VANG VỌNG BA MIỀN GIAI ĐIỆU TRƯỜNG SƠN

Ngày đăng: 03:08 08/05/2019 Lượt xem: 690
  VANG VỌNG BA MIỀN GIAI ĐIỆU TRƯỜNG SƠN
                                                                     
                                                  Nhạc sĩ - Th.s - NGƯT Vũ Minh Vỹ
                                                              Cố vấn nghệ thuật
 
    Hòa nhịp với các hoạt động nao nức khắp nơi hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn 19/501959 – 19/5/2019, Trung ương Hội Trường Sơn Việt Nam đã quyết định tổ chức Liên hoan ca múa nhạc Trường Sơn, đáp ứng sự mong đợi của hàng chục ngàn chiến sĩ Trường Sơn trên khắp mọi miền trong cả nước.
Để cuộc liên hoan giành thắng lợi ngay từ lần đầu tiên, TƯ Hội TS đã quyết định thành lập Ban tổ chức liên hoan, do thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký làm Trưởng ban. Nhà báo - nhà văn Phạm Thành Long, Trưởng ban Tuyên truyền - Thi đua là phó ban, và nhạc sĩ Trường Sơn, thạc sĩ, Nhà giáo ưu tú Vũ Minh Vỹ là cố vấn nghệ thuật. Ban tổ chức đã nhanh chóng đề ra Quy chế của cuộc Liên hoan, nhằm định hướng khi xây dựng chương trình ca múa nhạc tham gia Liên hoan, gửi tới tất cả các Hội TS, BLL các tỉnh, thành, sư đoàn và đơn vị tương đương. Căn cứ vào sự hăng hái đăng ký tham gia của các tỉnh, thành, Ban tổ chức đã chia ra 6 cụm thuộc 6 khu vực là: Khu vực Tây Bắc gồm CLB hội đồng ngũ tháng 4/1968 ở Lào Cai, các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình và Yên Bái là tỉnh đăng cai. Khu vực Đông Bắc gồm các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Bắc Ninh là tỉnh đăng cai. Khu vực đồng bằng Bắc bộ gồm các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định là tỉnh đăng cai. Tại khu vực này, BTC cũng chấp nhận CLB đồng ngũ F470 từ Đồng Nai ra tham gia biểu diễn. Khu vực miền Nam gồm các tỉnh Phú Yên, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa -Vũng Tàu là tỉnh đăng cai. Khu vực bắc miền Trung gồm Hội Xăng dầu - Đường ống TS, các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Nghệ An là tỉnh đăng cai. Riêng thành phố Hà Nội là cụm thứ sáu. Trong vòng nửa tháng, từ ngày 6 đến 21/4, lần lượt 29 đoàn đã về tham gia Liên hoan ca múa nhạc Trường Sơn tại 5 địa điểm đăng cai. Đoàn đông nhất có trên 30 người, đoàn ít nhất 12 người. Các đoàn cấp tỉnh, cấp tương đương sư đoàn đều do đích thân chủ tịch hoặc Phó chủ tịch phụ trách dẫn đầu. Một số tỉnh không kịp có đoàn dự liên hoan, đã cử lãnh đạo Hội đến tham dự động viên và trao đổi học hỏi các đơn vị bạn.
      Đặc biệt, các đ/c lãnh đạo cao nhất của Hội, dù bận rất nhiều công việc, cũng thay nhau tham dự chỉ đạo, động viên các đoàn ở tất cả các điểm đã biểu diễn: Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội tham dự tại Yên Bái. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, PCT thường trực kiêm Tổng thư ký Hội, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan tham dự 2 điểm Yên Bái và Bắc Ninh. Các PCT Hội: Thiếu tướng Hoàng Kiền tham dự tại Nam Định, thiếu tướng - AHLLVT Nguyễn Bá Tòng tham dự tại Vũng Tàu,  thiếu tướng Lương Sĩ Nhung tham dự tại Vinh - Nghệ An. Chính sự có mặt của Chủ tịch và các Phó chủ tịch với các diễn văn khai mạc, trao cờ lưu niệm và tặng phẩm cho các đoàn tham gia biểu diễn, đã làm cho không khí tại các điểm Liên hoan văn nghệ càng thêm phấn chấn, náo nhiệt tưng bừng.
