“TRỞ VỀ” - LẮNG NGHE TỪNG TIẾNG VỌNG THIÊNG!

Ngày đăng: 09:53 28/07/2020 Lượt xem: 336
 
“TRỞ VỀ” - LẮNG NGHE TỪNG TIẾNG VỌNG THIÊNG!
 

                                 Nguyễn Văn Nhượng
                                 
Hội VHNT Nam Định



     Ở một đất nước phải thường xuyên chống giặc giữ nước như Việt Nam thì những vết thương chiến tranh, sự mất mát đến tang thương, ám ảnh đến bầm dập về chiến tranh hẳn sẽ không dễ dàng khỏa lấp. Chúng ta có thể mau chóng lấp các hố bom, phủ lên đó màu xanh cây lá, nhưng những khoảng trống trong lòng người, có lẽ phải nhờ đến sức mạnh của tình người, của những trang văn…. Ta hãy lắng lòng mình để chầm chậm, suy tư đọc từng trang viết của tác giả Phạm Hồng Loan trong tập ký, tản văn có cái tựa mang mang bao tiếng vọng, bao niềm tâm sự thiêng liêng…“Trở về” này!
    “Trở về” vẫn mãi là khát khao của biết bao người trong và sau chiến tranh, nó là nỗi khắc khoải, nỗi khát khao cháy bỏng và mãnh liệt nhưng không bao giờ thành hiện thực, nhưng tôi hiểu đó là niềm tin sâu xa và vĩnh hằng, linh thiêng và bất diệt. Nhan đề của tập sách gợi mở bao trở trăn thăm thẳm riêng chung….Chị viết bằng sự đồng điệu, sự rung cảm tinh tế cùng những trải nghiệm ưu tư, điềm tĩnh có chiều sâu của một cô giáo dạy văn, của một người đã thấm chất văn từ thuở nhỏ, chất văn ấy, có lẽ đã được vun dưỡng ấp ủ và trao truyền từ người anh trai, người mẹ thân yêu, từ bóng dáng, hồn vía bao đời của làng quê chị. Những ghi chép của chị đan xen giữa thực tại và hồi ức; hòa quyện giữa dòng cảm xúc trữ tình, vốn không thể kìm nén trong lòng, với những dòng bình luận có khả năng khái quát hóa cao độ qua những vấn đề sự kiện được đề cập; nhờ sự dày dạn ở vốn sách vở, chị đã huy động, chọn lọc đích đáng được khá nhiều những trích dẫn văn thơ để đưa vào trong bài viết, góp phần chuyển tải thông điệp tư tưởng, cảm xúc của chính mình.
   Giữa những phồn tạp, ngổn ngang, hổi hả của cuộc sống hằng thường, chị là người luôn biết giữ trách nhiệm sống hết mình, luôn nghĩ ngợi đắn đo trăn trở thao thức, ưu tư bổn phận với quá khứ, với người thân và bạn bè. Những câu chuyện, những nhân vật chị ghi lại đều không quá cầu kì, nó hết sức chân thật, chân thật đến tận độ tinh khiết của tâm hồn, đặc biệt là những trang viết về những anh hùng liệt sĩ, những lần đi tìm hài cốt đồng đội, người thân…Tất cả đã gây cho người đọc niềm xúc động vô bờ, khơi dậy niềm trân quý những giá trị thiêng liêng, vĩnh hằng; mở ra cái đẹp trong đời sống tâm linh, cái chất thiện cần gìn giữ, cái tình tâm giao giữa con người với con người, và cả thái độ sống đối với quá khứ…. Đọc những trang văn chị viết về người lính, ta sẽ thấy được sự tàn khốc khủng khiếp của chiến tranh. Từng thước đất bị bom đạn cày xới hãy còn âm ỉ bao thương tích…Lò lửa chiến tranh – cối xay người của giặc Mĩ, đã không thể hủy diệt được ý chí sắt gang, chính nó lại là nơi thử thách, tỏa sáng sức sống kiên cường, những phẩm chất vĩ đại của con người Việt Nam; dệt nên những câu chuyện huyền thoại về một thế hệ anh hùng trong lịch sử giữ nước, giải phóng dân tộc…
    Chị không màu mè, kiểu cách, không ra sức tô vẽ, chị chỉ nâng niu, trân trọng cất giữ bằng tấm lòng mình, chiu chắt và nhờ cảm xúc thăng hoa, nhờ cái tình chân thật để đưa con người và sự việc lên trang văn, và cứ thế từng cuộc đời, từng khoảnh khắc sống đẹp của người lính đều hiển hiện lên rỡ ràng trong mắt người đọc những miền nhung, miền nhớ, miền quý, miền yêu…. Chị dành cho người anh trai liệt sĩ, những đồng đội của anh mình và những người lính ra đi từ ngôi trường chuyên Lê Hồng Phong biết bao nhiêu tình cảm hoài niệm, bao nhiêu niềm trân trọng, tự hào, mến mộ. Chúng ta hôm nay nghiêng mình trước một thế hệ tài hoa, anh hùng đã một thời “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, ra đi nhiều người không trở lại. Những dòng chân dung về người lính của chị giàu chi tiết đắt giá, ám ảnh, day dứt, khốc liệt….