Người đồng đội Trường Sơn của tôi - Bút ký Phạm Tiến Đặng
Ngày đăng:
04:51 10/03/2018
Lượt xem:
3.156
NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI CỦA TÔI
Bút ký của Phạm Tiến Đặng
Hội TS Bình Thuận.
Thấy hai chúng tôi đến. Hùng giơ tay chào, gật đầu. Miệng vẫn gay gắt trên điện thoại:
- Các cháu cúp điện mà không báo trước, trồng thanh long tưởng dễ lắm hả ? Phải tưới đúng quy trình thì năng xuất, chất lượng mới đảm bảo chứ ! Nói qua lại một hồi. Cuối cùng Hùng nói như ra lệnh:
- Cháu hứa bốn giờ chiều có điện là phải có. Nếu không các chú sẽ gọi ra thanh tra sở điện lực đấy !
Nói xong nó cúp máy, rồi kéo tụi tôi vô nhà. Vợ Hùng đang đẩy xe rùa phụ chồng bỏ phân, nhanh nhẹn vào rửa ấm chén, pha trà mang lên đon đả mời những người đồng đội của chồng.
Ngày đầu năm - tôi gặp thằng bạn Trường Sơn quê "Cầu tõm" đồng hương cùng tỉnh Nam Hà trước đây đã hứa: “Sẽ sắp xếp ra thăm nhà nó”. Thế rồi hôm nay mới có dịp ghé thăm đồng đội. Buổi sáng sớm nay sau khi làm việc, trao đổi cặn kẽ với đồng chí Văn - Trưởng ban Vận động thành lập Hội Trường Sơn huyện Hàm Thuận Nam về các thủ tục, hồ sơ để trình các cơ quan chức năng huyện xin Đại hội thành lập Hội TS huyện, thấy thời gian còn sớm, tôi liền gọi cho Hùng và giao hẹn :
- Tôi chỉ có thời gian ghé thăm khu vườn Thanh Long của ông ở xã Tân Lập thôi, chứ chưa có điều kiện để tới thăm nhà lớn của ông ở Hàm Minh đâu đấy !
Nó miễn cưỡng trả lời: Ô kê ! Thôi vậy cũng được.
Chia tay đồng chí Trần Khoa Văn - Trưởng ban Vận động huyện Hàm Thuận Nam, hai đứa chúng tôi phi xe thẳng tới thăm khoảnh đồi thanh long bình an, lộng gió của Hùng, như nó vẫn từng vui miệng giới thiệu với anh em đồng đội.
Nhìn khu vườn thanh long xanh ngắt thẳng hàng, ngay lối với những dãy bóng điện chạy chính giữa từng hàng, tôi hỏi:
- Ông xuống được bao nhiêu trụ ? (mỗi trụ là một khóm cây chừng ba, bốn gốc được trồng xung quanh một chiếc trụ đúc bằng bê tông cao chừng 2m).
Hùng bảo:
-Con cái tôi trưởng thành, đã nên bề gia thất cả. Còn lại hai vợ chồng già, nên chỉ giữ lại hơn hai hecta thôi. Năm 2016 tôi mới vào xã Tân Lập này xuống 2.500 trụ mà thôi. Mặc dù sức khoẻ tôi còn tốt, lao động suốt ngày, nhưng vẫn không kịp việc. Phải thuê hai người phụ việc quanh năm. Khi cần bỏ phân, làm cỏ, thu hái thì thuê thêm năm, sáu người làm mới kịp đấy ông ạ !
-Vậy ông trả lương công nhân mỗi tháng bao nhiêu? Tôi hỏi.
- Tôi trả lương hai vợ chồng mỗi tháng mười năm triệu.
- Thu nhập hàng năm của ông?
Hùng bảo:
-Nếu tính cả mùa được và mất, giá lên bổng, xuống trầm thì mỗi năm với một heta tôi cũng thu vào hèm hèm gần ba trăm triệu.
Chúng tôi mới uống hết tuần trà, vợ Hùng đã bê lên vài món thức ăn cười đon đả :
-Chẳng mấy khi các bác đồng đội nhà em ghé chơi, trưa rồi mời hai bác dùng bữa cơm nhạt với vợ chồng em cho phải phép !
Chúng tôi vừa ăn cơm vừa tiếp bầu tâm sự...
Qua lời kể của Hùng tôi được biết: Quê Hùng ở xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông bố là "lính vệ túm" trước đây rồi tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên. Sau này trong chiến đấu bị thương được phục viên hưởng chế độ thương binh tâm thần. Cụ đã mất cách đây chục năm lúc tám mươi, tám tuổi. Năm 1973 trước khi Hùng nhập ngũ, gia đình bắt phải lấy vợ. Vì, để khi đi chiến đấu có sự cố gì thì ông bà còn có đứa cháu ẵm bồng. Thế nên đến đầu 1974, Hùng mới nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện, Hùng được điều vào H15, Sư đoàn 470 Trường Sơn. Hùng làm anh lính kho hàng ở khu vực Atopo phía nam nước bạn Lào. Năm 1978 Hùng được đơn vị cho xuất ngũ.