      Bên cạnh sự có mặt đưa tin của đội ngũ phóng viên các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương đăng cai, các phóng viên quay phim, chụp ảnh, viết bài của TƯ Hội Trường Sơn gồm nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Huân, phó ban TT-TĐ, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của trang tin điện tử hoitruongson.vn Phạm Sinh, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Cảnh Hồng cũng “xắn tay” vào cuộc để kịp thời đưa bài và hình ảnh các tiết mục, chương trình biểu diễn nhanh chóng đến với hàng vạn khán giả - đồng đội Trường Sơn trong cả nước.
      Tại các điểm diễn ở Nam Định, Vũng Tàu, Vinh, các đ/c Trần Thị Chung, PCT, Nguyễn Thị Bình, UV BCH Hội nữ Chiến sĩ TS cũng đến dự, trao kinh phí ủng hộ các CLB văn nghệ và BTC nơi đăng cai biểu diễn.  
      Là người đã 10 năm lãnh đạo, chỉ đạo nghệ thuật 2 đoàn văn công chuyên nghiệp (đoàn Văn công Quân khu Ba và đoàn Ca múa kịch Hà Nam Ninh), rồi qua hơn 10 năm phụ trách Nhà hát Thực nghiệm và Biểu diễn của trường Cao đẳng múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam); đã làm tổng đạo diễn, xây dựng chương trình ca múa nhạc cho hàng chục đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và hàng trăm đơn vị nghiệp dư; làm Chủ khảo hoặc tham gia Ban giám khảo tại rất nhiều cuộc hội diễn nghệ thuật, liên hoan ca múa nhạc từ cấp Quân khu, Tổng công ty, Bộ, ngành đến tỉnh, thành, quận huyện, tôi thực sự vui mừng với kết quả tốt đẹp, thực sự ngạc nhiên với khí thế sôi nổi, tinh thần vô tư, lạc quan, phấn khởi tưng bừng của mấy trăm diễn viên tại tất cả các điểm Liên hoan ca múa nhạc Trường Sơn lần này. Có mặt theo rõi, ghi chép đánh giá cẩn thận đầy đủ 147 tiết mục của 29 đoàn tham gia biểu diễn tại 5 điểm trải dài khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, tôi như thấy lại hình ảnh những chàng trai, những cô gái bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến, tuổi đời mười tám đôi mươi, năm xưa chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên những cung đường Trường Sơn rừng núi trập chùng, suốt mấy ngàn ngày đêm ngập tràn khói lửa đạn bom, được tái hiện bởi những diễn viên lứa tuổi từ U30 đến U70 hoặc hơn, đang là hạt nhân văn nghệ của Trường Sơn hôm nay, trong đó có gần chục người từng là diễn viên đoàn Văn công  Trường Sơn hay diễn viên các đội Tuyên văn Sư đoàn, đồng đội của tôi những năm đánh Mĩ. Đó là khi các đoàn trình diễn những bài hát nổi tiếng về Trường Sơn - những “bài ca đi cùng năm tháng” như Bước chân trên dải Trường Sơn, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Bài ca Trường Sơn, Bài ca bên cánh võng, Đường Trường Sơn xe anh qua, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Nổi lửa lên em, Cô gái mở đường…, ròi những bài hát tuy không viết về đường Trường Sơn, nhưng gắn bó “máu thịt” với những người lính trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại anh hùng như Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Chiếc gậy Trường Sơn, Tiếng đàn ta-lư, Cô gái vót chông, Đêm trên Cha lo, Bóng cây Kơ-nia…; hay bài hát văn từng vang vọng theo bước chân những đoàn quân vượt Trường Sơn đi tới các chiến trường, những ca cảnh, điệu múa tái hiện hình ảnh các cô gái TNXP Đồng Lộc anh hùng…
      Bên cạnh những tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng, những tác phẩm viết về Trường Sơn của các nhạc sĩ “xuất thân” từ chính tuyến đường này, tiếp tục được đào tạo qua Học viện Âm nhạc quốc gia cũng xuất hiện khá nhiều trên sân khấu, như các bài Tình em gửi trọn con đường, Nỗi nhớ cựu chiến binh, Đường Trường Sơn trăm ngả, Niềm vui em đón xe qua,Viết tiếp bản hùng ca Trường Sơn, Hào khí Trường Sơn của nhạc sĩ Đào Hữu Thi; Bài ca Hội Truyền thống Trường Sơn, Nghĩa tình Trường Sơn (đặt lời theo làn điệu quan họ), Tỏa sáng Trường Sơn của nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ. Đồng thời một số đoàn còn mang đến  những sáng tác mới về Trường Sơn: Hãy hát lên bài ca Trường Sơn (đoàn Phú Thọ), Tìm em giữa Trường Sơn (đoàn Hải Dương), Cảm xúc nghĩa trang Trường Sơn, Hát về anh Phạm Ngọc Sơn (hát chèo, đoàn Thái Bình), Bài ca anh khảo sát, Tầm cao dòng xăng (đoàn Đường ống xăng dầu)… Đặc biệt, bài hát phổ thơ của Yến Lan Cúc ơi, tác giả nhạc Bùi Hăng Ri vốn là chiến sĩ Trường Sơn, có tới 5 đoàn đã sử dụng làm ca cảnh, gây được sự xúc động cho người xem.
