Chính ủy Đặng Tính - Thơ và đồng đội

Ngày đăng: 04:32 09/05/2019 Lượt xem: 1.940

                Chính ủy Đặng Tính - Thơ và đồng đội


      Chúng tôi vừa được chị Đặng Mai Phương, con gái Chính ủy Đặng Tính, từ T.P Hồ Chí Minh gửi ra tập thơ Chính ủy Đặng Tính - Thơ và đồng đội. Nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tá Đặng Tính (1920 - 2020), AHLLVTND, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, chúng tôi trân trọng giới thiệu tới các hội viên Trường Sơn tập thơ này. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài thơ của nhà thơ Trường Sơn Đặng Tính trên Trang Văn học - Nghệ thuật Trường Sơn.

 


Trước lúc đọc những bài thơ của nhà thơ Trường Sơn Đặng Tính, chúng tôi xin giới thiệu "LỜI GIỎI THIỆU" CỦA TƯỚNG VÕ SỞ CHO TẬP THƠ NÀY và một bài viết về ông, một con người đa tài...

 
 
                                                              LỜI GIỚI THIỆU
 
       Tôi được cháu Đặng Mai Phương, con gái út anh Đặng Tính gửi cho tôi bản thảo cuốn sách: “Chính ủy Đặng Tính – Thơ và đồng đội”.
          Tập bản thảo với 3 phần: Phần một: 100 bài thơ của Chính ủy Đặng Tính (rút ra từ nhật ký của anh). Phần hai:  Thơ của đồng đội tặng Chính ủy Đặng Tính (gồm 31 bài thơ đồng đội viết tặng anh trong đó có 3 bài thơ cháu Đặng Mai Phương và cháu Trần Tuệ gửi bố Đặng Tính). Phần ba:  Một số hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chính ủy Đặng Tính.
          Có thể nói, cháu Đặng Minh Phương đã rất công phu để tuyển chọn 100 bài thơ tiêu biểu trong di cảo vô cùng phong phú của cha mình. Đó là những cuốn Lịch tay, Nhật ký từ năm 1970 – đầu 1973; cuốn Trường Sơn – Thơ văn chọn lọc (NXB Văn học 1959-1979); cuốn Văn nghệ Không quân số 3 -4 tháng 4/1990; cuốn Nguồn sức mạnh NXB QĐND 2010…
          Chính ủy Đặng Tính, Anh hùng LLVTND - một cán bộ chính trị có tâm hồn thơ và rất yêu thơ. Có thể nói, thơ là một phần đầy ý nghĩa trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của anh. Với anh, thơ không chỉ là sự giải tỏa, thơ còn là “nhật ký” ghi lại những cảm xúc, những dấu ấn, những sự kiện mà anh là người trong cuộc. 100 bài thơ của anh thì có tới 92 bài thơ anh viết trong những năm tháng chiến đấu trên Trường Sơn. Ghi nhanh “nhật ký bằng thơ” nhưng có nhiều bài thơ của anh rất giàu cảm xúc, giàu hình ảnh và tứ thơ hay…
Vào chiến trường Trường Sơn, anh lăn lộn trên nhiều trọng điểm ác liệt, đặt chân tới nhiều đơn vị binh chủng của Trường Sơn. Anh chứng kiến nhiều hình ảnh cảm động của cuộc sống, chiến đấu hào hùng của các chiến sĩ Trường Sơn… Đọc 92 bài thơ viết trên Trường Sơn của anh, chúng ta có thể hình dung được hành trình phong phú của anh trên mọi nẻo Trường Sơn với nhiều địa danh nổi tiếng ác liệt và gian khổ…Nhiều bài thơ hay mà anh ghi trong “Nhật ký” đã ra đời.
Anh Đặng Tính là một Chính ủy tài năng, đức độ, gần gũi, yêu thương chiến sĩ không chỉ của Trường Sơn, của Quân chủng Phòng không – Không quân mà còn của Quân đội ta. Anh là số ít cán bộ cao cấp của Quân đội ta vừa giỏi quân sự, vừa giỏi chính trị lại làm thơ hay. Ngày ấy, cán bộ chiến sĩ chiến trường Trường Sơn coi anh – Chính ủy Đặng Tính là một nhà thơ của Trường Sơn. Nhiều bài thơ của anh đăng trên báo Trường Sơn đã được cán bộ, chiến sĩ truyền tay nhau đọc và thuộc làu thơ anh như thuộc thơ của nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật...
          Anh Đặng Tính ra đi khi gắn bó với Trường Sơn mới hơn 3 mùa khô. Nhưng 3 mùa khô ấy anh đã in nhiều dấu ấn đẹp trên mọi nẻo chiến trường Trường Sơn với 5 trục dọc và 21 trục ngang của gần 20 ngàn ki lô mét. Anh đã chiếm trọn niềm tin yêu, kính trọng của hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Những bài thơ đồng đội viết về anh trong cuốn sách này đã minh chứng cho điều đó…
          Tôi nghĩ rằng, cuốn sách “Chính ủy Đặng Tính – Thơ và đồng đội” là món quà vô cùng có ý nghĩa Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Anh hùng LLVTND - Chính ủy Đặng Tính (1920 -2020). Cuốn sách còn đặc biệt ý nghĩa khi ra mắt bạn đọc vào dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 – 19.5.2019) – Sự kiện mà Chính ủy Đặng Tính là một phần đầy ý nghĩa trong đó.
          Hình ảnh anh - người Chính ủy tài năng, đức độ, gần gũi yêu thương còn mãi trong lòng những người lính Trường Sơn. Chính ủy Đặng Tính sống mãi với Trường Sơn – con đường mang tên Bác vĩ đại và huyền thoại.
          Với tình cảm kính trọng, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách “Chính ủy Đặng Tính – Thơ và đồng đội” cùng bạn đọc và hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
 
