"Chuyện ở làng Bòng" - Truyện ngắn của Nguyễn Bổng

Ngày đăng: 09:21 07/02/2020 Lượt xem: 748
CHUYỆN Ở LÀNG BÒNG.
Truyện ngắn Nguyễn Bổng.


Nhà văn Nguyễn Bổng trong buổi giới thiệu tác phẩm: Của Thiên Trả Địa 
được tổ chúc tại Văn phòng Huyện ủy Hải Hậu ngày 30 tháng 09 năm 2018
 
          Ơí trời cao đất dầy ơi…! Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối…có khi nào con không cúng lễ đủ mà Trời Phật, Tổ tiên bắt con phải bất hạnh thế này…ới ông Thảo ơi… sao ông không cho tôi đi cùng…!Ơí ông Thảo ơi...Giầu hai con mắt…Ông sống khôn chết thiêng hãy chỉ chỗ…cho...
         Khác với cái dáng ngúng nguẩy tý tởn, kiêu kiêu mọi ngày, người đàn bà phốp pháp lăn lộn, nhầu nhĩ quần áo tóc tai, lòi cả mảng bụng trắng hếu có cái rốn sâu hun hút gào khóc thảm thiết bên cái xác co quắp cháy đen nham nhở. Vây xung quanh chao ơi người là người, vòng trong vòng ngoài, cứ vịn vai nhau mà chen, mà kiễng chân. Người ta hiếu kỳ cốt tận mắt xem sự thể ra sao. Bởi sinh, lão, bệnh, tử ai mà tránh được. Có điều cái chết của ông Thảo nó đột ngột và thảm quá, rồi cả làng cứ đồn thổi mãi lên thành chuyện lạ, rồi nó cũng là cái cớ để người ta moi móc gốc rễ, củ quả đủ chuyện vê ông. Lão Tỷ hói như đã rõ mọi chuyện nhếch mép, chả hiểu lão cười hay mếu chui ra khỏi cái đám hỗn độn ấy.
         Hồi ấy cái làng Bòng này còn gọi là làng Điều mới có mươi nóc nhà sống bằng nghề chài lưới. Ngoài những người quăng chài lặn hụp suốt ngày mắt đỏ như mắt cá rói thì những người đàn bà đều bị lông quặm, mắt luôn đỏ đọc viền điều nên người ta gọi mãi thành tên làng. Ông bà Thương từ Trực Ninh thay nhau gánh một gánh bên nồi bên con, bên con chính là đứa con đầu của ông bà là Thảo về nhập làng. Thảo lớn lên trong đùm bọc của bà con lối xóm. Rồi chiến tranh lan nhanh, lớp trai làng nhập ngũ đi hết vào chiến trường. Thảo đợt lấy quân nào cũng viết đơn tình nguyện, và đợt nào cũng huyết áp cao và bị trả về. Rồi anh trở thành đối tượng cảm tình Đảng, được giao làm cán bộ đoàn xã. Chỉ một mẫu bèo dâu anh đã được kết nạp Đảng. Sau thống nhất đất nước anh được tổ chức cất nhắc ở nhiều cương vị công tác và nhanh chóng là cán bộ chủ chốt xã.