       Không chỉ hát về Trường Sơn, hầu hết các đoàn còn mang đến liên hoan những nhạc phẩm ca ngợi đất nước thân yêu, quê hương đổi mới, ca ngợi công ơn Bác Hồ, ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bài hát ngợi ca người lính hôm nay trên mọi miền đất nước, từ biên giới với Thơ tình của núi tới hải đảo với Gần lắm Trường Sa, và có 5 đoàn hát về tình hữu nghị Việt - Lào qua các nhạc phẩm Cô gái Sầm Nưa, Tình Việt Lào, Bài ca xam-ba-khi. Đặc biệt là sắc màu các dân tộc thiểu số anh em được tái hiện rẩt đẹp trên sân khấu qua tiết mục của các đoàn Cao Bằng, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn, và có lẽ gây ấn tượng mạnh nhất là màn múa tập thể Âm vang đại ngàn với dàn nhạc cụ cồng, chiêng, trống Sơ-gơ, tù và, khèn bè, với đạo cụ là hình các cây nêu trong lễ hội nhà Rông, già làng tóc bạc trắng (không phải nhờ hóa trang) nhún nhảy “đánh mông tanh tách”, làm trung tâm cho đám trai gái trẻ vui múa tưng bừng, đậm đặc hồn núi hồn rừng Trường Sơn rất hồn nhiên của đoàn Quảng Trị.
      Để đem lại ấn tượng tốt đẹp cho khán giả cả phần nghe và phần nhìn, một số đoàn đã dày công luyện tập với sự hướng dẫn của các nhạc sĩ, biên đạo có “tay nghề” tốt. Có thể nhận biết ra điều đó qua cách hát tập thể có bè hòa âm, bè phức điệu hòa quyện; cách chuyển đổi đội hình, động tác trong mỗi tiết mục, cách xử lý múa phụ họa cho bài ca hợp lý, đẹp mắt, ăn nhập giữa hình với tiếng, giữa nghe với nhìn. Điều này rất cần được khuyến khích, bởi với trình độ thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, quan niệm “Hát hay không bằng hay hát” đã thuộc về quá khứ, nếu cứ cố áp dụng sẽ thành ra cổ hủ, lỗi thời. 
Một số chương trình đạt tới trình độ “đậm đặc” chất Trường Sơn như của đoàn Bắc Ninh (4/5 tiết mục), đoàn Hải Dương (5/6 tiết mục), đoàn thành phố Hồ Chí Minh (5/5 tiết mục), đã thực sự hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn.
      Múa độc lập (không phụ họa cho bài ca) đòi hỏi phải có biên đạo chuyên nghiệp truyền dạy, trình độ diễn viên tốt, thời gian luyện tập công phu, đã xuất hiện góp mặt ở Liên hoan lần này. Tuy chưa nhiều, song đó cũng là một hướng đi tốt, rất đáng hoan nghênh.  
      Một ưu điểm nữa của cuộc liên hoan lần này là không có tiết mục nào gây phản cảm do nội dung không “sạch” hoặc ăn mặc hở hang, động tác sỗ sàng, tự nhiên chủ nghĩa.
      Cũng cần cảm ơn ban lãnh đạo Hội Trường Sơn của 5 “chủ nhà” Yên Bái, Bắc Ninh, Nam Định, Vũng Tàu, Nghệ An đã đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện về sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hội trường, đại biểu, khán giả, chỗ ăn nghỉ cho các đoàn. Cảm ơn sự chỉ đạo tích cực của lãnh đạo các Hội TS có đoàn tham gia Liên hoan, đã góp phần làm nên một cuộc biểu dương lực lượng văn nghệ Trường Sơn từ Cao Bằng địa đầu Tổ quốc, nơi Bác Hồ từ hải ngoại trở về lấy làm căn cứ địa lãnh đạo cách mạng, tới Vũng Tàu, thành phố biển miền đông Nam bộ xinh tươi đẹp giàu. Cũng xin thay mặt Ban giám khảo, nhiệt liệt chúc mừng các diễn viên đã luyện tập hăng say, biểu diễn hết mình, làm nên một cuộc Liên hoan ma-ra-tông CA MÚA NHẠC TRƯỜNG SƠN trong vòng nửa tháng (mùng 6 đến 21/4) xuyên suốt 3 miền đất nước.
