Cảm nhận của Nguyễn Văn Cầm (Nguyên Phó Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng) về tập thơ "ĐỌC KIỀU" của tác giả Hồ Văn Chi

Ngày đăng: 06:09 09/01/2020 Lượt xem: 564

         Sau 35 ngày liên tục (từ 27-11- 2019 đến 03- 01- 2020) chuyên mục Văn học Nghệ thuật Báo Điện tử Trường Sơn đã lần lượt giới thiệu đến bạn đọc Tác phẩm Văn học Nghệ thuật “ĐỌC KIỀU” của tác giả Hồ Văn Chi - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn. Trong quá trình này Ban Biên tập đã nhận được nhiều bài viết mang tính cảm nhận và bình về tác phẩm của một số tác giả như: Nhà thơ Bằng Việt; Nhà thơ Nguyễn Văn Thụ - Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam; Nhà thơ Nguyễn Văn Cầm - Nguyên Phó Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng; Nhà thơ Châu Thạch; Lê Huấn …vv.
         Nối mạch dòng chảy của những trang viết yêu và hướng về “ĐỌC KIỀU” - Chuyên mục Văn học Nghệ thuật Báo Điện tử Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc bài cảm nhận của Nhà thơ Nguyễn Văn Cầm - Nguyên Phó Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng về tác phẩm “ĐỌC KIỀU” của tác giả Hồ Văn Chi.
         Xin trân trọng!
 
CẢM NHẬN TẬP THƠ " ĐỌC KIỀU" CỦA HỒ VĂN CHI.
Nguyễn Văn Cầm
 
       Một buổi sáng đầu tháng 5 năm 2019, ngồi uống cà phê với anh Hồ Văn Chi, chúng tôi có trao đổi về việc sinh hoạt thơ Đường luật để rút kinh nghiệm và bàn những dự định của Chi hội, đặc biệt là chuẩn bị cho chuyến đi Hà Tĩnh dự ngày hội thơ Đường luật toàn quốc lần thứ 15 vào tháng 3 năm 2020, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất cụ Nguyễn Du. Tôi nói: Về quê hương cụ Nguyễn Du, chúng ta nên chuẩn bị sưu tầm , tìm hiểu các tác phẩm của cụ, nhất là truyện Kiều, thế nào Ban tổ chức cũng lấy việc ấy làm đề tài chính.
       Hồ Văn Chi cười và nói anh cũng có suy nghĩ như vậy và định viết một tập khoảng một trăm bài Đường luật về truyện Kiều...
       Nhưng tôi thật không ngờ, chỉ với một thời gian không lâu anh đã đưa bản thảo cho tôi, nhờ tôi xem lại, viết cảm nhận và họa ít bài cho vui. Có lẽ do đã nhiều năm trước đó, anh Chi đã nghiền ngẫm, “ăn ngủ” với những trang thơ “động đến trời đẩt” của Tố Như mới viết nhanh đến vậy.
       Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là một tác phẩm thơ nổi tiếng không những trong nước ta mà còn cả ở nước ngoài nữa; đến nay đã được dịch ra trên ba mươi ngôn ngữ trên thế giới. Ở Việt Nam cả giới trí thức và bình dân đều mê Truyện Kiều, có nhiều người thuộc lòng và đọc vanh vách cả tập truyện. Các văn nhân thi sĩ từ xưa tới nay đều có bình phẩm, ngâm vịnh rất nhiều! 
       Viết bình luận về Truyện Kiều đã khó, viết cả tập với hàng trăm bài bằng thơ Đường luật lại càng khó, thế mà Hồ Văn Chi đã viết, viết rất hay và đặc biệt là anh đã hoàn thành bản thảo này chỉ trong vòng một tháng! Tập thơ anh viết rất hợp với sở thích của tôi nên tôi đã đọc rất say mê, thích thú...
      Thơ Hồ Văn Chi viết không những chuẩn về niêm, luật, vần, đối ngẫu... mà hay hơn nữa là cả trăm bài không vướng lỗi, bệnh nào đáng kể, không trùng lặp chủ đề. Anh hiểu rất sâu sắc về nội dung Truyện Kiều nên những bình phẩm của anh về thiên tuyệt bút này đều đem đến những phát hiện bất ngờ cho người đọc.
     Tác giả đã nắm vững tâm sinh lý của từng nhân vật, kỹ càng về các sự kiện:
                    "Xót phận tài hoa, đàn rỏ huyết
                     Thương người bạc mệnh, bút hòa châu"
                                                         (Bài: Cụ Tố Như)
                    "Dẹp giặc, không bàn mưu đánh trận
                     Chiêu hàng, lại lập kế cầu thân"
                                                  (Bài: Hồ Tôn Hiến)
     Khi diễn tả nhan sắc, hình ảnh nhân vật rất khêu gợi bằng những chi tiết thoáng qua nhưng đậm nét:
                    "Ánh mắt thu ba vời vợi sóng
                     Chân mày lá liễu thẹn thùng hoa"
                                     (Bài: Tài sắc Thúy Kiều)
     Và bằng vài đường nét phác thảo nhưng đã vạch trần mưu đồ bọn quan lại, bọn xã hội đen, bọn buôn người...
                     "Lời oan dậy đất, kêu đâu được
                      Án lạ lòa mây, cậy lối nào!"
                                     (Bài: Thói quan nha)
                      "Bảy chữ tám nghề trơ trẽn dạy
                       Thương nàng mắc bợm khó mà ra!"
                                               (Bài: Tú Bà)
                       "Biết rõ Sở Khanh giăng mẹo hiểm
                        Làm theo mụ Tú đặt mưu thâm"
                                              (Bài: Mã Kiều)
                        "Ngờ đâu mụ vốn gian tham lắm
                        Lại có cháu càng xảo trá thay"
                                              (Bài: Bạc Bà)
      Với những người có lòng nhân ái, biết thương người đáng được ngợi khen được viết bằng những câu thơ mềm mại vương vấn thương yêu:
                        "Đùm bọc ân cần khi hoạn nạn
                         Ngàn vàng báo đáp tỏ niềm thương"
                                            (Bài: Mụ quản gia)
                         "Việc trước điều sau đều tận tụy
                          Nhờ ai mới được cảnh sum vầy"
                                         (Bài: Giác Duyên)
    Trong tập thơ này có đến 26 bài anh dùng các câu Kiều làm " khoán thủ" những tình tiết trong truyện. Hay hơn nữa là anh đã lồng vào ý kiến của mình để viết về nhân tình thế thái, lên án nạn tham nhũng, hủ hóa...trong xã hội.
                        "Hơi bạc xông mờ đôi mắt hám
                         Đồng đô chọc thủng trái tim hèn"
                                              (Bài: Quan tham)
                        " Sỉ liêm kém cỏi thành ra thế
                          Nhục nhã ê chề, tệ quá ta"
                                    (Bài: Đáng ghét nha)
    Và cả tự đem mình ra mà cười cợt tự trào nữa:
                       " Chẳng màng lợi lộc khi bươn chải
                         Biết lượng sức tài lúc cạnh tranh"...
                         "Sở trường chỉ mấy bài thơ tếu
                          Khanh tướng đâu mà muốn nổi danh"
                                                    (Bài: Tự trào)                       
                                                      
