Xúc động đêm thơ Huyền thoại Trường Sơn
Tối 16-5-2019, tại Tòa nhà Hồng Hà,Văn phòng Tập đoàn Thái Bình Dương, 37, Ngô Quyền, Hà Nội diễn ra đêm thơ Huyền thoại Trường Sơn. Chương trình được tổ chức bởi Hội Trường Sơn Việt Nam, Tập đoàn Thái Bình Dương và VOV chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh- Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
Đến dự, tham gia chương trình có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng,Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; đồng chí Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Thượng tướng, AHLLVTND, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Giáo sư, TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải; AHLLVTND, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương Phan Văn Quý cùng các vị tướng lĩnh quân đội, cựu cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, đại diện gia đình Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Đại diện Ban Tuyên giáo, LHVHNT tỉnh Phú Thọ- quê hương nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cán bộ công nhân viên Đài tiếng nói Việt Nam và Tập đoàn Thái Bình Dương.
Một chương trình thật phong phú và ấn tượng.Có 4 nội dung chính: Đường Trường Sơn và những người mở đường. Trường Sơn một thưở hào hùng. Tỏa sáng Trường Sơn. Ra mắt tác phẩm điêu khắc chân dung: Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Xen kẽ giữa các phần là hát về Trường Sơn, ngâm thơ về Trường Sơn do các nghệ sĩ nổi tiếng Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sỹ giao lưu đêm thơ.
Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược kết nối miền Bắc với miền Nam Việt Nam, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia. Hệ thống giao thông này đã cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí, khí tài để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong 16 năm (1959–1975). Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) là đơn vị triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường này.Trường Sơn trở thành Tuyến lửa ác liệt trong cuộc khánh chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta và Trường Sơn cũng trở thành Con đường huyền thoại. Huyền thoại không chỉ bởi sự huy động nhân, vật lực cho tuyến đường, về khối lượng vận chuyển từ hậu phương cho tiền tuyến… mà còn cả trong lĩnh vực thơ, ca, nhạc, họa. Một kho tàng đồ sộ về nghệ thuật đã hình thành trên chính Đường Trường Sơn thủa nào.Đêm Thơ “Huyền thoại Trường Sơn” là một sự tri ân với các Anh hùng liệt sỹ Trường Sơn và là cây cầu nối giữa hiện tại và ký ức về một thời hào hùng của dân tộc. Các ca khúc hào sảng, những bài thơ nổi tiếng giữa chiến trường ác liệt nhưng chứa chan tinh thần lạc quan của người lính và một không gian Trường Sơn sẽ được tái hiện trên sân khấu của chương trình. Trong Đêm thơ “Huyền thoại Trường Sơn” Ban Tổ chức giới thiệu tượng Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên và Nhà thơ Phạm Tiến Duật do người lính lái xe Trường Sơn, Phan Văn Quý tài trợ với sự thể hiện của nhà điêu khắc tài hoa Nguyễn Phú Cường – Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Chương trình cũng là buổi giao lưu nghệ thuật giữa các nhà thơ về đường Trường Sơn, cùng sự chia sẻ về những kỷ niệm trong quá trình mở đường Trường Sơn của người lính ngày ấy.Phần giao lưu khách mời mang đến cho công chúng cảm nhận thực tế về những khó khăn, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng của những người lính để tạo nên tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam, qua lời kể của những người lính mở đường ngày đó như thiếu tướng Tô Đa Mạn, Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, AHLLVTND Phan Văn Quý..Trường Sơn- tuyến chi viện chiến lược đặc biệt đã trở thành đề tài bất tận trong thơ ca, âm nhạc và các loại hình nghệ thuật, từ những cây bút chuyên nghiệp và không chuyên, những người từng vào sinh ra tử ở Trường Sơn, và cả những người chưa từng đặt chân đến mảnh đất này đều có những áng thơ xúc động...
Nói về Văn học thì hiếm có 1 chiến trường nào mà có nhiều đề tài văn học như Trường Sơn, nhiều nhạc sỹ có đề tài về Trường Sơn. Chính Văn học nghệ thuật đã bồi đắp ý chí quyết tâm của người lính, vậy nên trong hoàn cảnh khó khăn như thế, cuộc chiến ác liệt như thế nhưng người lính vẫn vượt qua và hết sức lạc quan, hết sức yêu đời để chiến đấu vì độc lập tư do của Tổ Quốc.