Đó là câu chuyện hào hùng, can trường, dũng mãnh vượt mưa bom bão đạn trên đường Trường Sơn của người chiến sĩ lái xe vận tải, anh đã chìa bàn tay mình cho đồng đội với một câu nói đầy dứt khoát và mạnh mẽ: “Cậu giật đứt ngón tay rồi khẩn trương buộc chặt lại”, rồi chính người chiến sĩ lái xe ấy, sau này, khi trả lời nhà báo Mĩ lại triết lý mộc mạc đến không ngờ: “Chúng tôi chạy là để thắng các ông. Các ông không đủ khả năng để đánh hết đường Trường Sơn đâu…để chiến thắng, chúng tôi đã tìm ra không phải một mà là nhiều quy luật để vượt lên bom đạn của các ông mà đi”. Đến đây ta hiểu sao dân tộc ta chiến thắng, đó là chiến thắng của trí tuệ anh hùng, của lòng tin quả cảm, của sức mạnh, của quy luật chính nghĩa…hay chi tiết nghệ sĩ Đức Miên hát cho một thương binh nghe trong khi anh phải phẫu thuật cưa chân mà thuốc tê không còn, “những đường dao bén ngọt lách vào từng thớ thịt. Người lính nghiến chặt răng….”. Đọc những dòng này, chúng ta vừa nổi gai như thấy da thịt mình đang bị cắt, vừa thán phục sức chịu đựng kiên cường của người lính….Dù đã đọc bao nhiêu câu chuyện thấm đẫm tình cảm được giấu kín dưới đáy ba lô nhưng khi đọc câu chuyện tìm mộ người anh trai của chị, tôi cứ bị ám ảnh, bao nhiêu mất mát đau thương cứ hiện ra, bao niềm tự hào ngưỡng mộ, bao tình cảm chân thực xúc động thắm nồng thiết tha còn đọng vương trên từng chi tiết, kết tủa trên từng hình ảnh, gieo ấn tượng mạnh trong tôi là hình ảnh một người  trai trẻ cần cù, giỏi giang, vị tha nhân hậu, nhường nhịn yêu thương, giàu ý chí nghị lực, giàu khát vọng cứu nước. Tôi cứ bị quẩn vấn mãi trong đầu về câu nói của anh  trong nhật kí: “Nếu nước mắt có thể làm con người sống lại thì bây giờ trên đất nước mình có thêm bao dòng sông rồi”. Nó như một khái quát, nhắc nhớ da diết về mỗi bổn phận của mỗi chúng ta hôm nay vậy…
    Có thể nói, qua tập “Trở về”, chị đã làm sinh động và lấp đầy thêm ở mỗi trang văn viết về người lính bằng niềm tự hào trân trọng xúc động của một người em, người cháu, của người đi sau nhìn lại quá khứ cha anh….đủ để mỗi chúng ta thấm thía máu xương của các thế hệ đã đổ xuống cho bầu trời quê hương được yên bình…Những con người “không ai nhớ mặt đặt tên”, chỉ biết rằng họ “đã làm ra đất nước”; chỉ biết rằng “khi đất nước cần họ biết sống xa nhau”, “ngày chia tay không hề rơi nước mắt, nước mắt dành cho ngày gặp lại”. Người đọc nghẹn lòng xúc động qua những câu chuyện tìm mộ, những linh cảm tâm linh về những anh hùng liệt sĩ. Giọng kể của chị cứ thế thủ thỉ, chân thành, đủ cho ta nhập tâm vào câu chữ để các nhân vật của chị hiện ra bằng xương thịt, bằng cả hồn sống, khiến ta rưng rưng, vừa nghẹn ngào ngẫm ngợi vừa tự hào tin yêu…. Đạn bom đã khuất lại phía sau, những nỗi nhớ niềm thương, những tấm lòng thơm thảo hôm nay đón các anh trở về với đất mẹ an hòa; những câu chuyện về người lính, về người đàn ông khóc, về ngày hội khóa tâm linh của chị hẳn sẽ còn âm vang mãi mãi, nó cho ta hiểu hơn vì sao dân tộc ta trường tồn và bách thắng mọi kẻ thù, bởi chúng ta có cả những thế hệ người lính như thế, đúng như lời Douglas MacArthur đã từng chiêm nghiệm, ngợi ca: “Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và sẹo chiến tranh nặng nề nhất”. Bởi lẽ đó mà chị đã trang trải với người lính, những chiến binh anh hùng bằng một trái tim thắm đượm tình yêu thương, trân trọng và ngưỡng mộ!

