Địch phá, ta sửa, ta đi - Địch phá, ta cứ đi! - Ký sự của Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Ngày đăng: 10:14 03/08/2018 Lượt xem: 580
Địch phá, ta sửa, ta đi – Địch phá, ta cứ đi!
 
(Trích ký sự “NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG NGÀY ẤY” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê  - Tiếp theo kỳ trước)
 
Ban Biên tập:  Trường Sơn tiếp tục giới thiệu kỳ thứ 3, Ký sự “Những người mở đường ngày ấy” của Nhà văn Nguyễn Khắc Phê – một người trong cuộc có mặt từ những ngày đầu tiên khi Mỹ chính thức đánh phá bằng không quân trên miền Bắc. Ngày ấy làm công tác bảo đảm giao thông trên đường 12A – một cửa ngõ quan trọng của Trường Sơn…
 


Từ sau trận Ca Tang 16/4/1965, đường bị tắc 3 đêm, tôi đã phải nói một sự thật là những bài báo thời ấy thường viết rằng “giao thông luôn thông suốt” chỉ là cách tuyên truyền trong chiến tranh. Sau đó không lâu, ở Cha Lo đường cũng tắc hai đêm. Vậy mà toàn ngành giao thông, chứ không chỉ riêng ở đường 12A, khi không quân Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, đã đề ra một khẩu hiệu thể hiện ý chí tiến công ngút trời, thoạt nghe có thể cho là “duy ý chí” hay ảo tưởng. Thoạt đầu, khẩu hiệu chỉ là: “Địch phá, ta sửa, ta đi!” Như thế đã là hiên ngang lắm! Nhưng càng ngày xe lưu thông càng nhiều, nếu phải chờ sửa đường, làm sao đáp ứng nhu cầu tiền tuyến? Phải tiến lên: “Địch phá, ta cứ đi!”
Quả thật, nhìn vào một đoạn đường cụ thể, trong một thời đoạn ngắn thì đây là một khẩu hiệu “duy ý chí”; bom nổ phá đứt đường, không đợi sửa, thì chỉ có loại xe…bay mới có thể “cứ đi”. Về sau, tôi mới hiểu đây không chỉ là khẩu hiệu để nâng cao ý chí tiến công mà còn là phương châm chiến lược chỉ đạo trên toàn mặt trận GTVT. Đường quốc lộ 1, đường 12A có thể tạm thời bị tắc, nhưng còn đường goòng, đường sông, đường xe thồ, “đường Hồ Chí Minh trên biển” và cả đường hàng không nữa, hàng vẫn đi về phía Nam. Về sau, việc mở thêm các tuyến vượt Trường Sơn như đường 10, 16, 20 (còn gọi là đường “Quyết Thắng”) đỡ “gánh nặng” cho đường 12A, chính là để thực hiện chiến lược “Địch phá, ta cứ đi!”
Riêng trên đường 12A, để thực hiện phương châm “Địch phá, ta cứ đi!”, tôi liên tục xuôi ngược trên đoạn Tân Đức-Ca Tang, cùng một số cán bộ kỹ thuật tìm thêm đường tránh mới, hoàn thiện các đường tránh cũ, không có thì giờ ghi nhật ký hàng ngày nữa.
 
Trích Nhật ký ngày 14/9/1965:
Ngày 10/9 từ Ca Tang ra Khe Hà rồi đi Tân Đức. Trưa nay, lại từ Tân Đức về Khe Hà. Trời mưa, nước khe to, nên phải nghỉ lại Khe Hà.
Mấy ngày trước, chui rúc rừng hai bên bờ Ca Tang tìm tuyến tránh mới, khổ nhất là đối phó với vắt; dừng chân một chút là vắt xung quanh lổm ngổm bò đến tấn công. Chạy trốn thì đường đá gập ghềnh, có chỗ phải bò (tức đi bằng 4 “chân”) mới qua được. Đi trong rừng, sớm quá thì sương ướt hết áo quần; đi muộn thì trời nắng, oi bức khó chịu. Có lần, mình và Minh (kỹ sư Bách Khoa, quê Hà Nội), sáng dậy lo nắm cơm để vượt qua Ca Tang đi tuyến phía bắc. Hai thằng gói quần áo trong ni lông, lội ra một đoạn, nước chảy xiết quá, đành quay lại. Ở tuyến phía nam, đang đi, tình cờ gặp một cây sấu già. Hai đứa ăn thả cửa và cùng nhắc đến những hàng sấu tỏa bóng mát trên đường phố Hà Nội. Chả bù cho lúc uống hết nước, phải uống nước khe…
 
