" Sơn ca" - Truyện ngắn của Duy Lưu - Đạ Tẻh Lâm Đồng

Ngày đăng: 05:27 23/09/2016 Lượt xem: 438

SƠN CA

 

Truyện ngắn

 

 

 

Chân dung tác giả Duy Lưu

 

 

         Một chiều hè ở Trường Sơn năm 1972. Khi ấy, tôi cùng các đồng chí trong khẩu đội pháo cao xạ đang trực chiến. Nhiệm vụ là đánh trả máy bay Mỹ đến bắn phá đường Trường Sơn, nhằm ngăn chặn những đoàn xe và người của ta đang hàng ngày từ hậu phương miền Bắc hành quân về phía Nam. Đó là nhiệm vụ thường trực của cán bộ, chiến sĩ pháo binh trên đường Trường Sơn.

         Khoảng ba giờ chiều, một chiến sĩ của trung đội công binh làm nhiêm vụ phá bom nổ chậm, cách đơn vị tôi một cây số, đó là Dũng. Dũng chạy đến nói trong hơi thở nặng nề:

         - Anh Duy…Chị…Sơn Ca mất rồi!

         - Hả, ai mất? Nói lại tôi nghe nào!

         - Dạ…Chị Hảo…Sơn Ca ạ.

         - Trời ơi Hảo mất rồi à, sao lại thế được?     

         Dũng thở dài nói: làm sao mà biết được, chiến tranh mà anh, đời người nhanh như chớp, mới gặp đấy mà đã lại…Gặp hôm nay biết ngày mai có còn gặp…

         Tôi như bị choáng, tay phải vịn vào vai Dũng. Tôi trở về hầm chữ A, ngồi lặng đi trước cái tin đau đớn đó,  không muốn thì nó cũng đã đến.

         Dũng kể rằng, có đồng chí lái xe ngược ra Bắc, dừng chân chỗ cua chữ V, nơi Trung đội của Dũng đang làm nhiệm vụ. Đồng chí lái xe hỏi:

        - Ở đơn vị này có ai là Duy hoặc Dũng không? Có cô Văn công gửi cho hai anh đây…

 

 

         Dũng giật mình khi nhận chiếc ba lô chật căng trên tay đồng chí lái xe. Nắp ba lô có thêu hai chữ Bích Hảo. Đồng chí lái xe nói  rằng Bích Hảo đã hy sinh sau khi biểu diễn phục vụ chỉ có 9 đồng chí lái xe chở hàng vào Nam ở Binh trạm 14, cô chỉ kịp nói câu cuối cùng, các anh hãy gửi cho anh Dũng hoặc Duy ở cầu chữ V giùm em, các anh ấy cùng quê với em, sắp ra Bắc nhận nhiêm vụ mới.

         Tôi ngồi ôm đầu nghĩ lại, tôi mới gặp Hảo cách đây mười chín ngày, mới quen nhau mà Hảo đã đi xa, ở tuổi hai mốt dạt dào máu nóng.

         Hảo, cây đơn ca chính của đội Văn công xung kích mang tên “Trường Sơn” Đội có nhiêm vụ mang lời ca tiếng hát phục vụ những người đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn, bắt đầu từ miền tây huyện Tuyên Hóa- Quảng Bình. Biên chế của đội rất gọn nhẹ. Nhạc cụ chỉ là cây ắc Cóoc Đêông, một cây sáo trúc và một cây đàn bầu có lắp tăng âm, không có loa đèn, ánh sáng, có 8 Đồng chí nữ và 6 nam. Chủ yếu phục vụ ban ngày.

         Mười chín ngày trước, khi Tiểu đoàn trưởng báo tin sẽ có đội Văn công xung kích Trường Sơn đến phục vụ Tiểu đoàn pháo chúng ta, họ sẽ đến cả mười chín Khẩu đội của Tiểu đoàn, mỗi Khẩu đội sẽ được phục vụ 45 phút, vì đề phòng máy bay Mỹ đến ném bom, không thể tập trung toàn Tiểu đoàn được…

        Cả Khẩu đội tôi, ai lấy đều vui mừng và nóng lòng chờ Văn công đến. Và họ đã đến. Lúc đó vào 9 giờ sáng. Chao ôi, các cô Văn công sao mà xinh thế. Tám cô như tám bông hoa, trong quân phục gọn gàng. Hát không có máy móc, hát chay, nhưng chúng tôi cảm nhận được.  Lâu lắm rồi chúng tôi mới lại được nghe Văn công hát và biểu diễn nên lời ca tiếng hát của họ như thấm vào từng đường gân thớ thịt…Trong tám nữ diễn viên, Hảo là người hát hay nhất, và cũng hát nhiều nhất. Ca khúc “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” khi giọng Hảo cất lên, Cán bộ, Chiến sỹ như nuốt từng lời, bởi giọng ca mượt mà đầy sức truyền cảm.

