Mùa xuân chơi thơ
GẦN LẮM…YÊN PHONG
(Ghị chép của Phạm Đăng Kiểm - Nhị Hà)
Ở đời, nhiều cái tình cờ mà nên nghĩa, nên tình. Bà xã tôi, năm 1968 là quân y sỹ Binh trạm 35, Đoàn 559, nghe nói đã được cánh lính trận Trường Sơn phong là “Hoa rừng” giữa xứ rừng rú đầy bọ chét, gió Lào và thứa thừa gian khổ, đạn bom ác liệt. Lính pháo, lính xế Trường Sơn ai “may mắn” bị thương, được vào đội Điều trị chăm sóc, chắc không lạ gì Hoa Rừng Phạm thị Nhung! Vậy mà mãi tới năm 2003, Ban Liên lạc Trung đoàn 536 còn “treo giải”: kẻ nào tìm được tung tích Nữ quân y Phạm thị Nhung sẽ được trọng thưởng (?). Vì có tin bà này ế chồng, giờ vẫn là “lính phòng không”, đồng đội, chiến hữu xót thương, quyết tìm ra bằng được!
Đùng một cái.
Đầu xuân năm 2003 tôi lù lù chở Quân y sỹ Phạm thị Nhung của họ tới cuộc họp mặt lính tráng Trung đoàn 536 tại nhà anh Nguyễn Hữu Biên ở thôn Đông Mơi, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đồng đội ngày xưa – các cụ, các ông, các bà hôm nay, mừng vui khôn tả, nhất là lại được tin cái Nhung đã có 2 con, đã lên bà ngoại; lại vớ được ông chồng… Đại học, có tài…rong chơi (!) văn thơ lai láng, nghe đâu lại là Thương binh chống Mỹ từ năm 1972 (!). Thế là hợp gu với cánh lính già, chuyện cứ nở như ngô rang, không đầu, không cuối.
Bà xã tôi sinh hoạt Cựu chiến binh Trung đoàn 536, Sư 471 từ đấy. Và tôi, ngẫu nhiên từ tài xế, trở thành thành viên của Trung đoàn. Khuôn mặt các chiến hữu của vợ tôi: như cụ Lan (Yên Thế); Tạ Văn Tuế (Hiệp Hòa); Đường, Đãi (Phúc Yên); Vũ Bàn (Hải Dương); Khánh, Vinh (Hà Nội); Chính (Bắc Giang), Năm, Biên, Nam, Oanh…(Bắc Ninh); … đã trở thành thân thương, quen thuộc đối với tôi. Nghĩa tình lính tráng là vậy.
Nông - gần, sâu - hóa nên xa
Mong manh đời lính lại là biển khơi.
Thật thú vị, hợp gu với tôi, “cùng cánh” với tôi lại là trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Nguyễn Hữu Biên. Hôm ấy anh “phát thơ” tứa phứa, vợ chồng tôi cũng được “phần thơ” THUỞ ẤY TRƯỜNG SƠN. Bà xã tôi đã làm bài “Nhớ” họa lại để tặng anh. Sau này anh bạn tôi – Nhạc sỹ Ngô Hiến Chung đã phổ nhạc thành bài hát THUỞ ẤY TRƯỜNG SƠN.
Thế mà, thấm thoắt đã bảy năm qua. Mùa xuân Canh Dần này anh Biên đã lên lão Bảy mươi. Năm nay anh định in tập thơ NẮNG QUÊ thành sách, có tên NXB hẳn hoi để biếu chiến hữu, bạn bè và tặng cho người thân. Anh còn lo vài mươi năm nữa “Mai sau dẫu có về trời/ Hồn thơ lưu lại muôn đời cháu con”. Đến ngày ấy, đọc thơ ông, chắc lũ trẻ nhiều đứa sẽ khóc vì cảm động, khóc vì vui sướng, tự hào. Và, chúng cũng được biết rằng làng Đông Mơi đã từng được “vinh danh”: Thứ nhât Đông Mai, thứ hai Bèo Đóm, và : “Ngõ làng chó cắn mang tai/ Quanh năm lầy lội mấy ai ngó vào”. Và, lũ trẻ cũng hiểu ra rằng, cha ông chúng – người Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Biên, từ năm 1972, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ gian khổ và ác liệt nhất ông đã là Chính trị viên Trưởng Tiểu đoàn 59 anh hùng, thuộc Trung đoàn 356 anh hùng, Sư đoàn 471 anh hùng, Trường Sơn huyền thoại gan góc và anh hùng, Việt Nam anh hùng… đã góp phần làm nên chiến thắng chống giặc ngoại xâm thần thánh và hào hùng của dân tộc ta ở thế kỷ XX.
Người lính xưa đã chấp nhận vô danh cho Tổ quốc Anh hùng, nay trở lại đời thường, lại cho ra mắt tập thơ NẮNG QUÊ mang hơi thở hừng hực của cuộc sống, ăm ắp tâm hồn thời đại, là điều đáng quý, đáng nể trọng. Có thể thơ Nguyễn Hữu Biên “thịt xương” chưa hồng hào, đầy đặn, nhưng chắc chắn…có hồn, có cốt và có ích. Tôi đọc cho anh nghe một vần thơ vui:
Bình thơ, bình thơ …đăng báo:
Biết bao “cây viết” làng nhàng
Bơm vào nhau tí…phổng mũi (?)