         Hồi ấy làm Chủ tịch ủy ban xã, Thảo nhận ra cái sân kho của H.T.X. ở vị trí đắc địa. Đắc địa vì nó gần Quốc lộ 21, diện tích khá rộng, thứ nhất cận thị thứ nhì cận giang, nhất chì, nhì viên, tam điền, tứ thiết và thông tiền khoáng hậu. Đất ấy ở, canh tác, hoặc buôn bán đều tốt. Thảo mỉm cười, nhắm tít hai con mắt rắn ráo, khẽ gật đầu. Mái tranh nhà mẹ Xuân, mẹ Liệt sỹ cô đơn không nơi nương tựa mà Thảo nhận là mẹ nuôi hồi đang có phong trào nhận kết nghĩa với gia đình Liệt sỹ đã xẻ rãnh và dột nát. Tập thể bàn xây lại, thay bằng mái ngói cho mẹ. Nhưng Thảo chủ động bàn với mẹ làm đơn xin chuyển đổi ra cái sân kho ấy do cơ chế sát nhập hợp tác xã toàn xã nên bỏ không. Nghe có lý có tình, đơn đã viết sẵn, mẹ đồng ý và điểm chỉ vào đơn. Mấy cuộc họp bàn về xây nhà tình nghĩa cho mẹ Xuân được đồng tình cao của tập thể. Ai cũng tâm đắc ý kiến của ông chủ tịch Thảo. Ấy là, phải thi công móng kiên cố và rộng hơn nhà ở, sau này mẹ trăm tuổi về già thì dùng vào làm nhà thư viện hoặc nhà truyền thống của xã, có xây hai ba tầng cũng không phải làm lại phần móng, bởi mẹ chỉ có một con trai độc nhất hy sinh, anh em đôi bên đều chết đói năm 1945 cả. Chính ông mang đơn lên ủy ban Huyện rồi ủy ban Tỉnh xin vật tư kinh phí của trên hỗ trợ. Từng loại sắt thép trực tiếp ông giám sát đánh bằng cát, bằng gạch phồng đến sáng loáng mới dùng vào đổ móng, quây nền. Nhiều người tròn xoe mắt bảo; từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa thấy ai đôn sắt thép xi măng xuống cái móng nhà lãng phí đến thế. Rồi mấy tháng sau ngôi nhà ngói tình nghĩa rộng rãi, cao ráo thoáng mát có thể nói là đẹp nhất làng đã đón mẹ Xuân tuổi ngoại 70 về ở trong niềm hân hoan của làng trên xóm dưới. Một mình lếnh loáng vào ra nhưng mẹ vui lắm. Gặp ai tới thăm mẹ cũng bảo, dẫu ở được một ngày cũng mát dạ ngàn thu. Đó là cái tình của Đảng, cái nghĩa của dân nhưng còn đáng ghi lòng tạc dạ nữa là công của anh Thảo con nuôi đã hết lòng giúp mẹ. Để có người hú hí với mẹ cho đỡ buồn và cũng yên tâm có thêm người hỗ trợ cơm nước hàng ngày, ông Thảo còn cho thằng Hiền con lớn về ở với bà. Ai cũng khen là Thảo biết nhìn xa trông rộng. Ngày đón danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh Hùng”của Nhà nước trao có đông đủ lãnh đạo địa phương, cơ quan nhận nuôi mẹ cuối đời, họ tộc xa gần thật trang trọng. Thảo không quên cùng vợ và con trai chụp ảnh với mẹ rồi phóng thật to treo hoành tráng trên tường. Những cây mít, cây hồng, na bòng, khóm nhài, khóm mẫu đơn…được trồng thật đẹp trong vòng ôm của hàng cau xung quanh thổ thông qua phong trào “kế hoạch nhỏ” của thiếu nhi, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của chi đoàn thanh niên cũng đã cho hoa trái. Hàng năm dịp lễ tết Trung Thu các cháu còn về đây cắm trại phá cỗ trông trăng làm lòng mẹ Xuân như ấm lại những năm cuối đời.
