Thẩm mỹ văn học có vấn đề

Ngày đăng: 07:25 10/11/2015 Lượt xem: 585

Bản dịch mới Nam quốc sơn hà:

                           Thẩm mỹ văn học có vấn đề

Vừa qua, bản dịch mới của bài thơ "Nam quốc sơn hà" (Sông núi nước Nam) được in trong sách Ngữ văn lớp 7 đang khiến dư luận phản ứng dữ dội bởi thẩm mỹ văn học của những nhà làm sách thực sự có vấn đề!

Bài thơ “Sông núi nước Nam” vốn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam, với những câu thơ quen thuộc, nay đã được dịch khác đi và in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 khiến nhiều phụ huynh sốc.

Trước đây, bài thơ: “Sông Núi Nước Nam” được dịch là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

tham my van hoc co van de
Bản dịch Nam quốc sơn hà trong sách Ngữ văn 7

Trong khi đó, hiện nay, trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) phát hành lại dịch như sau: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

 

Như vậy, từ 4 câu thơ quen thuộc với hàng triệu học sinh, phụ huynh nay đã được “cải biên” 3 câu thơ sau so với bản dịch trước. Theo nhận định của nhiều phụ huynh, bản dịch sau trúc trắc, khó đọc và không hay như bản cũ. Bên cạnh đó, bài thơ Nam quốc sơn hà đã được chuyển ngữ từ từ vần “bằng” trong nguyên văn sang vần trắc ở bản dịch, khiến bài thơ trở nên khó đọc và khó cảm nhận.

Được biết người chuyển ngữ bài thơ Nam quốc sơn hà là Lê Thước và Nam Trân và đều là những nhà Hán-Nôm học nổi tiếng. Riêng Nam Trân còn là nhà thơ có tên tuổi, từng được giao nhiệm vụ tổ chức dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch.

Mặc dù vậy, một điều không thể phủ nhận là bài thơ sau khi được chuyển ngữ gây khó khăn cho người đọc khi tiếp thu, đặc biệt là những học sinh cấp THCS. Khi một tác phẩm văn học được gọi là thơ, nghĩa là nó phải có vần điệu, cấu tứ và ngôn từ phù hợp với cảm xúc cũng như quy luật bằng, trắc, dấu, thanh trong văn học. Nhiều người còn khẳng định một bài thơ hay hoặc dở phụ thuộc phần lớn ở cách gieo vần, gieo điệu.

tham my van hoc co van de
Bản dịch Nam quốc sơn hà quen thuộc

Với cách nhận xét này, có thể thấy rằng bài thơ "Nam quốc sơn hà" được in trong sách Ngữ văn 7 hoàn toàn không có vần điệu cụ thể, cách gieo từ thanh bằng sang thanh trắc khiến ngôn từ của bài thơ khô cứng và khó hiểu. Trong khi đó, rất nhiều thế hệ học sinh đã quá quen và yêu thích bài thơ Nam quốc sơn hà bản dịch cũ do ý nghĩa và tính thẩm mỹ mà nó mang lại.

Sau khi đọc bài thơ mới này, rất nhiều nhà văn đã đặt câu hỏi “thẩm mỹ văn học của các nhà biên soạn sách ở đâu?” khi “sáng tác” bài thơ ngang và rối loạn thế này. Thiết nghĩ, thơ là tiếng lòng, tiếng lòng mà rối rắm, trúc trắc thế này thì … xin các cụ đừng biên soạn cho trẻ con nữa.  

tin tức liên quan