Trích Nhật ký ngày 25/9/1965:
Lại bỏ qua nhiều ngày không ghi được dòng nào.
Ngày 15/9, từ Khe Hà (thực ra là từ làng Thanh Lạng, nơi C.752 đóng quân) đi bộ về La Trọng cùng với 2 chiến sĩ TNXP C.752 đi lấy dầu hỏa (để thắp đèn). Thương hai bạn trẻ chân không dép, lại đi theo tuyến đường sắt Tân Ấp-Xóm Cục mở từ thời xưa, mặt đường đá dăm sắc như chông…Đến gần Ca Tang, gặp một thầy giáo người Thanh Lạng, dạy ở Thanh Lâm đi ngược chiều. Thầy bảo nước Ca Tang còn đến ngực, bè bị mất. Mấy anh em tuy lo lắng nhưng vẫn đi và trù tính sẽ bơi qua. Đến nơi, hóa ra thầy lười, nhát, kiếm cớ nước to để nằm nhà! Bên bờ Ca Tang, nơi bến phà đang đào dở dang, gặp cả C.753 đang ríu rít vui vẻ, lần lượt xuống bè qua khe làm việc. Bến phà đang thi công gấp theo chỉ thị của trên. (để có thêm một điểm vượt Ca Tang - một phương án thực hiện khẩu hiệu “địch phá, ta cứ đi!” nhưng tiếc rằng không hiệu quả…) 
Về đến Cha Mác, thấy một tờ giấy trắng từ trên trời bay xuống. Nhặt lên, bật đèn xem vài dòng biết ngay là truyền đơn địch, máy bay vừa thả. Lần đầu, chúng đánh vùng này bằng chiến tranh tâm lý…
Ngày 17/9, lại từ La Trọng ra Tân Đức để cắm tuyến mới. Ở đây, lúc cầu Tân Đức mới bị đánh sập, một đường tránh tạm được mở vội qua vùng đồi sim mua, nhiều đoạn không hợp lý, lại đã lầy lội, xe đi rất vất vả… Trong mấy ngày cắm tuyến mới ở Tân Đức, chiều 19/9 được xem không lực Huê Kỳ “biểu diễn” suốt 4 giờ liền. Nguyên do là một phản lực F.105 bị trận địa pháo ở Lộc Yên bắn rơi. Tên trung tá nhảy dù trúng chỗ có bộ đội; lập tức chúng gọi trực thăng đến cứu. Thật đúng là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” - các đồng chí bộ đội chờ cho trực thăng xuống thấp mới bắn; trực thăng rơi, tóm thêm một thiếu úy, một bác sĩ và một thợ máy. Một công nhân Đội Cầu 6 đang thi công cầu tạm Lộc Yên cho goòng qua, đi xem phi công Mỹ về kể lại vậy. Bốn tên béo ị nhốt 4 nhà, được chăm sóc chu đáo, cho ăn thịt lợn, gà, sữa…
Mình đo cắm tuyến tránh vừa xong thì máy bay bắn gãy đôi cầu gỗ tạm bắc qua Tân Đức. Mấy ngày trước, Đội Cầu làm xong, xe chưa kịp qua, đã bị lũ làm hỏng. Sửa lại, vừa bàn giao cho C.751 quản lý thì lại bị bắn gãy. Buổi sáng đó, chúng bỏ bom ga Thanh Lạng, chết 7 người…
Ở C.751, được chứng kiến cảnh “chia dép” rộn rịp như một cái… chợ vậy. Công trường mua được lứa dép cho TNXP thật tốt.
Sáng 25/9 đi bộ vào Thanh Lạng, kết hợp đặt các vị trí phòng không trên đường. Đến nơi, cán bộ C.752 đang họp chấn chỉnh tình hình, vì sau vụ chúng bỏ bom nổ chậm đường tránh Khe Hà, bắn đạn 20 ly vào đường tránh mới, rồi trận bom làm chết 7 người ở ga Thanh Lạng, nhiều anh em tỏ ra giao động, đi làm đêm không đốt đuốc cũng sợ. Cả cán bộ cũng sợ nữa! Chỗ kho gạo vừa bị bom, giao cho C phó B. phụ trách, nhưng B. lẩn tránh. Vậy nhưng khi chia dép, anh ta lại chọn trước, khiến chiến sĩ “noi theo” tranh cãi nhốn nháo…Kỹ thuật viên Nguyễn Quang Sĩ đang ở cùng C.752, vẫn có thì giờ làm xong chiếc dao găm từ cánh rốc két, may bao cẩn thận. Thấy mình tỏ ra thích, bác cho ngay…
 
