Trường Sơn những năm tháng hào hùng, dự thi Hào khí Trường Sơn của Cao Tỵ

Ngày đăng: 07:10 27/12/2018 Lượt xem: 576
 

                   BÀI DỰ THI; HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN

 

Họ Tên: Cao Thị Tỵ (BD: Cao Tỵ, Bạch Vân)

 

Sinh năm: 1964. 

 

SĐT: 0372 793052.

 

Địa Chỉ: Thôn Xuân Sơn, Xã Thanh Sơn, Huyện Tĩnh Gia, Tỉnh Thanh Hóa

 

Email; Bachvan65@yahoo.com

 

 

 

 

 

          TRƯỜNG SƠN NHỮNG NĂM THÁNG HÀO HÙNG.

                                                           
                                                      Ghi chép của Cao Tỵ

    
 
Cuộc chiến tranh chống Mỹ bảo vệ tổ quốc vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam ta đã đi đến  thắng lợi hoàn toàn .Để làm nên chiến thắng  lẫy lừng đó là công lao đóng góp to lớn của toàn quân và toàn dân ta từ đủ mọi lĩnh vực như tiền tài ,vật chất ,sức lực ,tinh thần…vv .Trong đó thật đáng khâm phục về những  đóng góp to lớn của đội ngũ thanh niên xung  phong, đã  chung sức, chung lòng bảo vệ  tuyến  đường Trường Sơn. Con đường huyết mạch giao thông quan trọng làm nên  cuộc chiến tranh thần thánh ,con đường huyền thoại đã đi vào lịch sử .Trong cái chung ấy, có một  người đã góp công sức không kém phần quan trọng của mình vào cuộc chiến  bảo vệ tổ quốc ,giải phóng dân tộc. Đó là cựu thanh niên xung phong Lê Đình Hương.

                                           Chân dung:  Cựu TNXP  LÊ ĐÌNH HƯƠNG

   Lê Đình Hương sinh năm 1950  tại làng Tào Sơn xã Thanh Sơn.Anh  nhập ngũ thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ từ tháng 6 /1971đến tháng  11/1974 thuộc trung đoàn 559 đóng quân tại tỉnh Quảng Bình  .

   Nói đến thanh niên xung phong thường thì người ta nghĩ ngay đến những người ngày đêm hăm hở đào đá, lấp đất mở đường cho xe chạy, vận chuyển tiếp viện cho chiến trường Miền Nam. Nhưng với Lê Đình Hương thì khác, làm công tác của thanh niên xung phong, nhưng anh lại được mang một trọng trách vô cùng cao quý đó là cái nghề “trồng người” “ nghề làm thầy giáo là nghề vẻ vang nhất” như lời Bác Hồ kính yêu đã nói.(*)

