Ca khúc nhạc sĩ Hoàng Vân viết có ca từ nặng chiều sâu văn hóa và giàu ý thơ

Ngày đăng: 09:23 05/02/2018 Lượt xem: 594

“Ca khúc nhạc sĩ Hoàng Vân viết có ca từ nặng chiều sâu văn hoá và giàu tứ thơ”

Một trong cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam đã ra đi - Nhạc sĩ Hoàng Vân (tên thật là Lê Văn Ngọ). Nhân dịp này xin giới thiệu với bạn đọc bài phỏng vấn Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam về nhạc sĩ Hoàng Vân.

Dân trí Đó là tâm sự của nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một người có rất nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ Hoàng Vân từ khi còn là một cậu bé.
 

Là một nhạc sĩ thế hệ kế tiếp, lại từng được gần nhạc sĩ Hoàng Vân từ bé. Cảm giác của ông thế nào khi hay tin nhạc sĩ ra đi?

Vẫn biết quy luật “sinh lão bệnh tử” là điều khó tránh đối với mỗi con người nhưng nghe tin bác Hoàng Vân ra đi tôi cũng bất ngờ lắm. Có một nỗi buồn cứ len lỏi trong tâm can tôi cả ngày hôm ấy.

Bác Hoàng Vân là bạn thân của bố tôi - nhạc sĩ Phạm Đình Sáu. Bố tôi, bác Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đình Thức, Hoàng Nguyễn… là thế hệ nhạc sĩ đầu tiên được Bác Hồ cử qua Trung Quốc học vào thời kháng chiến chống Pháp. Thời điểm đó, các cụ đã đi bộ từ Việt Bắc thẳng sang Trung Quốc để bắt đầu con đường học nhạc của mình. Và nhờ mối quan hệ đó mà tôi được biết đến bác Hoàng Vân từ khi còn bé.

Chân dung nhạc sĩ Hoàng Vân.
Chân dung nhạc sĩ Hoàng Vân.

Tôi còn nhớ, bác Hoàng Vân là một người rất giỏi về thư pháp, chữ nghĩa. Mỗi dịp tết, bác Vân thường viết nhiều bức thư pháp để tặng bố tôi và các nhạc sĩ bác chơi cùng. Bác Vân hay tặng bố tôi mấy chữ: Tâm, Đức, Phúc, Nhẫn, Trí… Và mỗi khi ngồi nói chuyện với nhau về âm nhạc, các cụ hay gọi tôi ra chơi nhạc cho các cụ nghe vì tôi học Piano từ bé. Trong những lần trà đàm đó tôi nghe được rất nhiều câu chuyện mà chỉ các cụ mới nói với nhau.

Ông nhìn nhận như thế nào về sự nghiệp âm nhạc và những cống hiến của nhạc sĩ Hoàng Vân đối với âm nhạc Việt Nam?

Bác là một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, điều đó không phải bàn thêm nữa. Bác là một trong những nhạc sĩ đã viết rất nhiều thể loại âm nhạc, không chỉ có ca khúc mà có cả giao hưởng, hợp xướng, nhạc phim…

Kháng chiến chống Pháp bác có tác phẩm lớn như “Hò kéo pháo”. Kháng chiến chống Mỹ lại có các tác phẩm: Bài ca xây dựng, Bài ca người thợ mỏ, Bài ca người gíao viên nhân dân, Bài ca cây lúa, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân – Chào mùa xuân đại thắng, Người chiến sĩ ấy … Một tác phẩm lớn của bác không thể không nhắc đến nữa đó là bản hợp xướng “Việt Nam muôn năm”. Đó là những thành trì vô cùng quý báu của âm nhạc cách mạng và để lại cho thế hệ sau những nền tảng hết sức to lớn.

