Chiếc đài sony,bút ký dự thi Hào khí Trường Sơn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 07:26 05/07/2018 Lượt xem: 676

Tác phẩm dự thi hào khí Trường Sơn


                                                        CHIẾC ĐÀI SONY


                                                                     Bút ký của Xuân Tuynh
 



             Gia đình tôi hiện giờ các phương tiện nghe nhìn hiện đại khá đầy đủ. Tivi màu màn ảnh phẳng, đầu video, đầu đĩa VCD kỹ thuật số... Nhưng bạn bè đến nhà, ai cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy trên bàn làm việc của tôi, bên cạnh dàn máy vi tính còn có một chiếc radio bán dẫn nhãn hiệu Sony của Nhật cũ kỹ được sản xuất từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Tôi đã phải giải thích không nhớ biết bao lần với mọi người về sự có mặt của chiếc radio cũ kỹ của mình.
 
             Chuyện là thế này: Đầu năm 1970, khi ấy tôi là lính thông tin vô tuyến, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở một Đại đội pháo cao xạ 37 ly thuộc Binh trạm 44, Đoàn 559. Binh trạm 44 là binh trạm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh hướng rẽ về Quân khu 5. Vào những năm 1970 đến 1973, tuyến đường này Mỹ - Ngụy cho máy bay lên bắn phá rất ác liệt, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho chiến trường Khu 5. Chúng ra sức bắn phá liên tục, không kể ngày đêm. Có ngày, liên tiếp hàng trăm lần, tốp máy bay phản lực thay nhau lên bắn phá. Trên một tuyến đường dài khoảng 30 km, chúng đã trút xuống hàng trăm tấn bom đạn. Dòng sông Xê Ka Máng sôi lên bởi bom đạn. Xác cá chết nổi trắng mặt sông. Đại đội pháo cao xạ của đơn vị tôi có ba khẩu đội, đóng trên ba ngọn đồi dọc tuyến đường. Mỗi khẩu đội cách nhau chừng 3 km. Ban chỉ huy Đại đội ở với khẩu đội 1. Tôi là đài trưởng luôn có mặt bên cạnh Ban chỉ huy Đại đội để liên lạc với khẩu đội 2, 3 và thường xuyên giữ vững liên lạc với tiểu đoàn, với đơn vị. Tôi được Ban chỉ huy Đại đội rất “cưng”. Chính trị viên trưởng Đại đội Tạ Sĩ Lầu, một người vóc dáng mảnh khảnh, gương mặt chữ điền điềm đạm, sống chan hòa với mọi người. Quê ông ở Bố Trạch, Quảng Bình. Chính trị viên Lầu rất quý tôi, coi tôi như em ruột. Trong mỗi trận đánh, ông luôn ở bên tôi, động viên tôi làm việc. Những ngày chiến đấu căng thẳng tôi phải thu phát nhiều công điện khẩn, ông tự xuống bếp ăn ở tận chân đồi lấy cơm nước lên phục vụ tôi. Ông ngủ chung hầm với tôi. Biết tôi thích nghe đài, trùng hợp với ý thích của ông, ông mở đài suốt đêm cho tôi nghe. Với Đài Tiếng nói Việt Nam tôi chỉ yêu thích các buổi phát thanh văn nghệ như: đọc truyện đêm khuya, tiếng thơ, hát dân ca. Với ông, chương trình nào ông cũng chăm chú nghe. Nhất là buổi phát thanh thời sự. Ông nghe chăm chú không bỏ một chữ. Nhiều bản tin, bài xã luận quan trọng ông dùng máy ghi âm ghi lại đầy đủ và khi sinh hoạt Đại đội mở cho cán bộ, chiến sĩ cùng nghe. Ở Trường Sơn những năm chiến tranh báo chí rất hiếm. Nhiều tờ báo sau cả tháng trời mới vào tới đơn vị. Tính thời sự không còn. Nhờ có Đài Tiếng nói Việt Nam mà những người lính Trường Sơn chúng tôi không bị “đói thông tin”. Chính trị viên Tạ Sĩ Lầu quý chiếc đài bán dẫn nhỏ bé như một báu vật. Không khi nào ông rời chiếc đài khỏi người, thường xuyên đeo nó bên hông, kể cả khi đứng trên trận địa chỉ huy chiến đấu. Ông thường tâm sự: “Chiếc đài là người trợ lý đắc lực cho mình trong công tác chính trị ở chiến trường. Mình nói hay mấy cũng không bằng đài nói. Chiếc đài là cầu nối giữa hậu phương với tiền tuyến. Tiếng nói của Đài là tiếng của hồn thiêng sông núi. Giọng phát thanh viên, giọng ca của các nghệ sĩ của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam như Kim Cúc, Châu Loan, Trần Thị Tuyết, Như Hoa, Ngọc Bé,... là liều thuốc bổ đem đến cho mỗi cán bộ chiến sĩ chúng ta nơi trận tuyến”.

