Nhà phê bình VH Bùi công Thuấn nói về bài thơ “Vì một ngày mai trên trái đất này” của Đỗ Thu Yên
------------
CHO EM ĐƯỢC QUYỀN LÀM NGƯỜI
Nhà Phê bình *Bùi Công Thuấn
Chúng ta đang sống ở thời điểm hòa bình, chiến tranh đã qua đi, quá khứ đã khép lại, tương lai đang mở ra để những ước mơ đang biến thành hiện thực. Thế nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Bàn thờ vẫn nghi ngút khói hương tưởng nhớ những người đã hy sinh. Không biết bao nhiêu nạn nhân đã bị mưa bom bão đạn vùi dập, bao nhiêu dân lành thây phơi máu đổ trong những cuộc thảm sát man rợ của kẻ thù. Người chết đã yên phận nhưng người sống hàng ngày hàng giờ vẫn phải chịu đựng nỗi đau không xoa dịu được, đã 4 thế hệ phải chịu đựng nỗi đau ấy.
Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam là nạn nhân của chất dioxin, hơn 5 vạn trẻ em sinh ra bị dị dạng, quái thai và tạo ra những biến đổi nội tại gây tác hại về mặt di truyền nhiều thế hệ. Hiện nay, tỷ lệ dị tật bẩm sinh, sinh quái thai đã phát triển gấp 3 lần so với thời gian trứơc. Đối diện với những em bé nạn nhân chất độc da cam, không ai trong chúng ta có thể cầm lòng được vì những bất hạnh mà các em phải chịu.
Nhà thơ Đỗ Thu Yên nói gì với các em trong thẳm sâu lòng mình?
Em có nghe thấy không?
Tiếng chim hót líu lo chào bình minh buổi sớm
Em có thấy ngàn tia nắng lung linh
Khi mặt trời thức dậy
Và cả những đêm trăng huyền ảo
Ánh trăng nhẹ nhàng tràn qua kẽ lá
Qua giàn thiên lý mẹ em trồng
Em có cảm nhận được không
Hương thơm đang lan tỏa?
Em vẫn ngồi lặng yên bất động
Chất độc Dioxin
Đã biến em thành người không cảm nhận
Nếu em giống cha
Em đã là chàng trai đầy nghị lực
Nếu em giống mẹ
Em đã là cô gái đẹp nết na
Em không giống ai
Chất độc Dioxin đã hủy hại hình hài
Em có tội gì đâu ?
Mỗi nét chữ tôi viết về em
Như cứa vào vết thương đang nhức nhối
Nhưng vì một ngày mai trên trái đất này
Sẽ không còn nỗi đau như em đang gánh chịu
Nỗi đau này có thức tỉnh lương tri ???
( Đỗ Thu Yên - “Vì một ngày mai trên trái đất này”)
(Ảnh minh họa)
Người thơ hỏi em những câu tưởng như vu vơ: Em có nghe tiếng chim hót líu lo buổi sớm / Em có nhìn thấy nghìn tia nắng đón bình minh / có nhìn thấy ánh trăng huyền ảo trong đêm và có cảm nhận được hương thơm đang lan tỏa trên giàn thiên lý mẹ trồng?...
Em không trả lời. “Em vẫn ngồi lặng yên bất động/Chất độc DIOXIN / Đã biến em thành người không cảm nhận”. Em không còn nghe được tiếng chim vui mỗi buổi sáng, em không còn nhìn thấy tia nắng rực rỡ sắc màu mỗi bình minh và không còn được ngắm ánh trăng dát vàng con đường em đi mỗi ngày. Em không còn cảm thấy mùi thơm giàn hoa thiên lý mẹ trồng. Em đã bị cướp mất mọi giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, cảm giác, tri giác), cũng đồng nghĩa bị tước đoạt mọi niềm vui, niềm hạnh phúc trong từng phút sống của đời người. Thế cũng có nghĩa là em đang sống đấy nhưng giá trị sống đích thực của đời người là quyền được sống hạnh phúc em đã bị tước đoạt.
