ĐỌC “TRƯỜNG SƠN MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” - Tập 5

Ngày đăng: 10:45 07/01/2020 Lượt xem: 547
      ĐỌC “TRƯỜNG SƠN MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” - Tập 5
                                                     KHUẤT  QUANG  NHƯ
                                   CLB Thơ Trường Sơn Thạch Thất, Hà Nội
 

     Đã 44 năm có dư! Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Song, dư âm hào hùng của một thời oanh liệt nhất được in dấu ấn vàng son mãi mãi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
      Ký ức về Trường Sơn huyền thoại, gian khổ nhưng anh dũng và kiên cường xen lẫn thương đau mất mát đối với người lính cựu Trường Sơn đâu dễ nhạt phai, cho dù thế hệ đó nay đã đi quá nửa đời người. Nhưng, những con sông, con suối, đèo cao, vực thẳm hay từng đoạn cung đường, từng điểm cao, trọng điểm trên dãy Trường Sơn bất tận ấy vẫn hằn in trong tâm trí họ. Để rồi hôm nay, “Trường sơn một thời để nhớ” ra mắt tập thứ 5. Đây là cơ hội để người lính năm xưa đong đầy cảm xúc của một thời suy tưởng cho quãng đời thanh xuân phơi phới tuổi 20.
      Bác Cấn Văn Thắng – nhà thơ không chuyên mặc áo lính bồi hồi nhớ lại:
Hành quân hướng tới tiền phương
Dù trong gian khổ chiến trường vẫn vui
Trích bài “Mở đường Trường Sơn”
     Rộn ràng, náo nức…. lòng người lính tràn ngập bâng khuâng. Ai ai cũng muốn có tên mình trong trận chiến cuối cùng với giặc thù để giải phóng Miền Nam. Được ghi trong sổ vàng lịch sử, họ gấp gáp hành quân, lấy tăng võng làm nhà khi dừng chân nghỉ tạm qua đêm trong rừng.
     Người Tiểu đoàn trưởng Khuất Duy Ất năm xưa (Nay ông đã ở tuổi 80) vẫn xúc động hồi tưởng:
Chiến tranh đi khắp đó đây
Không làm khách trọ một ngày đời ta
Trích bài “Ký ức hành quân”
     Thật tự hào khâm phục: Người lính Trường Sơn lao vào trận đánh giữa bên sống và cái chết cận kề, sao mà họ lạc quan đến thế! Khi tư trang của người lính mang vào trận đánh vẫn chỉ có:
Ba lô, mũ cối, lương khô
Áo quần ướt sũng gội sương chẳng lành
Vẫn ca vang khúc quân hành
Đêm hành quân vượt rừng xanh diệt thù
Trích bài “Hành quân đêm” của Đỗ Thị Toan
 
    Phải chăng, song hành cùng người lính cách mạng Cụ Hồ là cả một chiều dài bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông để lại; Là cả một niềm tin tất thắng khi đồng bào Miền Nam kêu gọi, thì cả binh đoàn Trường Sơn được hòa vào khí thế tiến công của cả dân tộc để dành thắng lợi cuối cùng.
Việt Nam thống nhất lẫy lừng
Bắc Nam một dải cờ hồng tung bay
Trích bài “Nhớ ơn Bác hồ” của Đỗ Thị Toan
        Trong niềm hân hoan khôn tả khi nước nhà được độc lập trong vòng tay tình nghĩa của cả dân tộc, thì có biết bao nhiêu công việc bộn bề từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam ẩn chứa bao chuyện khó lường, cần phải chia sẻ, cần sự đoàn kết, thống nhất vững bước tiến lên theo ngọn cờ tiên phong của Đảng.
     Người lính Trường Sơn xốc lại hành trang cuộc đời để lại lao mình vào cuộc chiến mới. Họ cúi mình lặng lẽ trước nấm mồ đồng đội trong rừng Trường Sơn để chia tay và nguyện hứa:
Tri ân dâng nén hương hoa
Linh hồn đồng đội gần xa về cùng
Trích bài “Tháng 7 tri ân” của Nguyễn Sơn Hải
       Với bản chất “Anh bộ đội Cụ Hồ” được hun đúc, tôi rèn trong chiến tranh và lối sống tư duy lẽ phải ở đời, người cựu chiến binh năm xưa đâu có hề quản ngại. Trên trận chiến đói nghèo, lạc hậu, họ thực sự hòa mình với các cấp chính quyền, với cộng đồng xã hội, dựng xây, kiến thiết lại bộ mặt nông thôn, làng xã, biến những điều không thưởng thành cái có thật, cái đẹp và hiện đại ngày càng được khởi sắc.
       Để rồi, hôm nay nhìn lại sau 33 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta thật sự xúc động và tự hào:
Như mơ tầm mắt ngỡ ngàng
Nước nhà thay đổi khang trang mỗi ngày…
Trích bài “Sa Pa” của Kiều Thị Nụ
        Nếu đọc và suy ngẫm hết 212 bài thơ đa dạng đủ các thể loại của 22 tác giả - nhà thơ không chuyên mặc áo lính Cụ Hồ trong thi tập “Trường Sơn một thời để nhớ”  Tập 5, ta mới cảm nhận thấy hết cái chất, cái bản lĩnh cao thượng trong mỗi công việc, trong tư duy và cách sống chân thành của người lính. Thật sự khiêm nhường và đĩnh đạc, rất hóm hỉnh, lạc quan và yêu đời.
       Họ chính là người lính năm xưa khi khoác ba lô ra trận từ một làng quê bình dị tiễn đưa:
Cây đa, giếng nước, sân đình
Con sông bến đợi, nghĩa tình làng quê
      Và đến khi xứ mạng lịch sử dân tộc giao phó, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về, thì đón rước họ vẫn là:
Quê hương tình nghĩa sắt son
Giữ gìn một mảnh trăng tròn hồn quê
Trích bài “Hồn quê” của Nguyễn Ngọc Thăng
 
