"Nơi dòng sông ra biển" - Tác giả: Nhà giáo, Nhà văn: Phạm Hồng Loan, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

Ngày đăng: 05:35 19/11/2019 Lượt xem: 587
HƯỚNG VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

NƠI DÒNG SÔNG RA BIỂN
Phạm Hồng Loan.

                            
         Gã bước xiêu vẹo. Cái dáng lòng khòng nổi bật trên con đê cao. Cầm tờ giấy nhàu nát, một lần nữa, gã đưa lên trước mặt. Chút nắng muộn màng của một ngày sắp tàn bỗng rực lên, soi rõ dòng chữ méo mó: “Quyết định chuyển công tác”. Đôi mắt vô hồn của gã lơ đãng lướt về xa xăm. Bỗng gã phá lên cười. Tiếng cười chua chát nghe rờn rợn vang trên mặt sông vắng. Gã lẩm bẩm: Mình tỉnh hay mơ? Trời ơi. Tất cả đều ngột ngạt, bức bối đến nghẹt thở.
          Dường như  quá mệt mỏi, gã ngồi xuống gốc cây dâu da ven sông. Màu trắng ngà của muôn vàn cánh hoa li ti làm mắt gã dịu lại. Mùi hương ngọt ngào cùng với những làn gió mang theo hơi nước từ mặt sông phả lên, tưới đẫm cho cái đầu nóng bỏng đang muốn vỡ tung ra. Gã đăm đăm nhìn về phía xa, nơi dòng sông đổ ra biển. Nơi đó là quê hương của gã. Dòng hồi ức đưa gã về với những kỉ niệm xa xăm.
          Ngày ấy, gã là niềm tự hào của cái làng ven biển nhỏ xinh bình lặng nghèo xơ xác quanh năm sống bằng nghề chài lưới. Hết kì I lớp 7(cũ) gã đạt giải nhất kì thi chọn học sinh giỏi văn của huyện. Buổi chia tay bạn bè lên thành phố tập huấn chuẩn bị cho kì thi chọn học sinh giỏi tòan quốc vẫn in đậm trong trong trí nhớ của gã. Thanh, cô bạn thân hàng ngày vẫn chia bàn, chia ghế, ngượng nghịu dúi vào tay gã tờ gấy cuộn tròn:
-Tặng cậu cho ngày hôm nay và cho cả những ngày sắp tới.
         Gã tròn mắt nhìn cô bé. Chà! Sao hôm nay lại văn hoa thế? Chẳng bù cho mọi ngày. Xe chuyển  bánh. Bóng bạn bè lùi xa, gã hồi hộp mở tờ giấy. Một bức tranh vẽ vội với nét bút vụng về hiện ra. Trên nền bức tranh là dòng sông với bờ đê cỏ xanh mướt. Trên bờ đê, một chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo. Chính là gã đó ư? Bồi hồi, gã áp tờ tranh vào ngực. Xe đi dọc triền đê. Dòng sông lặng lẽ êm đềm trôi. Xa hơn nữa là làng quê thân yêu nơi chứa đựng bao kỉ niệm tuổi thơ của gã. Vụt hiện về trước mắt thằng Vinh, thằng Phú cùng gã suốt ngày chân đất đầu trần, tóc khét nắng thả trâu trên đê, rồi nghĩ ra bao trò nghịch ngợm. Nơi đó có mẹ gã tảo tần suốt đời lam lũ, khao khát cho con ăn học thành người để thỏa vong linh người chồng đã hy sinh. Nơi ấy đầy ắp những kỉ niệm tuổi thơ, xôn xao sóng biển.
          Gã đã không phụ lòng tin của mọi người. Gã đạt giải nhì trong kì thi chọn học sinh giỏi toàn quốc năm ấy. Cả làng đón gã như đón một vị anh hùng. Toàn trường phát động một đợt thi đua học tập theo gương gã. Bà mẹ ôm lấy con, nước mắt tuôn trào. Diện bộ quần áo mẹ may vội, lên nhận phần thưởng, sống mũi gã cay cay, mắt nhòe nước. Từ đó, trong gã cháy bỏng một ước muốn: trở thành thày giáo.
