Người giữ trọng điểm

Ngày đăng: 06:52 14/09/2018 Lượt xem: 409

                             Người giữ trọng điểm
                                                      
  
                                                              NGUYỄN KIM CHÚC

 
 

               Vừa chui hết người vào trong “hàm ếch”, khói đen đã lùa vào khét lẹt. Chiếc OV10 cối đạn khói chỉ điểm. Lũ F4 bổ nhào cắt bom. Mảnh bom găm vào thành đất rít lên những âm thanh rờn rợn. Theo phản xạ, tôi nép vào vách hầm.

                Nhìn ra cửa “hàm ếch” thấy toang hoác, mang cảm giác không an toàn. Bọn F4 vẫn lượn vòng cắt bom. Đất đá rơi rào rào. Tôi đảo mắt tìm xem có chỗ nào an toàn không, thì chỉ thấy một đường hầm ngầm đào sâu vào ta luya dương, miệng hầm toang hoác ngay mặt đường; nhìn thấy cả bờ vực thẳm phía ta luya âm. Những căn hầm như thế này lính ta gọi là “hàm ếch”. Khói đen dần tan, tôi đã phần nào quen với ánh sáng trong hầm, nhìn rõ những hàng chữ ai đó viết lên vách đất. Thì ra trước tôi cũng đã có người trú ẩn trong căn hầm này và chắc là tâm trạng cũng như tôi. Hai từ “bình tĩnh” viết dày đặc đã minh chứng điều đó. Tôi như được tiếp thêm sức lực và tự nhủ: “bình tĩnh”.

               Đang miên man với những luồng suy nghĩ không đầu không cuối, chợt nghe tiếng gọi:
- Anh gì ơi! Tôi lắng nghe.
- Anh gì ơi! Lại có tiếng gọi tiếp. Tôi men ra cửa hầm.
- Anh qua bên này cho chắc ăn.

         Tôi đã nhìn thấy anh. Một chiến sỹ công binh. Anh nhô hẳn người lên khỏi miệng hầm, một tay cầm khẩu CKC, một tay cầm một cành cây che trên đầu ở phía bên kia đường. Tôi nhanh chóng vọt tiến qua chỗ anh. Anh nhoẻn nụ cười thân thiện.
- Vừa thấy anh đi lên, chưa kịp gọi anh, bọn nó đã tới bắn phá. Anh nói mà tôi cảm nhận như chưa có chuyện gì vừa xảy ra nơi đây. Tự tin và thân thiện toát ra từ thần thái của anh - Người lính công binh gác trọng điểm này.
- Anh ở đơn vị nào mà lên trọng điểm vào giờ này? Anh hỏi tôi.
- Mình dân pháo binh kéo pháo vào B1. Nghe nói đoạn đèo này có nhiều “cua” gấp, lên muốn lên coi để tối kéo pháo qua.
- “Cua tay áo” mà anh. Nhưng không sao, xe pháo đi được, các anh ở d28 vẫn kéo pháo 37 ly qua mà …

          Chiếc OV10 đã nâng độ cao, xăm soi vào phía trong. Trọng điểm “Cua tay áo” đường B46 phơi ra trong ánh nắng chiều. Con đường vắt ngang qua sườn núi bị đánh phá tơi tả. Bom đạn Mỹ cày xới chỉ còn đất và đá. Ta luya dương sụp đổ, mặt đường biến dạng, uốn lượn, lồi lõm … Tôi cùng Tùng tên chiến sỹ công binh gác trọng điểm đi lên phía trước. Thì ra tôi và Tùng cùng quê Phú Thọ. Anh ở huyện Thanh Ba, tôi huyện Tam Nông. Tiểu đội công binh của Tùng được giao chốt giữ đảm bảo giao thông trọng điểm này. Địch đánh phá ác liệt nên cả tiểu đội phải bám đường ngày đêm, theo dõi chặt chẽ đánh phá của địch và sử lý ngay sau khi địch đánh phá gây tắc đường và rà phá bom mìn chưa nổ, nhanh chóng thông đường, hướng dẫn xe vượt trọng điểm. Chiếc OV10 bay vòng lại. Tùng kéo tôi dạt ra hướng ta luya âm. Rất may ở đó lại có một hầm chữ A kiên cố. Tùng bảo:
- Anh chú ý quan sát phía ta luya âm. Bọn em đào rất nhiều hầm chữ A kiên cố, miệng hầm được cắm cọc, buộc dù trắng để ban ngày cũng như ban đêm đều dễ nhận biết như thế này. Tùng chỉ cho tôi chiếc cọc cắm ngay miệng hầm, phía trên đầu cọc buộc túm mảnh dù pháo sáng màu trắng.

