Bài dự thi : “HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN”
VẪN VẸN NGUYÊN LÀ LÍNH TRƯỜNG SƠN
Từ Đông sang Tây, qua biên giới Việt – Lào, đường Trường Sơn “lật cánh”
dài hàng ngàn km. Con đường ấy thành lập ngày 19/5/1959. Không có đường
Trường Sơn thì không thể nối liền Bắc, Nam vận chuyển quân, lương, vũ khí ra
tiền tuyến. Các lực lựơng trên con đường này (ban đầu là bí mật, về sau công
khai) đã anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước 16 năm
đến toàn thắng ngày 30/4/1975.
Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân
công hỏa tuyến, cán bộ dân sự đã không quản gian lao, vất vả, hy sinh tuổi thanh
xuân và cả tính mạng của mình chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường
máu lửa, anh hùng và huyền thoại này. Nhiều đơn vị quân đội chiến đấu và phục
vụ chiến đấu ở Trường Sơn (thuộc Đoàn 559) và một số đơn vị khác sau đó
chuyển sang xây dựng các công trình giao thông, nhà máy, gắn kinh tế với quốc
phòng của thời kỳ đổi mới tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Một trong những cán bộ ấy có nhiều thâm niên ở Trường Sơn thời chống Mỹ
và thời bình là bạn của tôi cùng nơi trú quán “đất khách quê người”.Đó là
“gương mặt thân quen” Đại tá Trần Văn Cường, thương binh hạng 4/4. Anh em
chúng tôi cùng lĩnh lương hưu trí và sinh hoạt cùng Đảng bộ và các đoàn thể
trong phường nên vẫn thường gặp gỡ giao lưu, chia sẻ với nhau. Anh tích cực đi
bộ thể thao, chơi vui cờ tướng, trồng hoa phong lan, nuôi chim bồ câu, đàm đạo
với bạn bè chuyện thời sự, văn hóa, xã hội...Năm nay anh vui mừng, phấn khởi
được Hội người cao tuổi địa phương, gia đình, bè bạn tổ chức mừng thọ lên lão
70 mùa xuân và được Đảng ủy cấp trên tặng huy hiệu 50 tuổi Đảng.
Anh nhập ngũ năm 1966, chiến đấu tại Quảng Trị, không may vướng mìn bị
thương vào “đâu gối củ lạc”, từng có những tháng ngày vất vả phải hai tay chống
hai nạng để đi lại. Rồi bị sốt rét rừng, thiếu thuốc điều trị, bị nhiễm chất độc hóa
học trong rừng Trường Sơn do kẻ thù rải xuống. Cho dẫu thế, nhưng do cơ địa tốt,
điều trị tốt, tích cực rèn luyện thể thao nên sức khỏe của anh vẫn bình thường, vui
vẻ trong cuộc sống, công tác. Anh có 12 năm ở Tây Trường Sơn và trên biên giới
Việt – Lào. Anh nhớ những ngày mưa, nắng, gió rét, bão lũ bất thường, máy bay
địch bắn phá dữ dội , bom, mìn các loại, chất độc hóa học... Đúng là “Trường Sơn
Đông nắng,Tây mưa /Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”.Nhà thơ Tố Hữu viết
như thế trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” là đúng thực tế.Đơn vị công binh của
anh đã vượt qua mọi khó khăn, thông đường cho các đoàn quân và xe cơ giới của
ta vào Nam, ra Bắc.“Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.Các anh phải khoan
núi, phá đá, nổ mìn, lo bắc cầu, kéo phà, phá thủy lôi, bom từ trường, tháo gỡ bom
bi, bom nổ chậm,mìn các loại để thông đường Trường Sơn ngang dọc cho người,
gạo, thóc, thuốc men, xe, pháo, súng ống đạn dược ra tiền tuyến.
Ngày ấy anh làm đại đội phó công binh, kết nghĩa với đại đội TNXP san lấp hố
bom để mở tuyến, thông đường. Chị Nguyễn Thị Cúc là TNXP đồng hương cùng
tỉnh Nam Định đã tâm đầu ý hợp bén duyên với anh nên vợ, thành chồng. Đám
cưới của anh chị giản dị, vui vẻ, tiết kiệm. Sau này vợ anh chuyển ngành sang
thương nghiệp rối nghỉ chế độ mất sức viên chức. Vợ chồng anh chị có 3 con, 5
cháu nội, ngoại, ngoan khỏe, “chốt” ở số nhà 190 hai mặt tiền đường Hoàng Văn
Thụ, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình.
Hết chiến tranh, sư đoàn 565 của anh (trước đây thuộc Đoàn 559) làm đường
giao thông. Năm 1978 sư đoàn này rút quân về tham gia xây dựng công trình nhà
máy thủy điện Hòa Bình, gọi là Đoàn 565 (thuộc Binh đoàn 12). Trong sản xuất,
với mô hình doanh nghiệp gọi là Công ty 565 (thuộc Tổng Công ty xây dựng
Trường Sơn). Đoàn trưởng, Giám đốc công ty 565 đều là Đại tá Trần Văn Cường.
Công trình trọng điểm quốc gia ngày ấy xây dựng trong 15 năm (1979 - 1994).
