LTS: Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, thầy giáo Thanh An chia sẻ những suy nghĩ của mình về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.
Đó là những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, nén chịu những đau thương, tất cả vì người yêu, vì chồng, vì con và vì độc lập của dân tộc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chúng tôi là những người được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã yên bình, khi mà bom đạn đã ngừng rơi trên đất nước sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mĩ.
Chiến tranh - những mất mát hi sinh, những sự chịu đựng của dân tộc quả thật là một sự phi thường.
Nhất là những người phụ nữ - những người anh hùng thầm lặng mà chúng tôi chỉ được hiểu và tiếp xúc qua những trang sử hào hùng, những áng văn chương kháng chiến hay từng giai điệu của từng bài hát…
Nhưng qua đó, qua những gì còn lại, chúng tôi càng hiểu, càng thương những bà mẹ, những người vợ, những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã tiễn những người yêu thương nhất của mình ra chiến trường và có bao nhiêu người chẳng bao giờ trở về...
Thế kỉ XX, dân tộc ta phải đương đầu với hai cuộc kháng chiến ác liệt và kéo dài đằng đẵng.
30 năm chiến tranh ấy với với hàng loạt sách lược, chiến lược của đối phương, đã có hàng triệu người Việt Nam nằm lại ở các chiến trường và hệ lụy là hàng triệu người khác phải chịu cảnh mất mát, đau thương, những giọt nước mắt âm thầm chảy từng đêm.
Những người người phụ nữ Việt Nam thật phi thường, chính họ đã là một phần, là những nhân tố góp phần vào chiến thắng của dân tộc.
Chiến tranh, biết bao nhiêu những người con ra trận, gánh nặng lại oằn thêm cho đôi vai người mẹ, người bà.
Thế nhưng, biết bao nhiêu những người phụ nữ vẫn kiên định một tấm lòng sắt son với cách mạng, lời bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt đã minh chứng cho điều đó:
"Năm giặc đốt làng cháy tàn, cháy rụi
Làng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:
Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Vẫn bảo nhà vẫn được bình yên”…
Những lời thơ của Bằng Việt đã chứng minh lên những điều vĩ đại của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến.
Những mất mát về của cải, những thua thiệt về những tình cảm riêng tư có sá gì.
Bởi, hình ảnh người bà, người mẹ ấy đã là nét chung trong kháng chiến.
Vì thế, người mẹ 60 tuổi vẫn ngày như mẹ Suốt vẫn “một tay lái chiếc đò ngang” đưa bộ đội qua sông hàng ngày.
|
Ba nữ anh hùng bên dòng Nhật Lệ, từ trái sang: chị Trần Thị Lý, chị Nguyễn Thị Khíu, mẹ Suốt. (Ảnh: Tư liệu/Báo Quảng Bình) |
Những lời tự sự của mẹ thật giản dị, chân tình nhưng hiện lên sự bất khuất đến lạ thường khiến bao thế hệ sau này cảm phục:
“Gan chi, gan rứa, mẹ nờ
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò”
(Mẹ Suốt - Tố Hữu)
Và, có biết bao nhiêu những người mẹ đã già yếu nhưng vẫn một lòng tận tụy với cách mạng.
Hình ảnh Bà má Hậu Giang giữa rừng U Minh vẫn hết lòng với bộ đội.
Nồi cơm mẹ nấu cho bộ đội vừa xong chưa kịp tắt lửa thì mẹ đã ngã xuống dưới gót giày giặc nhưng trên môi mẹ vẫn cười trong hạnh phúc:
“Má ngã xuống bên lò bếp đỏ
Thằng giặc kia đứng ngó trừng trừng
Má già nhắm mắt rưng rưng
Các con ơi! Ở trong rừng U Minh
Má có chết một mình má chết
Cho các con trừ hết quân Tây”
(Bà má Hậu Giang - Tố Hữu)
Khi đất nước chia làm hai miền, bao những người vợ miền Nam tiễn chồng ra Bắc tập kết chỉ tưởng hai năm sau là sum họp.
Có ai ngờ quãng thời gian chờ đợi kéo dài đến hai mươi năm có lẻ, mà trong số họ có những người chia tay để ra đi rồi mãi mãi không về.