Cuộc sống thật là lắm vẻ. Mấy hôm sau trở về La Trọng, tôi còn nghe anh em kể ở Công trường bộ còn có một ông chức vụ khá to, giữa bom đạn cũng khá can đảm nhưng trước một thứ hàng hóa rất nhỏ đã không kìm được lòng tham và đã lập một “kỷ lục” đặc biệt, vượt xa chuyện anh B. tranh chọn dép với chiến sĩ ở Thanh Lạng: Khi căng-tin công trường chuẩn bị phân phối đèn pin, bật lửa, ông ta đã bật thử trên 100 cái, để chọn những cái tốt và có sẵn đá lửa ở trong!
Trên mặt đường, việc thực hiện phương châm “Địch phá, ta cứ đi” diễn ra hàng ngày ở tất cả các đơn vị, ở mỗi cung đường, với những cách thức khác nhau. Ở các đoạn độc đạo - một bên núi cao, một bên vực sâu - bom nổ đứt đường thì chỉ còn cách huy động quân đi làm sớm, rút ngắn thời gian tắc đường ban đêm; chỗ khó lấp thì làm cầu tạm cho xe qua. Riêng tại trọng điểm Ca Tang - dòng khe lớn nhất, lại nằm trên đường 15, nếu Ca Tang bị tắc thì xe không lên được đường 12A  đã đành, mà hàng cũng không vào được đường 20 cũng như toàn bộ khu vực Quảng Bình-Vĩnh Linh - nên Bộ GTVT và Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo tập trung lực lượng lớn, triển khai rất nhiều phương án vượt sông. Nếu tôi nhớ không sai thì có đến 7 phương án vượt Ca Tang, tuy không phải phương án nào cũng có kết quả.
Ban đầu, sau khi cầu bị đánh sập, tập trung quân mở lại đường tránh cũ và khôi phục đường ngầm ở thượng lưu cầu như tôi đã viết ở phần trên.  Một phương án phổ biến, có thể gọi là “cổ điển”, đối với tất cả những nơi cầu bị đánh sập, có hiệu quả tức thời, nhưng tốn công và đường tránh thường vòng vèo, nhấp nhô, xe đi rất khó nhọc, mưa thì lầy lội, ngầm bị ngập sâu, xe lại tắc; đó là chưa nói khi bị bom, nên thường phải bố trí đội quân ứng trực đông đảo.
Thấy rõ nhược điểm của đường ngầm, một số anh em kỹ thuật liền tìm phương án khác bổ sung. Cầu Ca Tang 4 nhịp, chỉ bị đánh sập 1 nhịp. Đêm đầu, chưa quen, nhìn khoảng trống trong đêm thấy nó thăm thẳm, nhưng giữa bàn ngày, nó trở thành sự thách thức: “Chỉ 30 mét thôi, mà các anh không có cách chi để nối lại à?” Nối lại không khó, nhưng chắc chắn sẽ lại bị đánh sập tức khắc. Liệu có thể làm nhịp cầu treo thay thế được không? Hoặc làm nhịp cầu bề ngang hẹp hơn, ban ngày giấu trong nhịp cầu còn lại, ban đêm kéo ra cho xe qua? Tôi chỉ mới thoáng nghĩ, chưa kịp vẽ ra thì đi nghỉ phép. Trở lại công trường, đã có người nghĩ ra phương án khác táo bạo hơn: Làm một nhịp cầu quay… Người đó là là anh Đàm, người đã gắn bó với đường 12A từ khi mở tuyến đá ở Bãi Dinh. Phương án kỹ thuật nào cũng “khô khan”, nói về con người thú hơn, nên tôi ghi lại trang Nhật ký ngày gặp lại Đàm - một nhân vật khá đặc biệt, nghe nói nhiều người không ưa vì tính kiêu ngạo thì phải, học hành dở dang sao đó, nhưng lại được bác Tân tin dùng, cử đến những trọng điểm ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.
 