          Với thành tích đó, gã được chuyển thẳng vào trường chuyên của tỉnh. Ba năm phổ thông, bốn năm Đại học trôi qua như một giấc mơ. Ngày ra trường cũng là ngày gã nhận được giấy gọi nhập ngũ. Đáng lẽ không phải đi vì ở diện ưu tiên con Liệt sĩ nhưng gã thích thể: “Bộ đội thời bình thì lo gì. Chỉ vất vả tí thôi. Con chịu được. Vả lại, Thanh niên cũng phải đi cho biết đó biết đây. Vài năm nhanh thôi, mẹ ạ.” Khoác ba lô lên vai, gã thản nhiên bảo mẹ thế, thản nhiên ra đi. Đêm trước hôm đi, Thanh khóc ướt ngực gã:
-Anh cứ yên tâm đi. Em sẽ đợi anh về.
          Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, Thanh được phân công về thị trấn, cách nhà hơn 50km. Năm năm, Thanh ngóng trông từng lá thư của gã từ một vùng rừng núi Cam-pu-chia đang còn khói lửa chiến tranh. Và gã đột ngột trở về sau năm năm không một lần nghỉ phép. Thanh đón gã về với căn phòng tập thể đủ kê một giường đôi, một bộ bàn ghế rẻ tiền. Muốn vào chỗ để thùng gạo phải len chân. Đấy. Cái thế giới thu gọn ước mơ, khát vọng cả đời của gã. Gã đã để lại chiến trường ½ sức khỏe trong những đêm hành quân vượt rừng, lội suối với những trận sốt run người. Gã đem vào bài học những trận đánh còn chưa tan mùi thuốc súng cùng bao kỉ niệm vui buồn của người lính. Giờ học nào của gã cũng được học sinh háo hức đón chờ.
          Có một lần ông phụ trách văn của Ban giáo dục về kiểm tra, dự giờ. Giờ giảng kết thúc, ông thân mật vỗ vai gã:
-Nhầm chỗ rồi cậu ơi. Học sinh của tôi không cần những kiến thức cao siêu thế đâu. Cậu chỉ cần cho chúng hiểu như sách hướng dẫn là đủ.
          Từ đó, người ta chú ý đến gã nhiều hơn. Hầu như buổi họp chuyên môn nào những giờ dạy của gã cũng được đưa ra để...rút kinh nghiệm. Gã buồn lắm, song tự nhủ: “Có hại gì đâu khi trong mỗi bài giảng ta giúp các em hiểu thêm một chút gì đó ngoài sách vở dù chỉ bằng hạt cát”
         Thế nhưng cái “hạt cát” mong manh, nhỏ nhoi ấy lại là điều khó chịu của bao người. Có kẻ còn mát mẻ: “Ở đây chúng tôi quen dùng tiểu liên chứ không quen dùng đại bác”. Gã nghe thấy hết song im lặng.
          Nhận lớp một thời gian, thực tế đã  đảo lộn mọi suy nghĩ của gã. Gã dạy lớp 9 nhưng kiến thức lớp 7, lớp 8 của học sinh  hầu như không có gì. Trong các giờ học, chỉ có mình gã giảng giải, đặt câu hỏi rồi tự trả lời. Có gì đâu. Bao nhiêu năm nay, người ta đã tạo cho chúng thói quen như thế rồi. Chà! Thói quen. Bao lần gã phải điên đầu lên vì những thói quen đó. Gã muốn rằng trong một giờ học, cả thày và trò cùng thâm nhập, tìm hiểu, khám phá tác phẩm. Gã sẽ tôn trọng từng ý kiến, từng phát hiện nhỏ của học sinh, giúp các em thấy được cái hay, cái đẹp trong mỗi tác phẩm. Nhưng học sinh đã quen với cách  học văn là việc của thày. Chúng chỉ ngồi nghe, đợi thày đọc cho chép sau mỗi phần giảng. Nhất là những giờ tập làm văn thì càng tệ hơn. Kì thi 8 tuần, gã đã gây ra sự sửng sốt trong đám giáo viên, nỗi lo lắng, bực dọc của lãnh đạo. Lớp gã dạy đạt 30% chất lượng. Thật là con số kỉ lục(!). Học sinh gã phàn nàn: “Thày giáo tớ giảng văn thì hay tuyệt nhưng không đọc văn mẫu cho chép”.
