" Thanh minh " - Bài của tác giả Hoàng Kiền

Ngày đăng: 10:35 04/04/2017 Lượt xem: 426

 

THANH MINH

 

         Tôi sinh ra lớn lên ở miền quê đến 16 tuổi, khi ấy chưa có tục lệ thanh minh trong làng. Hàng năm cứ vào dịp sắp đón tết âm lịch là theo bố ra đồng sửa sang lại mộ tổ tiên ông bà và người thân trong gia đình dòng họ, thắp nén hương thơm kính mời vong linh gia tiên tiền tổ về nhà đón tết. Thế rồi đi học sư phạm, dạy học, vào bộ đội đến nay tròn nửa thế kỷ xa quê. Suốt chặng đường hành quân say sưa với công việc khắp mọi miền tổ quốc, chẳng để ý đến thanh minh, chỉ biết lơ mơ về thanh minh trong truyện Kiều của Nguyễn Du.

 

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến oanh

Ngựa xe tấp nập bộ hành du xuân...

 

         Gần đây khi rời quân ngũ mới có thời gian về quê tảo mộ vào dịp thanh minh cùng họ hàng làng xóm. Tôi đã chủ trì xây dựng, quy tu mồ mả của cả dòng họ vào khu lăng mộ Hoàng Tộc. Đã chuẩn bị sẵn vị trí cho mình một thành viên trong họ để sau này con cháu khỏi phải lo. Về quê dịp lễ thanh minh bây giờ cũng đông vui như hội, khắp nơi người đi xa cũng hướng về quê hương trong dịp lễ này. Năm nay cả làng đều tổ chức thanh minh cùng một ngày vào mùng 8 tháng ba âm lịch. Bây giờ điều kiện kinh tế khấm khá hơn, giao thông cũng thuận tiện và còn do nhận thức của con người về vị trí quan trọng của mồ mả nên nhiều người quan tâm

 

Đẹp mồ đẹp mả

Đẹp cả cuộc đời

 

         Tuy vậy cũng có nỗi khổ là đường chật xe đông, có khi tắc hàng mấy giờ vô cùng gian nan, nhưng ai cũng cố gắng về quê cho thoả ước nguyện của mình với những người đã khuất.

 

Thanh minh nhộn nhịp nghĩa trang

Rủ nhau tảo mộ cả làng cùng ra

Đặt bày lễ vật hương hoa

Tình thương hai cõi giao hoà âm dương

 

         Thanh minh là một nghi lễ phương đông ăn sâu vào lòng người hàng nghìn năm qua, trở thành nét văn hoá truyền thống của bốn nước gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên , Nhật Bản. Cái gốc là đều chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Hoa. Thanh minh diễn ra sau tiết xuân phân từ mùng 4,5 đến 20, 21 tháng 4 dương lịch hàng năm. Thanh minh là dịp con cháu đi tảo mộ, sửa sang lại lăng mộ, chống bị hoang hoá xuống cấp, súc vật phá hoại, đặc biệt là tránh mất mộ. Sau tảo mộ là cúng vong linh những người đã khuất nằm trong khu vực lăng mộ nghĩa trang, tiếp theo cúng tại nhà thờ tổ. Tiết thanh minh là dịp các bậc ông bà cha mẹ đưa con cháu nhất là những người đi làm ăn xa, sinh sống ở nơi xa về thăm lăng mộ để biết dần mồ mả người thân và truyền nối tình thân trong gia đình dòng họ. Cũng là dịp giúp cho chúng hướng về cội nguồn, nhớ đến Tổ Tiên với lòng tôn kính. Trong quan niệm phương đông mồ mả ảnh hưởng đến cuộc đời của người đang sống cho nên các bậc vua chúa thường xây lăng mộ trước khi mất, nhờ thầy địa lý xem rất kỹ. Ngày nay dân ta tảo mộ cái chính là thể hiện sự trân trọng với người đã khuất, tôn kính Tổ tiên.

 

 

Có Tiên tổ có ông cha

Có dòng sữa mẹ cho ta vào đời

Dù đi khắp nẻo muôn nơi

Thanh minh tảo mộ lòng người nhớ ghi..

 

         Họ Hoàng làng Bỉnh Di của chúng tôi hàng năm đều làm lễ thanh minh tập trung cả dòng họ. Từ sáng sớm con cháu ra sửa sang mồ mả, tỉa cây, nhổ cỏ quét dọn lăng mộ. Tiếp theo sắm lễ nhờ thầy sư Chùa làng giúp làm lễ cúng tại lăng mộ. Về nhà làm lễ cúng Tiên tổ trong từ đường. Sau đó tất cả con cháu tập trung dự tiệc và bàn việc họ, nay đã trở thành truyền thống của Họ chúng tôi.

 

         Mỗi lần về quê nhân dịp lễ thanh minh lại nhớ đến cha mẹ với lòng kính thương sâu thẳm

 

 

 

 

CHIỀU THANH MINH

 

Mẹ như cả một làng quê

Cho con nơi chốn đi về cậy trông

Bao năm tần tảo ruộng đồng

Hai sương một nắng cấy trồng nuôi con

Đôi tay xoay sở gầy mòn

Gian nan lam lũ tìm bòn bữa ăn

Trải bươn cực khổ cơ hàn

Chăm lo nuôi dạy muôn vàn tình thương

 

Con đi khắp mọi nẻo đường

Lòng in bóng mẹ dặm trường hành quân

Trọn đời chiến sỹ, dừng chân

Nhớ về trốn cũ nông bần thân yêu

Quê hương thấm đẫm bao điều

Bâmg khuâng viếng mộ một chiều thanh minh

Nén nhang thành kính dâng trình

Lửng lơ sợi khói soi hình uốn cong

Hiện nguyên dáng mẹ lưng còng

Đói nghèo đeo cõng, bế bồng đàn con

Nghẹn ngào dạo ánh trăng non

Nhớ thương cha mẹ lòng son nặng đầy

 

 

 Hoàng Kiền

tin tức liên quan