Là dong hoài cổ - Hồi ức của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 04:31 23/01/2020 Lượt xem: 518
LÁ DONG HOÀI CỔ
 

 Hồi ức của Hoàng Văn Kính


Chợ lá dong lâu đời nhất Thủ đô nhộn nhịp ngày giáp Tết - ảnh 1
 
Tranh thủ ngày nghỉ vào thời điểm cuối năm, theo thông lệ, tôi xắn tay vào sửa sang, dọn dẹp lại nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới Canh Tý- 2020. Bỗng tôi nghe thấy giai điệu bài hát Mùa xuân nho nhỏ sáng tác của nhạc sỹ Trần Hoàn, thơ Thanh Hải đang được phát ra từ chiếc tivi với những ca từ rất hay… “Ơi con chim chiền chiện/hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ tôi đưa tay hứng về...lòng tôi bỗng xốn xang, bao nhiêu kỷ niệm ùa về trong tôi... Những kỷ niệm từ thuở thiếu thời đến những năm tháng trong quân ngũ hiếm khi được về quây quần ăn Tết cùng gia đình. Nhưng tôi rất ấn tượng về lá dong, một thứ nguyên liệu không thể thiếu được để gói bánh chưng. Thấm thoắt thời gian, về với đời thường rồi, nay đã ở lục tuần, mái tóc đang chuyển dần từ hai màu đen và trắng sang hẳn màu trắng, đời người nhanh thật.
Quê tôi ngày xưa có tên cổ là Làng Ngái thuộc Phủ Quốc Oai, Trấn Sơn Tây nay là xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội. Tương truyền từ thời xa xưa lắm, làng quê tôi có nhiều cây ngái, quả ngái khi chín mùi hương của nó rất lạ, thơm thơm, ngòn ngọt, nên dân trong vùng gọi quê tôi là làng Hương Ngái. Gọi mãi rồi thành tên. Sau này có lẽ do gọi chệch nên Ngái thành làng Ngải và bây giờ có tên chính thức là Hương Ngải. Đó là chuyện xa xưa được chép lại trong sử sách của làng. Như bao miền quê khác ở xứ Đoài, cứ mỗi độ vào dịp cuối đông, sắp sang xuân, nhà nhà ai nấy đều tất bật lo chuyện tết nhất, từ việc đi chợ sắm sửa, chỉnh trang nhà cửa. Trước kia ở thời bao cấp, gia đình nào có điều kiện thì quét lại một vài lượt vôi ve, ngôi nhà như được khoác thêm một tấm áo mới. Rồi còn phải bàn đến cả việc ăn chung thịt lợn ngày tết. Nay thì khác xưa lắm rồi. Cứ có tiền ra chợ là có đủ; Phải kể thêm về các phiên chợ tết quê tôi. Chợ Tết thì vùng quê nào mà chả có, nhưng khác với những làng quê trong vùng, quê tôi có các phiên chợ Tết được họp vào thời điểm cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Nhân dân lại gọi theo cách riêng của mình là các phiên chợ Ngái. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống mà chỉ có ở Làng Ngái quê tôi mới có. Chợ Ngái có nhiều phiên lắm. Sớm nhất là phiên chợ Ngái vàng mã (16 tháng Chạp) chuyên bán hàng vàng, mã, hương. Tiếp theo là chợ Ngái lá dong vào ngày 21 tháng Chạp. Vào chợ trên thì trời dưới thì lá dong, và những ống giang để dùng gói bánh chưng. Chợ còn bán cả lá chuối khô để gói bánh gai nữa; Rồi chợ Ngái hàng cam (26 tháng chạp) tập trung bán cam, quýt, bưởi, chuối xanh. Cả không gian chợ như bừng sáng lên một màu bưởi, cam; chợ Ngái hàng cá (Mồng 3 Tết) và sau cùng là phiên chợ Ngái hàng gà (Mồng 6 Tết). Trong các phiên chợ ấy đều là của người lớn, lo mua sắm phục vụ cho ngày Tết. Lúc bé thỉnh thoảng tôi cũng được theo mẹ đi chợ và được bà nội mua cho mấy xu kẹo vừng, một thứ kẹo được làm bằng bột gạo, đường mía, gừng và được bao bọc một lớp vừng trắng, ăn vừa giòn vừa thơm và ngọt. Nhưng tôi chỉ quan tâm nhất đến chợ Ngái lá dong vì nhiều lẽ. Trước hết đây là phiên chợ mang đến nhiều hương vị Tết nhất, một thứ mà dù ít hay nhiều thì nhà nào cũng phải chuẩn bị. Trong nhà đã có lá dong là Tết đang về. Tôi cảm nhận hình như màu xanh và mùi đặc trưng của lá dong như mang cái Tết đến nhanh hơn; Và lý do nữa là cũng dịp này chúng tôi bắt đầu được nghỉ học. Sáng sớm ngày 21 tháng Chạp (phiên chợ Ngái lá dong) cũng là thời điểm để bổ ống tiền tiết kiệm. Nói là ống tiết kiệm nhưng nó đơn giản lắm, không cầu kỳ như bây giờ họ đúc, đổ thành nhiều hình con vật bằng nhựa, bằng thạch cao, bằng sành sứ nhiều màu sắc bắt mắt. Ngày xưa ống tiền tiết kiệm được bố tôi làm bằng một ống tre hai đầu là hai gốc mấu. Nó được cưa một nhát chéo sát mấu, để có chỗ đút vào đấy những đồng một xu, hai xu, năm xu, to nữa thì tờ một hào là cùng. Không như bây giờ, trẻ con và người lớn bỏ vào con lợn tiết kiệm bằng những tờ tiền có mệnh giá lớn như năm trăm, hai trăm, một trăm ngàn đồng có khi cả một tờ ngoại tệ...Nghĩ bây giờ sướng thật. Lý do thứ ba mà tôi thích là sau khi bổ ống tiết kiệm, đếm cẩn thận từng đồng xu, từng hào xong, bao giờ bố tôi cũng cho tôi một hào để đi chợ Ngái và bảo muốn mua gì thì mua, chả là tôi bé nhất nhà mà. Chỉ chờ có thế, sau khi nhận đồng tiền từ bố, tôi chạy một mạch sang nhà thằng cu To Mắt - thằng bạn thân nhất cùng xóm lúc bấy giờ để rủ nó cùng đi chợ. Hai thằng xuống đến chợ, sau một hồi dạo quanh một lượt, nhìn cái gì cũng muốn mua, nhưng trong tay chỉ có một hào bạc. Thế là chúng tôi quyết định mua hai cái bánh dầy. Tôi chọn cái bánh màu đỏ, còn thằng To Mắt lại chọn cái bánh màu vàng. Màu đỏ và vàng của bánh đều được các bà hàng bánh quê tôi làm từ nguyên liệu là gấc và nghệ nên ăn vào lành lắm. Hai thằng đi về đến Quán Làng - một di tích văn hóa Làng - nơi thờ Thành Hoàng làng  gần nhà tôi và trèo lên tường lụa. Tôi xin nói thêm về bức tường lụa Quán Làng quê tôi. Tường được xây bằng bằng đá ong to bản rộng hàng nửa mét, cao khoảng một mét. Tôi lớn lên thấy bức tường lụa này đã có một màu nâu đen và ánh bóng chắc cũng có một bề dày lịch sử nhất định. Đây là bức tường để phân định giữa đường làng và khuôn viên Quán Làng. Sau khi yên vị, tôi và cu To Mắt cùng nhau thưởng thức hương vị bánh dầy và vừa ăn vừa hỏi nhau xem đã được bố mẹ mua cho quần, áo mới để đi chơi Tết chưa.
Sau này lớn lên, vào quân ngũ, được đi đây đi đó tuy nhiên chả mấy khi được về ăn Tết cùng gia đình. Những phiên chợ Ngái lá dong cũng chỉ còn trong tiềm thức của tôi, nhưng tôi lại có một kỷ niệm để nhớ về phiên chợ Ngái lá dong. Đó là vào cuối năm 1979 chuẩn bị bước sang Tết Canh Thân 1980, đơn vị chúng tôi đang đóng quân ở sân bay Nà Sản (tỉnh Sơn La). Một số anh em chúng tôi được lệnh vào huyện Sông Mã để lấy thực phẩm cho đơn vị. Lúc đầu gần ba chục anh em đi trên hai chiếc xe Gát 53. Đến gần trưa do đường nhỏ và dốc không đi được ô tô nữa. Cả đoàn chúng tôi xuống xe cuốc bộ đường rừng thêm hai giờ đồng hồ nữa. Vượt qua nhiều con suối và núi đá, chúng tôi đến một bản của đồng bào dân tộc Thái trắng. Sau khi hạ trại, cán bộ hậu cần làm việc, mua, bán xong, chúng tôi được phân công ai vào việc nấy. Bộ phận thì giết mổ lợn, ướp muối thịt. Bộ phận thì nấu cơm; ăn trưa xong, mỗi anh em chúng tôi được lĩnh hai mươi ki-lô-gam thịt cho vào ba lô, hành quân ra vị trí ô-tô đang chờ để mang thịt về cho đơn vị ăn Tết. Dọc đường về ai cũng mệt nhoài vì thời tiết ở Sơn La lúc này tuy là những ngày giáp Tết nhưng do ảnh hưởng của gió Lào nên trời nắng và rất nóng. Anh nào, anh nấy áo đẫm mồ hôi nhưng rất vui. Ở chỗ nghỉ chân, bất chợt tôi phát hiện ra một vạt rừng rộng lớn phía trước toàn là cây dong mọc tự nhiên. Dù mệt nhưng tôi cũng chạy đến bãi dong rừng, tận tay vuốt ve những chiếc lá dong. Màu xanh và mùi đặc trưng của lá dong lúc đó chợt làm cho tôi lại nhớ Tết quê đến da diết. Chắc ở quê nhà dịp này nhà nào nhà nấy cũng đã chuẩn bị xong rồi. Các bà, các mẹ, các chị đang cùng nhau rửa lá dong bên những chiếc giếng làng, nước trong xanh để chuẩn bị gói bánh chưng xanh và chuyện trò rôm rả...
Giờ đây thì cả làng chỉ còn vài chiếc giếng nữa thôi nhưng toàn là giếng cạn. Nghĩ về ngày xưa tôi thấy chạnh lòng một nỗi buồn khó tả. Chắc chẳng bao giờ có cảnh đêm trăng sáng ngồi bên thành giếng làng tán gẫu đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ chúng tôi ngày xưa...

   - Ông ơi, mời ông xuống ăn cơm ạ.
   Tiếng đứa cháu nội mời tôi xuống ăn cơm đã cắt ngang dòng hồi tưởng. Những kỷ niệm của tôi, đặc biệt là về những phiên chợ Tết quê, những dáng mẹ, dáng chị, những bó lá dong... mỗi dịp Tết đến xuân về bỗng ngưng lại. Những kỷ niệm như mờ dần, mờ dần về quá khứ. Bất giác tôi nhìn ra ngoài khung cửa. Cây đào trước nhà đang đơm bông. Những bông hoa như sáng rực một góc trời… Xuân đang về rạo rực.
 
Chiều cuối đông Kỷ Hợi 2019
 
 

tin tức liên quan