      Lê Đình Hương cũng như bao thanh  niên Việt Nam khác ở lứa  tuổi 18-20, vừa học hết cấp 3 ( hệ 10/10) đang chuẩn bị bước chân vào giảng đường đại học .Nhưng nghe theo tiếng gọi của Đảng, cuộc kháng chiến đang bước sang giai đoạn quyết liệt, anh  đã hăng hái gia nhập đoàn thanh niên xung phong lên tuyến đường trường  sơn tiếp sức.Anh được cấp trên cử đi đào tạo cấp tốc về kỹ năng sư phạm, sau đó được điều về bộ phận giảng dạy văn hóa cho thanh niên xung phong .Phát huy truyền thống của thanh niên xung phong  cả nước “cần cù ,anh dũng ,kiên cường ,đoàn kết ,sáng tạo”. Từ đấy cứ ngày ngày khi anh chị em trong đơn vị  bám cầu,bám  đường làm việc anh cũng tham gia . Tối đến anh  lo soạn giáo án để buổi trưa  anh chị em  đi làm về ăn uống  xong là vào học .Lớp học dã chiến làm bằng tranh tre  nứa lá nằm núp dưới các tán cây  trong rừng , bàn ghế được ghép lại bằng tre, luồng.Là phó bí thư đoàn  ,với sức trai phơi phới tuổi hai mươi  anh  luôn luôn xông xáo ,năng nổ trong mọi công tác , hoạt động của đơn vị , của nhà trường.Trường chỉ có ba bốn giáo viên, anh được phân công dạy môn văn từ lớp 5 đến lớp 7 ,những buổi đầu vào lớp có nhiều bỡ ngỡ,thầy giáo cùng lứa tuổi với học sinh,lại là đồng chí đồng đội nên việc  giảng dạy còn nhiều bất cập ,song những ngày sau anh tự tìm được lối đi ,cách thức giảng dạy riêng khiến học sinh rất chăm chú lắng nghe và tiếp thu nhanh chóng.Do hạn chế thời gian nên mọi người rất vất vả .Buổi sáng phải đi xuống các cung đường san lấp hố bom ,mở đường thông xe ,trưa về ăn uống  rồi vào học ,học khoảng gần hai tiếng đồng hồ thì giải tán cho anh chị em lại đi làm buổi chiều . Buổi tối sau khi mọi người đi làm về ăn uống xong là tranh thủ  tự học dưới các hầm  cá nhân, những  ánh đèn dầu được thắp lên le lói ,những cái đầu chụm vào trang sách thì thầm to nhỏ. Tuy phải đi theo chương trình của bộ giáo dục theo sách giáo khoa nhưng  đa phần những buổi lên lớp, anh  dành nhiều thời gian cho những vần thơ, bài ca cách mạng giảng dạy để  khuyến khích mọi người về tình yêu quê hương, đất nước như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy trong  bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968:

  “ thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, … sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng…dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. .. các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. ..Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang …Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó".(*)

   Có lẽ do thấu hiểu và làm theo lời Bác dạy nên gần bốn năm trời đứng trên bục giảng giữa núi rừng, giữa chiến trường mưa bom bão đạn khốc liệt ,chuyển trường, chuyển lớp rất nhiều nơi. Không ít những niềm vui nỗi buồn, uốn nắn cho các học sinh từng câu từng chữ, từng lời hay lẽ phải. Anh luôn tâm huyết với nghề, yêu quý học sinh. Hết lớp này đến lớp khác, cứ mỗi năm là một loạt học sinh của khối 7 được tốt nghiệp ra trường. Có những lần đi coi thi, anh thấy những giám thị quá khắt khe, bắt phạt các học sinh vi phạm quy chế phòng thi,khiến thí sinh đó nước mắt ngắn nước mắt dài van xin ,anh cảm thương cho các em bởi hàng ngày phải ra tuyến đường đối diện ,giành giật giữa sự sống và cái chết trong gang tấc,vất vả lo lắng, hoang mang. Cứ nghe tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ trên các cung đường là lại hò nhau vác cuốc vác xẻng lao ra cứu đường, cứu người. Lúc thì những hố bom sâu hoắm phải ra sức san lấp, khi thì những hòn đá to tướng chắn ngang đường mọi người lại phải gắng hết sức dùng đòn bẩy để bắn tránh sang bên thông đường cho xe chạy. Nhất là vào mùa mưa thì vô cùng vất vả,hố bom đọng đầy nước đất bùn nhão sình lầy, phải chặt cây lót lá cho xe  qua. Có những giờ cao điểm phải làm thông tầm ,quên ăn, quên nghỉ. Việc học tập phải tranh thủ trong đêm sau những ngày lao động mệt nhọc.Biết rồi sau ngày mai, ngày kia và những ngày sau đó ,các em có còn nguyên vẹn khỏe mạnh, sống vui vẻ để trở về với quê hương với gia đình bên những người thân yêu nữa hay không? Biết bao nhiêu  cô gái đang tuổi mười tám đôi mươi phơi phới là vậy ,xinh tươi là vậy mà nhoáng một cái là vĩnh viễn ra đi ,đã hóa thân vào lòng đất, vào cỏ cây hoa lá của núi rừng Trường Sơn. Biết bao nhiêu nghìn lượt xe chạy, những binh đoàn hành  quân vào Nam, ra Bắc trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa này, và biết bao nhiêu chiếc xe đã bị máy bay mỹ  bắn cháy,bao nhiêu nghìn người đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời mới 17-18. Biết bao nhiêu đêm, ngày nghe tiếng đẵn cây ghép ván đóng quan mà nhói buốt con tim, xót xa trong lòng, có lúc không kịp đóng quan nữa mà chỉ dùng bạt để gói liệm  thi thể những đồng chí đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Đành rằng  đó không hẳn là lý do để anh buông lỏng, khoan hồng cho thí sinh tha hồ vi phạm. Nhưng anh xét thấy những vi phạm ấy chưa đến mức độ xử phạt nặng, nên anh đã đề nghị góp ý với thầy giám thị  nương tay cho thí sinh được tiếp tục vào thi.