Trích Nhật ký ngày 16/7/1965:
…Vào đến trụ sở Ban ở La Khê, mình lại gặp Đàm. Đàm vừa từ Ca Tang về, vượt chặng đường mấy chục km giữa nắng, người đen nhẻm, ướt đẫm mồ hôi. Đàm đem về bản thiết kế “cầu nhấc” ở Ca Tang, cuộn kỹ trong 2 tấm ni lông. Đàm được điều vào Quảng Bình, chịu trách nhiệm thiết kế các cầu và xem hướng các tuyến mới. Tuy vậy anh em bàn tán là Đàm như không thuộc về ai cả, lương, phiếu gạo chẳng biết nhận ở đâu; đến các đơn vị, nhờ quen biết và cái nhiệt tình với công việc, vẫn có thể ăn cơm dễ dàng!
Đàm đến, lúc chủ nhà (nơi cơ quan sơ tán) đem ngô rang ra mời. Không khách sáo, Đàm sà vào ăn một cách ngon lành. Hết món ngô rang lại đến sim… Buổi chiều, Đàm trình bày phương án “cầu nhấc” với anh em trong Ban, với đồng chí phó phòng gì đó ở Cục KTCB - một phương án rất đặc sắc, rất đúng “kiểu ông Đàm”. Tranh cãi rất hăng, nhưng xem ra phiêu lưu quá, rất khó thực hiện…
 
 Như thế, “phương án 2” vượt Ca Tang chỉ mới hiện ra trên giấy mà thôi, nhưng chính sự bế tắc ở đây lại buộc nghĩ đến phương án khác.
Ở Ca Tang, về phía hạ lưu khoảng vài trăm mét, là nơi đoạn đường sắt Tân Ấp-Xóm Cục “ngày xưa” đi qua (Từ Xóm Cục sang tận Ba-na-phào, “thằng Tây” thiết kế đường dây cáp trên không mà tôi đã viết trong phần đầu cuốn sách này). Dấu tích còn lại là một đoạn đường hầm, một chiếc cầu sắt đổ xuống khe. Đường hầm được anh em Đội Cầu 4 làm nơi tạm trú khi lán bị cháy trong trận đầu Ca Tang 16/4, sau được dùng làm kho.
Sẵn có đường cũ, thế là công trường cho làm bến phà và hệ thống dây cáp để vận chuyển hàng qua khe. Tôi không nhớ là chủ trương của ai, nhưng cả hai phương án 3 và 4 này, đem thử nghiệm đều rất ít hiệu quả, nên đành phải bỏ.
Phương án 5 cũng tận dụng lối vào đường sắt cũ. Đây là chủ trương của Tỉnh Quảng Bình, do quá sốt ruột trước tình hình Ca Tang hễ mưa lũ là bị tắc. Trong dịp về Công trường bộ ở La Trọng bàn việc thực hiện phương án này, tôi lại gặp Đàm.
 
