-------------------
CHUYỆN TÌNH ANH LÍNH TÌNH NGUYỆN
Trận Chăm Pa Xắc bẩy mươi*(1970)
Trực thăng xúc xác bao người đổ đi
Mê man nào có biết gì
Nằm trong giữa đống tử thi rùng mình!
Gồng người gắng sức bình sinh
Ngoi lên gặp đấng cứu tinh...gái Lào
Vết thương xé áo băng vào
Kịp đưa tới viện ôi chao là mừng...
Ba năm cơ cực quá chừng
Một chân gửi lại giữa rừng còn đau
"Tâm thần" loạn cả trong đầu
Quê hương đồng đôi...nhớ đâu được mà
Lits (*) đưa anh trở về nhà
Thành chồng thành vợ vượt qua đoạn trường
Bốn mươi năm nặng tình thương
Ba lần khăn gói nửa đường lại thôi
Bởi quê chẳng nhớ nổi rồi
Ôm nhau nấc nghẹn lệ rơi cháy lòng!...
--------------------------------------------------------
*Ông Cân (nhân vật trong bài thơ) ở với bà Lits có ba con.
Bà thương ông đã ba lần dẫn ông đến cột mốc biên giới, mong ông có thể nhớ được quê mình không. Nhưng cả ba lần ông đều lắc đầu... Hai vợ chồng ôm nhau khóc rồi trở lại Lào.
TỔ QUỐC ƠI*
Có anh Hạnh ở Nghệ An
Sang Lào cắt dạo chình chang khắp vùng
Sơn lâm cùng cốc lạnh lùng
Nhà sàn heo hút vắng hung gió vèo…
Ào ào tiếng thác suối reo
Lúa nương sắn bắp ai treo lưng đồi
Lang thang khắp bản một hồi
Tềnh toàng thấy có một người ngó ra…
Vài câu tiếng tộc gọi là
Đoán ông người Việt sao ra nỗi này
Tủi mừng... tay nắm bàn tay
Chuyển sang tiếng Việt giãi bầy nông sâu
Quê hương sống lại trong đầu
Bao nhiêu kí ức từ đâu ùa về
Bản Chinh đích thực là quê
Tổ Quốc ơi...máu tìm về con tim!…
------------------------------------------------------------------------------
*Ông Lò Văn Cân là sĩ quan quân tình nguyện Việt Nam. Lần đầu gặp anh Hạnh nói tiếng mẹ đẻ đã giúp ông nhớ được tên con trai và quê ở bản Chinh Thường Xuân Thanh Hóa. Ông đã nhờ anh khi về Việt Nam đến báo cho con trai sang đón ông về. Năm 2013 đoàn làm phim VTV3 cùng ông sang Lào để cám ơn bà Lits và các bộ tộc Lào đã cưu mang ông. Nhưng bà Lits đã mất 2012.
LIỆT SĨ SỐNG*
Ngắm bằng "TỔ QUỐC GHI CÔNG"
"Lò Văn Cân"... Chính tên ông đây rồi
Hương tàn lấm láp tro rơi
Bốn mươi năm cúng sống người tội thay
Bằng xương bằng thịt về đây
"Liệt sĩ sống"... mắt ứa cay nghẹn ngào!...
---------------------------------------------------------------
*Năm 2010 ông Cân được đón về Việt Nam. Nhưng không có giấy tờ gốc nên 2013 vẫn chưa được hưởng chế độ Thương binh...
Phạm Huy Liệu
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn