Giới thiệu sách "Giấc mơ đổi đời" tác giả: Phan Vĩnh Điển

Ngày đăng: 10:28 09/04/2025 Lượt xem: 90
 SUY NGẪM KHI ĐỌC TRUYỆN NGẮN
“GIẤC MƠ ĐỔI ĐỜI”  CỦA TÁC GIẢ PHAN VĨNH ĐIỂN




Các Đại biểu dự Buổi Giới thiệu sách " Giấc mơ đổi đời"
 
          Ngày 08.4.2025 tại Hà Nội, Chi hội Nhà văn 3, Tổ Nhà văn Bắc Từ Liêm tổ chức buổi Giới thiệu sách “Giấc mơ đổi đời” của Tác giả Phan Vĩnh Điển. Tới dự buổi Giới thiệu sách có Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội. Đại tá Vũ Trình Tường, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Lịch sử - Truyền thống, Tổng Biên tập Bản tin và Trang Websai Trường Sơn, Hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Nhà thơ, Trung tá Nguyễn Hữu Dụ, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 49, Binh đoàn Trường Sơn. Các Nhà văn, Nhà thơ và các đại biểu đại diện Hội Cựu chiến binh quận Bắc Từ Liêm và bạn bè của tác giả…
          Tác phẩm Giấc mơ đổi đời của Phan Vĩnh Điển, dày 240 trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2025, vừa ra mắt bạn đọc. Trong đó, có truyện ngắn Giấc mơ đổi đời đã được tác giả chọn đặt tên cho cả cuốn sách.
      1, Nội dung chính:
         Truyện ngắn Giấc mơ đổi đời kể về việc xử lý rác giữa Đề án của Bộ Môi trường và một HTX ở nông thôn. Người đại diện cho việc tham gia xử lý rác ở Bộ và ở địa phương đều là những người lính may mắn còn sống sót trở về. Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa họ đã làm sống lại những kỷ niệm xưa. Đó là những năm tháng khốc liệt ở Trường Sơn trong cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ. Ông Thái đen “Tiểu đội trưởng xe zin 3 cầu” – một “Tay lái “gan vàng, dạ ngọc” của lính bộ đội cụ Hồ ngày trước. Còn ông Hùng là “trung đội trưởng Công binh hồi đó ở ATP”. Cả hai đều nhắc ngay đến trận OV – 10, đêm đó cùng lũ F4 bắn rốc két và đánh bom trúng đoàn xe.... Chi tiết “khi bắt tay ông Thái đen, thấy chỉ còn 2 ngón” khiến ông Hùng không thể nào quên “những ngày chiến đấu gian khổ trên đường Trường Sơn năm xưa” cùng bao suy tư, trăn trở, ân hận. Hiện tại cuộc sống nghèo khó và nỗi đời éo le của ông Thái đen khiến ông Hùng càng thêm cảm thương, day dứt. Bởi ông là thương binh, nhưng không được công nhận vì mất hết giấy tờ. Thêm nữa, hậu quả bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh đã đẩy gia đình ông Thái rơi vào hoàn cảnh éo le, nghèo khổ. Vợ chồng ông phải gồng mình vượt lên bao thiệt thòi của số phận, của hoàn cảnh, để có cuộc sống bình an trong xã hội.
        Xoay quanh công việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường của HTX, tác giả đã khéo tạo cớ để hai nhân vật chính xuất hiện. Đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông Thái đen – đội trưởng đội môi trường của HTX và ông Hùng – trưởng đoàn công tác trên Bộ Môi trường về giúp HTX. Thấu hiểu ước mơ của ông Thái, một ước mơ thật giản đơn, chính đáng, đó là việc thay chiếc xe “công nông” chở rác, có thùng tự đổ”. Ông Hùng nghĩ nhất định mình phải giúp bạn. Vì lẽ đó mà trong Đề án của Bộ, ông Hùng đã “xây dựng có cả tiền lương cho công nhân làm thêm giờ và tiển mua xe chở rác rồi”. Thế nhưng lực bất tòng tâm, vì ông Hùng không ngờ rằng: “cái lũ tiểu yêu đội lốt khoa học”, trong đó có vai trò của cả Viện trưởng, quen “bôi trơn” nên đã dùng số tiền đó đưa vào lợi ích nhóm.
