Xin mời tham khảo bài viết của Tiến sỹ, Nhà thơ Đinh Nho Hồng về thơ Đường luật
Xin mời tham khảo bài viết của Tiến sỹ,
Nhà thơ Đinh Nho Hồng về thơ Đường luật
THƠ LUẬT ĐƯỜNG "NGŨ ĐỘ THANH"
Trong các buổi giao lưu, sịnh hoạt của Câu lạc bộ, nhiều tác giả đã trình bày thơ ngũ độ thanh. Song vẫn còn một số hội viên chưa nắm được luật chơi, cũng như những quan niệm khác nhau về thể thơ này.
Vậy thơ "Ngũ độ thanh" là gì và xuất phát từ đâu?
"Từ điển tiếng Việt" định nghĩa: "Thanh là nói tắt của thanh điệu".
Trong tiếng Việt của chúng ta có 6 thanh (2 thanh bằng, 4 thanh trắc). Vì thế, trong một câu thơ thất ngôn, nhiều nhất gồm 6 thanh khác nhau. Trong một câu thơ luật Đường ngũ độ thanh có thể gồm 6 thanh hoặc 5 thanh khác nhau, ít nhất phải có 5 thanh. Có lẽ vì thế, người ta mới gọi là thơ "Ngũ độ thanh".
Mọi luật chơi đều do con người đặt ra. Đặc biệt, thơ "Ngũ độ thanh" chỉ có trong tiếng Việt, cho nên điều chắc chắn luật đó là do người Việt chúng ta đặt ra.
Một trong những khác biệt của tiếng Việt so với tiếng Trung Quốc để tăng thêm nhạc điệu của bài thơ là trong tiếng Việt có 6 thanh, còn tiếng phổ thông Trung Quốc chỉ có 4 thanh (bình, thượng, khứ, nhập).
Trong tiếng Việt, có 2 thanh bằng là thanh không (không dấu) và thanh huyền (dấu huyền), 4 thanh trắc là sắc, hỏi, ngã, nặng. Khi chúng ta ngâm thơ, nhiều người nước ngoài nói là người Việt Nam "hát thơ".
Thơ "Ngũ độ thanh" phát huy cao độ tính nhạc điệu của tiếng Việt.
Hiện có các quan điểm khác nhau sau đây về luật thơ "Ngũ độ thanh":
1. Quan điểm thứ nhất: Một số người chơi cho rằng, cứ có đủ 5 thanh khác nhau trong một câu thơ là được, những quy định khác có thể bỏ qua, ví dụ, có thể áp dụng "Nhất, tam, ngũ bất luận", hay không nhất thiết hai từ thanh bằng liền kề phải khác dấu, hoặc trong một câu có hai từ thanh trắc cùng dấu cũng không sao, miễn có đủ 5 thanh là thành thơ "Ngũ độ thanh" rồi. Đó là một quan điểm.
2. Quan điểm "chính thống", được phần lớn người chơi thơ chấp nhận là:
- Trong một bài thơ "Ngũ độ thanh", luật bằng trắc phải tuyệt đối phân minh, không có bất luận. Không được áp dụng "Nhất tam ngũ bất luận" trong thơ "Ngũ độ thanh".
- Trong mỗi câu thơ, những thanh bằng liền kề nhau không được trùng dấu (phải là một từ thanh không và một từ thanh huyền liền kề).
- Trong một câu, các thanh trắc không được lặp lại dấu.
Tóm lại, trong một câu thơ, ít nhất phải có 5 thanh khác nhau (ngũ độ thanh). Nếu câu có 3 từ thanh bằng (gồm 2 thanh điệu khác dấu), thì 4 từ thanh trắc phải là 4 dấu sắc, hỏi, ngã, nặng khác nhau (tổng cộng có 6 thanh độ); còn câu có 4 từ thanh bằng (gồm 2 thanh khác dấu), thì 3 từ thanh trắc cũng khác dấu nhau (có 5 thanh độ) và các từ thanh bằng liền kề không được trùng dấu.
3. Điều chắc chắn là, khi đã tuân thủ quan điểm "chính thống" nêu trên, thì sẽ không phạm vào lỗi điệp thanh, khổ độc. Nhưng có lúc vẫn mắc phải những lỗi (bệnh) khác, như phong yêu, hạc tất, bàng nữu, chánh nữu, bình đầu... Mặt khác, khi sáng tác một bài ngũ độ thanh, (cũng như một bài thuận nghịch độc, khóan thủ, khoán tâm, tung hoành trục khoán của thơ luật Đương, hay thơ biến thể "lục bát tám câu",...), do phải tuân thủ luật chơi mà đôi khi câu thơ không được thanh thoát như một bài thất ngôn bát cú mượt mà. Tránh được những lỗi đó thì thơ càng hay, càng dễ đọc, tính nhạc điệu càng cao. Chính vì vậy mà còn có quan điểm thứ ba, khắt khe hơn. Cụ thể là không được phạm vào các lỗi (bệnh) khó nghe; vần bằng của các câu trong bài phải liên tục đổi dấu (một câu có vần thanh huyền, một câu có vần thanh không và ngược lại), trừ bài độc vận; và phải dùng chính vận (xem 2 ví dụ dưới đây); các đuôi thanh trắc cũng khác dấu nhau (xin xem ví dụ 1 dưới đây). Khi đó bài ngũ độ thanh mới thật hoàn hảo. Nhưng, xin nhắc lại là đa số người chơi chấp nhận quan điểm thứ hai nêu trên.