    Nhìn chung, Hồ Văn Chi có một tình thơ lai láng, đã thẩm thấu, chiêm nghiệm sâu sắc về cụ Nguyễn Du, về Truyện Kiều, về những nhân vật chính như Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải...mà ngay cả những nhân vật phụ chỉ xuất hiện thoáng qua, anh đã thuộc nằm lòng các sự kiện, tình tiết dù rất nhỏ như  kẻ bán tơ, Mã Kiều, mụ quản gia...đều được anh thể hiện thành một bài thơ Đường luật...
     Từ Truyện Kiều, không chỉ ca ngợi những hình ảnh tích cực đáng trân trọng trong cuộc sống, tác giả cũng phê phán những tệ nạn xấu xa của xã hội phong kiến rất quyết liệt, và cũng rất khiêm tốn khi bày tỏ cảm nghĩ của mình khi viết tập thơ này bằng hình thức “tự trào”!
      Tôi đánh giá cao chất lượng của tập thơ, nhiều bài tôi rất tâm đắc nên đã viết trên mười bài họa. Xin được nêu hai bài thay cho phần kết của bằi viết này:
 
Họa y đề bài:
              CỤ TỐ NHƯ
Tiếng tốt Tiên Điền toả mãi sau
Danh nhân Văn hoá của toàn cầu
Chúc văn Thập loại tình nhân thế
Tác phẩm Kim Kiều giá ngọc châu
Mấy khúc đoạn trường, lời thống thiết
Mười thiên bạc mệnh, nỗi đau sầu
Ba trăm hay cả vàn năm nữa
Tiếng tốt Tiên Điền toả mãi sau.
                                  
Họa y đề bài:
XÓT PHẬN KIM KIỀU (Phạm đề)
 
TRĂM vòng tơ rối vấn vương vào
NĂM lượt, bảy lần khốn khổ sao
BIẾT Thúy Kiều tim đang thắt lại
CÓ Kim Trọng lệ cũng tuôn trào
DUYÊN vừa mới bén, sầu thêm mãi
GÌ nữa mà mong, hận quá cao
HAY bởi trời già cay nghiệt lắm
KHÔNG còn lối thoát- biết khi nào?
 
Nguyễn Văn Cầm
(Nguyên Phó chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng)

tin tức liên quan