         Chiêm nối mùa, năm tháng qua đi mẹ Xuân cũng đã yên mồ cao mả đẹp. Ngôi nhà Tình nghĩa của mẹ có vài cháu họ xa làm đơn xin được thừa kế nhưng không được chính quyền xã đồng ý bởi thằng Hiền mới là cháu đích tôn của cụ, tuy là cháu nuôi nhưng có giấy tờ và xác nhận của chính quyền hẳn hoi. Nghe vậy, không ít người lắc đầu, cười ruồi, im lặng chả ai thể hiện chính kiến. Thằng Hiền học lên rồi đi du học nước ngoài. Ngôi nhà trở lên hoang lạnh, đóng cửa im ỉm trừ năm mấy lần được Chính quyền và Hội Cựu chiến binh tới thắp hương nhân ngày giỗ mẹ, ngày lễ tết. Không có người ở và tu sửa thường xuyên nên nó xuống cấp rất nhanh, mà hình như chủ của nó cũng mong như thế. Cây trái trong vườn cũng ngừng ra hoa kết trái. Cũng có vài người nhắc đến chuyện xưa cái ý định chuyển thành nhà thư viện khi mẹ Xuân mất nhưng chả có văn bản nào để lại. Nó nhanh chóng chìm vào dĩ vãng như cơn gió thoảng qua bởi cả xã hội đang khó khăn, nhiều khoản chi tiêu khác cần hơn cái thư viện. Người ta nghĩ đến ông Thảo, chắc rồi số phận cái nhà cũng hóa giá như những cái sân kho khác và mua rẻ như cho. Nhưng không. Mới đây, ông đã mua một cái thổ của một hộ đi kinh tế mới sát đường cái cũng với giá rất bèo nhưng mang tên con gái. Rồi tiếp theo, ông bán nhà cũ xây nhà mới. Rồi lại xây nhà mới nữa, cái biệt thự sau to hơn, hoành tráng hơn cái trước. Ai hỏi ông bảo tiền của cháu ở nước ngoài gửi về xây giúp nó chứ thực ra ông vẫn chưa có nhà, vẫn ở nhờ nhà con. Do nắm được thông tin, nên khi đền bù đất giải tỏa mở đường ông âm thầm mở bao tải đựng hàng tỷ đồng. Người ta kiểm kê được vài chục hộ đã nhờ ông thò bút vào biên bản mua bán, biếu, tặng, đổi chác…nên khi Nhà nước trả tiền đền bù của các hộ này đều có yếu tố không thể thiếu quyền lợi của ông. Nhiều người phàn nàn, thậm chí oán trách nhưng ngậm bồ hòn làm ngọt bởi đã chót... Bà vợ ông thì luôn leo lẻo cái mồm rằng: Tôi thề có trời đất, quỷ thần hai vai, ông Thảo bằng ấy năm làm cán bộ có đưa cho tôi một triệu nào tôi ăn cứt cho con cháu các ông, các bà. Nghe vậy, mấy bà trong làng bảo:Nếu ứng nghiệm có mà xác chết đầy đường chả kịp chôn.
         Thời gian cứ như chớp nắng, nhoàng cái đã đến tuổi nghỉ hưu. Ông Thảo dẫu có tiếc nuối đến mấy rồi cũng phải hạ cánh. Ông ngồi nhẩm tính số lợi nhuận đã đổ vào nhà nghỉ nơi thằng thứ hai ở Sài Gòn, nhà hàng ăn uống ở Vũng Tầu do con gái và con rể kinh doanh trong những năm qua. Ôi, lãi có vài chục cây vàng mà cả làng đã đồn tới vài trăm cây. Mình giầu nhất làng nhất xã chứ so với phố chỉ bằng con tép riu.  Mình không giỏi kinh doanh thì đầu tư cho con trên phố, còn lại cứ mua đất để đấy là thượng sách. Còn bây giờ thì phải xây cái nhà cho ra cái nhà để hai vợ chồng dưỡng già cái đã, rồi mỗi cặp con một phòng riêng khi có dịp lễ tết các con về chứ. Nhưng mà vẫn lấy tên con là thằng Hiền đang ở trời Tây đứng sổ đỏ. Người ta giật mình bởi ông xây tới năm cái biệt thự mà khi Đảng kê khai tài sản, ông vẫn vô sản bởi về pháp lý ông chưa có nhà.
         Người ta ngạc nhiên hơn khi thấy ông bà Thảo đón thầy cúng về nhà mẹ Xuân, trống mõ rền vang từ đêm đến sáng, cứ nghĩ là động mồ động mả hay cúng sao giải hạn, hóa ra là hạ giải cái nhà, và động thổ để xây cất. Cái thủ lợn luộc mõm vẫn còn sót lại lún phún lông tơ, con gà trống khỏa thân nằm trên mâm xôi, mấy mâm hoa quả nào chuối, cam, táo tầu cưỡi lên nhau cùng tiền vãng mã... làm cả đội thợ ngạc nhiên. Họ đang nghĩ; chắc cũng như các chủ khác, trưa nay sẽ được hưởng lộc no nê gọi là bữa vào nên tất cả đều báo ở nhà cắt cơm trưa. Công việc đã hòm hòm, bỗng bà Thảo đong đưa con mắt lá răm vẻ hài lòng:
- Dạ thưa các bác phó. Thiển nghĩ hôm nay giờ đẹp, ngày đẹp, các bác làm việc nhiệt tình, năng xuất, vợ chồng em cảm ơn. Buổi đầu, vạn sự khởi đầu nan, xin mời các bác nghỉ tay sớm một chút, chiều xin  làm sớm cho các bác phó nhá. Vợ chồng em chào các bác.
         Nói rồi mụ ngoay ngoảy cái mông đội mâm xôi con gà, người nhà đội thủ lợn hoa quả theo lão thầy cúng…ra khỏi cổng để lại bao con mắt thất vọng, ái ngại.
Một ông chừng không kìm nổi, khạc một phát, nhổ toẹt bãi bọt, nói tướng lên, có ý cho mụ nghe thấy;
-  Giầu mà ki bo thế giầu làm đếch gì, các bố đây không phải là lũ chết đói đâu nhé. Loại mọt già đồng lõa mối non, đã chín đụn còn muốn tham đụn nữa là mười, rồi cũng của thiên trả địa thôi!
         Việc đầu tiên là rỡ nhà để xây tường bao xung quanh năm sào thổ ở cao hơn đầu người và cái cổng hoành tráng chả kém đại gia trên phố. Khi kín cổng cao tường rồi mới xây đến nhà. Ông Thảo bảo: Cái làng Bòng này là lắm chuyện lắm, thối mồm lắm, một phát rắm họ thổi lên thành quả bom. Các thông số kỹ thuật của cái móng nền nhà khi xưa hạ kiên cố đến mức kỹ sư cũng không tham gia được gì cùng cái sổ đỏ đã chuyển tên mẹ Xuân sang chính chủ tên con ông là Hiền cháu nuôi mẹ càng làm ông đắc chí mà thi công tùy ý. Công trình của cái biệt thự Tây nhiều mái cứ lừng lững chồi lên. Kẻ khen, người chê. Mặc. Ông để ngoài tai, bởi chỉ có thợ mới được qua cổng, còn lại dân làng chỉ đứng ngoài mà trầm trồ hoặc xít xoa. Mạnh về gạo, bạo về tiền, chỉ vài tháng đã đến phần đổ mái trên cùng. Kém chồng gần chục tuổi, mụ vợ ông ngày nào cũng đung đưa cặp mông căng cứng trong cái quần bò và đôi mắt lá răm ươn ướt, cái mồm dẻo kẹo nhắc thợ gom gọn từng vỏ bao xi măng, mẩu sắt vụn, cái đinh hỏng… để mụ còn bán cho đồng nát. Ông Thảo nở từng khúc ruột. Ông đang nhâm nhi li cà phê và nghĩ đến sớm mai đúng giờ đẹp, ông trực tiếp đổ xô bê tông đầu tiên lên phần mái cuối cùng của căn biệt thự mà bao nhiêu tiền của công sức của ông.