Sau đây xin giới thiệu một vài bài thơ làm ví dụ:
Bài thơ dưới đây vừa là "Ngũ độ thanh", vừa là "Bát vĩ đồng âm". Về nội dung, bài thơ không hoàn toàn tả thực, mà mượn việc phác cảnh đầu xuân để nói về đời.
TẢN BỘ ĐẦU XUÂN
(Thơ họa. Ngũ độ thanh, bát vĩ đồng âm)
Xuân về tản bộ ngắm Hồ Tây,
Ngưỡng cảnh đào phai, bích lượn đầy.
Thoải mái tìm quanh, nào bãi sậy,
Mơ màng ngó ngược, cả trời mây.
Bèo loang có lẽ do người đẩy,
Nước vẩn vì chưng sẵn bọn vầy.
Tụi trẻ nô đùa vung nón vẫy,
Nhà thơ ngẫm ngợi đứng đờ ngây.
ĐINH NHO HỒNG
Ví dụ trên không những tuân thủ mọi tiêu chí của quan điểm "chính thống", mà còn hoàn toàn chính vận "-ây", các vần thanh bằng lại liên tục đổi dấu (Tây, đầy, mây, vầy, ngây) và các duôi thanh trắc cũng khác dấu nhau (sậy, đẩy, vẫy):
Ví dụ dưới đây chỉ tuân thủ quan điểm thứ hai, không chấp nhận quan điểm thứ 3, kể cả không dùng chính vận (Không hoàn toàn theo vần "-a", câu cuối dùng vần "-oa"):
BẠN HƯU ĐẾN NHÀ
(Ngũ độ thanh)
Hưu rồi, thoải mái, lại cùng ta,
Lặng lẽ chào nhau trước cửa nhà.
Ngắm mỗi khu vườn chơi chậu cảnh,
Xem vài cháu nhỏ học bài ca.
Tình sâu mãi nhớ thời trai trẻ,
Nghĩa nặng nào quên lúc tuổi già.
Vắng bạn lâu ngày trông vẫn khỏe,
Cầm tay cảm động ướt mi nhòa.
ĐNH NHO HỒNG
Sau đây là một bài ngũ độ thanh, độc vận:
KHÔN DẠI
(Ngũ độ thanh, độc vận)
Lòng tham muốn mãi trở thành khôn,
Lắm của quyền to đã được khôn.
Nhét đẫy đầy bao thì chẳng dại,
Vơ phồng chặt túi hẳn là khôn.
Tiền công thoải mái chi nào dại,
Đất phật tùy cơ xẻo vẫn khôn.
Cũng phải khuyên người khôn phát dại,
Cần mau giác ngộ để mà khôn.
ĐNH NHO HỒNG
Khi một bài thất ngôn bát cú được chú thích là "thơ ngũ độ thanh", thường gây sự chú ý và có khi trở thành chuyện nhạy cảm, thế nào cũng có người "soi" từng câu, từng chữ xem có chỗ nào sai luật chơi không.
Nếu gặp một bài thơ mà tác giả cho là "ngũ độ thanh", nhưng không hoàn toàn theo quan điểm "chính thống" hay quan điểm thứ ba nêu trên, thì chưa hẳn là tác giả không biết luật. Luật chơi là do con người nghĩ ra và theo quan niệm của từng người. Đương nhiên, bài thơ tuân theo quan điểm thứ 2 (quan điểm "chính thống") và đặc biệt là quan điểm thứ 3 nêu trên, thì có giá trị hơn, "bác học" hơn, mượt mà hơn, tính nhạc điệu cao hơn, được tôn trọng hơn.
Mặt khác, theo kinh nghiệm của tôi, thì một số tác giả nắm rất chắc luật chơi, nhưng khi sáng tác không tập trung, chỉ đọc lướt qua, thậm chí có khi đọc đi đọc lại vẫn không tập trung, không tự nhận ra là mình bị mắc lỗi, có người khác chỉ cho mới "à!". Lỗi thường gặp nhất là lặp lại 2 từ thanh trắc cùng dấu trong một câu có 4 từ thanh trắc.
Chưa nói đến thơ “ngũ độ thanh”, mà khi sáng tác một bài thơ luật Đường bình thường, cũng phải hết sức tập trung, nếu lơ đãng thì bất cứ ai cũng có thể bị sai luật, như thất niêm chẳng hạn, đặc biệt rất hay mắc lỗi ở từ thứ 6 trong câu bát cú.
ĐINH NHO HỒNG
Hồ Chi và PS giới thiệu