-------------------
BỆNH TỪ MỒM VÀO
Truyện vui của Nguyễn Bổng.
Cái xe máy “ về hưu ” chầm chậm lăn bánh. Đi được nửa đường vào bệnh viện phải dừng, giơ hai tay đau nhức qua đầu vãy lấy vãy để. Chiếc xe khách dừng lại sau lưng. Cậu choai choai mở cửa đon đả: “Cụ đi tuyến nào ạ?” “ Cảm ơn cháu, tôi không đi tuyến nào”. Anh ta làu bàu: “ Lão hâm. Không đi sao vẫy! Sáng sớm đã ám”. Tôi phân bua: “Tôi bị bệnh gút, máu xuống tay sưng đau, phải vẫy cho máu xuống, đỡ đau mới vê ga được”. Nhìn cục tô pi mọc như ốc bám tay, anh ta bồi câu: “ Ôi dào, tiết canh chơi cả bát, lòng lợn cả đĩa, rượu bia cả lít, dính gút oan gì”. Đang đau lại bị thằng lỏi con chọc hỗn, tôi chỉ thẳng mặt nó “ bắn” liên thanh: “ Này, mày lấc cấc quá. Nhà mày, và cả họ mày đã mời cụ được bữa nào mà dám láo toét”. Thấy tôi nổi đóa, tay lái xe vội dấn ga, bảo lái phụ: “ Chớ dại mà gây với lão già lựu đạn, toi đấy”.
Tức thì choảng cho bõ, thật lòng thằng lỏi con ấy nói còn khiêm tốn chán. Nếu tính sơ sơ tám năm lính, ba mươi tư năm làm Chủ tịch, Bí thư xã.. cho tới nay 75 tuổi số rượu bia, thực phẩm tôi nhập vào bụng không nhỏ. Tiết canh nếu tính bát con xếp hàng phải cả trăm mét, gỏi, tái phải mấy tạ, rượu bia phải cả téc chứ chai với lít nhằm nhò gì!
Năm 1970, Căm Pu Chia đảo chính, đơn vị từ đường 559 nhảy vào tỉnh Mông Đôn Ki Ri quần nhau với giặc. Bom đạn bủa vây tứ bề, đói thâm niên. Bộ đội phải vào rừng đào củ mài, củ chụp, măng rau thay cơm. Đêm chúng tôi mò vào pum sóc Khơ Me làm công tác dân vận tìm ra cái ăn. May quá, họ dắt cả đàn chó đem cho. Bởi dân tộc Khơ Me họ không ăn thịt chó, nhà nào cũng nuôi cả đàn để coi nhà và đi săn.
Phải nói lính ta thông minh. Cách phân loại, chế biến món thịt chó từ các vùng quê được về đây tuyển tập. Nào nhất bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm. Nào đầu củ khoai, tai lá sòi, đuôi vòi măng, răng gạo nếp. Nào tứ túc hoa mai, thạch sùng bám cổ, đốm lưỡi huyền đề. Nào mưa chó trắng, nắng chó vàng , mưa nắng rộn ràng trắng khoang đều báo tử. Nào nhựa mận, quay, luộc, hấp, nướng, tái, cháo, hầm, ruốc, phơi khô… đặc biệt món tiết canh thì không thể bỏ qua. Anh em đói thâm niên, thưởng thức bát tiết canh thì như sáng mắt ra, tỉnh người lại. Cái mát ngọt của tiết như truyền vào huyết quản, cái giòn giòn của sụn, cái ngọt của thịt béo mà không ngấy được cỗ máy trong khoang miệng xay nhuyễn và trôi dần vào nơi vô cùng để nuôi con tỳ con vị. Ôi chao sao mà ngon, mà sướng râm ran, sướng âm ỷ, sướng róc rách, sướng giãy đành đạch tận tim gan phèo phổi như chưa từng thế…
Năm 1976 tôi về địa phương công tác. Họ giao cho làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy ba mươi tư năm liền, tôi và các cán bộ vẫn phải bận rộn với các bữa liên hoan, tổng kết, đại hội, thăm đồng, nghiệm thu, tiếp khách cấp trên… Do vậy cái dạ dầy vô hình chung đã trở thành cái kho nhập thực phẩm, rượu bia, tôm cua, mực cá không nhỏ.
Một lần cậu xã đội trưởng đau quặn bụng trong đêm. Lên trạm y tế cấp cứu. Bác sỹ chuẩn đoán đau ruột thừa. Vợ hắn bảo: “Tại ăn quá nhiều lòng sốt nên đau ruột thừa là cái chắc”. Rồi bỗng nôn thốc nôn tháo ra đầy xô. Bác sỹ phát hoảng: “ Nguy rồi. Người nhà đâu, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên ngay. Bệnh nhân thổ huyết cục quá nhiều. Khả năng xuất huyết dạ dày”. Tôi quan sát kỹ, ghé tai Trạm trưởng: “ Tiết canh đấy”!. Qủa thật sau đấy, cái bụng anh ta xẹp như quả bóng xì hơi, nhẹ nhõm, tự đi về nhà không mất một viên thuốc.
