" Cô gái lạc trong rừng" - Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Tuynh Ủy viên BCH Hội Trường Sơn TP Nha Trang - Khánh Hòa

Ngày đăng: 09:10 09/10/2018 Lượt xem: 574
CÔ GÁI LẠC TRONG RỪNG
Truyện ngắn của Xuân Tuynh
 
          Mới năm giờ sáng, rừng khộp còn dày đặc sương mù. Tấn, trưởng kho K4 của Binh trạm 44 dậy đi kiểm tra quanh khu nhà kho một lần xem có lợn rừng và lũ chuột về quấy phá không. Đây là công việc trước tiên trong ngày của người trưởng kho, từ lâu đã thành thông lệ.
         Vừa bước chân ra khỏi cửa kho chính, Tấn phát hiện ra một cô gái áo quần rách bươm, để lộ thân thể lõa lồ, làn da trắng hồng dính đầy bùn đất, môi thâm tím, gương mặt nhợt nhạt; cô gái nằm bất động, ngực thoi thóp thở yếu ớt. Tấn liền kêu Mạnh, Kiên ra, cùng nhau đưa cô gái vào nhà, nhóm lửa cho cô sưởi. Kiên lấy gạo nấu cháo bón cho cô ăn, cho cô uống thuốc sốt rét, lấy bộ quân phục nữ trong kho quân trang mặc cho cô. Sưởi ấm, ăn cháo, uống thuốc một giờ sau cô gái đã dần tỉnh lại nhưng có điều cô không nói được, hỏi gì cũng chỉ lặng thinh. Nhận thấy cô gái bị sốt rét ác tính nhiều ngày chưa thể hồi phục ngay được. Tấn quyết định đưa cô đến Bệnh viện, viết giấy giới thiệu là người của đơn vị. Có điều không biết tên tuổi cô gái. Kiên nói:
         - Theo em, chúng ta nghĩ ra một cái tên gì đó đặt đại cho cô gái là được chứ gì?
         Mạnh tán đồng:
       - Cô gái đẹp nhường kia, lại có gương mặt trái xoan, chúng mình đặt cho cô là Thoan, lấy họ của trưởng trạm: “Lê Thị Mộng Thoan”. Được không các cậu?
        Cả Tấn và Kiên đồng ý.
        Cô gái được Tấn và Mạnh nhanh chóng cáng vào Bệnh viện của Binh trạm 44.
       Từ kho K4 vào đến Bệnh viện phải đi một nửa ngày đường. Đến mười hai giờ trưa mới vào tới Bệnh viện. Bàn giao bệnh nhân cho Bệnh viện xong hai người ra về. Trước khi ra về, Tấn nói với lãnh đạo Bệnh viện: “Có sự cố gì xấu đến với bệnh nhân xin lãnh đạo Bệnh viện báo ngay cho Tổng kho K4 đến cùng nhau xử lý...”.

 
*
        Cô gái được các Y Bác sĩ trong Bệnh viện tận tình điều trị tích cực, sau mười ngày cô gái tỉnh lại và nói cười vui vẻ. Một sáng như thường lệ, Y tá điều dưỡng xuống từng lán nơi điều trị bệnh nhân điểm tên, phát thuốc. Cô y tá gọi to:
         - Lê Thị Mộng Thoan, ra nhận thuốc uống.
         Gọi tới lần thứ hai không thấy Thoan trả lời. Mấy người bệnh nhân nằm bên cạnh giục:
         - Thoan, đồng chí Thoan y tá gọi đồng chí, dậy nhận thuốc sao không trả lời?
         Thoan giật bắn người nói với y tá:
        - Tôi, tôi đâu phải tên Thoan, tôi là Hồng, Nguyễn Thị Bích Hồng.
         Cô y tá sửng sốt, ngớ người ra. Chẳng hiểu có chuyện gì làm thay đổi họ tên bệnh nhân được ghi rõ ràng trong bệnh án. Cô Y tá ngưng phát thuốc, vội quay về lán của Bệnh viện trưởng báo cáo. Bệnh viện trưởng cùng Bác sĩ điều trị lập tức xuống lán điều trị của khoa nội xem thử thực hư ra sao.
         Viện trưởng đến bên giường trực tiếp kiểm tra bệnh nhân Thoan. Sau kiểm tra thấy sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn. Bác sĩ Viện trưởng trực tiếp hỏi bệnh nhân Thoan:
          - Theo giấy giới thiệu của lãnh đạo kho K4 khi đưa đồng chí vào nhập viện đồng chí có tên đầy đủ là: “Lê Thị Mộng Thoan, nhân viên của đơn K4. Bây giờ khỏi bệnh đồng chí lại nói tên là Nguyễn Thị Bích Hồng. Thực hư thế nào xin đồng chí khai báo thực để Bệnh viện có hướng giải quyết. Đây là việc hệ trọng, thay đổi họ tên một con người  đâu phải chuyên đùa. Khó cho sau này khi xuất viện...?