Trích Nhật ký ngày 1/10/1965:
…Chi đoàn cơ quan kết nghĩa với đơn vị pháo về đóng tại La Trọng. Lúc mình từ trận địa pháo trở về khu sơ tán trong rừng thì gặp Đàm đi ra. Vừa lúc đó có máy bay. Thế là hai đứa ngồi ngay dưới lùm cây bàn về phương án các đường tránh. Mình lôi Đàm trở vào lán chỗ sơ tán được một lúc thì máy bay AD6 đến thả 2 pháo sáng ngay trên đỉnh lán, rồi nhào xuống thả bom gần lán Công trường bộ cũ. Đàm khá gan, máy bay chưa đi đã rủ mấy người trèo lên núi tìm pháo sáng, nhưng rừng quá rậm, phải quay lui.
Đến bữa cơm, thỉnh thoảng Đàm bỏ đũa nói về đường tránh sôi nổi. Chưa thấy ai nhiệt tình với con đường này như Đàm. Nói chuyện với Đàm, mới biết những tuyến tránh mình nghĩ tới thì Đàm đã chui rúc tìm ra từ lâu. Đàm nói tên những bản mà mình chưa nghe đến bao giờ! Nhắc đến Ca Tang, Đàm lại phê phán các ông chỉ huy Đội Cầu 4 nhát, không dám cho quân ra thi công phương án ở cầu cũ. Rồi Đàm trách việc thi công ngầm ở Bãi Dinh và việc hạ ta-luy ở Cha Lo chậm…Mình nghe thấy khó chịu, nhưng vẫn nhận ra cái đáng quý trong thái độ của Đàm. 
Sáng ra, Đàm và mấy cậu lại rủ nhau vào rừng tìm dù pháo sáng. Cậu Thứ kỹ thuật viên, người địa phương, nhờ quen địa hình, nên tìm ra trước. Một cái dù pháo sáng mà lắm thứ sử dụng được. Thứ lấy đoạn dây cáp treo dù để làm bẫy lợn rừng. Gần 100 mét dây vải treo dù, anh em chia ra dùng đủ thứ việc. Vải dù mỏng, mềm như lụa thì làm khăn, tấm ngụy trang; những sợi chỉ đen tháo ra dùng may vá rất tốt. Hai phòng Kế Hoạch-Tài vụ, buổi sáng rộn lên vì chia “quả thực” dù!
Xong việc chia “dù”, hỏi chuyện Đàm mới biết Đàm trước có đi bộ đội, rồi về học Khóa 5. Ra trường, làm đường phục vụ chiến dịch Điện Biên, từng sống với TNXP. Một con người từng trải, hèn chi trong công việc tỏ ra già dặn, có kinh nghiệm, không ngại khó…
 