         Thay đổi một thói quen thì khó lắm thay. Cuối cùng gã  đành tặc lưỡi: Thôi thì...văn mẫu nhé. Cứ chép đi. Để khi vào phòng thi cứ thế mà “ bệ” vào. Người chấm tha hồ nhàn. Các em thoải mái vui. Còn thày? Sẽ được tuyên dương vì vượt chất lượng(!) Lại sớm được tăng lương. Lợi cả đôi đường. Ai nghĩ ra trò đó cũng hay. Văn mẫu muôn năm! Thử hỏi lâu nay người ta làm thế đã chết ai? Học sinh hết năm này đến năm khác thi nhau lên lớp, thay nhau ra trường. Chỉ có mình dại dột đi ngược dòng  mới thảm hại thế chứ.
Cứ thế, mọi niềm vui, khát vọng tắt dần trong gã. Lâu nay, gã chọn cách sống: “Đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ”. Gã làm việc một cách chừng mực để không ai phê phán được gì. Đôi lúc gã chợt hoảng sợ khi nhìn lại chính mình. Lẽ nào hàng ngày cứ dệt mãi cái tổ kén của mình dày thêm? Để mặc sự đời xoay vần. Đã có lần trên văn phòng, gã gai người lên khi thấy một cô giáo dạy Công dân đang “cấy” trên cuốn sổ điểm cá nhân. Giờ lên lớp hôm ấy, lần đầu tiên gã không dám nhìn vào mắt học sinh. Hình như những đôi mắt trong veo kia đang đọc thấu mọi suy nghĩ của gã? Không. Không thể thế được. Phải làm gì đây để hàng ngày được đọc trong mắt các em sự kính trọng, tin yêu? Làm gì? Năm học này, cạy cục mãi gã mới xin được sang dạy lớp chọn. “Hy vọng tình hình sẽ khá hơn”. Gã tự nhủ.
          Quả nhiên các cô cậu học trò đã không phụ lòng tin của gã. Mỗi lần vào lớp, nhìn những ánh mắt trong trẻo, thơ ngây, gã thấy ấm lòng lại. Từng giờ học, gã làm cho các em tự tin hơn. Gã tìm tòi, khuyến khích dù chỉ là một chút thôi sự sáng tạo của học sinh. Càng ngày, học trò càng say sưa học. Gã tạm yên lòng.
          Đến một buổi chiều.
          Gã xách cặp lên văn phòng. Những ngày này cả thày và trò lao vào ôn luyện chuẩn bị cho kì chọn học sinh giỏi của tỉnh sắp tới. Đôi mắt gã trũng sâu vì thiếu ngủ và lo âu. Bỗng người hiệu phó chuyên môn đập tay vào vai gã:
-Nghĩ gì mà thừ người ra thế? À này, chúng tôi đã họp bàn và quyết định tuần sau không cử cậu đi coi thi mà để ở nhà làm giám thị ba.
-Sao? Năm nay lại có thêm giám thị ba à? Gã ngạc nhiên.
-Ồ. Cậu cứ như người trên trời rơi xuống ấy.
          Ông cúi xuống thì thầm vào tai gã. Mặt đỏ bừng, gã đứng phắt lên:
-Không. Tôi không làm việc ấy. Đề nghị cho tôi đi coi thi nơi khác.
Ông trân trân nhìn gã, lạnh lùng:
-Tùy đấy. Nhưng anh phải hiểu đó là quyết định. Đã là quyết định thì tốt nhất nên chấp hành.