             Cô gái khẽ rùng mình, ngồi trấn tĩnh trong giây lát mới nhẹ nhàng trả lời câu hỏi của bệnh viện trưởng:
        - Chuyện là thế này thưa Bác sĩ. Chiều ngày mười lăm tháng chín, đơn vị Công binh C10 của chúng em đang mở một cung đường tránh xuống Quảng Nam, khoảng ba giờ chiều bị máy bay Vo10 phát hiện, sau đó ít phút chúng cho máy bay lên thả bom tọa độ, cả Đại đội trúng bom, bom hất mỗi người đi mọi nơi. Sau một giờ em tỉnh lại, người đau tê dại, áo quần rách bươm. Lúc này em lại lên cơn sốt rét, người mê man không hay biết gì. Hiện nay em nằm điều trị ở đây. Chẳng biết ai đưa tôi vào viện...?
         Nghe xong lời thuật lại khá chi tiết sự viêc của bệnh nhân Thoan, Viện trưởng lập tức cử liên lạc tức tốc đến K4 mời lãnh đạo kho về Bệnh viện làm việc. Nhận được tin báo của Bệnh viện, Tấn và Kiên đến Bệnh viện ngay.
         Đến Bệnh viên, Tấn và Kiên thành thật báo cáo lại sự việc của cô gái lạc trong rừng đến nằm ở cạnh kho K4. Nghe xong câu chuyện, Viện trưởng cùng đại diện của kho K4 bàn bạc, tìm hướng giải quyết.
         Có ba phương án được Viện trưởng đặt ra, một là trả lại họ tên đầy đủ của cô gái và liên hệ đưa cô trở về đơn vị cũ; hai là đưa cô về công tác ở kho K4; ba là giữ cô gái ở lại làm Y tá điều dưỡng vì theo lời cô gái, cô đã từng học năm thứ hai ở trường Đại học Y Hà Nội. Cả ba phương án này đưa ra cho cô lựa chọn. Cô ấy đồng ý phương án nào chúng ta giải quyết theo phương án đó. Tấn, Kiên và Bác sĩ Viện trưởng đều thống nhất với nhau, cùng nhau làm việc với cô gái.
         Là một cô gái trẻ nhút nhát, khi lên gặp Bác sĩ Viện trưởng cùng với Tấn và Kiên, Hồng sợ sệt. Cô ngồi bất động trên chiếc ghế tre ở góc phòng . Bác sĩ Viện trưởng giọng ân cần, sau khi nói với Hồng về ba phương án đã được bàn bạc, cân nhắc với Tấn và Kiên, hai cán bộ của kho K4, Viện trưởng nói:
        - Bây giờ ở vào hoàn cảnh này, chúng tôi đưa ra ba phương án, đồng chí nên chọn phương án nào. Là người chiến sĩ giải phóng dù ở đâu cũng là phục vụ cách mạng. Đồng chí cần có quyết định ngay?
         Hồng suy nghĩ một lúc rồi nhỏ nhẹ nói:
        - Dạ. Thưa các Thủ trưởng cho em ở lại phục vụ Bệnh viện. Ngành y là ngành em mơ ước ngay từ khi còn học phổ thông, hơn nữa em đã được học qua hai năm ở trường Đại học Y Hà Nội. Em rất biết ơn các Thủ trưởng ở K4 và các Y Bác sĩ trong Bệnh viện đã cứu sống em.
         Việc Lê Thị Bích Hồng xin ở lại công tác trong Bệnh viện cũng hợp lý, hợp tình. Bởi đơn vị Công binh của Hồng đã hy sinh hết trong trận bom tọa độ.
         Ở Trường Sơn những năm trong chiến tranh cũng có những người hành quân bị sốt rét nằm lạc ở Trạm giao liên, khi khỏi đơn vị đã đi xa, đã xin ở lại nhập vào bất kỳ đơn vị nào đó trong các Binh trạm công tác cũng là chuyện bình thường. Miễn sao làm việc và chiến đấu tốt. Trường Sơn chẳng những là Binh đoàn vận tải lương thực, đạn dược, xăng dầu chi viện cho chiến trường mà còn là nơi giàu lòng nhân ái đối với những ai bị lầm lỗi, quay về làm lại cuộc đời, kể cả người ở phía bên kia. Đã từng có tù binh tình nguyện theo cách mạng, làm lính Trường Sơn.