         Mới chiều qua thôi, ông còn nhắc đi nhắc lại anh em; phải sàng kỹ cát, chọn đá thật kỹ, rửa thật sạch. Không để sót một vỏ sò vỏ ốc. Khi làm xong phần sắt và cốp pha phải tuyệt đối không được bỏ vật gì vào túi quần, túi áo, kiểm tra kỹ cúc áo cúc quần không để nó rơi ra, kể cả những thứ giắt trên mang tai, bởi chỉ cần một mẩu bút chì, nhíp nhổ râu, cái lấy ráy tai, con cào cào bay vào, hay nhỏ hơn là cái tăm ngậm miệng vô tình rơi vào bê tông không sớm thì muộn cũng làm cho bê tông giảm tuổi thọ. Ông đã hình dung ra gian thờ mẹ Xuân cùng bố mẹ ông phải thật trang trọng. Bên phải sẽ là bức ảnh to chụp mẹ Xuân và vợ chồng con cái ông sẽ đập vào mắt bất cứ ai bước vào căn phòng khách. Nó như cái bùa hộ mệnh, nó như bức thông điệp hùng hồn về chủ quyền trọn vẹn đất nhà, và cái bất khả kháng với ai tò mò toan tính. Bên trái sẽ là…Phòng nghỉ của vợ chồng ông sẽ là…Phòng của các con ông sẽ là…
            Chợt có tiếng sấm nổ bất ngờ rất gần rồi chạy lan về phía đầu làng cắt ngang luồng suy nghĩ của ông. Chớp lóe lên loằng ngoằng xanh lét từ phía biển theo cơn giông bốc lên ngùn ngụt. Đèn điện phụt tắt. Ông Thảo chợt nhớ ra cái giàn sắt mái công phu sạch đến không thể sạch hơn như đám thợ tấm tắc khen nếu bị mưa kéo dài, nước mưa cưa trời sẽ làm hỏng. Ông rút điện thoại gọi hết thợ này đến thợ khác nhưng chả ai đến che sắt cho ông dẫu ông trả công rất hậu. Con vợ quăng cái quả mông tròn vo trong quần bò lăn đến từng nhà nhờ làng xóm với cái mồm ướt rượi dẻo kẹo. Mụ mồm năm miệng mười, rồi năn nỉ, rồi khoán cử đến giá cao bất ngờ mà chả ai động lòng nhận lời. Mụ vừa nguyền rủa cái lão thầy chó má xem ngày lành tháng tốt mà như cứt, lại lầu bầu luôn mồm chửi cái đám thợ, cái lũ dân làng Bòng đã đói rạc xác rã họng còn sỹ diện, dám chê tiền của mụ. Ừ, thì cứ cho là mụ cho vay nặng lãi đi, bán thuốc sâu phân bón kém chất lượng đi nhưng cũng phải dùng trí tuệ chứ, sao chúng mày không làm, không giầu? Chúng mày ganh ăn tức ở à? Chúng mày làm như vợ chồng tao ăn mất phần cơm bố chúng mày ấy à! Hãy nhớ lấy…
         Những hạt mưa đã lộp bộp rơi xuống. Ông Thảo đành hô vợ và vài anh em con chú bác bấm đèn pin mà bất chấp nguy hiểm leo lên mái sắt để kéo bạt che. Gió đã giật mạnh từng hồi. Những hạt mưa nặng hơn, dầy hơn quất vào mặt rát như ném cát. Cái phần bạt đã che bỗng bị gió gật tung như một cánh buồm hứng gió bay khỏi mái. Tiếng quát tháo của ông Thảo mỗi lúc một gay gắt. Tiếng mụ vợ the thé, è è chả làm cho mưa gió cảm thông. Những tia chớp giật quất ngang đầu, sấm sét xé ngang tai nổ toang toác như bom đã làm mọi người tá hỏa tìm đường bò xuống. Ông Thảo bức xúc vừa quát tháo chửi, mà chả hiểu chửi vợ con anh em hay chửi cánh thợ, chửi dân làng chê tiền bỏ ông lúc này, ông vừa cố kéo cái góc một cánh bạt để buộc lại. Một tiếng nổ không lớn lắm chỉ nghe cái xoẹt.. ịch… ngay trên mái kéo theo là một màn ánh sáng xanh lét man dại quét nhanh qua mái sắt nóng bỏng. Vợ ông bịt tai, nhắm mắt. Vừa hoàn hồn mụ bỗng nhớ ra chồng mụ vẫn còn trên mái. Mụ tru tréo đến lạc giọng;
            - Trời ơi! Ông Thảo. Còn ông Thảo trên mái. Ông đã xuống chưa! Có sao không?
            Khi anh em con cháu ông leo lên mái thì bỗng chứng kiến cảnh tượng hãi hùng. Ông đã bị cháy đen. Mùi thịt cháy khét lẹt gây gây, cánh tay ông còn ôm lấy cây sắt to phải vất vả lắm mới gỡ được ra. Hai hốc mắt chỉ còn là hai hốc đen xì. Có luồng điện cực mạnh đã moi cặp mắt quăng đi.
            Sáng hôm sau, chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng, đám thợ chống cuốc xẻng đứng lắc đầu rồi lặng lẽ từng người, từng người một lách đám đông rút dần. Hàng chục con người đi tìm đôi mắt ông Thảo đều vô vọng khi mọi ngóc ngách giàn giáo đều được bới tìm. Mặc dù mụ vợ đã khoán tới 5 chỉ vàng nếu ai tìm thấy đôi mắt ông, thế mà đã một ngày trôi qua vẫn bặt vô âm tín. Đã đến giờ khâm liệm. Chiếc quan tài đã đưa đến bên giường mở nắp. Bất ngờ mọi người đều đổ xô về góc ao khi có tiếng kêu như reo lên.
- Đây rồi. Cả đôi mắt đây rồi. Thật là ông trời có mắt.
         Người ta xúm lại xem hai con mắt cháy thèm thuội chỉ còn nhận ra lờ mờ lòng trắng trong hai cục thịt lầy nhầy lẫn máu. Lão Tỷ rầu rầu bảo mụ vợ ông Thảo rằng:
-  Vì là bạn chăn trâu với nhau nên hình như ông Thảo có ý nứu mắt ông chiếu vào đám cỏ sát chỗ ông đứng đái, kiến đã bu đen!
            Lão Tỷ đứng trước cái xác cháy đen. Hai tay lão giơ cao cái dúm lá khoai đựng hai con mắt mà chỉ mụ vợ ông Thảo được nhìn kỹ. Lão lầm rầm khấn cái gì đó một hồi. Lão nhanh chóng mở tấm vải. Hai cái hốc đen lộ ra, lão đưa hai con mắt nhét nhanh vào đó rồi cũng nhanh chóng đậy lại như một người có tay nghề thành thạo. Lão chắp tay lùi lại cúi đầu thẽ thọt;
            - Thôi thế là ổn, giầu hai con mắt. Cố mà giữ ông Thảo nhé, để về bên kia nhìn cho rõ nhé…Tỷ này chỉ có thể giúp được bạn thế thôi. Vĩnh biệt!
 Từ một người chẳng ưa gì vợ chồng ông Thảo, lão Tỷ bỗng trở thành ân nhân của gia đình nhất là mụ vợ ông Thảo.
         Ngược dòng người đưa ông Thảo về nơi an nghỉ ngoài đồng là lão Tỷ. Lão tìm hàng thịt chó để tự thưởng chiến công thông minh nhất của đời lão. Lão hả dạ đã trả được cái cục tức trong ngực bấy lâu.
         Chả là hồi ấy, lão đẻ liền hai đứa con gái thì có phong trào đình sản nam. Rồi đúng vào dịp bầu cử hội đồng nhân dân xã, tay Thảo vận động mãi được hai ca đình sản nam, mà chỉ tiêu phải có ba ca huyện mới thưởng cái ty vi mầu.  Thảo vận động lão mãi không xong, rồi lại năn nỉ lão. Thảo còn hứa ngòai tiêu chuẩn chung của huyện, xã, còn cho thêm 50 kg thóc nữa và miễn nghìa vụ lợn một năm. Rồi thì là…chỉ thắt ống dẫn tinh…sau này khi kinh tế khá giả sẽ cởi ra đẻ lại có sao đâu! Lão đang khó khăn nên gật đầu lia lịa. Kinh tế càng ngày càng sa sút. Sức khỏe ngày càng thất thường, có lẽ cũng tại cái khoản đình sản chăng. Chuyện vợ chồng chăn gối càng rắc rối, bức bối, lủng củng, tễu tợt chả ra sao. Cái cần tăng dân số khi  đã ngóc đầu cứng ngắc mà không phụt ra được nó không chịu xuống làm cho vợ phải chịu sự hành hạ điên cuồng như bị hiếp dâm suốt đêm, gây ra xung đột trong sinh hoạt gia đình.