Lực lượng lao động cơ giới và thủ công có thời điểm đông trên 2 vạn người (trong
đó có gần 3000 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 565). Công trình này có sự hợp tác, giúp đỡ
to lớn của Liên Xô anh em. Công cụ thi công được trên giao nhiều máy móc, thiết
bị và nhiều loại xe ô tô vận tải các loại. Cán bộ, chiến sĩ cùng ăn ở tập trung trong
doanh trại, làm việc khẩn trương, nghiêm túc để đạt năng suất, chất lượng, hiệu
quả, kịp tiến độ các hạng mục. Đơn vị anh được giao các nhiệm vụ vận chuyển
vật tư, xây dựng các cầu, cống, làm nhà, xây kè đá tường khu chuyên gia sông
Đà, phá đá, khoan hầm, mỗi ngày làm 3 ca, 4 kíp sôi nổi. Dù trình độ hiểu biết
về xây dựng thủy công, thủy lực, thủy điện của anh em còn hạn chế nhưng rồi đã
vượt qua. Nhiều chuyên gia, kỹ sư của các bộ, ngành của Trung ương được điều
động lên tham gia xây dựng công trình. Con đập chắn nước khổng lồ cao 128 m
qua sông Đà, những đường hầm to rộng dài trong lòng núi, những bức tường đá
khu chuyên gia nước bạn, những ngôi nhà cao tàng, lán trại...có công đóng góp
của đơn vị anh phụ trách. Hàng triệu mét khối đất, đá, cát, sỏi, gạch, ngói, bê tông
đã phục vụ cho công trình. Đã có 168 người (gồm cán bộ, công nhân, quân đội và
công nhân, kỹ sư nước bạn) đã hy sinh được “Tổ quốc ghi công”.Anh làm lãnh
đạo, chỉ huy đơn vị ngoài việc lo sản xuất, thi công đúng tiến độ; còn phải lo đến
đời sống vật chất, tinh thần cho anh em. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân
đã trưởng thành từ công trính to lớn này được khen thưởng. Nhân dịp phát điện tổ
máy số 1 thành công ngày 31/12/1988 (hiện nay có 8 tổ máy phát điện, tổng công
suất điện năng 1920 MW). Có một số tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt
xuất sắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (AHLĐ) đợt đầu (trong
đó có Đoàn 565 và cá nhân anh được phong AHLĐ ngày 8/2/1979). Thành tích
của cá nhân gắn liền với thành tích của tập thể, đây là “bó đũa chọn cột cờ” được
tập thể suy tôn ghi nhận của thời kỳ đổi mới (lúc ấy anh là trung tá, Đoàn phó
565, tham mưu trưởng, kiêm trường trung đoàn 14). Sau khi được phong AHLĐ,
ít năm sau anh được giao nhiệm vụ cao hơn, nặng nề hơn làm Đoàn trưởng, Giám
đốc công ty 565 thay cho người tiền nhiệm Nguyễn Văn Nhâm nghỉ hưu trí.
Anh giữ chức vụ này rồi nghỉ hưu, “gánh” các chức vụ : Bí thư chi bộ tổ dân
phố 24, Phó Chủ tịch Hội CCB phường và đương nhiệm UVTV Hội người cao
tuổi tỉnh; Trưởng ban đại diện Hội người cao tuổi thành phố, UVTV Hội truyền
thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình. Bằng chứng nhận AHLĐ,
các Huân chương (Lao động hạng nhất, Kháng chiến hạng 3, Chiến công hạng
nhất, Itsala, Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất và các Huy hiệu Đảng. Bằng khen của
Thủ tướng Chính phủ của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. được anh treo trang
trọng trong phòng khách, lưu niệm, ghi nhận thành tích
Cảm nhận thành tích của người bạn đáng kính, tôi ngẫu hứng sáng tác tặng anh
bài thơ, anh cảm ơn tác giả đồng đội CCB thân mến cùng nơi trú quán .
ANH HÙNG NGÀY ẤY, HÔM NAY
Nhớ lại những ngày ba ca, bốn kíp
Đắp đập, ngăn sông, phá đá, nổ mìn
Lính Trường Sơn khoan hầm làm thủy điện
Biết bao mồ hôi, công sức, gian lao
Mười lăm năm xây công trình trọng điểm
Thủy điện Hòa Bình chiếu sáng muôn nơi
Trần Văn Cường, người chỉ huy xuất sắc
Chủ tịch nước phong danh hiệu Anh hùng
Về đời thường làm Bí thư chi bộ
Cựu chiến binh, phó chủ tịch Hội phường
Trưởng ban đại diện Hội người cao tuổi
Thường vụ Ban chấp hành Hội Trường Sơn
Cờ tướng, phong lan, líu lo chim hót
Bè bạn gần xa, chia sẻ, giao lưu
Tướng, số tử vi; hỏi gì, đáp nấy
Đại tá, thương binh, hưu trí, đáng khen
Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG HUÂN
Hội viên danh dự Hội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình
( Địa chỉ : nhà A15, Lạc Long Quân, tổ 14 phường Tân Thịnh, thành phố Hòa
Bình, tỉnh Hòa Bình, ĐT 0982195232, Email : conghuan52@gmail.com)