Nói về thơ Trường Sơn thì không thể không nói đến Phạm Tiến Duật- con chim lửa của đại ngàn Trường Sơn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những chia sẻ thú vị về chiến sĩ Trường Sơn Phạm Tiến Duật và thơ của anh. Thơ viết ở Trường Sơn của Phạm Tiến Duật chứa đựng cả một Trường Sơn thu nhỏ với những anh bộ đội lái xe quả cảm và vui tính: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính); “Những đồng chí công binh lầm lì / Mùi bộc phá trộn vào trong tiếng hát/ Trên áo giáp lấm đầy đất cát/ Lộp độp cơn mưa bi sắt đuối tầm” (Vầng trăng và những quầng lửa); những cô gái thanh niên xung phong: “Ngày em phá nhiều bom nổ chậm /đêm nằm mơ nói mớ vang nhà”, nhưng vô cùng tinh nghịch, vô cùng lãng mạn và giàu tính nữ “Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy nắng sớm/ Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều” (Gửi em cô thanh niên xung phong); những người lính coi kho: “Mười năm sống xa phố, xa làng / Tám năm ở trong núi trong hang / Tất cả riêng chung…/ Dành cho miền Nam tất cả” (Tiếng cười của đồng chí coi kho)…
Nhà thơ Trần Đăng khoa nói về thơ Phạm Tiến Duật
Thơ Phạm Tiến Duật “mang hơi thở của cả một thời đại, nhưng bằng một khí phách ngang tàng, chất bụi bặm và kiêu bạc của người lính thời chống Mỹ”. Sức hấp dẫn của thơ Phạm Tiến Duật không chỉ ở sự mới mẻ trong cách thức lựa chọn góc độ tiếp cận hiện thực, mà còn ở cấu tứ, giọng điệu: “Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (Nhớ)… Những chàng trai cô gái – nguyên mẫu đời thường - đã hồn nhiên đi vào trang thơ, trở thành những biểu tượng rạng rỡ cho vẻ đẹp và sức sống tình yêu của tuổi trẻ thời đại chống Mỹ. Lý do chủ yếu để giải thích tại sao thơ của Phạm Tiến Duật sớm được quần chúng trân trọng chào đón: Anh là một người lính làm thơ cho lính đọc, anh chưa bao giờ sắm vai người nói hộ, chưa bao giờ yêu hộ, khóc hộ, lo âu hộ. Anh là người một đời cõng lửa, chưa bao giờ vui quá, sướng quá, chưa bao giờ được làm một nhân vật quan trọng, nhưng anh vẫn là một người biết hát, dám hát, dám sống và dám viết như chính mình nghĩ thế, cảm thế về những năm tháng mình đã trải qua.Các thế hệ bạn đọc, trong đó có nhiều người rất trẻ, nhiều người sinh ra sau chiến tranh… đều ngợi ca, tưởng nhớ, xúc động khi đọc thơ Phạm Tiến Duật. Họ đã cảm nhận được vẻ đẹp, ý chí, khát vọng lớn lao của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc qua những câu thơ của Phạm Tiến Duật, của thế hệ nhà thơ đặc biệt đã làm tốt hai nhiệm vụ: tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ thi ca và tôn vinh giá trị vĩnh hằng của văn hóa dân tộc - giá trị của hòa bình, độc lập, tự do.
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng có những câu thơ ấn tượng, mà nhiều người đến nay vẫn thuộc: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…/ Không có kính, ừ thì có bụi,/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. 8 năm gắn bó với Trường Sơn đã là chất liệu tuyệt vời để Phạm Tiến Duật viết nên không chỉ chùm thơ đoạt giải Nhất báo Văn nghệ năm 1969. Ông còn viết nhiều bài thơ nổi tiếng khác, trong đó, không thể không nhắc tới “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Nhiều người đánh giá “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” là bài thơ hay nhất của Phạm Tiến Duật và hay nhất của thơ chống Mỹ. Nó miêu tả chân thực khung cảnh chiến trường, không khí thời đại, tình đồng đội và cả điều sâu xa hơn thế. Nổi bật là cái ríu rít, quấn quýt của tình yêu. Đường ra trận bằng tình yêu, trong tình yêu không thể không là con đường chiến thắng! Mọi gian khổ, hiểm nguy sao mà nhẹ nhõm đến dường kia! Các nhân vật trong thơ, cái con người kỳ lạ thời đó không bao giờ nghĩ đến cái chết, chỉ nghĩ đến sự sống. Suy rộng ra, một dân tộc như thế không thể gì đè bẹp. Với bộ đội Trường Sơn, bài thơ khi được phổ nhạc đã thành bài hát truyền thống.