          Gã loạng choạng bước về phía lớp học. Mười lăm cô cậu học sinh, niềm vui, niềm hy vọng của cả huyện đứng lên chào gã rồi lặng im ngồi xuống. Đặt cặp sách lên bàn, gã đến bên cửa sổ. “Giám thị ba? Ai đã nghĩ ra cái trò đó?”. Từ trên tầng ba nhìn ra xa, dòng sông lấp lánh dưới ánh nắng. Lát sau, gã tiến lại gần bảng, nắn nót: “Hình tượng Tổ quốc trong văn học”
-Các em ạ. Trong suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, mỗi trang lịch sử của dân tộc ta đều tô đậm bao chiến công chói ngời. “Giám thị ba? Các em sẽ ra sao nếu cứ để tình trạng này diễn ra hàng năm?” Dân tộc ta đời đời ghi nhớ công ơn của Hai Bà Trưng từ mùa xuân năm 40...Cho đến hôm nay, ta vẫn nghe vang vọng lời Hịch truyền từ thế kỉ XI: “Sông núi nước Nam vua Nam ở-Rành rành định phận ở sách trời” của Lý Thường Kiệt...Mình phải làm gì đây?
          Hai mươi phút trôi nhanh. Gã ngừng lời. Chợt cậu bé lớp trưởng đứng lên rụt rè:
-Em thưa thày, hôm nay thày hơi bị mệt phải không ạ?
          Câu hỏi của đứa học trò nhạy cảm như kéo gã về thực tại. Ừ nhỉ. Mình đã nói gì với học sinh? Nhìn những trang giấy trắng lặng im trên từng bàn, nhìn nét mặt ngơ ngác của học sinh, gã chợt giật mình. Mình có lỗi với các em. Đến với các em phải khoác bộ mặt khác, phải để lại đằng sau cánh cửa mọi ưu tư, phiền muộn, mọi trái ngang của cuộc đời.
          Gã lại đến bên cửa sổ, nhìn ra xa. Đó là thói quen của gã sau những giờ học căng thẳng. Bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Phải rồi. Sao từ lâu mình không nghĩ ra điều này? Nét mặt vui vẻ, gã quay nhìn cả lớp:
-Các em ạ. Hôm nay, thày phá bỏ cái lệ thông thường của một tiết học. Các em sẽ tiếp thu bài giảng không phải ở đây nữa. Nào. Mời tất cả mang cặp sách theo thày.
          Lũ trẻ theo gã ríu rít như bầy chim. Gã đưa chúng dọc theo bờ đê. Dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa cuồn cuộn chảy. Xa xa, thấp thoáng những cánh buồm nâu. Một vài cánh chim rập rờn chao liệng trên mặt sông. Hai bên bờ trải dài với màu xanh ngút ngàn của đồng lúa, nương dâu. Gã thấy lòng thanh thản lại. Ngồi bên học sinh, dưới bóng mát của mấy tán đa cao, gã say sưa đưa các em trở về với cội nguồn dân tộc từ dòng sông lịch sử này. Quá khứ, hiện tại ùa về lung linh trong mắt gã. Gã như quên đi tất cả. Quên những lo  khắc khoải đời thường vì miếng cơm, manh áo. Quên cả những cơn đau do vết thương tái phát khi trái gió trở trời. Chỉ còn trước mắt gã những ánh mắt trong trẻo, say mê
Trời về chiều. Mấy thày trò vui vẻ kéo nhau trở lại lớp. Đến cổng trường, gã gặp ông hiệu phó chuyên môn. Ông gằn giọng:
-Theo thời khóa biểu, chiều nay anh phải lên lớp. Thế mà tôi đi kiểm tra mấy lần không thấy. Anh đưa học sinh đi đâu? Bỏ cả buổi học không xin phép ban giám hiệu. Vô tổ chức, vô kỉ luật- Nhìn đám học sinh đang ngơ ngác,ông tiếp- Còn các cô cậu nữa. Chơi cho lắm vào. Sắp thi rồi đấy. Điểm kém rồi trắng mắt ra cả lũ với nhau - Câu cuối ông lạnh lùng nhìn gã đầy ngụ ý.   
Gã cố nuốt nỗi bực bội dâng lên trong lòng:
-Thưa thày hiệu phó, thày trò chúng tôi đi ngoại khóa đấy ạ. Tôi thấy những buổi học như thế này các em tiếp thu bài giảng sâu hơn.
-Hứ. Ngoại khóa à? Dễ nghe nhỉ? Thôi. Không cần nói nhiều. Đề nghị anh về văn phòng tường trình mọi việc với ban giám hiệu.