Ai ngờ …lại hóa thành sang
Đó là loài thơ…”sáng tác”
Có thịt, xương thiếu cốt, hồn
Ngôn từ rập rờn ong bướm
Đọc rồi theo gió thoảng luôn
Chúng tôi cùng cười vang! Thôi, xin đừng làm thơ “sáng tác” (?)
Tôi thầm nghĩ anh Nguyễn Hữu Biên chơi thơ thì đúng hơn, anh “chơi” đẹp lắm; bởi vậy bạn bè nhiều người cũng hết lòng “mê mải” vì anh. Anh hào phóng tổ chức cuộc chơi thơ NGHĨA TÌNH BẮC BẮC (Câu lạc bộ thơ Trăng Mười Bắc Giang giao lưu với thơ Đông Mơi quê anh). Nhà báo, nhà thơ Nghiêm Đình Thường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Yên Phong đã tâm huyết, cẩn trọng làm hẳn một chương trình TIẾNG THƠ CỦA NGUYỄN HỮU BIÊN phát trên Đài truyền thanh huyện Yên Phong, với giọng đọc truyền cảm, trầm lắng, ấm áp rất là chuyên nghiệp của chính thi sỹ họ Nghiêm.
Tôi đã có nhiều cuộc rượu thơ tại nhà anh Biên với các thi hữu Yên Phong. Anh Biên có giọng đọc mạch lạc, sang sảng, thu hút người nghe. Mọi người vẫn gọi anh là “nhà thơ”, anh ái ngại, giọng điệu lúng túng, chùng hẳn xuống. Tôi nói với anh rằng bạn hữu gọi thế bác cứ …vui như tết đi, em cũng coi Nguyễn Hữu Biên là nhà thơ đất Như Nguyệt đấy! bác không tự phong cho mình là được. Mọi người lại cười vang. Thế là cứ Nhà thơ, cứ Thi nhân, Thi hữu! tất tật! rượu bia, li cốc canh cách, đôm đốp, vui như hội…
Biết tôi có thơ đăng trên báo VNQĐ; Nhân dân; Văn nghệ… từ lâu, anh Biên giới thiệu tôi với mọi người “Nhị Hà viết thơ kiếm gạo đấy” làm tôi cứ áy náy mãi, thực tình đâu phải thế. Để có một bài thơ lọt vào mắt xanh của Ban BT báo Nhân dân, Văn nghệ… người viết phải lao tâm, khổ trí “đánh vật” với con chữ, và nhất thiết thơ phải có hồn, cốt và tình người. Kẻ làm thơ thường thao thức trăn trở cùng niềm vui, nỗi buồn nhỏ nhoi nhất của đồng loại. Đêm đêm cứ thả hồn vào tiếng cuốc kêu, dế gáy, trăng tỏ, trăng mờ, trời nóng, trời rét, tiếng lách nhách của mầm cây đâm chồi, tiếng trở mình của đất, tiếng bé khóc, tiếng chửi đổng của kẻ nát rượu… Nghiệp thơ là nghiệp trần ai trên đời, vướng vào người nào người ấy bị mắc nợ, thế thôi. Tôi chắc rằng anh Nguyễn Hữu Biên cũng không thoát ngoài thông lệ ấy.
Phạm Đăng Kiểm - Nhị Hà (bên trái) chụp ảnh kỷ niệm với các nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ Yên Phong
Cũng từ làng thơ, làng Quan họ Đông Mơi, từ nguyễn Hữu Biên Thi sỹ, tôi được quen biết các bạn anh, những người thơ, những Nhạc sỹ, Nghệ sỹ hào hoa phong nhã, đó là: Minh Diệp, Nguyễn Thầm, Hữu Ngoạn, Trần Thị Nhung, Khánh Luyến, Lệ Ngải, Thanh Bằng, Nguyễn Văn May, Nguyễn Văn Tụy, Đàm Thuận Linh, Nguyễn Văn Trà, Nguyễn Đức, Nguyễn Sỹ Lương, Nguyễn Sỹ Lịch, Trương Thị Lệ, Nguyễn Hữu Sương, Chu Đức Tính, Nghiêm Đình Thường, Hồng Trạch, Hồng Hạnh… mỗi người một vẻ, đều vô cùng đáng yêu, đáng kính trọng…
Tôi thầm mong Xuân này gia đình bạn bè, đồng đội, bạn thơ của Nguyễn Hữu Biên sẽ mãi cùng anh… chơi thơ, vui thơ, mãi mãi bình an, mạnh khỏe tràn trề sức xuân giữa tuổi 70,80,90, mười mươi… còn ngan ngát hương đời.
Viết giữa mùa Xuân
NHỊ HÀ (Phạm Đăng Kiểm)
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn