Ngày xuân nói chuyện chơi chữ

Ngày đăng: 09:52 04/02/2020 Lượt xem: 455

Ngày xuân nói chuyện chơi chữ

Chủ Nhật, 02/02/2020, 13:36 [GMT+7]
.
.

Đối với không ít người, một trong những thú vui tao nhã ngày Tết là uống ly rượu mừng xuân và nói chuyện người xưa (và đôi lúc có cả người nay) chơi chữ.

Chữ chúc Tết. Ảnh: V.P.Q
Chữ chúc Tết. Ảnh: V.P.Q

Vào khoảng năm 1921, nhà văn – nhà báo Phan Khôi, quê Quảng Nam, cho đăng trên tờ Thực Nghiệp dân báo bài thơ “Viếng mộ ông Lê Chất” (về sau, đăng lại trên báo Tiềm lực số 1 ngày 27-7-1961), ông này nguyên Tổng trấn Bắc Hà, chết ở Hà Nội:

Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu/ Áy cỏ mờ rêu đất một u!/ Ấy dũng ấy trung là thế thế/ Mà ân mà nghĩa ở mô mô/ Chim gào di hận xuân âm ỷ/ Hùm thét dư oai gió vụt vù/ Câu chuyện anh hùng ai nhắc nữa:/ Hồ Tây văng vẳng tiếng chuông bu!

Thơ in ra ngay ở Hà Nội nghìn năm văn vật mà lại hạ mấy vần mô, bu, toàn phương ngữ miền Trung nên các danh sĩ Bắc Hà bấy giờ đành... chào thua, không ai họa được. Cuộc sống càng tiệm tiến về thời hiện đại thì nghệ thuật chơi chữ càng thời sự hơn, cập nhật hơn. Hồi nước ta mới tiếp cận với phương Tây, có một ông huyện nọ đã tự trào bằng hai câu: “Ngựa hồng ngày cưỡi hầu hai buổi/ Súng lục đêm tuần đạn một viên”. Chưa bàn tới cái dí dỏm của chuyện “ngày cưỡi” và “đêm tuần”, ngay cách đem chữ “hồng” mà đối với chữ “lục” theo cách... chơi lóng đã là một nghệ thuật rồi. Vì sao gọi là “chơi lóng”? Bởi hồng trong “ngựa hồng” thì đích thị màu hồng rồi, còn lục trong “súng lục” tất nhiên chẳng phải là màu lục gì sất, nhưng ở đây tác giả đã biết mượn chữ để đối nghĩa, làm cho hai câu này đối nhau đến độ... thượng thừa, chuẩn không cần chỉnh!

Gần 550 năm trước, cách “chơi lóng” này cũng được thấy trong hai câu thơ của vua Lê Thánh Tôn (chép trong sách Thiên Nam dư hạ tập) khi ngài dừng chân ở Đà Nẵng trong buổi thân chinh mở cõi về phương Nam: Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền. (Trăng Ðồng Long ba canh đêm tĩnh/ Thuyền Lộ Hạc năm trống gió thanh). Ở đây, Ðồng Long là tên vùng biển Đà Nẵng lúc bấy giờ, nghĩa là con rồng đỏ; còn Lộ Hạc là phiên âm từ Locac - tên một nước thuộc bán đảo Mã Lai ngày nay, người nước này hay đi thuyền đến Đà Nẵng buôn bán. Vậy nên, hạc trong “Lộ Hạc” thì chả liên quan gì đến loài chim hạc cả, nhưng vua Lê đã mượn từ này để đối với long là rồng ở vế trên!

Nhiều giai thoại nói về các danh sĩ đất Bắc làm văn thơ, câu đối trên đất Quảng. Chu Thần Cao Bá Quát, nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ XIX, năm đó có dịp vào Quảng Nam đến thăm nhà một cụ đồ (sau này là thân sinh nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh). Nhiều người nghe tiếng ông, bèn đến xin chữ, trong đó có một người làm đôi đèn lồng để thờ mẹ, xin một đôi câu đối Nôm. Ông tiện tay viết luôn vào đôi đèn lồng hai câu: “Trước mẹ dạy con, gió chiều nào che chiều ấy, con dạ/ Giờ con thờ mẹ, đèn nhà ai rạng nhà nấy, mẹ ơi!”. Một câu đối rất hay, dùng toàn tục ngữ mà sát nghĩa với việc tả đôi đèn.
Nhân năm mới, kể ra đây câu chuyện 5 hương lý đi Tết quan trên.

Câu đối Tết. Ảnh: V.P.Q
Câu đối Tết. Ảnh: V.P.Q

Năm đó mất mùa, 5 lão hương lý nọ “gặt hái” không nhiều lắm. Cuối năm, đi Tết quan trên mà đi riêng thì quá tốn kém nên cả bọn mới tính toán đi chung cho vừa “rẻ” vừa “hoành tráng”. Đi Tết, tất nhiên phải nằng nặng một chút, kẻo lại mất lòng quan trên, nhưng đã “đưa ra” rồi thì cũng phải tìm cách “lấy lại” chút nào hay chút đó cho đỡ... phí! Thế là các hương lý hẹn nhau đi vào buổi trưa, cà rà một lát thì làm chi quan cũng phải mời cơm nước, rượu thịt.

Đúng hẹn, cả bọn có mặt ở nhà quan. Quan trên từng theo dõi, quản lý cấp dưới bao nhiêu năm nay rồi, còn lạ gì tính nết chúng nữa, nên bấm bụng định chơi khăm chúng một mẻ tất niên. Chờ cho năm kẻ thuộc hạ khúm núm yên vị vào cái trường kỷ khảm xà cừ bóng loáng, quan bảo cuối năm làm câu đối cho vui nhà vui cửa, rồi xuất ngay vế đối: Bay sống, văn lợi giấy.

Ý quan nói, lũ bây mà sống thì viết văn cũng lợi giấy, bởi bây quá hà tiện. Vì văn của quan thuộc hạng quá “xuất chúng” nên thoạt đầu nghe qua, cả bọn ngơ ngác chẳng hiểu ất giáp gì. Một lát ngẫm nghĩ, ai nấy mướt mồ hôi, nhỏ to bàn nhau đối lại không thì... chết. Đã đi chung thì đành phải đối chung vậy, mỗi người một chữ. Nghe thiên hạ bảo, đối là chữ đối phải cùng tiếng với chữ ra đối nên lão thứ nhất ra chữ Tung (đối với chữ bay). Lão thứ hai: Chết (đối với sống). Lão thứ ba: Điển (đối với văn). Lão thứ tư: Tốn (đối với lợi). Lão thứ năm: Tờ (đối với giấy). 

Ghép lại thì cả hai vế đối là: Bay sống, văn lợi giấy/ Tung chết, điển tốn tờ.

Vế đối lại thoạt nghe có vẻ không có nghĩa gì, tuy từng chữ đối nhau chan chát. Nhưng khi lái lại theo kiểu Quảng Nam thì... tuyệt tác: Tết chung, đỡ tốn tiền! Nó tuyệt ở chỗ, tuy có “lắp” từng chữ nhưng lại nói lên tình cảnh dở khóc dở cười của cả bọn. Đến thế này thì quan đành... bó tay và vui vẻ mời cả bọn ở lại ăn bữa trưa tất niên.

VIÊN PHÚC QUÂN
PS sưu tầm 


tin tức liên quan