Tuyên ngôn Độc lập Mỹ khẳng định: ”Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tổ tiên người Mỹ đã nói như vậy, nhưng con cháu họ lại gây bao nhiêu tội ác trên đất nước này, bởi họ đã chà đạp dã man lên quyền con người của người Việt Nam. Em có tội gì đâu ? Một câu hỏi ngắn nhưng đủ nói lên tất cả tính phi nhân, phi nghĩa và tội ác của những kẻ đã phun chất độ da cam xuống đất nước này. Nếu em giống cha / Em đã là chàng trai đầy nghị lực / Nếu em giống mẹ / Em đã là cô gái đẹp nết na /Em không giống ai / Chất độc Dioxin đã hủy hại hình hài…
Những câu thơ bắt đầu bằng từ “nếu” bộc lộ một sự tiếc xót vô bờ, bởi không thể đảo ngược được cái điều kiện ấy. Tiếc xót bởi em không còn được sống, được nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của dân tộc này, những vẻ đẹp mẹ cha trực tiếp truyền cho em, như một mạch sống bất tận, một bản lĩnh vững bền gìn giữ đất nước này. Nếu em giống cha / Em đã là chàng trai đầy nghị lực, là thánh Gióng, là Ngô Quyền, là Trần Quốc Toản, là Trần Hưng Đạo, là Nguyễn Trãi, là Quang Trung, là anh Giải Phóng Quân “sống hiên ngang bất khuất trên đời”(Tố Hữu) . Nếu em giống mẹ /Em đã là cô gái đẹp nết na, là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, là o du kích nhỏ, là “cô dân quân vai súng tay cày”(Tố Hữu), là “cô gái Sài gòn đi tải đạn”, là những thế hệ như Đặng Thùy Trâm. Em đã không còn được sống những năm tháng hào hùng, vinh quang của thế hệ mình, không được tắm mình trong dòng sông yêu thương của mẹ cha, của bạn bè quê hương mình. Dân tộc này mất đi một thế hệ những anh hùng, mà biết đâu trong các em không xuất hiện những anh tài làm cho đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Cái giá của sự mất mát là không thể bù đắp được: Mỗi nét chữ tôi viết về em / Như cứa vào vết thương đang nhức nhối..Vâng, vết thương tâm không thể lành được, và dân tộc này vẫn không thôi nhức nhối trước những bất hạnh của những em bé nạn nhân chất độc da cam. Cuộc đấu tranh với nhà cầm quyền Mỹ về trách nhiệm của họ đối với nạn nhân do tội ác của họ đã gây ra đã thất bại. Lương tri nhân loại bị che lấp, tiếng nói công lý không thấu trời. Nhưng vì một ngày mai trên trái đất này / Sẽ không còn nỗi đau như em đang gánh chịu/ Nỗi đau này có thức tỉnh lương tri? Dù thế nào, chúng ta vẫn tiếp tục lên tiếng nói như người thơ, để thức tỉnh lương tri nhân lọai, và để may ra, làm dịu êm được chút nào những nỗi bất hạnh của các em.
Ở bài thơ này, Đỗ Thu Yên đã khám phá những chiều kích rất sâu về nỗi bất hạnh của các em nạn nhân chất độc da cam. Phần đầu bài thơ là hình ảnh thiên nhiên đẹp, tươi sáng, sống động và ngập tràn hạnh phúc. Hình ảnh ấy tương phản với sự vô tri, vô giác của các em. Từ đó là lộ ra sự bất hạnh sâu thẳm của thân phận làm người, đó là, các em không được hưởng hạnh phúc mà lẽ ra em phải được hưởng, không được sống yêu thương trong bàn tay chăm sóc của mẹ. Hình ảnh giàn thiên lý mẹ trồng tỏa hương thơm là hình ảnh tuyệt hay và xúc động. Bởi hương thơm là cái hồn thanh khiết của hoa, của sự vật, là hạnh phúc ngào ngạt của cuộc sống này. Hương thơm ấy do tay mẹ trồng, thế nên trong hương thơm ấy có tình mẹ, có công mẹ vun trồng, hay chính các em là hoa thơm tình yêu cha mẹ. Nếu “trên giàn thiên lý bóng xuân sang” của Hàn Mặc Tử (Mùa xuân chín) có sức làm hiện thân mùa xuân tuyệt diệu thì giàn thiên lý mẹ trồng đang tỏa hương cũng có sức gợi ra hình ảnh một gia đình Việt Nam, có giàn thiên lý trước nhà, bàn tay mẹ chăm sóc vun trồng. Gia đình ấy bình dị nhưng xiết bao hạnh phúc. Nhưng thật là bất hạnh cho một kiếp người, các em không được hưởng những thanh sắc của đời cũng chẳng cảm nhận được tình yêu thương ngọt ngào của cha mẹ. Phần giữa bài thơ, Đỗ Thu Yên đặt nỗi bất hạnh của các em trong truyền thống của dân tộc và trong chiều kích của thời đại anh hùng:
Nếu em giống cha
Em đã là chàng trai đầy nghị lực
Nếu em giống mẹ
Em đã là cô gái đẹp nết na.