          Những ánh mắt lo lắng của học trò đổ dồn vào gã. Lặng im một lát, giọng gã trầm xuống:
-Các em yên tâm. Sẽ không có chuyện gì đâu. Còn bây giờ thày muốn nói với các em điều này: Các em hãy cố gắng học. Hãy đi bằng đôi chân của mình. Ngày thi, các em đừng hy vọng có sự trợ giúp. Không bao giờ. Các em hiểu không? Nếu các em đạt giải, đó là công sức của các em. Là niềm vui, niềm hạnh phúc của thày. Nếu không được cũng không sao cả. Thày tin các em hiểu thày.
          Vừa đến cửa văn phòng, gã đã nghe tiếng Thu-giáo viên dạy toán oang oang:
-Tôi đề nghị là cứ kỉ luật nặng vào cho lão biết tay. Ở gần lão, tôi biết. Đấy, các chị xem, nhân tiện học sinh lao động, tôi nhờ chúng cuốc cho mảnh vườn trồng rau. Thế mà lão phê phán tôi là lợi dụng học sinh – Giọng cô ta kéo dài. Đứng ngoài cửa, gã như nhìn thấy cái nguýt dài, sắc lẻm – Thế rồi lão còn làm mất tư cách người giáo viên nữa chứ. Ôi dào! Giáo viên gì mà sáng lên lớp chiều xắn móng lợn, quẩy sọt đi cắt cỏ cho cá. Thậm chí – Cô bịt mũi –Đi hót cả phân trâu về ủ. Trời ạ. Không thể tưởng tượng nổi. Thế thì còn gì là tư cách người giáo viên nữa(!). Ấy thế mà vợ con có khá lên được đâu. Đủ ăn được còn là may.
          Không đủ sức nghe tiếp, gã lê bước về khu tập thể. Bước vào nhà, gã nằm vật xuống giường. Đầu óc ong ong. Trong gã trào lên nỗi cay đắng. Gã không buồn vì những lời xỉa xói, bới móc của người hàng xóm đanh đá, lắm điều. Gã buồn vì bất lực. Để sống thực là mình ư? Khó lắm. Mình gã làm sao có thể thay đổi thói quen, nếp nghĩ đã thành thâm căn, cố đế.
          Đến buổi sáng nay.
Tiếng trống truy bài vang lên, cắm cúi bước lên cầu thang, gã suýt va vào ông hiệu trưởng. Chìa vào mặt gã tờ giấy, ông gằn giọng:
-Đây là giấy triệu tập khẩn cấp của  Ban giáo dục. Cậu đi luôn đi.
-Nhưng sáng nay tôi phải lên lớp, hướng dẫn các em làm bài theo chủ đề. Chiều tôi đến cũng được.
-Không lôi thôi gì cả. Cậu đi ngay cho tôi. Lệnh của cấp trên mà cứ như chuyện đùa. Còn giờ của cậu à? Ai dạy thay mà chẳng được
Lọc cọc cái xe đạp tàng đến nơi thì đã hơn mười giờ. Khắp các phòng đều đóng cửa then cài. Quái lạ. Vẫn còn giờ làm việc cơ mà. Kia rồi. Cửa phòng tổ chức chỉ đóng chứ không khóa. Gã tiến đến, gõ cửa. Cửa mở. Một khuôn mặt béo phì, nhờn mỡ, đỏ gay. Cái nhìn sắc lạnh, chiếu vào người đối diện đang toát mồ hôi trán:
-À, anh Tân hả? Tôi đợi anh từ sáng, sao giờ anh mới đến?
          Ông ta quẳng xuống trước mặt gã một phong bì dày cộp. Đơn tố cáo. Gã lật từng trang đánh máy. Không có người kí tên. Những dòng chữ nhòe dần, nhòe dần. Không đủ sức đọc tiếp. Những tờ giấy bỏng rát buông khỏi tay. Từ nãy đến giờ, ông tổ chức gõ gót giày cồm cộp đi lại, bây giờ đứng khoanh tay cạnh cửa sổ, lé mắt:
-Đó là tất cả, anh hiểu không? Anh có kiến nghị gì chứ?