Hi vọng bừng lên trong tuyệt vọng, khiến ông Hùng chỉ còn biết bật lên tiếng than đắng đót: “Thái đen ơi! Một lẫn nữa tao có lỗi với mày, bất lực vì không làm gì được....Xin lỗi vì “giấc mơ” không thành của mày”. Điều đó gợi nhiều suy tư, bởi một thời, cung cách làm ăn quan liêu, cửa quyền, làm láo báo cáo hay của các quan chức Nhà nước đã gây bao phiền toái, gây lũng đoạn xã hội và làm mất niềm tin của người dân với lãnh đạo cấp trên. Cái giàu bất lương làm bằng dối lừa và mưu kế như cách làm của ông Viện trưởng nọ, nếu không là hối lộ, ăn cắp, xoay xở, cắt xén, bòn rút tiền của từ mồ hôi nước mắt của người dân thì giấc mơ đổi đời của họ chắc hẳn sẽ không rơi vào thất vọng.
        2, Ý nghĩa của truyện:
        Viết truyện ngắn này, Phan Vĩnh Điển không ngoài mong muốn: “Đất nước ta được sống trong hòa bình và phát triển giàu mạnh, Con cháu chúng ta sống trong hòa bình và hạnh phúc, nhưng đừng bao giờ quên những hi sinh mất mát của cha ông”; đồng thời phê phán về một thời mà tình trạng quan liêu bao cấp gây ra nhiều phiền toái, bất hạnh cho con người. Truyện ngắn “Giấc mơ đổi đời” đã cho thấy, tác giả rất quan tâm đến cuộc sống, số phận con người cùng bao suy tư, trăn trở trước những thói ích kỷ, cửa quyền, dẫn đến sự trì trệ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Sự mở rộng bối cảnh hiện thực về phía những thời điểm khốc liệt, gay cấn của cuộc chiến tranh trong quá khứ chính là một cố gắng để nắm bắt những diễn biến tâm lí sâu xa trong cách xây dựng nhân vật của tác giả. Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội sáng trong của người lính vẫn còn mãi mãi.
        Những người như ông Hùng, Thái đen – người lính Trường Sơn năm xưa vẫn mang trong mình bản chất tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ. Họ sống vô tư, trong sáng, giàu tình nghĩa, không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung. Viết về họ, tác giả muốn lan tỏa thông điệp về đức tính trọng nghĩa, ân tình; phê phán lối sống hẹp hòi, vụ lợi, ích kỉ, xa rời người dân. Cơ chế quan liêu, cửa quyền thời bao cấp đã làm không ít cán bộ thoái hóa biến chất. Những quan chức này có lối sống bê bối, bất chấp đạo lý, bất chấp tất cả chỉ vì tiền đang làm khynh đảo xã hội, rất cần được loại bỏ. Cách kết thúc bỏ ngỏ của truyện thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả, khiến người đọc ngậm ngùi, tự suy ngẫm.
         Ước mơ đổi đời là mơ ước chính đáng của con người, rất cần được trân trọng. Nhưng con người muốn thực hiện được ước mơ, đâu có dễ. Cái bất lực trong câu nói của Hùng lóe lên như một sự nhắc nhở, phải vượt lên nghèo khó, không đầu hàng hoàn cảnh. Phá tuyệt vọng, đòi sự công bằng là cuộc chiến đấu oanh liệt nhất để chinh phục giấc mơ chính đáng theo đúng nghĩa của nó...

 



Các Đại biểu dư buổi Giới thiệu sách
 
 
 


Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội phát biểu tại buổi Giới thiệu sách



Đại tá, Nhà văn Hoàng Đức Nhuận, Chi hội Trưởng Nhà văn 3 tặng hoa chúc mừng tác giả



Đại tá Vũ Trình Tường, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Lịch sử Truyền thống, Tổng Biên tập Bản tin và Trang Webs Hội Trường Sơn Việt Nam phát biểu tại buổi Giới thiệu sách



Trung tá Nguyễn Hữu Dụ, nguyên Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 49, Binh đoàn Trường Sơn phát biểu tham luận tại buổi Giới thiệu sách



Các Đại biểu Hội VHNT Trường Sơn dự buổi Giới thiệu sách chụp ảnh Lưu niệm
 
 
    Bài: Nguyễn Thị Minh Bắc; Ảnh: Cầm Sơn 
            Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
 
 

tin tức liên quan