      Bên cạnh nhưng ưu điểm đã đạt được, để giúp các đoàn, các diễn viên rút kinh nghiệm cho những lần biểu diễn tiếp sau, thiết nghĩ cũng nên đề cập đến những khuyết, nhược điểm đã bộc lộ ra qua 5 điểm biểu diễn vừa rồi.
      Khuyết điểm quan trọng nhất, đó là nhiều đoàn chưa nghiên cứu kỹ quy chế của cuộc Liên hoan, trong đó có ba điểm hướng dẫn rất rõ ràng: 1) Chương trình không quá 25 phút. 2) Nội dung về Trường Sơn chiếm ít nhất 2/3 thời lượng. 3) Có ít nhất 2 tiết mục tập thể.
      Chỉ cần so lại với 3 tiêu chí trên, chắc hẳn số đoàn “đạt chuẩn” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một kinh nghiệm hết sức cần thiết mỗi khi xây dựng chương trình tham gia Hội diễn, Liên hoan, hay chỉ đơn thuần là phục vụ hội nghị nào đó cũng vậy, đó là: nghiên cứu thật kỹ các văn bản hướng dẫn để từ đó lựa chọn tiết mục, diễn viên, người đạo diễn, dàn dựng sao cho phù hợp và hiệu quả…
     Nhược điểm nổi bật tiếp theo là nhiều người lên sân khấu, nhưng chưa xác định được vai trò của mình là DIỄN VIÊN, nghĩa là không còn là chính mình, mà phải “hóa thân” thành nhân vật theo nội dung bài hát hay điệu múa. Vì vậy, không thể đeo quân hàm, quân hiệu, huân chương, huy chương đầy ngực khi hát các bài về Trường Sơn thời chống Mĩ. Thậm chí có đoàn diễn cảnh các cô gái TNXP Đồng Lộc hi sinh năm 1967 cũng mang quân hàm đỏ chót trên ve áo. Cũng không thể đeo trang sức: đồng hồ xịn, nhẫn vàng, vòng cổ, vòng tay cho các chàng trai, cô gái Trường Sơn những năm khói lửa đạn bom.
    Điều này xảy ra phổ biến ở 2 cụm Liên hoan đầu tiên, và được khắc phục gần hết ở các cụm Liên hoan sau. Tuy nhiên, lại có đoàn hát các bài về quân đội thời hòa bình, về cựu chiến binh thời nay, cũng không đeo quân hàm, quân hiệu, huân chương, huy hiệu, dây chiến thắng…, nghĩa là từ thái cực này chuyển sang thái cực kia một cách máy móc. 
     Cũng về vấn đề phục trang, cần lưu ý rằng quần áo rằn ri của binh chủng đặc công và “mũ nồi xanh” kiểu quân đội Liên hợp quốc cần được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Nếu dùng tùy tiện, đặc biệt dùng cho các bài hát thời chiến tranh là hoàn toàn sai lệch, bởi có thể gây nên hình ảnh tôn vinh trang phục kẻ thù. Những trang phục ấy ở thời chiến tranh, hình như ai mặc sẽ là mục tiêu cần bắt sống hoặc nhả đạn của bộ đội ta.
     Một lưu ý nhỏ nữa về phục trang: đó là phong trào dùng tràn lan mũ tai bèo và khăn rằn. Xin thưa với các bạn, thời chiến tranh, mũ tai bèo chỉ dùng ở các chiến trường B (miền Nam), C (Lào, Trường Sơn) và K (Campuchia). Các chàng trai lái xe Chào em cô gái Lam Hồng, các nữ TNXP ngã ba Đồng Lộc không bao giờ đội mũ tai bèo. Còn khăn rằn là hành trang của các cô gái Nam bộ. Các cô gái Trường Sơn chỉ có thể choàng khăn dù ngụy trang, hoặc khi ra miền Bắc thăm quê thì có khi choàng khăn dù pháo sáng màu trắng, khăn dù hàng màu cam…, là chiến lợi phẩm thông dụng thu được trên tuyến đường Trường Sơn. Nhắc điều này vì có đoàn dùng khăn rằn cho cả bài Chiếc gậy Trường Sơn, Khúc hát ru của người mẹ lính, Trường Sơn đông Trường Sơn tây…
     Về đạo cụ cho tiết mục ca múa nhạc, một số đoàn mua sắm, chuẩn bị rất công phu: ví dụ có hàng chục cái cuốc, cái xẻng giống y như thật. Lại có đoàn tạo hình mấy vòng tròn vô-lăng ô tô, có “vô lăng” còn quấn thêm “cỏ”, có cái đủ 3 chạc giữa, có cái rỗng hoe. Có đoàn mang cả xe đạp thồ chở đầy các bao tải căng phồng, thêm 3 cô gánh đôi quang thúng dài, 3 cô gánh bồ treo lủng lẳng… để phụ họa cho một bài hát v.v...
