Vài nét trao đổi cùng tác giả Nguyễn Tất Đình Vân

Ngày đăng: 07:03 22/04/2015 Lượt xem: 657

           VÀI NÉT TRAO ĐỔI VỀ THƠ DỰ THI

         CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN TẤT ĐÌNH VÂN

          Lời BBT:

        Chúng tôi vừa nhận được bài nhận xét của CCB TS Trương Văn Nhi, Chủ nhiệm CLB thơ thôn Phú Điền, Nam Sách Hải Dương về 64 bài thơ dự thi của đồng chí Nguyễn Tất Bình Vân. Bài nhận xét khá tinh tế và chân tình, chứng tỏ tác giả đọc rất kỹ thơ của đồng đội. Chúng tôi thấy đây là lời góp ý chân tình và có trách nhiệm. Vì thế chúng tôi xin công bố để tác giả và các đồng chí và bạn đọc yêu thơ tham khảo.

          Trân trọng cám ơn đồng chí Trương Văn Nhi và xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này.

 

          Từ khi trang Web của của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Hội Trường Sơn) đăng các bài thơ dự thi “Lục Bát Trường Sơn” do Trung ương Hội tổ chức đã cuốn hút tôi. Đối với những tác giả có nhiều tác phẩm dự thi tôi rất trân trọng về nhiệt tình và “tay nghề” của đồng đội nên cũng rất chịu khó đọc cho hết để tìm hiểu xem số lượng có đi đôi với chất lượng không. Trong trường hợp này phải kể đến tác giả Nguyễn Tất Đình Vân. Đến nay tác giả đã được đăng hai lần với 65 bài thơ.

Đọc ba chùm thơ lục bát dự thi gồm 65 bài (gửi 3 lần với 3 chùm: Chùm 48 bài, chùm 14 bài và chùm 3 bài) của tác giả Nguyễn Tất Đình Vân, ở Cửu Yên, Nguyên Thái, Thuận Thành (Bắc Ninh), tôi rất quý tấm lòng nhiệt tình và khả năng “xuất khẩu thành thơ” của tác giả vốn là người kinh Bắc, quê hương của các làn điệu Quan họ mà lời thường là những vần thơ lục bát. Qua theo dõi, đến nay và có lẽ đến hết cuộc thi thơ này rất khó có tác giả vượt Nguyễn Tất Đình Vân về số lượng bài gửi dự thi. Tuy nhiên, về chất lượng tôi thấy có nhiều vấn đề mà tác giả cần lưu ý.

Trước hết, tôi thấy tác giả đã sử dụng nhiều cụm từ giống hệt nhau thậm chí bê cả một câu từ bài này đưa sang bài khác.

Ví dụ: Câu “Cõng trăng lên núi đi qua Cổng Trời” được dùng ở 2 bài (Lần trong ký ức, Xanh màu mùa xuân). Còn cụm từ “cõng trăng leo núi”, “cõng trăng lên núi” được dùng ở 7 bài khác nhau (Xuân ngời, Tuyến đường tên Bác, Lần trong ký ức, Xanh màu mùa xuân, Nở hoa hòa bình, nhớ người trồng cây, Trăng nhớ); cụm từ “Trăng treo đầu súng”, “Đầu súng trăng treo” vốn là của nhà thơ Chính Hữu, tác giả đã lấy dùng ở 4 bài của mình mà không có một lời chú thích, đây là điều cấm kỵ (Nghĩa tình đồng đội, Hương quê, Trường Sơn là bản hùng ca, Xuân reo trong lòng); cụm từ “Đường cua tay áo chông chênh” được dùng ở 2 bài (Thành kỷ niệm, Bình minh đang rạng); cụm từ “Trường Sơn hối hả” được dung ở 2 bài (Thành kỷ niệm, Trăng nhớ), v.v…

Điều thứ hai tôi muốn nói là các bài thơ của Nguyễn Tất Đình Vân đã cố gắng tạo những hình ảnh đẹp trong thơ nhưng cũng có câu còn dùng từ trực diện quá thô, nên tránh dùng trong thơ, như:

Khỏa thân ngọn suối trong ngần (trong bài Điệp khúc hành quân)

Khỏa thân suối nước, tắm miền núi cao (trong bài Tắm suối).

Ngoài ra vẫn còn lỗi chính tả: “Công nông đầy ắp cát si”; chữ “si” ở câu này phải là “xi” – xi măng!

Cõng trăng neo núi đi qua cổng trời (trong bài Xanh màu mùa xuân): chữ “neo” ở đây phải sửa là “leo”…

Trên đây là những suy nghĩ và góp ý rất chân thành của tôi đối với anh Nguyễn Tất Đình Vân. Mong anh chú trọng thêm về chất lượng của những vần thơ và chọn lọc những bài thơ hay dự thi.

 

                                                                                     Trương Văn Nhi

     

tin tức liên quan