Cuộc họp bàn “kế hoạch đột xuất” về phương án mới vượt Ca Tang chưa thực hiện vì còn chờ cán bộ trên về, nên tôi mới có dịp gặp Đàm và biết cái dù pháo sáng té ra rất có ích; rồi còn thì giờ đi lên Khe Cấy thăm C.759 và lên Bãi Dinh nữa.
Trích Nhật ký ngày 5/10/1965:
Từ Bãi Dinh, nghe điện gọi về họp cán bộ toàn công trường. Mình cùng Soa và Quảng (đội trưởng và Bí thư Đội “Thống Nhất”) cuốc bộ về lúc 9 giờ. Trời nắng, dắt díu nhau đi dọc đoạn đường bị bắn phá luôn, kể cũng gờm, nhất là qua các ngầm, cầu. Có đoạn, còn nguyên dấu vết trận bom tối qua. Ở cầu Ha Nông còn cả bom nổ chậm. Để tránh Khe Cấy, anh Quảng dẫn đi theo lối mòn trên cao, nhưng rồi lạc đường. Mấy anh em cứ nhằm hướng về xuôi, lách lau nứa, cây dại mà đi. Mình đội nón, mang ba lô, rồi túi, bi đông nên đến khổ. Bù việc phải chui rúc trong rừng, gặp được mấy quả dứa chín vàng và qua rẫy có mấy cây ớt chín đỏ rực.
Về đến nơi, mệt lử, mồ hôi chảy tràn trên mặt, đôi mắt nhức nhối khó chịu. Ở nhà, đêm qua anh em cũng mệt vì địch ném bom ở ngầm Khe Ve chết 4 người, 2 người mất tích, rồi bom nổ chậm rơi gần lán Đội “Tiền Phong” nổ tung lán. May sao bom nổ đúng lúc có máy bay, anh em xuống hầm hết, nên không bị thương vong. Dù mệt, phải bắt tay tính toán cho “kế hoạch đột xuất”. Đó là một “sáng kiến” thuộc loại “tối kiến”: làm cầu phao kết bằng nứa cho ô tô qua Ca Tang. Nhiệm vụ 10 ngày phải xong, kế hoạch đã thông qua Tỉnh ủy và một đồng chí Thường vụ Đảng ủy Ty Giao thông về truyền đạt. Một kế hoạch chưa được tính toán về mọi mặt cẩn thận, mà chỉ vì nhiệt tình bảo đảm giao thông, nếu không muốn nói là một sự bốc đồng. Không nói gì cao xa, cầu phao không thể chịu được sức đẩy của nước lũ và cây cối trôi về. Ban chỉ huy phân chia nhiệm vụ cho các đơn vị nhưng chờ xin ý kiến Bộ. Xem chừng sẽ rút lui vì không thực tế.
 
Và quả nhiên, phương án 5 bị bãi bỏ. Cầu phao nứa chưa kịp nổi đã chìm nhưng không nhận chìm được quyết tâm phải có thêm phương án vượt trọng điểm Ca Tang.
Phương án 6, thực ra có trước phương án 5, không có gì độc đáo, nhưng tốn rất nhiều công phu. Đó là việc mở đường tránh mới về phía thượng lưu, chiều dài cả 2 bên bờ khe là 4 km (tạm gọi là đường K2); điểm vượt qua khe cách cầu cũ rất xa (khoảng gần 2 km) và ở đây làm chiếc cầu-tràn, nhịp ngắn để nếu bị bom đánh sập cũng dễ khôi phục. Có thể nói thời gian thực hiện phương án này, hai bờ Ca Tang như một công trường lớn, mấy đại đội TNXP, Đội công nhân “Quyết Tiến” và Đội Cầu 4 dàn quân thi đua sôi nổi, hầu hết làm ban ngày vì chưa có xe đi và địch cũng chưa hẳn đã xác định được con đường sẽ đi tới đâu. Hai vách núi bên bờ Ca Tang đã bao năm ngủ yên dưới bóng cây xanh, bỗng được hàng trăm thanh niên nam nữ ghé thăm, rồi đất đá ào ào tuôn xuống khe và con đường mới hiện ra ngày một rõ…
Con đường tránh tốn công nhất trên đường 12A này kéo dài trong nhiều tháng;   đây cũng là nơi thí nghiệm phương án thứ 7 rất đặc biệt, “bạn xem hồi sau sẽ rõ”! Trong khi đó thì ngày đêm, cuộc chiến đấu để thông đường tại những điểm không “nổi tiếng” vẫn liên tục diễn ra không kém phần quyết liệt và đồng đội của tôi lại tiếp tục phải đổ máu.
 