Nhớ mãi 28 tết năm ấy, cậu kế toán nhậu say, cậu ta ngủ luôn ngoài sân, các món thực phẩm cứ thế đùn ra cửa khẩu. Con mực định tái sử dụng nhưng không thể, vì món thịt chó đã hóa thân vào rượu, ớt, riềng, mắm tôm, mẻ… mùi nồng nặc chỉ ngửi đã hắt xì hơi. Thế là con mực chỉ liếm mồm và mặt cho chủ. Cậu ta thấy buồn buồn, mồm càm ràm nói mê: “Đừng giỡn ông..ra kia chơi cháu”. Có lần mấy con trắm cỏ sáng sớm nổi lên mặt ao ngáp lấy ngáp để. Thấy cá say nhược vợ hắn hớt lên mổ mới phát hiện bụng cá có mùi rượu và cả thịt chó. Không thể chối cãi, cậu ta thú tội, đã nôn xuống ao, mà cá trắm thì tham ăn. Chuyện này chính vợ hắn khai ra thì đúng trăm phần trăm còn gì.
Có đêm, thằng bạn thân điện: “Anh phải đến ngay, để giải quyết món ba ba hầm muối”. Tôi uể oải bảo: “ Cảm ơn chú, anh đang say, chúc anh em ngon miệng”. Hắn khẩn khoản: “ Không được anh ơi! Món tiết ba ba pha rượu là thần dược, người ngủ mà củ thức. Anh vào ngay, món này không phải thích là có”. Thế là lại đi. Không thể kìm hãm được sự sung sướng của món lạ…Cứ như thế kéo dài bất tận, túi bụi, nâng cốc zô zô trăm phần trăm. Khi kinh tế phát triển, phú quý sinh lễ nghĩa. Việc cưới, việc tang, mừng tân gia, mừng sinh nhật, sơ kết ngành này, tổng kết ngành kia, rồi bầu cử hội đồng, rồi đại hội các cơ quan đoàn thể, chỗ nào cũng quan trọng. Cứ quay cuồng trong rượu thịt, nhất là tháng “củ mật” cuối năm thì đến mồm nhôm, lưỡi inốc, dạ dầy thép cũng phải chảy ra chứ nói chi lục phủ ngũ tạng không tổn thương, không dính gút, tiểu đường!
Một hôm vừa sáng sớm đã réo điện thoại. “ A lô. Có việc gì điện sớm thế”. “ Anh ơi, anh em mình vào bệnh viện thăm Mai”. “ Mai nào!” “Mai sỉn ý”. “ Chú nhầm? Tối qua nó còn rượu thịt chó với bọn tớ ở nhà hàng 48, chém gió hăng lắm”. “ Thế mới khổ, 11 giờ nó đau vật vã, khóc như bò rống, vợ nó điện, em chở đi cấp cứu mà”. Tôi đã nghi tay này bệnh gút, khuyên nó, nó bảo: “ Em lạy bác, bác bảo em bỏ vợ, bỏ cơm thì được, bỏ rượu tiết canh lòng sốt em chết liền, em thà chết đau còn hơn chết thèm”. Lúc nào mặt cũng đỏ như gấc chín, hết uống ở nhà vì vợ la, hắn tới bạn rượu. Đêm về chân luôn xỏ nhầm dép. Để tránh nhầm dép, hắn đi giầy, khi say để luôn giầy ngủ. Một lần tháo giầy, vợ bảo có mùi khai. Hắn bảo, say khướt cần câu nên đái không qua mũi giầy, nó rớt vào. Lần sau giầy vẫn khai, vợ hắn cật vấn hắn bảo: Tôi quên không vén áo bạt, nó dội ngược lại. Lần sau nữa hắn vén áo bạt hẳn hoi. Vợ hắn bảo; giầy vẫn có mùi khai. Hắn lẩm bẩm: “ Nhẽ đứa nào đổ khai vào à”. Sáng dậy, hắn ra đầu ngõ chỗ đêm qua đái. Hắn bỗng sáng mắt lên như người ta tìm ra hành tinh mới, cái lá khoai có một vệt trắng mờ như rãi ốc sên. Hắn đã tè vào cái lá khoai nước và nó lại dội ngược vào giầy. Hắn lẩm bẩm: “ Bố khỉ”. Từ đấy, đã đi uống rượu tối là hắn đi chân đất cho tiện cả đôi đường.
