Bức ảnh lịch sử - Phùng Nhật Minh.

Ngày đăng: 04:09 27/05/2019 Lượt xem: 842
  • BỨC ẢNH LỊCH SỬ 
 
 
      Đây là tấm hình mà Ban liên lạc Thông tin F472 tặng bảo tàng của anh Hoàng Kiền, nhân chuyến đi về Nam Định thăm bảo tàng Đồng quê.
Bảo tàng để lại cho chúng tôi những kỷ niệm, nhưng có một điều mà tôi day dứt, Anh hùng LLVT - Thiếu tướng Hoàng Kiền là kỹ sư công binh và là  trợ lý công binh Sư đoàn 472 thời chống Mỹ, là đồng chủ nhân của bảo tàng Đồng quê. Tuy nhiên dấu ấn công binh Sư 472 và anh Hoàng Kiền trong những năm tháng sống chiến đấu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn còn phai nhạt. Do vậy Ban liên lạc Thông tin 472 quyết định tặng bảo tàng "Đồng quê" nhân ngày anh Hoàng Kiền được nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT năm 2016.

Tôi xin kể lại câu chuyện đi tìm các nhân vật trong bức ảnh đó là quân nhân của Trung đoàn 30, Sư đoàn 472 tại quốc lộ 14 năm xưa.
Nhân chuyến đi thăm chiến trường xưa về Phước Sơn từ ngày 12 đến 18/4/2013 của Hội truyền thống Trường Sơn Sư 472 do anh Hoàng Thao làm trưởng đoàn. Một chuyến đi có nhiều kỷ niệm mà mỗi thành viên đi trong đó đều cho rằng không bao giờ quên chuyến đi đầy ý nghĩa này.
Nhưng riêng tôi lại ấn tượng mãi với bức ảnh lịch sử. Chuyện kể là khi chuyến đi bước sang ngày cuối cùng 17/4, Đoàn tổ chức giao lưu với chị em Hội 472 tại Đồng Hới - Quảng Bình. Bên bãi biển Nhật Lệ, quê hương Mẹ Suốt anh hùng. Không khí giao lưu đang hát hò vui vẻ thì anh Trần Văn Tuân - Thượng tá, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Nghệ An, với tâm trạng hứng khởi tay chỉ lên phông và nói: "Đó là tấm hình do Tống Ban, Trung đoàn 30 chụp, trong đó có hai cô gái người quê lúa Thái Bình, phía sau là chiếc cầu phao dã chiến bắc qua sông Bung". Chỉ có vậy thôi, khi chuyến đi kết thúc, tôi luôn trăn trở. Thế là tôi quyết tâm đi tìm bằng được những chân dung trong bức ảnh đó. Đầu tiên đi tìm anh Tống Ban, nguyên là Trưởng tiểu ban Tuyên huấn binh trạm 30, (sau này là E30), quê Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Đến nơi thì anh đã về với cõi tiên. Thế là không có thông tin gì mới cả.
Tháng 08/2013, tôi trở về Thái Bình, gặp được người phụ nữ đeo khẩu AK, vai vác cuốc, đi hàng đầu, bên trái, đó là người con gái quê Phúc Thịnh, Vũ Thư, Thái Bình. Chị có cái tên thật đẹp: Nguyễn Thị Ngọc Luyện. Nhưng khi chị Luyện kể về chị Phạm Thị Quý, do cảm xúc mà giọng chị chùng xuống chị nói: Phạm Thị Quý vừa là đồng ngũ tháng 5/1972, vừa là đồng hương Thái Bình nhưng chị Quý sinh ra ở Kiến Xương. Chị có mối tình đẹp trên dãy Trường Sơn với anh Phạm Tuyển, CCB lái xe Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Sư đoàn 472 là một con người có chất nghệ sỹ. Vì bị nhiễm chất độc da cam của kẻ thù mà Quý đã đi xa. Nay anh Tuyển lên chức ông ngoại, nhưng cháu ngoại đang được chị Luyện chăm sóc tại Phúc Thịnh, Vũ Thư, Thái Bình.
 