         Chiếc OV10 lại chíu mũi cối đạn khói cho lũ phản lực cắt bom xuống trọng điểm. Tôi và Tùng vừa xuống hầm chữ A, cũng là lúc chớp nhằng trên đầu, nghe rõ tiếng bom rơi rồi những tiếng nổ chát chúa, rung chuyển cả căn hầm.
- Nó thả cả bom bi đấy anh, có thể cả bom hỗn hợp nữa.

            Tôi hiểu điều Tùng nói. Hơn một tháng kéo pháo vào Nam, trên đường Trường Sơn tôi đã hiểu thủ đoạn đánh phá của địch. Mới đầu chúng thả bom phá nhằm gây tắc đường, rồi là bom bi nhằm sát thương bộ đội ta và sau cùng là bom từ trường, bom nổ chậm, bom vướng nổ, mìn lá, mìn tai hồng nhằm gây tắc đường lâu dài và gây thương vong cho ta. Chúng tôi kéo pháo 85 nòng dài và cao xạ 23 ly bốn lòng từ quân khu Tây Bắc vào Nam. Chúng tôi đã quen với đường dèo dốc ở Tây Bắc. Song đường Trường Sơn khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Chúng tôi ngày nghỉ đêm đi. Xe pháo rú ga ầm ĩ. Tiếng hô, tiếng đẩy, kéo rầm trời dưới ánh sáng đèn dù sáng như ban ngày và ngay dưới vòng lượn của bọn AC130 mà có đêm đội hình tiểu đoàn chỉ nhích dược mấy trăm mét. Nhớ hôm vượt đèo ngã ba Lùm Bùm, xe băng qua hết số, hết ga, lửa cháy rần rật hai bên. Trên trời máy bay Mỹ gầm rú và sáng bừng lên những quầng lửa của đạn cao xạ ta bắn trả. Bom vẫn rơi, đạn vẫn nổ. Nhưng mọi việc đều tốt đẹp, hàng chục xe kéo pháo qua trọng điểm an toàn. Chúng tôi đã quen với tuyến lửa Trường Sơn - Nơi có hàng vạn con người dũng cảm ngày đêm đem sức trẻ phục vụ cho những chuyến xe chở hàng ra tuyền tuyến …

           Tiếng máy bay đã tắt hẳn. Mặt trời cũng đã gác núi. Tùng và tôi đi lên phía trước. Nhiệm vụ của Tùng là thăm dò đường xá sau những đợt đánh phá của địch và cùng đồng đội san lấp hố bom, thông đường, đảm bảo an toàn cho người và xe qua trọng điểm. Tùng nhắc tôi chú ý quan sát, phát hiện bất thường. Anh giảng giải:
- Nguy hiểm nhất là những loạt bom đạn sau cùng. Bọn chúng thường quăng xuống các loại bom vướng nổ, mìn lá, mìn tai hồng, bom từ trường, bom nổ chậm. Bom vướng nổ từ bom mẹ được thả xuống, chạm đất bung ra những sợi dây kim loại không màu ra các hướng. chỉ cần vướng vào dây kim loại này một lực nhỏ cũng làm cho nó nổ. Sức công phá của nó không kém gì một trái lựu đạn M26 của Mỹ. còn mìn lá, mìn tai hồng rơi xuống hòa vào đất đá, cây cỏ rất khó phát hiện. Bánh xe đi phải nổ lốp; người dẫm phải: mất chân … Bọn em phải sử lý những loại này như cơm bữa và vô cùng mệt mỏi.
Tùng nhận xét:
- Hôm nay bọn chúng đánh phá có phần giảm so với mọi hôm; chúng chỉ cắt bom phá đường và rải bom bi.