         Chương trình biểu diễn chỉ có 45 phút nhưng chúng tôi được tiếp thêm sức lực, cảm thấy tự tin và tràn đầy khí thế để sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Sau buổi diễn, anh chị em Văn công còn lưu lại Khẩu đội của tôi khoảng 15 phút. Chúng tôi hỏi thăm tên tuổi, quê quán, cho nhau địa chỉ, hẹn gặp nhau vào ngày toàn thắng. Với tôi thật bất ngờ, Hảo lại cùng quê, cùng huyện. Xã tôi cách xã Hảo chỉ một con lạch nhỏ. Tôi kịp tặng Hảo một chiếc lược chải tóc, và chiếc nhẫn đeo tay làm bằng mảnh máy bay Mỹ, do tự tay tôi chế tác. Lúc chia tay tôi thấy mắt Hảo nhìn tôi lạ lắm, và tay Hảo cứ nắm thật chặt tay tôi khá lâu, giọng nói nhẹ như hơi thở: “Hãy chờ em, anh Duy nhé!”

         Và thế là hình bóng của Hảo cứ theo tôi vào cả trong giấc ngủ. Tôi mơ thấy ngày đất nước thống nhất, ngày cưới của tôi và Hảo thật vui, có đầy đủ đồng đội đến chúc mừng. Sau ngày cưới, tôi và Hảo về thăm lại chiến trường xưa. Hai đứa nắm tay nhau chạy trên đường Trường Sơn, và hát vang nhưng bài ca của một thời hoa lửa hào hùng. 

         Những người sinh sau chiến tranh, sẽ rất tiếc bởi không được sống trong thời oanh liệt của dân tộc, chỉ có những người lính có vinh dự được tham gia, được chứng kiến những ngày hào hùng ấy, những ngày tuổi trẻ náo nức hành quân ra trận. Và lớp ca sỹ sinh sau ngày giải phóng có biết được lớp ca sỹ đàn chị, đàn anh, đã mang lời ca tiếng hát của mình ngân vút lên suốt dọc đường hành quân khói lửa. ..

         …Sau ngày Hảo và đoàn Văn công phục vụ Khẩu đội tôi, là Khẩu đội cuối cùng của Tiểu đoàn đón Văn công đến. Máy bay Mỹ liên tục oanh tạc, bắn phá không kể ngày đêm, song trận địa của chúng tôi vẫn đứng vững, những trận đánh ác liệt vẫn diễn ra, ngày nào cũng có máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Trường Sơn. Và tôi, mỗi lần cầm lá cờ đỏ chỉ huy khẩu đội, như lại nghe thấy tiếng hát khích lệ của Hảo, như thấy Hảo đang đứng cạnh tôi, tiếp thêm nghị lực cho tôi.

         Nhớ giọng hát của Hảo không chỉ có riêng tôi, Khẩu đội tôi 12 người, ai cũng nhớ và tiếc thương Hảo, Hảo đã ra đi khi đường đến đỉnh cao của nghệ thuật đang trải rộng thênh thang…

         Ngày Hảo hy sinh là ngày Hảo cùng đoàn vừa phục vụ xong các cán bộ và chiến sỹ lái xe của binh trạm 14. Đội của Hảo về điểm nghỉ, để chuẩn bị đi tiếp vào phía trong. Không ngờ…Hôm ấy máy bay Mỹ lại tới, khi bị pháo cao xạ của ta đáp trả giữ dội, bọn giặc lái Mỹ cũng sợ chết, chúng ném bom bừa bãi rồi tháo chạy, chúng cứ quăng bom vô tội vạ, xuống bất cứ chỗ nào có màu xanh, mà chúng nghi là có người, có xe của ta trú ẩn. Đội Văn công xung kích của Hảo bị trúng bom vào giữa đội hình đang tập kết. Hai đồng chí bị thương nặng, hai bị hy sinh trong đó có Hảo. Và Hảo chỉ kịp trăng trối mấy lời…

 

                                                           

         Thoắt đấy mà đã 43 năm đi qua. Đồng đội tôi người còn người mất,  khi trực tiếp cầm súng chiến đấu chống quân thù. Tôi không sao quên được những đồng đội cùng khẩu đội với tôi, và trong sâu thẳm, hình ảnh nữ diễn viên xinh đẹp Bích Hảo- Với biệt danh “Sơn ca” mà Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong và Dân công hỏa tuyến thời ấy đã đặt cho Hảo, khi Hảo cùng đồng đội  đến các đơn vị để phục vụ. Khi nghe tin Hảo hy sinh, ai cũng ngậm ngùi thốt lên, thế là con chim “Sơn ca” của núi rừng Trường Sơn đã ra đi…Hồi ấy Hảo cùng đồng đội cứ đến điểm diễn nào xong cũng có một, hai chiến sỹ làm thơ tặng Hảo. Trong hành trang của Hảo gửi về gia đình, tôi thấy có đến 72 bài thơ tình. Có chiến sỹ còn mạnh dạn viết: “…ước gì em là của anh”.v.v.

         Ba lô tư trang của Hảo, sau khi Hảo hy sinh đã được chuyển ra Bắc. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975  hai tháng, tôi được ra quân. Tôi đến thăm gia đình Hảo, nhìn lên ban thờ. Hảo đấy, trong tấm hình thờ, em đang cười. Em là hiện thân từ cuộc đời thật bước vào ảnh, và rồi từ ảnh bước ra. Ngày ấy, phong trào tiếng hát át tiếng bom, tiếng hát cho cả nước hành quân ra trận, trong bản đại hợp xướng của dân tộc, em cũng là, đã là và mãi mãi là một trong những nốt nhạc ngân lên cao vút …

 

 

                    Duy Lưu

                                                                                 122: Đường -30/4. Đạ Tẻh Lâm Đồng

              ĐT: 01227774811

tin tức liên quan