       Phải chăng Quê hương chính là nguồn cội, là giá trị kết tinh của mọi điều thiêng liêng cao cả, đã nâng thành tầm cao để người lính vượt lên tất cả chông gai của cuộc đời, vươn tới tương lai sáng lạn.
        Quê hương, mà ở đó có tổ tông, dòng tộc, có ông, bà, cha, mẹ, anh, em. Có tình làng nghĩa xóm, có tình yêu lứa đôi đẹp mãi tuổi thanh xuân đã tạo cho người lính cách mạng biết yêu thương và căm hận…. Do đó, ở họ luôn có tấm lòng bao dung, nhân ái, khó, khổ, buồn đau luôn dành lấy phần mình, thẳng thắn, trung thực. Nhưng, người lính Cụ Hồ cũng thật đa sầu, đa cảm, lãng mạn, vô tư. Và chính họ cũng làm nên một đặc cách riêng về bản chất mà chẳng ở đâu có được như người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.
        Tính nhân văn trong tâm hồn mỗi cựu chiến binh Trường Sơn khiến người ta rất dễ nhận biết. Đó là lúc tuổi trẻ họ biết dũng cảm, xông pha xả thân vì Tổ quốc. Khi giải ngũ, trở lại với đời thường, họ lại đem hết tâm trí, góp công, góp sức cùng với toàn xã hội làm nên những kỳ tích trong xây dựng đất nước, ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn:
Non sông giàu mạnh vững vàng
Đảng, dân đoàn kết ngày càng văn minh.
Trích bài “Viếng đài liệt sỹ” của Phan Hữu Vị
 
       Đâu phải chỉ có việc xã hội, mà trong gia đình, người cựu chiến binh Trường Sơn còn là một tấm gương sáng, là trụ cột chính trong nhà. Họ hết mực thương vợ, quý con, căn dặn, nhắc nhở cháu con làm những điều thiện, có ích cho đời, tránh xa những cám dỗ, hệ lụy tầm thường, nhỏ nhoi, đố kỵ. Dù trong xã hội cuộc sống còn nhiều bất cập, quan tham nhũng nhiều, nơi thừa – chỗ thiếu chưa san lấp được khoảng cách công bằng, dân chủ.
      Nhưng ! Đất nước này - Dân tộc Việt Nam, hãy đặt niềm tin và tự hào, vui mừng khi thấy: Toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội đã và đang chung tay vào cuộc chiến cho sự tồn vong của nước nhà, bằng:
Lò kia lửa đã nóng rồi
Bao nhiêu sâu thối lưới trời không tha
Trích bài “Nóng” của Nguyễn Sơn Hải
      “Trường Sơn một thời để nhớ” Tập 5 là thi tập được các soạn giả công phu, sáng tạo để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc. Các tác phẩm viết về chiến tranh làm cho người lính được sống lại những năm tháng hào hùng oanh liệt của đất nước, và những cảm xúc đau đáu, thương xót về sự mất mát, hy sinh của đồng đội, được các anh, chị: Nguyễn Sơn Hải, Cấn Văn Thắng, Khuất Duy Ất, Phạm Trung Lạp, Đỗ Thị Toan, Kiều Thị Nụ, Phan Hữu V… với sự trăn trở, suy nghiệm cho ta thấy được phẩm chất, nhân cách anh bộ đội Cụ Hồ thật sự bình dị nhưng cũng thật vĩ đại.
      Bên cạnh những giá trị hiện thực và nhân văn cao cả của lính cách mạng, người đọc lại được trải lòng, thú vị với những giai điệu trữ tình mượt mà của tình yêu quê hương, đất nước, về phong cảnh lãng mạn, hữu tình, thơ mộng của những vùng miền Tổ quốc; về sự thủy chung của tình vợ, nghĩa chồng, của tình yêu lứa đôi mà các tác giả Nguyễn Ngọc Thăng, Đinh Văn Thảo, Nguyễn Xuân Tình, Phạm Thế Biên, Bùi Thị Nhu đã khắc họa rất thành công, đa dạng, giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu đã làm xao xuyến bao trái tim bạn đọc xa gần.
       Mang giá trị hiện thực sâu sắc với cái tâm, cái tầm, cái độc đáo sâu lắng, tác giải Khuất Duy Sang bằng thể thơ Đường nghệ thuật đã khúc triết tạo dựng lên những tác phẩm ngọt ngào, đằm thắm hướng bạn đọc thực sự ngỡ ngàng và kính nể.
      Thật khiếm khuyết không đưa được hết các bài thơ của các tác giả viết về cuộc sống tuổi già người lính thời nay, hay những câu chuyện nhân tình thế thái mà cuộc sống xung quanh đang có.
      Song! Tất cả các bài thơ, các Tác giả viết đều có nội tâm đa cảm, giàu ý nhân văn có hồn và có hậu, đáng được lưu giữ trong ấn phẩm  “Trường Sơn một thời để nhớ” – tập 5.
       Chúng ta còn có nhiều cuộc hội ngộ tương phùng và lý thú hơn nữa để cùng nhau ca vang tình khúc thời hoa lửa mà chúng ta đã qua để trải chuốt cho những vần thơ bay xa, bay cao mãi mãi ./.

      Tháng 12 năm 2019
     

tin tức liên quan