          Gã bật lên như lòxo:
-Tôi phản đối những điều viết ở đây. Đó là sự vu khống bỉ ổi, trắng trợn.
          Ông ta nhìn anh với cái cười nửa miệng:
-Vô ích, anh bạn ạ. Tôi đã mất công điều tra kĩ càng. Thế không phải là anh thì ai chống lệnh của nhà trường không đi coi thi học sinh giỏi? Ai không chấp hành việc phân công lên lớp, chống đối cả việc coi thi, chấm thi của Ban giáo dục? Ai đã thóa mạ, hạ thấp danh dự của đồng nghiệp trong buổi họp chuyên môn? Tất cả điều đó là oan chăng?
          Gã ngồi lặng, hai tay bám chặt vào thành ghế, nhắm mắt lại. Trong lòng gã, một điều gì đó đang đổ vỡ. Khủng khiếp thật. Tân thấy mình như  rơi mãi, rơi mãi vào cõi hư vô nào đó. Nơi đó không có ánh sáng. Mọi âm thanh ngừng hẳn. Gã lẩm bẩm: Ta đang ở đâu đây? Điều gì đã sảy ra?  Gã muốn kêu lên. Cố bấu víu vào một cái gì đó. Song bất lực.  Gã buông tay, rã rời.
           Ầm! Tiếng động dội vang cả căn phòng.  Gã choàng tỉnh. Thì ra, để kéo gã khỏi cơn mê, ông đã ý tứ xô đổ cái ghế dựa trong tầm chân. Gã mở mắt. Lại vẫn khuôn mặt béo phì, nhờn mỡ. Khuôn mặt ấy cúi xuống bên gã:
-Chưa hết, anh bạn ạ. Đây là quyết định của anh. Hôm qua, chúng tôi đã họp bàn và quyết định. Đáng lý chúng tôi sẽ cho anh thôi việc. Anh biết đấy, học sinh càng ngày càng nghỉ học nhiều. Nhà nước thì đào tạo giáo viên vô tội vạ. Nhưng xét thấy hoàn cảnh của anh có khó khăn, anh lại là thương binh. Cũng không ai phủ nhận được thành tích của anh trong những năm qua. Vì vậy chúng tôi quyết định chuyển anh đến nhận công tác ở trường Đồng Tân. Như thế là chúng tôi đã xử sự có lí, có tình rồi đấy.
          Đến nước này thì gã không chịu nổi. Bản tính hiền lành là thế, song lúc này cơn bột phát điên cuồng làm gã không tự chủ được. Gã đứng chồm lên rồi rơi phịch xuống ghế. Gã lại nhắm mắt. Chợt hiện về bao khuôn mặt đồng đội thân yêu trong những ngày gian khổ vui buồn có nhau. Chợt hiện về ánh mắt dịu hiền của Thanh. Gia đình gã sẽ ra sao? Sẽ thế nào nếu gã chuyển đến Đồng Tân, cách nhà 40km tận miền heo hút cuối huyện? Nồi cơm nhà gã vốn đã nhỏ xíu, lẽ nào nay phải chia đôi? Chợt hiện lên những ánh mắt trong veo của bọn học trò đang đợi. Gã dằn lòng:
-Tôi phản đối những việc làm vô nguyên tắc của các anh. Trước khi quyết định một việc gì, nhất là việc đó liên quan đến danh dự, đến cuộc sống của một con người, các anh phải điều tra, xem xét cụ thể rồi hãy kết luận. Tôi không bào chữa cho việc làm của tôi. Nhưng thử hỏi...-Gã dừng lại, tắc nghẹn – Thử hỏi ở đây ai là người hiểu được nguyên nhân sâu xa và bản chất của sự việc? Tôi xin nói thật. Nếu các anh cứ giữ nguyên nếp nghĩ và cung cách làm ăn như thế, e rằng sẽ mất hết những giáo viên có năng lực, tâm huyết. Thử hỏi ở đây ai là người hiểu rõ thực trạng giáo dục của huyện này? Hay các anh biết mà cố tình lờ đi, lấp liếm mọi chuyện, tô son điểm phấn cho những thành tích giả dối của mình? Xin lỗi anh. Tôi thật sự lo ngại cho việc giáo dục học sinh của chúng ta bây giờ.