             Tôi tin vào nhận xét của Tùng. Cuộc chiến sinh tử đảm bảo giao thông của các chiến sỹ công binh Trường Sơn đã được đúc kết bằng chính xương máu của người lính. Họ phải rà phá bom mìn bằng chính sự dũng cảm của họ. Tinh mắt nhẹ tay nhặt, thu gom những vật nổ, dùng sào dài chọc nổ hoặc dùng những lượng nổ phù hợp để gây nổ các loại bom nổ chậm …
Càng đi lên, đường đèo càng dốc. Đường bị bom Mỹ cày xới nham nhở. Hố bom chồng lên hố bom, lộ rõ vực sâu, dốc thẳm phía ta luya âm. Mùi bom đạn khét lẹt, mấy gốc cây còn âm ỉ cháy. Nghe súng báo tắc đường phía đỉnh đèo, Tùng chạy vội lên đó. Tôi xem xét kỹ từng khúc “cua”, từng dốc nhỏ xem có cản trở đường kéo pháo không và suy nghĩ về những chiến sỹ công binh gác trọng điểm này. Họ là những con người dũng cảm, đầy trách nhiệm - Những con người thép; những con người thay nhau ở trong tầm bom rơi, đạn nổ. Bom đạn vừa dứt, máy bay Mỹ vừa rời đi, họ đã vác súng kiểm tra đường. họ dùng súng để báo hiệu cho nhau: ba phát - tắc đường; bốn phát - có thương binh; năm phát - có tử sỹ … Cứ theo đó mà họ hành động, ứng cứu. Lúc còn tránh trú ở căn hầm chữ A, Tùng nói với tôi: “Nó bắn chưa chắc đã trúng mà trúng chưa chắc đã chết”. Tùng cười đế thêm: “Sống chết có số mà anh”.

            Lên tới đỉnh đèo, đúng khúc “Cua tay áo” tôi gặp lại Tùng và hơn mười đồng chí nữa đang san lấp hố bom trúng mặt đường. Những chiếc xẻng, những chiếc xà beng dài trong tay những chiến sỹ công binh đang bẩy, đẩy những tảng đá xuống vệ đường. Những chiếc bừa sắt được chế tác từ những thùng phi cắt ra được các chiến sỹ sử dụng thành thạo. Từng mảng đất đá được đẩy xuống vực sâu. Chả mấy chốc đường đã thông. Hai phát súng vang lên báo hiệu đường đã thông, sẵn sàng cho xe lăn bánh qua trọng điểm. Đêm ấy chúng tôi vượt đèo - vượt qua biên giới Việt - Lào về đất Quảng Nam trung dũng - kiên cường - đi đầu diệt Mỹ. Phía trước là mặt trận đang vào giai đoạn hai của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 và còn nhiều trọng điểm nữa chúng tôi phải vượt qua. Còn cần lắm những chiến sỹ công binh Trường Sơn dũng cảm kiên cường trợ giúp …
Tháng 8 năm 1970 tôi nhập viện 46 - Binh trạm 44 điều trị và gặp lại Tùng ở đây. Anh là nhân viên ban hậu cần của bệnh viện. Bác sỹ điều trị cho tôi là Đào Văn Lượng - người bạn cùng quê cùng học với nhau một lớp từ lớp 5 đến lớp 10. Qua Lượng tôi hiểu thêm về Tùng. Tùng tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội khoa sinh. Nhập ngũ anh vào Trường Sơn, được biên chế vào ban hậu cần - bệnh viện 46 thuộc Binh trạm 44. Lần gặp Tùng ở trọng điểm “Cua tay áo” là thời điểm anh cùng một số đồng chí được điều động đi tăng cường cho tiểu đoàn 21 công binh đảm bảo giao thông. Anh không phải là chiến sỹ công binh thực thụ. Tôi càng thêm cảm phục những người linh Trường Sơn. Họ sẵn sàng làm tốt mọi việc để đưa hàng ra tiền tuyến.

            Hết chiến tranh Tùng về lại trường đại học Sư phạm Hà Nội, trực tiếp giảng dạy đào tạo giáo viên trẻ cho đất nước cho tới ngày nghỉ hưu. Anh về quê Ninh Dân - Thanh Ba - Phú Thọ vui vầy bên vợ con. Hàng năm chúng tôi vẫn gặp nhau ở hội Trường Sơn Sư đoàn 471 anh hùng và gặp mặt viện quân y 46. Anh lại đọc thơ lại nói về những năm tháng  ở Trường Sơn. Nhớ lại những năm tháng hào hùng của sức trẻ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
 
tin tức liên quan