Thiếu tướng VÕ SỞ
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn
Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

                      
 
 

                            Vị Chính ủy Trường Sơn đa tài

 
Tuy thời gian sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại không dài, nhưng đóng góp của Chính ủy Đặng Tính, ĐBQH khóa III, IV cho tuyến đường là rất lớn...
 
04-vi-chinh-13709-300-a2.jpg

                                    Góp phần xây dựng tuyến đường chiến lược
 
04-vi-chinh-13709-180.jpg
Tham gia hoạt động cách mạng từ trước Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, Đại tá Đặng Tính đã thể hiện năng lực của một cán bộ quân sự, chính trị xuất sắc, dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng Đảng và công tác chính trị, chỉ huy chiến đấu. Ngày 24.10.1971, ông lên đường nhận nhiệm vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, mang theo quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết giành thắng lợi quyết định trong năm 1972. Lúc này, đoàn 559 được giao nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu tác chiến, đồng thời chuẩn bị tích cực cho cuộc tiến công chiến lược 1972. Quân ủy cũng chỉ đạo thực hiện ngay việc xây dựng tuyến đường Đông Trường Sơn.
 
Đại tá – Chính ủy Đặng Tính tên thật là Đặng Văn Ty, (1920-1973), quê ở thôn Khúc Thủy, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Từ năm 1944-1971, ông tham gia cách mạng và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các cơ quan tỉnh cũng như Trung ương. Từ năm 1971-1973, ông được điều về làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Chính ủy Đặng Tính đã được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa III và khóa IV. Sau khi hy sinh, ông được Quốc hội và Chính phủ truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất.