Về quê vùng chiêm trũng, nước phèn Bình Lục, Hà Nam. Mấy đứa con còn quá nhỏ, kinh tế quá khó khăn. Cơm ngày hai bữa khoai, sắn độn nhiều hơn gạo vẫn không đủ no. Thế là sau nhiều ngày đêm trằn trọc suy nghĩ, Hùng quyết định làm đơn xin tạm nghỉ sinh hoạt Đảng để tập chung làm ăn xây dựng kinh tế gia đình. Hùng vay mượn được ít tiền của bà con, anh em, rồi với chiếc ba lô con cóc và vài bộ quần áo lính bạc mầu nó bắt đầu lên đường lao vào " cuộc chiến " mới - "cuộc chiến" làm kinh tế.
Bình xuôi ngược khắp Bắc, Trung, Nam cứ thấy mua bán cái gì để kiếm ra tiền là cu cậu chơi tuốt. Từ trà, từ đậu, từ thuốc hút đến dép Lào... Hầm bà làng đủ cả. Hai năm sau, nhờ chịu khó và tiết kiệm Hùng đã có chút lưng vốn kha khá. Biết ngoài Bắc đang khan hiếm gạo. Nó vào Miền Nam mua rồi thuê một hai xe Kamat vận chuyển ra. Thấy lời ngon, cu cậu quyết định mở "chiến dịch" đánh lớn. Ngoài số vốn hiện có cùng với uy tín làm ăn, vay mượn sòng phẳng, Hùng huy động tiền tập chung vào buôn bán gạo. Cứ dăm bữa nửa tháng nó lại làm một đợt, mươi mười lăm xe Kamat chở gạo về. Rủi cho Hùng, đúng lúc nó tập trung đánh lớn cũng là lúc các công ty lương thực Miền Bắc tập trung vật lực chuyển gạo từ Miền Nam ra cung cấp đầy đủ cho các tỉnh, thành ngoài Bắc. Thế là gạo trong kho của Hùng rớt giá thê thảm. Nó phải bán tống, bán tháo hết kho. Thanh toán gần xong công nợ cũng là lúc trắng tay, trở về tay trắng. Hùng buồn và suy sụp. Sau hơn một tháng ngấm đòn đau, Hùng ngày đêm nghiền ngẫm. Nó nghĩ: Là người lính Trường Sơn gian khổ, ác liệt là thế mà còn trụ vững, không lẽ giờ gặp khó mình lại bó tay ? Xốc lại tinh thần, Hùng xin bố mẹ và bàn với vợ để một mình nó vào Nam kiếm việc, mở đường. Thế là sau thời gian làm thuê, làm mướn, cu cậu mở được một quán nhậu kèm bán bia hơi nho nhỏ. Không biết có phải ông trời cảm kích trước quyết tâm vượt lên số phận của nó, hay tại cái tính sởi lởi, vui vẻ hết lòng chiều khách mà quán của nó lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Trừ hết chi phí, mỗi ngày nó cũng bỏ túi được hơn một triệu đồng. Công nợ trước đây còn thiếu ai, nó gửi tiền ra cho vợ trả bằng hết. Rồi Hùng đưa đứa con gái sinh năm 1984 vào trước để phụ giúp bố công việc hàng ngày. Sau hơn chục năm, Hùng đã mua được đất mặt tiền và vài mẫu đất để lập vườn trồng trọt. Năm 2003 thấy kinh tế đã tạm ổn, nó bốc cả gia đình vào xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam làm ăn, sinh sống. Vợ Hùng giờ đang kinh doanh cửa hàng tạp hoá và quán nhậu. Công việc ở đây chủ yếu do Hùng lo, khi nào cần lắm vợ nó mới vào chi viện…
Qua tâm sự với Hùng tôi còn biết thêm: vợ nó đầu năm 1972 cũng từng tham gia dân công hoả tuyến, vận chuyển gạo, đạn trên tuyến đường Trường Sơn hơn một năm. Đến giữa năm 1973 về nhà. Yêu rồi kết tóc xe tơ với anh lính Trường Sơn cùng quê Phạm Bá Hùng. Đến nay sáu người con - một trai, năm gái của Hùng đã khôn lớn, làm ăn ổn định. Đặc biệt có cô con gái Phạm Thị Tươi sinh năm 1984. Có lẽ nhờ được bố cho đi theo từ nhỏ dạy dỗ, huấn luyện đã trở thành tỷ phú. Cháu có trong tay hơn mười heta thanh long và đang đầu tư, xây dựng căn nhà gỗ sắp hoàn thiện. Căn nhà ước chừng gần bốn tỷ đồng.
Biết chúng tôi là lãnh đạo Hội TS tỉnh, vợ Hùng hỏi:
- Như chồng em là cựu lính Trường Sơn được kết nạp vào Hội là đúng rồi. Em thấy các bác sinh hoạt Hội rất vui, rất nghĩa tình. Em cũng rất muốn được tham gia sinh hoạt Hội. Nhân tiện có bác nắm vững Điều lệ Hội ở đây xin cho em hỏi: Như em chỉ là dân công hoả tuyến thì có được vào Hội của mình không hả bác ?