          Trở lại vấn đề của tôi. Tôi chống lệnh của nhà trường, không đi coi thi học sinh giỏi bởi tôi không thể dạy cho học sinh sự dối trá bằng hành động ném bài cho các em. Chúng ta không thể tự hào về đội tuyển hàng năm đứng thứ nhất, thứ nhì tỉnh bằng cách đó được.Tôi đã góp ý thẳng thắn với cô giáo Thoa trong cuộc họp chuyên môn. Đó không phải là sự thóa mạ hay hạ thấp danh dự như người ta nói. Hồi đầu năm học, vì quá nể, tôi cho cô ấy mượn bộ giáo án cũ để chép lại, lên lớp khỏi cần suy nghĩ. Người ta đều làm như thế cả mà. Làm sao có thể khác đựơc? Hôm cả tổ dự giờ  “Giới thiệu Truyện Kiều” cô ấy nói: “Gia đình Kiều có ba anh chị em: Thúy Kiều, Thúy Vân và Vê Qui”. Chúng tôi dự giờ đều ngạc nhiên và đau lòng nhìn học sinh thản nhiên ghi vào vở. Trong giờ rút kinh nghiệm, tôi hỏi: “Tại sao cô lại giảng như thế?”. Cô ấy cười: “Sao giáo án của anh viết như vậy? Ai mà biết được.” Vì tôi có tật hay viết tắt trong giáo án (VQ là Vương Quan). Tất nhiên với tư cách tổ trưởng, tôi đã phê phán giờ đó. Có thể tôi quá nóng nhưng anh thấy đấy, không thể để những giáo viên như thế tồn tại. Hãy thương học sinh của mình.  Các em như những tờ giấy trắng. Các thày cô muốn vẽ gì lên đều đựơc cả. Tôi cũng xin nói thêm. Cô Thoa không phải là trường hợp cá biệt. Có bao nhiêu giáo viên văn bây giờ hàng ngày cầm tờ báo, quyển sách? Họ đâu có thời gian. Mỗi năm, họ chỉ mở mang đầu óc một vài ngày khi các anh triệu tập đến để...bồi dưỡng mấy bài cũ rích về cải cách giáo dục. Thế đấy, kiến thức ngày càng cũ đi, mòn đi. Làm sao học sinh có thể học tốt được.
          Còn vấn đề nữa tôi cũng xin nói thêm. Tôi không chống đối  việc thi kiểm tra chất lượng của Ban giáo dục. Tôi chỉ phản đối việc làm của chủ tịch Hội đồng chấm thi Tiến Đồng khi ông ta xin nâng điểm cho học sinh mình. Tôi biết việc coi thi chỉ là hình thức. Thế nhưng chất lượng vẫn quá thấp. Làm sao tôi có thể nhắm mắt nâng từ 32% lên 50% để chất lượng trường ông ta đạt mức trung bình. Không thể được. Anh thấy không, thật là chua xót khi thấy nhiều người đang tự hạ thấp nhân cách của mình trước học sinh mà không ý thức được điều đó. Có lẽ tôi chỉ nói thế là đủ. Còn quyết định như thế nào, tùy các anh suy nghĩ. Tất nhiên tôi không cầu xin điều gì cả.
          Đêm xuống.
          Vầng trăng mười tám đã lung linh trên bầu trời. Gã cứ đi. Vô định. Con đê dài hun hút. Thoáng hiện trước mắt gã hình ảnh cậu bé xúng xính trong bộ quần áo mới lên nhận phần thưởng với bao khát vọng, hoài bão. Một bờ đê với cậu bé vắt vẻo trên lưng trâu. Những ngọn khói lam chiều vương trên mái rạ. Gã lại đi. Đi mãi. Cỏ may trắng xóa ống quần. Cứ theo dọc con sông này sẽ ra đến biển. Vừa đi, gã vừa lẩm bẩm: “Ước gì trở lại ngày xưa...” Ư! Ước gì. Thế mà hay!
          Ước gì...
Tháng 9/1991
Nhà giáo, Nhà văn: Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
ĐT 0913 515 562
 

tin tức liên quan