Người con trai duy nhất trong bức ảnh đó là chàng trai sinh ra trên đất Thủ đô, họa sĩ Nguyễn Quốc Vinh, công tác tại Tiểu ban Tuyên huấn Trung đoàn 30. Anh là một họa sỹ và hay sáng tác các bài hát về Trường Sơn, cho nên sau giải phóng 1975, anh về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.
Tôi lại tiếp tục đi tìm cô gái xứ Thanh. Hỏi một số chị em thông tin 4000 ở Quảng Xương, Thanh Hóa, thì họ đều không biết. Chỉ khi tôi tìm được đứa cháu ngoại gọi Dưỡng bằng dì ruột thì mới biết rõ, sau 1975 Dưỡng phục viên ra quân về quê xây dựng gia đình. Hai vợ chồng vào công tác tại viện Hải Dương học Nha Trang. Anh đã trở về với cát bụi hơn 10 năm, để lại cho chị 3 đứa con. Các cháu con anh chị đều phương trưởng và công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng thật bất ngờ, khi liên lạc được thì Trịnh Thị Dưỡng đến báo tin cho anh Nguyễn Quốc Vinh tại tầng 10 chung cư khu đô thị Linh Đàm - quận Hoàng Mai, Hà Nội thì anh Vinh có tin dữ. Người vợ hiền đã đột ngột ra đi, để lại cho anh cô con gái đang tuổi ăn, tuổi học. Ngày tôi đến thắp hương cho chị Liên vợ anh Vinh, tại đây tôi gặp đông đủ các văn nghệ sĩ của Sư đoàn 472 thời kỳ chống Mỹ cứu nước trên đường mòn Hồ Chí Minh. Các anh đều nói bức ảnh đó không phải do Tống Ban chụp mà nhiếp ảnh Trường Sơn Hoàng Kim Đáng chụp tại tuyến đường Bung Chao, quốc lộ 14, Nam Giang, Quảng Nam năm 1974, khi đội đang làm đường phục vụ cho chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Và tôi được biết thêm năm 1974 bức ảnh này được đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam với bàn nhan đề: "Những cô gái đảm trên tuyến đường Trường Sơn", nhưng khi tôi đến gặp tòa soạn báo thì không có kết quả vì đã lâu. Sau này, anh Phạm Thành Long, Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua của Hội cho biết thêm: Tháng 3 năm 1974, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trường Sơn Hoàng Kim Đáng vào công tác tại Sư đoàn 471, lức đó đóng đạ bản doanh tại Bến Giằng, Nam Giang, Quảng Đà. Anh Phạm Thành Long lúc đó phụ trách Bản tin của Sư đoàn đã hướng dẫn nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng thực hiện nhiều chuyến đi xuống các đơn vị cơ sở. Tại Chao, anh Phạm Thành Long và anh Hoàng Kim Đáng đã thâm nhập thực tế tại Trung đoàn 30 đang đóng đại bản doanh tại đây. Anh Thành Long đã cùng với anh Hoàng Kim Đáng “dàn dựng” để chụp bức ảnh các chiến sĩ công binh từ hiện trường trở về. Và chính anh Phạm Thành Long cũng bấm máy chụp được khoảnh khắc này. Sau giải phóng, Ban Tuyên huấn Sư đoàn 471 đã tổ chức triển lãm hình ảnh của Sư đoàn tại Đại hội mừng công tại Tổng kho Long Bình. Bức ảnh chụp các nhân vật trong bức ảnh (nhưng ở một góc máy hơi khác) đã được anh Phạm Thành Long phóng to trưng bày tại Triển lãm này…
Thời điểm chụp bức ảnh là khi Trung đoàn 30 và Trung đoàn 35 còn đứng trong đội hình của Bộ tư lệnh khu vực 471. Đến tháng 5/1974, khi thành lập Sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu thì Trung đoàn 30 và 35 mới chính chuyển về Sư đoàn 472.
Thế là tôi đã tìm ra đáp án của bức ảnh đó. Chân dung 4 nhân vật trong bức ảnh đó mà Thông tấn xã Việt Nam đã đưa lên mạng thế là chị em Quảng Bình kịp thời đưa lên phông trong dịp giao lưu 17/4/2013 và vừa qua 10/10/2015, tại Đại học Giao thông vận tải, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức chương trình mang tên "Tình em gửi trọn con đường", một lần nữa tấm ảnh lịch sử đó lại được đưa lên vị trí trang trọng. Bức ảnh lịch sử đó thật xứng đáng là biểu tượng của Sư đoàn công binh 472. Vì 4 nhân vật đều là quân nhân thuộc Trung đoàn 30 Sư đoàn 472 và sau lưng 4 nhân vật là chiếc cầu phao giã chiến do Ban công binh Trung đoàn 30 bắc để phục vụ cho chiến dịch Tây Nguyên tháng 03/1975 trong đó có anh Trần Văn Tuân.
 
Vậy BLL thông tin tặng chủ nhân Bảo tàng "Đồng quê" vì chính nơi đây là mảnh đất mà Anh hùng LLVT - Thiếu tướng Hoàng Kiền đã từng trưởng thành và phát triển và hơn nữa nhằm giới thiệu với độc giả biết rằng "Sư đoàn công binh 472 tuy không được phong anh hùng xong Sư đoàn 472 đảm nhận nhiều cung đường ác liệt của Trường Sơn đường Hồ Chí Minh" đó là lời của nguyên Bộ trưởng BQP - Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2015

BLL Thông tin Sư đoàn 472
Phùng Nhật Minh

 
 

tin tức liên quan