Bác Vân còn viết cả cho thiếu nhi, chẳng hạn như hợp xướng “Ca ngợi tổ quốc”. Ngoài ra, bác còn viết về nhạc khí “Fugue” cho piano, “Tổ khúc” cho hautboy và piano, “Rhapsodie” cho violon, độc tấu kèn basson, “Hành khúc con voi”, độc tấu flute “Vui được mùa”, “Hoa thơm bướm lượn”, âm nhạc cho vũ kịch “Chị Sứ”, “Concerto” cho piano và dàn nhạc, thơ giao hưởng số 1 “Thành đồng Tổ quốc”, concerto TS và tình yêu, Đại hợp xướng Điện Biên Phủ...

Tất cả những cái đó để minh chứng cho một nhạc sĩ Hoàng Vân đầy tài năng và đa dạng trong phong cách sáng tác. Bác không chỉ viết từ lĩnh vực này đến lĩnh vực khác, từ đối tượng lớn đến đối tượng nhỏ… mà bút pháp của bác cũng rất đáng để học tập.

Phải nói rằng, bác Vân là người đã có ảnh hưởng rất lớn trong lĩnh vực sáng tác đối với các nhà nghiên cứu và sáng tác âm nhạc. Chúng tôi là thế hệ con cháu mà chúng tôi còn cảm thấy rất tự hào về bác, một người nhạc sĩ đi cùng với cách mạng. Và bất kỳ thể loại nào bác viết cũng đều thành công, để lại dấu ấn đối với người trong giới lẫn người nghe nhạc.

Ngoài đời ông nhìn nhận như thế nào về con người của nhạc sĩ Hoàng Vân?

Thế hệ của bác Hoàng Vân sống mộc mạc, giản dị và tâm huyết với âm nhạc lắm. Tôi còn nhớ, bác kể rằng, năm 1968 – Tết Mậu Thân, bác viết bài “Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng” là khi bác đang tràn ngập niềm tiên về chiến thắng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Thời điểm đó bác Vân mới có 38 tuổi.

Ngoài ra, nói đến bác Vân là nói đến một người có phông văn hoá rất lớn. Các ca khúc bác viết có ca từ nặng chiều sâu văn hoá và rất giàu tứ thơ.

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi. Ảnh: TL.
Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, bác Vân có tầm nhìn rất lớn trong âm nhạc. Bác viết “Quảng Bình quê ta ơi” vào thời điểm vùng đất này đang có chiến tranh ác liệt, khắp nơi đầy rẫy chiến hào, trận địa… nhưng bác đã dự đoán ngày mai nơi này sẽ mọc lên nhiều ngôi nhà ngói mới. Vì thế bác mới viết: “Có ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới…” thì đúng là sau này nơi đây đã mọc lên hàng trăm ngôi nhà ngói mới.

Tóm lại, đất nước chúng ta cần phải khắc chữ vàng để ghi nhớ những công lao mà bác Hoàng Vân đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Và dù bác đi xa nhưng âm nhạc của bác vẫn luôn sống mãi và giá trị của những tác phẩm âm nhạc đó sẽ luôn tươi mới bởi trong đó có tính dự báo rất lớn.

Những ngày cuối đời của nhạc sĩ Hoàng Vân, ông có vào thăm hỏi nhạc sĩ và được ông dặn dò gì không?

Lúc bác Vân nằm điều trị ở Bệnh việt Hữu nghị Việt - Xô tôi có vào thăm bác. Lúc này bác đang rất yếu nhưng vẫn trò chuyện được. Trong câu chuyện bác cháu nói với nhau, bác Vân có dặn dò tôi cố gắng kế thừa những nền tảng mà thế hệ nhạc sĩ đi trước đã để lại. Bác không đề cập trực tiếp hoặc nói rõ ra nhưng những câu chuyện bác nói đều có những điều gửi gắm. Bác rất mong muốn thế hệ nhạc sĩ sau tiếp tục phát triển những thành trì âm nhạc cách mạng mà ông cha để lại, đồng thời tạo ra một thời kỳ âm nhạc mới. Đó là thời kỳ âm nhạc đồng hành cùng bước tiến của dân tộc, của nhân dân, của đời sống.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long


tin tức liên quan