        Do được rèn luyện, trưởng thành qua 2 cuộc chiến, với tầm nhìn xa trông rộng lớn, chỉ sau một tháng vào tuyến đường Hồ Chí Minh, Chính ủy Đặng Tính đã viết một bài báo với đầu đề Đường Hồ Chí Minh với thời đại. Bài báo đã đánh giá được vai trò của tuyến đường, cũng như nghiên cứu các hình thức vận tải ở đây để có hướng xây dựng tuyến đường, đảm bảo vận chuyển lương thực, vũ khí cho cuộc kháng chiến chống Mỹ… Từ ngày vào Trường Sơn đến ngày 20.5.1972, ông đã tham gia 3 chiến dịch vận chuyển lớn, đi suốt tuyến Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn. Không chỉ vậy, ông cùng với Thiếu tướng Hoàng Kiền chỉ huy tác chiến Đường 9 Hạ Lào, giải phóng Phalan, Salavan. Sau đó, cùng Phó Chính ủy Lê Xy, Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy trực tiếp chỉ huy các lực lượng Bộ đội Trường Sơn chiến đấu trong trung tâm đánh phá ác liệt của máy bay B52 của địch, để mở đường tránh, tổ chức chỉ huy binh chủng cao xạ chiến đấu bảo vệ vận tải, cầu đường…

      Vào đầu năm 1973, để chuẩn bị cho thời cơ mới, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phân công cán bộ nắm tình hình toàn tuyến để xây dựng kế hoạch, báo cáo với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đi hướng Đông, Chính ủy Đặng Tính đi về hướng Tây. Trên đường đi, do xe bị trúng mìn của địch, Chính ủy Đặng Tính đã hy sinh. Tuy nhiên, trong chuyến đi ấy, Chính ủy thì đã kịp phổ biến chiến lược quân sự để đối phó với tình hình lúc đó… Tuy thời gian sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn ngắn, nhưng Chính ủy Đặng Tính đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng tuyến đường và thắng lợi của Bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn chuyển biến rất quan trọng của chiến tranh.

 
04-vi-chinh-13709-300-a3.jpg

Ghi lại cảm xúc bằng thơ

       Không chỉ là một chỉ huy giỏi, Chính ủy Đặng Tính còn là một người anh, người bạn thân thiết của bộ đội Trường Sơn. Những lúc rảnh rỗi, ông cắt tóc, lợp lán cho chiến sỹ, nói chuyện thời sự và đọc thơ cho bộ đội nghe, tìm hiểm tâm tư nguyện vọng của cán bộ chiến sỹ… Vào 559, chỉ trong thời gian ngắn, ông đã đi hầu khắp các đơn vị, binh chủng, đặc biệt là các đơn vị ở gần chiến trường, đơn vị trọng điểm. Ông đến tận nơi các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ, hỏi thăm sức khỏe, đời sống, tình hình công việc và gia đình… Trong lòng những bộ đội Trường Sơn hôm nay vẫn còn ghi dấu biết bao kỷ niệm về Chính ủy Đặng Tính trong cuộc sống và chiến đấu.

 
04-vi-chinh-13709-300.jpg

       Sống trong bom đạn và phải đối mặt với gian khổ, hy sinh, nhưng Chính ủy Đặng Tính vẫn biến những cảm xúc của mình thành thơ để tặng chiến sỹ, tặng bạn bè và gửi vợ con nơi hậu phương. Mỗi hiện tượng chiến đấu, một nét vui buồn trong đời sống chiến sỹ Trường Sơn như một chiến sỹ thông tin dũng cảm, cô gái nuôi quân chăm chỉ, đảm đang, đến cả một cây cầu mới bắc qua sông Gianh… đều là tứ cho một bài thơ đẹp của ông. Thiếu tướng Nguyễn An nhớ lại: “Chính ủy Đặng Tính có tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ, nhưng anh khiêm tốn chỉ nhận mình là “lều thơ”, “lán thơ”, chứ chưa được gọi là nhà”.

        Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ngoài những chiến công, Chính ủy Đặng Tính còn để lại gần 100 bài thơ viết về cuộc sống và chiến đấu của bộ đội Trường Sơn…

       Là một chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, gương mẫu, yêu thương đồng đội, đồng thời là người “say thơ”, hình ảnh Chính ủy Đặng Tính với nụ cười rạng rỡ vẫn còn in đậm trong lòng các cán bộ và chiến sỹ Trường Sơn hôm nay.
 
                                                                                                                                 Lê Thủy
                                                                               (Báo Điện tử Đại biểu nhân dân)
tin tức liên quan