ai, lấy giọng rất nghiêm, gom bình tĩnh lại tôi bảo với cậu bé con rằng:
- Cô tên là Mây, nhưng cô không biết bố cháu và cháu, hai người có nhầm cô với ai không?
Lúc này người đàn ông đã tập tễnh chống gậy, hươ hươ tay đi đến. Cậu bé đã đứng hẳn trước mặt tôi nói dõng dạc:
- Cô Mây, đúng cô rồi, cháu nghe bố cháu kể về cô đã nhiều, dù chưa gặp nhưng cháu tin chắc là cô! Cô nhìn cháu này, ai cũng nói cháu giống y như bố cháu ngày nhỏ.
Tôi thảng thốt nhìn lại người đàn ông trước mặt để tìm ra Mậm của ngày xưa, liệu có phải thật là Mậm đấy không? Đã rất nhiều năm trôi qua tôi vẫn đến Thuý Sơn vì một lời hẹn con nít, nhưng người đàn ông trước mặt tôi không phải là người đã hẹn? Có chăng là dáng cao lớn vững chãi như trái núi từ bước chân đến cử chỉ khua tay. Còn lại là xa lạ, tôi nhìn một vòng đỉnh núi, Nghinh Phong Các và phía đỉnh núi chỉ có các văn bia im lìm vốn vậy, mặt núi phía sông vách dựng đứng không một đường lui, quay đầu nhìn lối độc đạo tìm một phương án an toàn nơi vắng vẻ này. Bỗng người đàn ông vén tay áo chàm để lộ ra vết sẹo.
Mây có nhớ vết sẹo Mây băng bó cho tôi ngày mình chơi súng đóp chứ, nó vẫn còn đây này?
Đúng rồi, tôi thảng thốt nhận định nhưng vẫn chưa tin người đàn ông này là Mậm.
Chừng hiểu ý tôi, người đàn ông vội tiếp lời:
Mây không nhận ra tôi là đúng thôi, tôi vào chiến trường bị thương trong chiến dịch và bỏng bom napan nên mặt tôi biến dạng nhiều, lại bị lạc trong rừng mấy tháng cho đến khi đơn vị thu dung tìm thấy tôi!
Anh Mậm! Em đúng là Mây đây ạ!
Bây giờ người lạc giọng là tôi, tức thì nụ cười rạng rỡ nở bừng trên gương mặt có những vết sẹo chằng chịt và cả u cục lồi lõm sâu húm như hốc mắt hỏng kia! Mậm cười sảng khoái bảo:
Mà Mây bây giờ cũng khác, nhưng anh vẫn nhận ra em ngay khi em bước trên từng bậc đá lên núi, cũng tại anh gần hai mươi năm trời mê man trên giường bệnh, để bây giờ mới đến được Thuý Sơn. Giọng anh hạ xuống bùi ngùi, mắt hướng ra sông vẻ mặt xa xăm lắm.
Cậu bé chen vào:
Bố cháu nói, con đi cùng bố cô Mây nhìn con sẽ nhận ra bố ngay, bởi con giống y chang bố ngày nhỏ.
Tôi cầm tay Mậm, tay kia kéo cậu bé lại gần, cậu bé thật lém lỉnh và dễ thương như Mậm của thưở nào.
Tháng 8/ 2023
Nguyễn Thanh Duyên
SDT: 0823529299 - ĐC: Nguyễn Thanh Duyên Cụm dân cư số 1 - Phố Thống nhất - Thị trấn Me - Gia Viễn - Ninh Bình