Trích Nhật ký ngày 11/10/1965:
Mấy hôm nay lo việc thông xe cho hai cầu Khe Cấy và Réch Ngút - hai chiếc cầu nhỏ, không có trên bản đồ, 1 cầu gỗ trần trụi mấy thanh dầm sắp mục, 1 cầu Eiffel đã rỉ mòn cong queo, trở thành “mục tiêu quan trọng” của phi công Mỹ. Chúng đánh nhiều lần nhưng không trúng, do cầu nằm ở khúc eo, hai đầu đều núi cao. Ngầm Réch Ngút vừa bị trôi, phải làm lại gấp vì hai xe ủi đi lên Công trường “050” bên Lào không qua cầu sắt được. Hẹn với họ tối 11 cho đi, nhưng trời mưa, không làm được. Mỗi lần ra hiện trường, thực sự như ra trận, tuy không có khẩu súng nào trong tay. Máy bay cứ nhằm dọc đường trút đạn 20 ly mà đường ven núi hiểm trở, không có lối thoát. (Mới tối hôm trước, một TNXP ở C.751 hy sinh trong trường hợp này). Cả đoạn đường phía dưới cũng vậy. Loại cánh quạt đi trước rải đèn, phản lực đi sau bắn đạn 20 ly.
Dạo này nghe chuyện chết chóc nhiều, thấy cái chết cũng gần gũi hơn. Cậu Luật, nhân viên bảo vệ Đội Cầu 4, cũng mới chết trong trận bom tại Ca Tang. Nghe Thủy kể lại, rợn cả người. Luật chết trên giao thông hào, hai chân thõng xuống. Ông Hiển (Đội trưởng) tưởng mới bị thương, khoác hai chân vào cổ chạy. Một lúc thấy nhẹ, quay lại nhìn, thì ra từ bụng trở lên không còn nữa! Sau mới biết đầu bị văng đi xa 7 mét, thịt từ bụng đến cổ tung tóe từng miếng, vắt lên cây, phải rung cho rớt xuống! Mình mới gặp Luật tháng trước và đưa cho Luật thư của người yêu. Vẫn nhớ anh chàng trẻ, đẹp trai, rất vui tính…
 
Trích Nhật ký ngày 14/10/1965:
Tối 11/10, không thông xe được, nhưng C.759 vẫn đội mưa làm đủ giờ, anh chị em ướt như chuột lột. Đi làm về, trèo lên cái dốc vào khu lán mới, trượt ngã ì oạch, mệt đứt hơi. Rõ ràng tinh thần C.759 đã có biến chuyển nhiều.
Ngày 12/10, dù trời mây mù, 4 máy bay cánh quạt đến thả nhiều bom nổ chậm vùng Khe Cấy-Réch Ngút. Đi làm, phải nói cũng gờm. Chập tối, tổ đồng chí Sành vừa lên, bom nổ trên đồi tung đất đá rào rào. 4 giờ sáng, cầu làm xong, nhưng muộn rồi, không dám cho xe qua. Lại lo máy bay đánh sập. Tối 13, đứng cạnh hai chiếc xe ủi nổ máy rầm rầm qua cầu, vừa lo cầu sập, vừa lo trời mưa, đất sụt và máy bay ập đến…
Ngày hôm nay họp các đơn vị, phổ biến việc mở đại hội chọn cá nhân xuất sắc đi dự Đại hội “Hai giỏi” ở Tỉnh…Đồng chí Nguyễn Nựu, người cao, gầy như cậy sậy, từng là Chỉ huy Công  trường “050” về làm Chỉ huy trưởng Công trường 12A. Nghe nói đồng chí không “gan-huyền” như hai chỉ huy trước. Đồng chí nhắc nhiều công tác phòng không, bảo toàn lực lượng. Không biết anh Thùy, anh Đại có cho như vậy là… nhát không?
 
Nếu tôi không nhầm thì có thể nói Phương án thứ 7 vượt Ca Tang đã được thai nghén chính trong thời điểm này. Đây cũng là phương án độc đáo và như tôi được biết, trên thế giới chưa có nơi nào làm kiểu cầu như thế. Vậy có thể nói, thời điểm này cũng có ý nghĩa lịch sử đối với ngành cầu, không chỉ ở Việt Nam!
 