Nghe vợ Hùng hỏi, tôi nhìn người phụ nữ có gương mặt đôn hậu, nết na, trả lời:
-Được chứ ! Cô đã từng tham gia dân công hoả tuyến phục vụ ở Trường Sơn, thì đó là một trong những tiêu chuẩn, đối tượng được chính thức kết nạp vào hội mình cô ạ !
Nghe tôi nói vậy, vợ Hùng nguýt yêu chồng trách nhẹ:
- Đó ông thấy chưa ? Tôi cũng là một trong các đối tượng được tham gia Hội Trường Sơn đấy ! Vậy mà mấy lần bảo ông làm đơn xin cho tôi cùng vào hội sinh hoạt với anh, chị em cho vui thì ông cứ bảo: - Bà chỉ là dân công hoả tuyến, tôi là lính TS đích thực mới được vào Hội chứ ! Hay ông không muốn cho tôi đi cùng, để khi hội họp ông còn thoả sức ca hát, vẫy vùng một mình ?
Hùng vội cười xoà, phân trần:
- Tôi đâu dám có ý ấy với mẹ chúng nó. Cũng chỉ bởi tôi mới biết có hội mình và cũng mới được vào tham gia sinh hoạt trong thời gian ngắn, nên cũng chưa nắm rõ mà thôi.
Thế rồi như để dàn hoà với vợ, Hùng cất tiếng hát: “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca, gửi tới quê nhà”... Giọng hát của thằng cựu lính đã bước vào tuổi sáu tư nhưng vẫn còn ngân vang, mạnh mẽ.
Từng làn gió lồng lộng thổi tràn qua những khu vườn bạt ngàn thanh long mát rượu.
Tôi nhìn hàng trụ điện bê tông chính chạy dài từ Quốc lộ 1A vào vườn thanh long của Hùng ước chừng hơn km, rồi toả đi các nhà trong khu vực hỏi:
- Điện lực đưa lưới hạ thế vào tới đây cho bà con mình sản xuất rồi sao ?
Hùng bảo:
-Đâu có. Tôi và con gái bỏ ra hơn tỷ đầu tư trụ điện, đường dây và bình hạ thế. Ngoài việc phục vụ cho mình, còn cho bà con xung quanh kéo nhờ để hỗ trợ nhau trồng, chăm sóc thanh long cùng sản xuất, làm giàu chính đáng ông ạ !
Hiện nay Hùng là thành viên trong Hội Nông dân làm kinh tế giỏi của huyện.
Trên đường về, chúng tôi không đi theo đường cũ khi vào, mà toạ độ đi theo con đường khác. Bởi những con đường đất gồ ghề, khúc khỉu hôm nay đã gợi lại trong tôi những con đường đất bụi với nhiều nhánh rẽ ở Trường Sơn ngày nào ... Làm hai anh em chúng tôi đều háo hức muốn tìm lại cái cảm giác ngày xưa ấy. Giữa trưa, chạy loanh quanh hơn mười năm phút, chúng tôi bị mất phương hướng. Tôi đành ghé qua khu đất ước chừng bốn heta đang san ủi để kịp xuống trụ trước mùa mưa, hỏi thăm đường. Biết chúng tôi là những người đồng đội Trường Sơn của Hùng. Bác chủ đất người miền Tây nhiệt tình hướng dẫn:
- Các chú chạy hơn trăm mét nữa gặp ngã tư thì rẽ phải. Chạy tiếp vài trăm mét nữa thấy ngã ba đừng theo đường lớn mà phải rẽ trái. Đi thẳng sẽ gặp đập tràn. Cứ bươn thẳng qua khu lò gạch là sẽ ra tới đường Quốc lộ. Rồi bác tiếp: - Ai chứ chú Hùng ở đây chơi được lắm. Có lễ lạt hay hội họp gì bà con xóm trại này đều kéo đến nhà nó. Cái xóm không tên này, tụi tôi từ tứ xứ về đây lập vườn đều nghe và tin nó hết. Chúng tôi thường bảo nhau: - Chừng nào thành lập thôn sẽ bầu sau, nhưng tạm thời tụi tôi xem nó như già làng, trưởng bản vậy.
Ra tới quốc lộ thênh thang, bóng láng. Trong tôi cứ hiển hiện hình ảnh của Hùng - người đồng đội Trường Sơn trong bộ quần áo lao động bạc màu, khoẻ mạnh, sốc vác đã nói là làm. Một con người không chịu khuất phục trước khó khăn, số phận, vươn lên bằng chính nghị lực, ý chí của mình để làm giàu chính đáng.
Hai vợ chồng Hùng đang chăm sóc 2 hecta thanh long. Ảnh trên ảnh dưới.
Vợ chồng Hùng làm cơm thết đãi đồng đội.
Vợ chồng đồng đội của tôi.
Chân dung đồng đội Trường Sơn của tôi - Phạm Bá Hùng
tin tức liên quan