Văn học nghệ thuật Trường Sơn, thuở ấy...bây giờ- Thanh Khê

Ngày đăng: 05:07 31/03/2017 Lượt xem: 604

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRƯỜNG SƠN, THUỞ ẤY…BÂY GIỜ

                                                                                         Thanh Khê

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình ảnh Trường Sơn thường xuyên được khắc họa đậm nét vào nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Không ít văn nghệ sỹ nổi tiếng đã có tác phẩm ấn tượng về Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình (Tố Hữu). Chúng ta có thể nhắc tới Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi; Ngọn đèn đứng gác của Chính Hữu; Ngã ba Đồng Lộc của Huy Cận; Bầu trời vuông của Nguyễn Duy; Anh bộ đội và tiếng nhạc la của Hoàng Nhuận Cầm; Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ; Viết trên đường 20 của Xuân Quỳnh; Lá trung quân của Đoàn Việt Bắc…(Thơ); Mở rừng của Lê Lựu; Xẻ núi của Nguyễn Việt Phương; Những tầm cao của Hồ Phương…(Tiểu thuyết); Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu; Hoa lim của Chu Văn; Tâm sự chiến sỹ quản tượng của Xuân Thiều; Cây hoàng liên rễ đắng của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh…(Truyện ngắn) và các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng mà khó có thể kể hết ở đây. Điều tôi muốn nhấn mạnh là trong đội ngũ văn nghệ sỹ thời chống Mỹ có những người đã sống, chiến đấu, lao động và sáng tác trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Họ đã cùng hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến viết nên bài ca Trường Sơn hùng tráng. Một số tác phẩm của văn nghệ sỹ Trường Sơn đã đi cùng năm tháng và vẫn có mặt trong đời sống tinh thần của công chúng hôm nay. Sau chiến tranh, Trường Sơn vẫn là nguồn cảm hứng cho không ít văn nghệ sỹ và những người sáng tác, biểu diễn không chuyên thuộc nhiều thế hệ. Hình ảnh Trường Sơn anh hùng - lãng mạn - bi thương hiện lên xúc động trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc các thể loại. Chiến tranh lùi xa nhưng Trường Sơn còn tỏa sáng, day dứt trong tâm thức những người sáng tác, biểu diễn và công chúng. Đó là một trong những lý do để Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn được ra đời giữa mùa xuân 2017 này.

Nền tảng kế thừa và phát huy của các văn nghệ sĩ Trường Sơn hôm nay, không gì khác, chính là đội ngũ và thành tựu của lớp cha anh từng bám trụ nơi chiến trường ác liệt nhưng Nghe tiếng bom rất nhỏ. Người viết ra câu thơ này là Phạm Tiến Duật, nhà thơ nổi tiếng nhất của thời chống Mỹ. Những bài thơ bề bộn hiện thực Trường Sơn với hình ảnh vô cùng đẹp đẽ của các chiến sỹ lái xe, các cô thanh niên xung phong…đã lay động tâm hồn hàng triệu người Việt Nam thời ấy. Một giọng thơ tràn trề sức sống, trữ tình và lạc quan, tỏa sáng và cuốn hút. Phạm Tiến Duật là hiện tượng thi ca của thời Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Cho đến hôm nay, đọc lại Lửa đèn; Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Gửi em cô thanh niên xung phongNhớ; Trường Sơn đông, Trường Sơn tây; Áo của hôm nào, người của hôm nay …ta vẫn rưng rưng xúc động. Ký ức của thời khốc liệt được lưu giữ trong đó; không chỉ của một người mà của nhiều người. Mỗi người, cả dân tộc vượt lên chính mình để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược vốn giàu có hơn Việt Nam bội phần về kinh tế và quân sự nhờ Mạch đất ta dồi dào sức sống / Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương…(Lửa đèn). Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết về Phạm Tiến Duật: Dưới bầu trời sinh tử của chiến tranh, Phạm Tiến Duật đã làm một cuộc tự trải nghiệm, tự khám phá khắc nghiệt nhất và đã vươn lên làm một bước đột phá điển hình nhất, đưa thơ chống Mỹ lên đỉnh cao với giải Nhất cuộc thi Thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969. Phạm Tiến Duật đã làm nên một hiện tượng thơ ca đặc sắc của văn học chiến tranh.

Tuy nhiên, Trường Sơn không chỉ có vậy. Trong đội hình những người làm nên văn học nghệ thuật Trường Sơn thời chống Mỹ còn phải kể đến các nhà thơ nhà văn Đặng Tính (Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn), Trọng Khoát, Phạm Lê, Phạm Hoa…; các họa sỹ Nguyễn Đức Dụ, Xuân Đỉnh, Hoàng Đình Tài…; các nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, Vương Khánh Hồng…; các nhạc sỹ Trịnh Quý, Đào Trọng Thi…; ca sỹ Nguyễn Thúy Mỵ…Bộ đội Trường Sơn có hẳn một đoàn ca múa nhạc và kịch nói phục vụ chiến sỹ và nhân dân trong những năm bom đạn ác liệt nhất. Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam đã đánh giá: Trường Sơn với thực tế cuộc sống đặc biệt, thể hiện sinh động chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà ít có ở bất cứ một chiến trường nào đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo, làm nên nhiều tác phẩm văn học, nhiều ca khúc hào hùng sống mãi với thời gian…