Nhà thơ Anh Ngọc xúc động nói về sự ra đời của bài thơ Khoảng đất dưới võng anh viết năm 1972 trên đường hành quân theo tuyến đường Trường Sơn . Nhà thơ nghẹn ngào đọc lại bài thơ :
Khoảng đất dưới võng
Có gì đâu một khoảng rừng con
Đất cằn cỗi mọc đầy gai góc
Có gì đâu một triền núi dốc
Võng bồng bềnh bên thấp bên cao
Một lối mòn sỏi đá, có gì đâu
Một mảnh đất, một khoảng trời thu nhỏ
Có lũ kiến tìm mồi trong cỏ
Bâng khuâng cánh bướm nhớ khu vườn
Ba ngàn đêm nằm võng ở Trường Sơn
Nào ai đã từng nhìn xuống
Nơi một lần ta về mắc võng
Đường hành quân gửi lại một giấc say
Mỗi đay dây võng nối một đầu cây
Cây trám, cây sung, cây nào không mọc lên từ đât
Ai biết được nơi nào ta nhớ nhất
Ngửa mặt lên đâu cũng gặp sao trời
Mùa xuân hoa trứng gà rơi
Ngọn lang rừng leo quanh cọc phụ
Mùa thu hương vùi trong đất ủ
Bức tranh màu lá ghép dưới lưng
Gặp cây chưa dễ gặp rừng
Cây cầm tay dắt ta về trước cửa
Ôi mảnh đất không quen mà nhớ
Một tiếng tò vò rủ rỉ trong tăng
Có thể nào quên những buổi lên đường
Tăng võng cuốn rồi đất bày trống trải
Chào ngọn cỏ cánh hoa rừng ở lại
Chốn tình cờ phút chốc hoá yêu thương
Ta lại lên đường từ một góc Trường Sơn.
20-12-1972
Nhà thơ Anh Ngọc giao lưu
Cô giáo Nguyễn Xa Khơi, giáo viên Trường THCS Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ những cảm xúc của mình khi dạy và học thơ Phạm Tiến Duật. Đặc biệt là bài thơ Cứ một giờ lại nghỉ 10 phút của Phạm Tiến Duật.
Phần giao lưu với các vị tướng lĩnh lại nói về " Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người" . Và dấu chân đầu tiên trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn là dấu chân của những người lính mở đường Trường Sơn như cố Thiếu tướng, AHLLVT Võ Bẩm - người đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559. Và rất nhiều thế hệ kế tiếp như Thiếu tướng Võ Sở, Thiếu tướng Tô Đa Mạn, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung...Thiếu tướng Tô Đa Mạn chia sẻ về quá trình mở đường Trường Sơn và Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên - vị tướng huyền thoại của Trường Sơn.
Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung và AHLLVTND Phan Văn Quý giao lưu
AHLLLVTND Phan Văn Quý và Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung lại chia sẻ về những người lính Trường Sơn năm xưa không chỉ anh dũng chiến đấu trong thời bình, hào khí Trường Sơn vẫn tiếp tục tỏa sáng trên trận tuyến xây dựng, bảo vệ đất nước , phát triển kinh tế. Nhiều người lính Trường Sơn trở thành doanh nhân giỏi trong xây dựng kinh tế như AHLLVTND Phan Văn Quý trở thành doanh nhân thành đạt, đại biểu Quốc hội khóa 13, là thành viên sáng lập 3 tổ chức từ thiện. Ông Nguyễn Đăng Giáp, ông Nguyễn Xuân Tiếp đã trở thành AHLĐ thời kỳ đổi mới. Họ đã góp phần tạo nên một Trường Sơn nữa, không phải trong những cánh rừng già Trường Sơn năm xưa mà trên lĩnh vực kinh tế hôm nay.
" Trường Sơn Đông nắng,Tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình " (Tố Hữu). Những con người đã làm nên một Đường Trường Sơn huyền thoại, làm nên kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX sẽ còn sống mãi trong trái tim mỗi chúng ta. Đêm thơ kết thúc trong rộn ràng và giục giã của ca khúc Hát mãi khúc quân hành.
Cảnh Hồng
Một số hình ảnh đêm thơ ( Ảnh của Ban Truyền thông, Tập đoàn Thái Bình Dương):
Đại biểu tham dự đêm thơ
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ trong đêm giao lưu
Các tướng lĩnh quân đội với đồng chí Vũ Mão, Nguyễn Thế Kỷ
Nhà thơ Anh Ngọc đọc bài thơ Khoảng đất dưới võng
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ thơ của nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật
Thiếu tướng Tô Đa Mạn giao lưu
Đêm thơ đầy cảm xúc
AHLLVTND Phan Văn Quý giao lưu
Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, AHLLVTND Phan Văn Quý giao lưu
Ca sĩ Đăng Dương với Trên đỉnh Trường Sơn ta hát