*
         Tuy không về công tác ở kho K4, nhưng những ngày rảnh công việc, Bích Hồng vẫn về thăm Tấn, Kiên, Mạnh ở Tổng kho K4. Hồng rất biết ơn các anh ở K4 đã cứu sống mình. Nếu không có các anh thì Hồng đã bị thú dữ ăn thịt trong rừng, hoặc chết vì đói rét, bệnh tật. Tấn, Kiên, Mạnh cũng mến Hồng, một cô gái đất Hà Thành xinh đẹp. Đặc biệt là Tấn, một chàng trai Hà Đông, ngay sáng đầu tiên nhìn thấy Hồng, và cũng lần đầu được nhìn thấy thân thể ngà ngọc của người con gái, Tấn đã thầm có cảm mến. Tấn luôn dành tình cảm đặc biệt cho Bích Hồng, mỗi bận Bích Hồng sang chơi, khi ra về Tấn thường có quà dành cho Bích Hồng, khi thì hộp sữa, lúc cân đường, cân đậu xanh...
         Để phục vụ cho chiến dịch Xuân Hè một nghìn chín trăm bảy hai, Tấn nhận nhiệm vụ của cấp trên trực tiếp áp tải một chuyến hàng lớn xuống chi viện cho mặt trận Quảng Nam. Sau khi giao hàng xong, trên đường quay về thì Tấn và đồng đội bị địch phục kích ở chân đèo Gió. Hai bên đánh nhau quyết liệt, tổ biệt kích bị tiêu diệt, Tấn bị thương rất nặng ở sau lưng, một viên đạn AR15 xiên vào phổi. Tấn được đưa về Bệnh viện của Binh trạm điều trị. Lê Thị Bích Hồng là người được phân công chăm sóc cho Tấn. Sau mười ngày điều trị nhưng do viên đạn nằm sâu trong phổi, ngoài ra còn vết thương ở đầu, bệnh viện thiếu Bác sĩ chuyên môn sâu về phẫu thuật và dụng cụ phẫu thuật thiếu thốn. Tấn đã không sống được. Trước lúc lâm chung, Tấn thều thào nói với Hồng: “Vậy là hy vọng sau ngày thống nhất đất nước chúng mình về quê làm đám cưới đã không thành sự thật. Nhưng dẫu sao anh đã có những ngày sống đẹp bên em. Cảm ơn Thượng đế đã cho hai chúng ta gặp được nhau ở Trường Sơn thân yêu”.
         Bích Hồng khóc nấc lên, nhỏ những giọt nước mắt nóng bỏng trên gương mặt tươi trẻ của Tấn, Hồng đưa tay vuốt mắt cho Tấn. Lòng cô đau như muối xát.
*
         Sau giải phóng Lê Thị Bích Hồng về trường Đại học Y Hà Nội học tiếp. Sau một tháng ổn định việc học hành, Lê Thị Bích Hồng mới tìm về thăm gia đình Tấn. Gia đình Tấn Lúc này bố mẹ đã già, sống với hai người con trai, em của Tấn tên là Tần và Lâm.
         Gặp được Hồng, ông Tình bà Tĩnh, bố mẹ của Tấn rất vui. Tuy chưa chính thức là dâu con trong gia đình nhưng Hồng rất quý trọng ông bà Tình, ông bà Tình cũng rất quý Hồng. Coi Hồng như con trong nhà.
         Hàng tháng, Hồng vẫn dành thời gian những ngày nghỉ cuối tuần về thăm ông bà Tình, mua về những loại thuốc bổ quý hiếm biếu ông bà.
         Khi Hồng học xong Đại học Y, lúc này ông Tình đã bước sang tuổi ngoại bát tuần, người ông ốm yếu lại mắc chứng bệnh viêm phổi nặng. Mặc dù chạy chữa rất nhiều nhưng bệnh tình không tiến triển. Ông Tình bàn bạc với vợ mời Luật sư về lập di chúc.
         Gia đình ông Tình vào loại khá giả của làng Thượng. Nhà ông có nghề gia truyền trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Ông được thừa hưởng của Tổ tiên để lại một tòa nhà cổ năm gian đồ sộ và hàng chục héc ta đất trồng hoa màu, trồng dâu ven sông Nhuệ.
         Khi lập di chúc ông quyết định chia tài sản của mình ra thành bốn phần, cho vợ và ba người con trai. Tấn đã hy sinh ở chiến trường nhưng ông vẫn chia cho Tấn. Lê Thị Bích Hồng được hưởng phần của Tấn.