         Một lần nữa lão lại nghe  Thảo làm đơn đi kinh tế mới. Ông ta bảo: Vào Lâm Đồng thả sức mà canh tác làm giầu, đất rộng mầu mỡ, người thưa, cởi dây thắt ống dẫn tinh ra mà đẻ, chả ai phạt cả, tướng ông đầy con trai. Ba sào thổ đầu đường xó chợ, cái nhà tranh ọp ẹp, bán như cho mà chẳng ai đủ tiền mua. Thế là mụ vợ tay Thảo chồng tiền làm giấy.
         Năm năm ở vùng kinh tế, những cơn sốt rét rừng suýt lấy mạng lão. Vợ con không hợp thủy thổ nên yếu đau luôn. Con lão có nguy cơ thất học vì tiêu chuẩn nhà nước cấp ăn đã hết. Cây công nghiệp cấy không có tiền mua phân bón còi cọc chưa được thu. Cuối cùng lão quyết định hồi hương.
         Về quê, lão đến thăm Thảo, có ý đưa lời chuộc lại một phần thổ đã bán  để ở. Ông ta gạt phăng: “ Đất ấy ven đường trục, mới được Tỉnh quy hoạch, giá trị của nó gấp cả trăm lần khi ông bán, liệu ông có đủ tiền?” Thế là lão đành nhìn mà nuốt hận, tiếc mảnh đất cả đời lão chắt chiu vun vén. Bây giờ nó đã trở thành cái biệt thự có cái biển treo cao CÔNG TY T.N.H.H…do con gái  Thảo làm chủ…
         Gắp miếng thịt chó quệt mắm tôm cho vào miệng, nước miếng đã tứa ra, cắn một miếng riềng, lão nhẩn nha nhai để tận hưởng cái giòn thơm của da, cái ngọt, cái ngầy ngậy của miếng khấu đuôi đang đánh thức cái lưỡi, cái chân răng, rồi từ từ trôi vào chỗ vô cùng vô tận. Chiêu một hớp cuốc lủi đánh thức con tỳ con vị đã đói từ lâu. Lão nhắm mắt lại khẽ dựa ghế ngửa đầu. Lão lẩm bẩm: Hừ! Giầu đếch đến ba họ…Đôi mắt lợn nướng dở mà con vợ mày phải mua 5 chỉ vàng là cái giá phải trả của thuyết bù trừ đấy, Thảo ạ! Nếu tao không mắc lừa mày bị hoạn, thì cái bộ ngực vĩ đại và cặp đùi ếch trắng hếu, cái phao câu thây nẩy của con vợ mày làm sao thoát khỏi tay tao. Ngày xưa nuốt thuốc lào cho tăng cao huyết áp không phải đi Bộ đội mày đã lừa được Bác sỹ, nhưng chỉ mình tao biết, tao không tố mày đã là chuyện tử tế lắm rồi. Thế mà mày trả ơn tao tệ như chó. Còn cái việc lợi dụng chức quyền vơ vét của dân, ăn không từ một thứ gì, rồi bao nhiêu dự án… thậm chí mưu sâu, kế hiểm mua bán nhà đất, chiếm cả nhà đất của mẹ Xuân, mẹ V.N.A.H thì chỉ có trời có mắt. Tham thì thâm. Thuyết nhân quả cả đấy!
         Biết không thể trụ lại với mảnh đất làng, mụ vợ ông Thảo cùng các con lần lượt bán nhà đi nơi khác sinh sống. Cái ngã tư làng Bòng từ phong trào xây dựng“Nông thôn mới” đường đã cứng hóa thênh thang viền hoa đỏ trắng vàng, rất nhiều nhà tầng, biệt thự đã mọc lên. Duy cái biệt thự Tây xây dở, sắt đã hoen gỉ nham nhở trở thành phế tích không ai dám mua, mà thu hồi xung công cũng không được. Nó vẫn là tiêu điểm của những câu chuyện thêu dệt đã qua nhiều cơ chế kinh tế ở làng Bòng. Duy có một điều lạ không ai dám thêm bớt, khóm Mẫu đơn trước hiên nhà mẹ Xuân bốn mùa lúc nào cũng rực tươi mầu đỏ của hoa.
 
Nguyễn Bổng
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn.
 

tin tức liên quan