Trích Nhật ký ngày 17/10:
Buổi chiều, đi mấy cầu phía trên cùng đoàn cán bộ ở Bộ vào nghiên cứu cầu dây cáp. May là trời mưa lun phun nên đi yên tâm. Cầu dây cáp là một sáng kiến của ngành giao thông: Hai dây cáp và một chiếc goòng cho xe ngồi lên. Trong đoàn, có 3 kỹ sư và hai cán bộ Đội Cầu 4. Đúng ra còn có một đồng chí phó tiến sĩ ở Trường Đại học Bách khoa nữa, nhưng đến Ca Tang, đồng chí quay lại. Có lẽ đây là lần đầu, các nhà khoa học dời gót từ Hà Nội vào đây bàn chuyện vượt Ca Tang tại thực địa…
 
Tôi không còn nhớ các “nhà khoa học” đó là ai? Không biết có anh Trương Kim Thống ở Viện Thiết kế giao thông không? Và có phải đây là các “tác giả” chính của sáng kiến cầu dây cáp? Và sáng kiến có phải nẩy sinh khi tác giả chợt nhớ lại hai nhịp cầu cáp mong manh mà các đồng chí công an vũ trang vùng Bãi Dinh-Cha Lo đã làm trên hai cầu cũ Bãi Dinh “ngày xưa”, để đi trong những ngày lũ, khi tuyến đá chưa được khai thông?  Xác minh việc này, xin nhường cho ai muốn có tư liệu lịch sử chính xác về ngành cầu Việt Nam tìm kiếm thêm.
Dù đây không phải nơi trình bày các đồ án thiết kế, tôi lại không co điều kiện bám sát công trình, nhưng phương án độc đáo và “đẹp” đến mức tôi phải mượn làm một sự kiện quan trọng trong tiểu thuyết “Chỗ đứng người kỹ sư” (xuất bản năm 1980), nên xin được nói qua như sau: Trên thế giới, loại cầu dây đã được thực hiện từ lâu, phổ biến gọi là “cầu treo” - gọi là “treo” vì hai dây cáp chính được “treo” vào hai “cổng cầu” rất cao, dựng hai đầu cầu và từ hai dây cáp có độ võng lớn này, người ta “treo” cả hệ thống mặt cầu bằng phẳng chắc chắn như mặt cầu bê tông ở phía dưới cho xe đi dễ dàng. Trong chiến tranh phá hoại, nếu “cóp pi” loại cầu này, chưa làm xong, hai cổng cầu lộ liễu đã bị đánh đổ ngay; và giả như cầu hoàn thành, bom ném vẫn rất dễ trúng. Thế là cầu cáp Việt Nam ra đời! Cầu không có “Cổng cầu” mà hệ thống dây cáp chăng sát mặt đường, neo vào “hố thế” hai đầu. Thoạt đầu, dự tính đặt xe goòng rồi cho ô tô “ngồi lên” và đẩy qua, nhưng sau thấy thao tác quá chậm và khó khăn, nên đổi lại làm những mảng mặt cầu rời, đêm trượt ra ghép lại cho xe qua, ban ngày giấu đi. Như thế, khi địch phát hiện, có ném bom vào   cầu, hầu hết bom sẽ lọt xuống nổ dưới khe, ít khi trúng làm đứt dây cáp...
Ở Ca Tang, trên đường K2, tuy đã có cầu-tràn vượt khe, nhưng lũ lớn vẫn bị ngập và vẫn bị trúng bom, đường lại tắc. Vì thế, đoạn giữa K2, chọn thêm vị trí làm cầu cáp.
Thời điểm này, (cuối 1965) hình như bản thiết kế chưa hoàn thành. Tuy vậy, có thể nói trước, đây là phương án thành công, bạn “xem hồi sau sẽ rõ” chi tiết. Riêng ở Ca Tang, nhờ có nhiều phương án vượt sông, nên nhiều ngày, đúng là “địch phá, ta cứ đi!”
 
 
 
tin tức liên quan