Chiến tranh dài quá và ác liệt quá, có bao nhiêu những cô gái chờ chồng từ khi tuổi còn xanh đến khi đầu bạc, vẫn khắc khoải mong chồng, mường tượng một ngày chồng trở về, được yêu thương, được thổn thức:
“Đôi làn tóc mỏng tung như bới/ Ôm lấy anh và khóc mến thương”.
Hay, trong thơ Thanh Thảo nói về cảnh người vợ chờ đợi chồng trong cô đơn hẫng hụt:
“Chị đợi chờ quay mặt vào đêm/ Hai mươi năm mong trời chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội..”.
Rõ ràng, hai mươi năm nước nhà chia cắt, những người vợ có chồng đi kháng chiến đã chịu đựng nhiều những nỗi cô đơn, hụt hẫng, những thiếu vắng không có gì bù đắp được cho nhớ thương, chờ đợi cho những tháng năm mỏi mòn hi vọng.
Người phụ nữ không chỉ hi sinh những người con người thân yêu nhất của mình cho tổ quốc mà chính họ cũng sẵn sàng lên đường cầm súng đánh giặc và có biết bao nhiêu những cô gái nằm lại ở chiến trường hay phải hi sinh một phần xương máu của mình cho dân tộc.
Ta cứ hình dung những cô gái mười tám, đôi mươi đang phơi phới sức xuân thì nhưng đã hiên ngang nơi chiến tuyến ác liệt nhất.
Và họ hóa thành những tượng đài bất hủ cho dân tộc Việt Nam qua những câu thơ của Dương Hương Ly:
“Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên".
Trong bài thơ "Núi Đôi" của Vũ Cao có những câu thơ rất hay về tình yêu chung thuỷ - thứ tình yêu mà chỉ có trong chiến tranh mới có được:
“Mấy năm cô ấy vào du kích, không hiểu vì sao chẳng lấy chồng”.
Hay, trong bài "Quê hương" của Giang Nam có câu thơ tương tự: “Chuyện chồng con khó nói lắm anh ơi”.
Chính họ - những người những người con gái trong chiến tranh không chỉ kiên trung về lý tưởng mà luôn thuỷ chung trong tình yêu, cho dù có phải: “Giặc bắn em rồi quăng mất xác”, cho dù: “Ai viết tên em thành liệt sĩ/ Trên cánh đồng hoa trắng giữa đồng”.
Và, có biết bao nhiêu những cô gái đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc hôm nay, mà khi nằm lại chiến trường có những người chưa một lần nói lời yêu thương.
Chiến tranh đi qua, trong số họ - những người từ chiến trường trở về có những chị tuổi xuân đã qua, có nhiều thanh niên xung phong sau này sinh con nhưng không được hưởng trọn vẹn hạnh phúc làm mẹ.
Bởi chất độc màu da cam đã ngấm vào các chị, vào chồng các chị và cuộc chiến mới lại bắt đầu bên những đứa trẻ sinh ra sau chiến tranh mà không có ngày hoà bình!
Cuộc chiến tranh khốc liệt và nghiệt ngã đã cướp đi hàng triệu sinh mạng của người Việt Nam chúng ta.
Mà hôm qua, hôm nay, ngày sau đọc lại, hồi tưởng lại chúng ta vẫn bàng hoàng, đau đớn.
Nhưng, cao hơn tất cả là sự chịu đựng, sự sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho cách mạng.
Và, đó chính là sự vĩ đại của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong khángh chiến.
Chiến tranh đã lùi lại hàng mấy chục năm, thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên không phải chứng kiến cảnh đầu rơi, máu chảy, không phải chịu cảnh đau thương mất mát nhiều, chúng tôi được học hành, được sống trong thanh bình.
Nhưng những quá khứ đau thương và hào hùng của dân tộc như một tấm gương phản chiếu để chúng tôi hôm nay cống hiến và dựng xây đất nước.
Xin cảm ơn thế hệ cha ông, cảm ơn những bà mẹ, những người cô, người chị đã hi sinh xương máu, hi sinh tuổi trẻ của mình cho chúng tôi hôm nay đang sống.