               Ngày 31 tháng 5 năm 1971 là ngày tôi không bao giờ quên. Hôm đó, giặc Mỹ cho máy bay lên bắn phá tuyến đường của Binh trạm rất sớm. 4 giờ sáng, rừng núi còn ngủ chúng đã kéo đàn lên ném bom làm rung chuyển cả núi đồi. Cấp trên nhận định hôm nay sẽ là một ngày chiến đấu quyết liệt. Quả thực vậy, chúng lên ném bom, bắn phá liên tục hết tốp này đến tốp khác, không phút nào ngớt. Cả tuyến đường của binh trạm chìm trong tiếng bom đạn và khói lửa, các khẩu đội pháo cao xạ của tiểu đoàn bắn trả quyết liệt. Bắn đến mức nòng pháo đỏ như than cháy. Hai giờ chiến đấu đầu tiên, cả tiểu đoàn đã bắn rơi 10 máy bay F4. Riêng Đại đội 1 của tôi bắn rơi hai chiếc. Khoảng 9 giờ Đại đội trưởng bị thương nặng không chỉ huy được, Chính trị viên trưởng lên thay thế. Là người trưởng thành từ pháo thủ, Chính trị viên trưởng Tạ Sĩ Lầu tỏ rõ là một người chỉ huy có bản lĩnh. Gan dạ, dũng cảm, mưu trí. Ông đợi cho khi nào máy bay địch bổ nhào xuống gần mục tiêu mới ra lệnh bắn. Vừa tiết kiệm đạn, vừa có hiệu quả. Chỉ một giờ đứng ở vị trí chỉ huy ông đã chỉ huy Đại đội bắn rơi liên tục 2 máy bay F4. Bọn địch thấy pháo cao xạ của ta bắn trả quyết liệt, chúng không bắn phá các mục tiêu trọng điểm đã định trước mà quay sang tìm trận địa pháo của ta bắn hòng tiêu diệt hỏa lực của đối phương. 11 giờ trưa, trận chiến trở nên rất căng thẳng. Khẩu đội 1 của tôi liên tục bị chúng tấn công. Khẩu đội chiến đấu rất dũng cảm, đánh bật nhiều đợt bổ nhào của máy bay địch xuống trận địa. Máy bay phản lực không dập tắt được lưới lửa phòng không của ta, chúng phải rút lui và cho máy bay B52 lên thả bom. Khẩu đội tôi bị một loạt bom tọa độ trút xuống bên cạnh, cách trận địa hơn 100 mét. Chính trị viên Lầu đứng trên đài chỉ huy bị một mảnh bom phạt đứt hai chân. Chúng tôi lao ra đưa ông vào hầm băng bó. Bị thương nặng, máu ra nhiều, sau 1 giờ Chính trị viên trưởng Tạ Sĩ Lầu hy sinh. Trước lúc hy sinh ít phút, ông thều thào nói trong hơi thở: “Các đồng chí phải sống, chiến đấu đến cùng để bảo vệ đường Hồ Chí Minh”. - Ông nắm chặt bàn tay tôi: “Mình giao lại chiếc đài cho Tuynh, em hãy giữ lấy, thay anh theo dõi tin tức hàng ngày, kịp thời phổ biến chon mọi người. Thông tin trên đài bây giờ là cần thiết lắm đấy!”.
Cả khẩu đội lặng đi. Ai cũng nức nở, tiếc thương người chính trị viên, người anh cả của đơn vị, người con của quê hương Quảng Bình trung dũng. Với tôi, Chính trị viên trưởng Tạ Sĩ Lầu hy sinh là một mất mát lớn. Đưa tay lên vuốt mắt cho ông, tôi thầm hứa với ông sẽ giữ gìn chiếc đài suốt đời và làm theo những lời ông căn dặn.

               Từ đó, chiếc đài Sony nhỏ bé luôn ở bên tôi như một người bạn hiền. Chiếc đài đã theo tôi đi khắp các chiến trường, từ Trường Sơn xuống chiến trường Bình Định rồi vào tới Sài Gòn. Tôi luôn học tập Chính trị viên Tạ Sĩ Lầu, chăm chú nghe Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên. Tiếng nói của Đài đã tiếp cho tôi niềm tin và sức mạnh vượt qua bão táp, phong ba, vượt qua hiểm nguy, cùng đồng đội đi đến ngày toàn thắng.

               Gần nửa thế kỷ trôi qua, chiếc đài giờ đây vẫn được tôi trân trọng, gìn giữ nên vẫn còn dùng tốt. Mỗi buổi sáng thức dậy tôi vẫn mở nghe tin tức thời sự và đêm đêm nghe đọc truyện đêm khuya, nghe tiếng thơ. Mỗi lần nghe tiếng nói từ trong chiếc đài nhỏ bé phát ra: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...” con tim tôi lại bồi hồi, xúc động nhớ về Chính trị viên Tạ Sĩ Lầu; nhớ về những kỷ niệm sâu sắc với Đài Tiếng nói Việt Nam: Tiếng nói của chân lý - niềm tin đã sáng bừng lên giữa những năm cả đất nước chìm trong lửa đạn chiến tranh.
 
 
Địa chỉ liên lạc:          
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang
DĐ: 0908.625.369
 
tin tức liên quan