    Cho đến bây giờ nhắc lại chuyện xưa anh vẫn còn nhớ rõ mồn một hình ảnh những năm tháng bi hùng  ấy như vừa mới hôm qua.

   Sau khi đã hoàn thành công tác, anh trở về quê hương tiếp tục vào đại học. Năm năm sau ra trường cầm cái bằng đại học kinh tế  trên tay mà chẳng được vẫy vùng , bay cao bay xa như bạn bè, do hoàn cảnh trói buộc,tác động từ nội tâm ,tác động từ ngoại cảnh –hay do ý chí… Bằng lòng vác tù và hàng tổng  cho  làng, cho  xã, làm thư  ký, làm đội trưởng,làm thôn trưởng hơn 20 năm ròng, và bây giờ thì  làm bảo vệ ủy ban xã và làm chủ tịch hội  cựu thanh niên xung phong của xã. Rồi nhì nhằng viết lách văn thơ cho đỡ buồn. Quanh đi quẩn lại vẫn trong làng. Hôm vừa qua kỷ niệm chi  đoàn cựu thanh niên xung phong Hà Trung, ban liên lạc mời anh về dự. Xe vừa dừng, cả đơn vị ùa ra chào thầy, tay bắt mặt mừng thắm thiết như gặp lại người thân, mọi người nói nói, cười cười ,kể cho anh nghe hiện tại các anh, chị đang làm gì. Có người  giờ đã làm đến chức bí thư huyện ủy. Anh cảm thấy thật ấm lòng, thật  tự hào ….

   Là Chủ tịch Hội ,anh luôn  luôn kêu gọi, động viên anh chị em thắt chặt tình đoàn kết. Chia sẻ ngọt bùi giúp đỡ lẫn nhau, thăm hỏi người đau ốm, bệnh tật, hiếu hỷ, vui buồn có nhau. Đó là một việc làm đầy tình nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc. Phần lớn anh chị em  đã hiến dâng cả tuổi xuân phơi phới của mình cho cuộc chiến ,bằng những trận sốt rét rừng,bằng những gian lao vất vả, bằng những đêm ngày muỗi, vắt hoành hoành đã hút kiệt sức lực của họ, nên khi trở về nhiều người chỉ còn những tấm thân gầy ốm và nước da xanh tái. Có người  đành phải sống  một đời đơn độc, trong số ít đó cũng có người may mắn  kiếm được một mụn con để nương nhờ cho có mẹ có con. Đó là những mất mát hy sinh to lớn mà các chị đã phải đánh đổi cả cuộc đời mình cho dân tộc. Nhìn các anh, các chị mà lòng tôi trào dâng niềm thương mến, cảm phục, những con người chân yếu tay mềm, bình dị mà làm nên kỳ tích. Thật đáng trân trọng làm sao.

                                                         
                                                                    Thanh Sơn ngày 22/12/2018.

 

                                                                                  Cao Tỵ

                                                           
Ghi chú:  (*)Trích theo báo Ấp Bắc.

 

tin tức liên quan