         Những ngày ông Tình bệnh nặng, Hồng thường xuyên cùng với bà Tĩnh ở bên chăm sóc cho ông. Hai thằng con trai, Tần và Lâm thì suốt ngày lao vào đề đóm, cờ bạc; Lâm, cậu con út thì vướng vào hút sách, cả hai chẳng đếm xỉa gì đến bố bệnh tật và bà mẹ già yếu. Ông Tình ốm nặng chừng mười ngày thì trút hơi thở cuối cùng. Lễ an táng của ông đều do Hồng và bà con họ hàng, làng xóm lo liệu, hai thằng con trai chỉ lai vãng qua loa giống như những người dưng, kẻ lạ.
         Sau giỗ một trăm ngày của chồng, bà Tĩnh quyết định gọi các con về, mời Luật sư và chính quyền địa phương đến nhà mở di chúc.
          Hai thằng con trai, Tần và Lâm chỉ mong có vậy để lấy tài sản đi bàn có tiền cờ bạc, hút sách. Lâm, đứa con thứ ba, đã ngửi thấy việc chia tài sản theo di chúc của bố thì Lâm chưa có gia đình, vợ con lại là đứa hư lâu nay bị bố chửi mắng. Lâm sẽ nhận phần ít hơn mẹ và anh mình. Trước khi vào buổi công bố di chúc, Lâm đã thủ một con dao nhọn trong người. Để làm gì thì chỉ có Lâm mới biết.
           Mọi người có mặt đông đủ, luật sư Thái Văn Mùi, người được ông Tình lúc sinh thời mời chứng giám và lưu giữ bản di chúc.
             Luật sư Thái Văn Mùi sau khi đọc xong phần đầu của bản di chúc mang tính thủ tục, pháp lý dài một trang đánh máy khổ A4. Sang phần hai, phần chia tài sản. Bản di chúc viết: “Số tài sản, bao gồm cả ruộng vườn và bất động sản của tôi được chia đều làm bốn phần. Cụ thể: Vợ tôi, bà Hoàng Thị Tĩnh một phần, còn lại ba phần được chia đều cho ba người con trai. Riêng Tấn đã anh dũng hy sinh ở chiến trường nhưng nó đã đính hôn với người đồng đội là Nguyễn Thị Bích Hồng, vợ chồng tôi rất yêu quý Nguyễn Thị Bích Hồng, coi nó như dâu con trong nhà...”.
         Luật sư Thái Văn Mùi vừa đọc đến đây thì mặt Lâm đỏ phừng phừng như tái gấc chín, gã  hét lên:
         - Tôi phản đối: Không thể chia bốn phần được. Ba phần thôi. Bà Hồng không có dính dáng gì đến việc phân chia tài sản này cả. Bà là kẻ xấu xa, lợi dụng lòng tốt của bố mẹ tôi...
         Nghe Lâm thốt ra những lời cay độc, mọi người bàng hoàng. Chưa ai kịp phản ứng thì Lâm rút con dao nhọn trong người ra, lao thẳng tới có ý định đâm Hồng, theo phản xạ tự nhiên, bà Tĩnh đứng bên cạnh đã đẩy Hồng ra phía sau. Nhát dao trong tay Lâm theo đà đâm thẳng vào ngực trái bà Tĩnh, bà ngã gục xuống đất, máu chảy lai láng. Lâm vội chạy như bay ra khỏi nhà. Hồng và mọi người xúm lại cấp cứu nhưng vết dao đâm đúng tim, bà Tĩnh đã tắt thở.
         Thi hài bà Tĩnh được an táng bên cạnh ông Tình. Đám tang kết thúc, mọi người ra về, riêng Lê Thị Bích Hồng còn đứng lại khóc bà Tĩnh trong chiều đông gió rét. Cô thương cho người mẹ xấu số đã bị chính thằng con trai của mình giết chết. Và chính bà là người đã cứu sống cô.
          Nhận thấy Hồng ở lại một mình ngoài đồng vắng, luật sư Mùi thấy không yên tâm, biết đâu Lâm ẩn nấp đâu đó lao ra giết Hồng. Mùi đến bên Hồng, dìu cô vô xe chở về nhà.
         Từ buổi đó, Mùi và Hồng trở thành một đôi bạn thân. Bởi Mùi và Hồng đều là lính Trường Sơn. Mùi là lính pháo phòng không đơn vị 591.


          (Viết trong khi còn nằm trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa)
tháng 10-2018
Nguyễn Xuân Tuynh
Ủy viên BCH Hội Trường Sơn TP Nha Trang - Khánh Hòa
DĐ: 0908.625.369

tin tức liên quan