     Thiết nghĩ, có lẽ các bạn đã “kịch hóa” sân khấu ca múa nhạc. Bởi nghệ thuật ca múa nhạc nặng về cách điệu. Các đạo cụ cần nhẹ, sân khấu cần thoáng, lấy chỗ cho diễn viên hát và múa thể hiện. Chỉ cần bằng động tác biểu hiện bằng tay, chân và thân hình, vẫn có thể cho khán giả thấy đoàn quân đang chiến đấu, đoàn dân công đang gánh, gùi súng đạn; tốp TNXP đang cuốc đất, phá đá mở đường. Chỉ cần một dải lụa xanh do 2 diễn viên rung tay cũng biểu hiện được dòng sông hay thậm chí là sóng biển dạt dào nơi đảo xa. Vậy thì có nên mua sắm các cuốc xẻng, quang gánh… như thật đem lên sân khấu không nhỉ?
     Về mặt nghệ thuật, yếu điểm “nổi bật” của khá nhiều tiết mục, đó là thiếu sự đầu tư, hoặc vô tình coi nhẹ sự biểu hiện của diễn viên. Nhiều đoàn dựng bài hát đôi, hát tốp, hát tập thể không có bè, không phân câu đổi giọng. Một số bài hát diễn viên không chuyển đội hình hoặc chuyển rất ít. Các động tác biểu hiện qua tay, chân, qua nét mặt, là phương cách biểu cảm vô cùng cần thiết cho mỗi bài hát không được chú ý rèn luyện nên không đồng đều, có khi tự phát tùy hứng mỗi người. 
     Yếu điểm thứ hai về nghệ thuật, đó là dùng múa phụ họa quá liều lượng, không phù hợp. Cần nhớ rằng, với tiết mục hát, thì quan trọng trên hết là chất lương hát, bao gồm hát chính xác nhạc và lời, giọng hát tốt, diễn viên hát biểt biểu hiện sinh động, phù hợp trên sân khấu. Múa, hay diễn kịch phụ họa, dù có kỳ công, có giỏi giang đến đâu cũng không cứu vãn được khi hát chênh phô, sai nhạc, sai lời, hát tập thể trơn trắng không bè bối. Còn múa phụ họa mà múa dở, lại thường xuyên che lấp người hát, thì đó là thảm họa: “Thà không phụ họa đã đành/ PHỤ mà thành HỌA khổ anh, khổ nàng” là vì vậy! Riêng múa dựa theo các bài ca, cần hết sức chú ý khi lựa chọn bài hát để dựng múa, bởi có bài hát nếu dựng múa sẽ phá hỏng nội dung bài ca, múa trở nên lạc đề hoặc vô nghĩa.  Điều này đã được dẫn chứng cụ thể khi nhận xét sau buổi diễn tại các điểm Liên hoan.
       Thưa các bạn. 60 năm đường Trường Sơn, có 6 cụm Liên hoan ca múa nhạc Trường Sơn được diễn ra trước thềm kỷ niệm trọng thể 19/5/2019. Cuộc Liên hoan ma-ra-tông ca múa nhạc Trường Sơn trải dài khắp ba miền đất nước sẽ kết thúc bằng điểm liên hoan thứ 6 tại Thủ đô Hà Nội. Sẽ có hàng trăm diễn viên của vài chục địa phương trở về, cùng nhau ca hát tại Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, một “địa chỉ thiêng” với hàng vạn hội viên Hội TS trên khắp đất nước. Mong rằng những khuyết điểm, nhược điểm trên đây sẽ được khắc phục làm cho văn nghệ Trường Sơn nói chung, ca múa nhạc Trường Sơn nói riêng không ngừng phát triển, tiến bộ, để giai điệu Trường Sơn đã, đang và sẽ mãi mãi âm vang khắp ba miền Tổ quốc Việt Nam.   
                                                                      Hà Nội, 28/4/2019.   
    

                  


tin tức liên quan