Sau năm 1975, đội ngũ văn nghệ sỹ Trường Sơn được bổ sung thêm những tác phẩm, tác giả mới. Nhà thơ Phạm Tiến Duật tiếp tục có những tác phẩm mới về Trường Sơn mà nổi bật là trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa. Một số cuốn hồi ký của các cán bộ cao cấp quân đội từng gắn bó với Đoàn 559 – Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã ra mắt bạn đọc như Đường xuyên Trường Sơn của Đồng Sỹ Nguyên; Trường Sơn ngày ấy của Phan Hữu Đại; Một thời chưa xa của Hoàng Anh Tuấn. Nhà văn Phạm Hoa có  tiểu thuyết Miền xa thẳm được bạn đọc chú ý, đặc biệt bút ký Thuyền lên Thạch Hãn của anh đã được giải Nhất cuộc vận động sáng tác nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngành giao thông vận tải (1945 - 2015). Nhiều tác phẩm văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh…của các cựu binh Trường Sơn như Trọng Khoát, Nguyễn Đức Dụ, Đào Trọng Thi…xuất hiện. Những tác giả trẻ hơn thuộc thế hệ sau năm 1975 như họa sỹ Ngân Chài, nhà văn Hồ Sỹ Hậu, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý…cũng dần dà khẳng định được mình. Ngân Chài có những tác phẩm mỹ thuật ấn tượng về chiến tranh; Hồ Sỹ Hậu có tiểu thuyết Dòng sông mang lửa được tặng thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam; Nguyễn Hữu Quý có bài thơ Khát vọng Trường Sơn được giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1996 và 3 trường ca Sinh ở cuối dòng sông, Vạn lý Trường Sơn, Hạ thủy những giấc mơ đều được giải thưởng Bộ Quốc phòng…

Cuộc chiến tranh lùi xa, nhưng với nhiều cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến hồi ức Trường Sơn vẫn khôn nguôi. Khát khao được làm sống lại quá khứ bùng cháy trong họ, đánh thức năng khiếu sáng tạo văn học nghệ thuật của những con người đi qua chiến tranh giữa bề bộn đời thường. Không ai khác, chính họ là lực lượng nòng cốt tạo nên sự thành công của các cuộc thi viết Lục bát Trường Sơn, Ký ức Trường Sơn, Gương sáng Trường Sơn trong các năm 2013, 2015, 2016 do Hội Truyền thống Trường Sơn tổ chức. Hàng nghìn bài thơ, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tùy bút…của các tác giả không chuyên về Trường Sơn hôm qua và hôm nay đã ra đời. Là một giám khảo của cuộc thi thơ Lục bát Trường Sơn, Đại tá nhà thơ Vương Trọng đã nói rằng: “Tôi thật sự bất ngờ về số lượng và chất lượng cuộc thi. Nó không hề lép chút nào so với các cuộc thi của những tờ báo tạp chí văn nghệ lớn. Có những bài thơ đọc rất xúc động và đầy tính chuyên nghiệp”. Qua các cuộc thi này, Hội Truyền thống Trường Sơn đã phát hiện ra những tác giả mới (hội viên của Hội) như Phạm Đăng Kiểm, Nguyễn Thanh Liêm, Lê Thúy Bắc, Phạm Cao Phong, Tạ Bá Hận, Vương Văn Kiểm, Trần Công Sản, Nguyễn Tất Đình Vân, Phạm Thị Nhung, Đặng Thanh Nghị, Vũ Minh Vỹ, Chu Công Dâu, Đinh Thanh Niên, Lê Lợi, Lê Đình Tâm, Đậu Trung Thành, Nguyễn Văn Khải, Hoàng Kiền, Phạm Thành Long, Trần Văn Phúc, Nguyễn Thị Thu, Lê Đức Triều, Lê Trung Khiên, Sỹ Nhiếp, Nguyễn Đức Bình, Hoàng Đình Thi, Hồ Văn Chi, Nguyễn Ngọc Hoài…(Thơ), Vũ Quốc Khánh, Phạm Ngọc Vũ, Đặng Văn Bài, Nguyễn Tấn Xuân, Nguyễn Ngọc Phát, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hoàng…(Văn). 17 Câu lạc bộ văn nghệ Trường Sơn cấp tỉnh, thành phố cùng hàng trăm đội văn nghệ Trường Sơn cấp quận huyện, phường xã được thành lập và hoạt động sôi nổi trong mấy năm nay.

Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn thành lập đáp ứng được mong mỏi, nhu cầu chính đáng của các hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn đang hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật khá đông đảo trong cả nước. Lâu nay, ngoài một số văn nghệ sỹ là hội viên các hội ở Trung ương hay địa phương, phần lớn họ đều tự thân vận động. Vì thế, lực lượng này rất cần được quy tụ, tập hợp lại trong một tổ chức chững chạc để được định hướng, bồi dưỡng, động viên khích lệ, tạo điều kiện cho họ sáng tác, biểu diễn nhằm góp phần phản ánh, tuyên truyền về Trường Sơn của hôm qua và hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những trại sáng tác kết hợp với bồi dưỡng nghiệp vụ sẽ được tổ chức nay mai. Các cuộc thi sáng tác văn học, ca khúc, triển lãm mỹ thuật, ảnh sẽ được tiến hành. Chắc chắn sẽ có những ấn phẩm mới chất lượng về Trường Sơn hôm qua và hôm nay. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ cần được củng cố và phát triển. Những nơi đủ điều kiện thì có thể thành lập các chi hội VHNT Trường Sơn.

Tất cả, đang hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh -  Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (1959 – 2019). Tất cả, vì một Trường Sơn không ngừng tỏa sáng từ quá khứ anh hùng đến hiện tại năng động và tương lai sán lạn. 

tin tức liên quan