Soi chiếu nỗi bất hạnh của các em trong chiều kích này mới thấy được nỗi bất hạnh lớn lao của các em. Đó không chỉ của riêng các em mà của cả dân tộc , và của cả thời đại vẻ vang, thế hệ những chàng trai nghị lực, những cô gái nết na. Bởi mai sau, nhân loại sẽ ghi nhớ thế kỷ 20, nhất định người ta sẽ nhắc đến Việt Nam, một dân tộc có “những chàng trai chân đất / sống hiên ngang bất khuất trên đời”(Tố Hữu), nhắc đến trái tim Việt Nam, “là trái tim cũng là lẽ phải”. Các em đã không được sống, không được tham gia vào để làm nên thời đại kỳ tích ấy như cha mẹ các em. Phần cuối bài thơ, Đỗ Thu Yên đặt nỗi đau của các em trước lương tri nhân loại, một chiều kích rất rộng trong không gian và thời gian.
Đã hơn 50 năm lính Mỹ rải chất độc da cam ở VN, cũng đã 50 năm dân tộc này phải chịu những hậu quả thảm khốc về mội trường, về nhân sinh, mà hiện thân là các em. Khi nhân loại chưa trả lại tuổi thơ cho các em, trả lại quyến sống, quyền hạnh phúc cho các em, thì lương tri nhân lọai chưa thể yên ổn dù là một giờ. Bởi tội ác vẫn sờ sỡ ra đó, vẫn thách thức công lý, thách thức sự tồn vong của trái đất này, và vết thương do tội ác gây ra vẫn hành hạ từng giờ.
Đã 4 thế hệ con người VN phải chịu đựng, và không biết bao nhiêu thế hệ nữa, do di truyền, tiếp tục bị tước đoạt quyền được làm người. Bài thơ đọng lại ở tấm lòng tác giả dành cho các em. Đó là tấm lòng yêu thương có chiều sâu tư tưởng nhân văn. Em có tội gì đâu? Mỗi nét chữ tôi viết về em Như cứa vào vết thương đang nhức nhối, giọng thơ nhẹ nhàng, như nâng niu trân trọng. Nâng niu trân trọng những gía trị quý giá của tuổi thơ, niềm hạnh phúc hồn nhiên mà lẽ ra các em được hưởng. Và có lẽ, nâng niu để làm nhẹ đi nỗi đau đang hành hạ các em. Bởi nếu không tinh tế, chỉ một chút tình cảm thương hại, tác giả có thể sẽ làm cho các em đau thêm, mặc cảm hơn, oán trách và xa lánh loài người hơn.
Tôi yêu những hình ảnh thiên nhiên rất đẹp mở đầu bài thơ, tôi ngưỡng mộ những chàng trai nghị lực và những cô gái nết na của dân tộc này. Tôi chia sẽ nỗi thao thức, và những trăn trở khôn nguôi của tác giả. Tôi nghĩ, tất cả chúng ta, cùng lên tiếng với tác giả để thức tỉnh lương tri nhân loại về những nỗi đau mà dân tộc ta vẫn đang phải chịu, dù tiếng súng chiến tranh đã tắt bao nhiêu năm qua. Xin chia sẻ với người thơ một tấm lòng trong vạn tấm lòng yêu thương.