Tôi cười tủm, an ủi Mai: “ Này chú. Người xưa có câu: Nam vô tửu như cờ vô phong. Làm cái anh đàn ông là phải dính tý gút mới thấy mình hơn người cái đau sung sướng”. Mai ngớ người hỏi lại: “ Đau thấy ông bà ông vải, bác bảo sung sướng khác người là sao!”. “ Này nhá, cái anh gút nó đau rất nhân văn, chủ yếu lúc rỗi rãi về đêm nó mới đau, vừa giảm dân số lại không ảnh hưởng lao động ban ngày. Lại nữa, bệnh tuyệt đối không lây nhiễm, nó đau rất công bằng, có dự phòng. Lần này nó đau chân phải, lần sau nó đau chân trái, lúc nào cũng để một chân không đau cho anh tự bò, lê, nhảy hoặc chống gậy mà đi, không có mà đùn ra quần à. ”. “ Em hỏi thật bác, bác là cán bộ trải nghiệm trước cái anh gút, vậy nó đau có thành chu kỳ gì không, chỉ cho dân học tập chứ?” “ Chú chỉ hỏi đúng. Gút nó đau âm ỉ, nó đau ruôn rỉ, đau nhăn như khỉ, đau vật vã như quỷ, nó đau thật kỹ, nó đau hay lắm, nhân văn và nghệ thuật lắm. Đấy, như chú vừa trải nghiệm. Đau vật vã toát mồ hôi, thế mà tiêm giảm đau, sau một tiếng hết đau, đi lại bình thường như đóng kịch vậy”. “ Em vẫn chưa hiểu cái sung sướng ở chỗ nào, bác có thể nói rõ hơn được không”. “ Ồi, chú tiêm xong hết đau, có sung sướng không?”. “ Tất nhiên là sướng rồi”. “ Thì đấy. Trong chiến đấu bom rơi đạn nổ, cái chết rình rập, người cầm súng chỉ mong sao bình yên. Khi im tiếng súng, cả hai bên đều thở phào, hít căng lồng ngực và biết mình còn sống, chỉ mong sao hết chiến tranh. Đó, sự hiếm hoi của giây phút bình yên người lính thèm khát nó đến cháy lòng, sự sung sướng là ở chỗ đó. Chú bảo cứ cơm no áo ấm bình bình, không có cơn đau cấp, ai khát khao ao ước bình an làm gì, đúng không?”. Mai gật gật đầu như xác nhận “ Bác nói chí phải”. “ Chắc bác dùng nhiều thuốc, nhiều thầy lắm nhỉ, sao không khỏi!”. “Qúa đúng. Hiểu và chữa, rồi sống chung với gút nó cũng có trình tự từ thấp lên cao, đều phải trả học phí. Căn bản mình phải tự làm thầy thuốc thông thái cho chính mình. Có câu; bệnh từ mồm vào, họa từ mồm ra. Thừa đạm do tôm cua, thịt cá, tiết canh lòng sốt, tái giỏi..mà món nào cũng liên quan đến chất tăng trọng, kích thích, bảo quản…không chuyển hóa được nó làm nồng độ a xít u rích, muối u rát, các hạt u rin tăng cao sẽ gây đau. Ngày trước ăn no, ăn thừa, bây giờ ăn vừa và thiếu một chút, tăng rau đậu củ quả để chuyển hóa tốt hơn, thôi bia rượu thì sẽ giảm đau và chung sống bình thường, có gì mà lo thái quá.
Mai sỉn tỏ ra còn nghi ngờ dò hỏi: “Nhẽ không có thuốc chữa khỏi đứt hả bác? Em chả tin, khoa học bây giờ, đến ung thư…” Tôi cắt ngang: “ Còn chú đấy! Xã anh hàng chục tay cự phách rượu bia… còn ít hơn tuổi chú, do gút, tiểu đường biến chứng “đã đi” cho mát mẻ hết rồi. Qúa nửa số cán bộ công chức bây giờ dính gút đấy. Chưa bao giờ bệnh gút và tiểu đường được trẻ hóa nhanh nhiều đến thế.
Biết Mai sỉn tào phào còn ham ăn uống, chưa thấy quan tài chưa rỏ lệ, tôi ghé tai: “ Này chú! Chùa Quế Phương xã anh có ông Đại đức Thích Kinh Hoàng, kê đơn bốc thuốc trị bách bệnh. Ông đã kê đơn là khỏi đứt đừn đựt, chưa ai tái phát nhé”. “Sao bác không chữa cho khỏi đứt bệnh gút mãn?”. “ Thầy bảo: “Anh còn tự sống chung với nó được, chưa cần thầy”. “Chắc toàn vị bắc, đắt lắm hả bác”. “Không. Vị nam100%. Người bệnh được miễn phí. Nào lục bản mộc, nhị lạng đanh, thập nhân khênh, bát âm thanh, hạ thổ, hoặc đi Hoàn Vũ sao vàng rồi hạ thổ càng tốt”!
Mai sỉn đang nặc mùi rượu, chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, thấy tôi phá lên cười hắn cũng cười theo. Hắn tào phào: “ Sau Tết em cũng gặp thầy chùa xem sao”. Ngoài trời mưa xuân đã điểm. Mùi của Tết Ất Tỵ cũng đã rất gần.
Hải Tây tháng 12 năm 2024.
Nguyễn Bổng
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Nam Định