*      *      *
    Cuộc đời này thực sự có đáng kể không, có đáng sống không, hẳn có lẽ nằm ở tình yêu mê say mà mỗi người dành dụm, chắt chiu, nó không ở đâu xa, nó nằm ở ngay những khoảnh khắc hạnh phúc mà mỗi người đã và đang tạo ra trong kí ức cũng như hiện tại. Ở mảng tản văn, tác giả đã thêm một lần nữa hấp dẫn người đọc bằng một giọng văn trau chuốt kĩ lưỡng, câu chữ gợi hình gợi cảm đằm thắm, ngọt ngào, giàu nhịp điệu thanh âm, giàu luyến láy chất thơ với những cảm xúc tinh tế, trong trẻo, hồn nhiên mê say....Chị đau đáu nhớ thương mảnh ao nhà sâu lắng hồn quê, nơi chứa đựng bao điều thú vị, nơi hội tụ những trò chơi thời niên thiếu, nơi con người được đắm đuối với thiên nhiên mát lành, êm dịu. Cả một trời cổ tích huyền thoại được mở ra từ khoảng không gian ấy. Những thanh âm của chim chóc chuyền cành, những sắc màu xanh non của cây lá bao bọc lấy ao quê. Đó là những thanh sắc cuộc đời lặn vào tuổi thơ mỗi người đang không ngừng nuôi dưỡng cho tâm hồn bình yên trước bao sóng gió của cuộc đời. Chị xác thực với lòng mình: “Mỗi khi về quê, ngồi trên bờ ao, soi mình xuống nước, tôi thấy cảm giác yên bình đến ngỡ ngàng. Tĩnh lặng mà xao xuyến. Giản dị mà sâu lắng, thiết tha. Con người đôi khi cần những giây phút lặng yên để suy tư, để lắng nghe trong sâu thẳm lòng mình, lắng nghe những lời thầm thì từ cuộc sống để hiểu ra những điều mà có khi kiếm tìm gần hết cuộc đời vẫn thấy ở đâu đó. Rất xa”. Chị sống bằng kí ức, chiêm nghiệm bằng niềm tin của ký ức nên suốt đời đi kiếm tìm lại những gì xưa xa, những giá trị thuần khiết, vĩnh hằng như lắng nghe lại những thanh âm thầm thì, xao xuyến của bến sông quê nhà, của sóng biển quê hương. Chị quay quắt trong những nỗi nhớ niềm thương bổi hổi bồi hồi. Tình yêu trong chị như một điệp khúc chảy tràn ra để ngưng thành thơ thành nhạc, một chất thơ chất nhạc rưng rưng, say sưa, ngây ngất, miên man: Cứ thế. Ta lớn lên trong vị mặn chát của những giọt mồ hôi khi mải chơi khăng, đánh đáo, đánh chắt, chơi chuyền, trong ấm dịu mùi khói lam chiều vương trên mái bếp lúc chiều buông, trong vị ngọt phù sa khi dòng sông đong đầy con nước lớn. Yêu bến sông mùa xuân êm đềm, lững lờ trôi xuôi với những làn mưa xuân ấm áp cho thảm cỏ ven đê bừng lên sức sống. Yêu bến sông mùa hạ với những trận mưa xối xả trong tiếng sấm rền vang rồi trả lại  bầu trời xanh trong in dưới đáy sông với nắng vàng rực rỡ. Yêu bến sông mùa thu với heo may dào dạt trong gió ấm, theo những đàn chim mải miết sải cánh về phương Nam. Yêu bến sông quê trong mùa đông hiu hắt gió với những làn mưa phùn giăng khắp mặt sông….”
     Tản văn chị có độ nén ngôn từ rất lớn, có cảm tưởng như chị viết tản văn bằng thơ vậy. Đọc nó, ta sẽ thấy sức sống tỏa ra từ kí ức, những niềm thanh thỏa, những thiên cảm trong veo mát lành, bình dị, an nhiên thơ thới lâu nay mất đi bỗng được sống dậy từ nguồn sống hồn hậu tâm tình san sẻ của con người và cả sự bao dung che chở từ mẹ thiên thiên…
    Tôi vẫn tin lời của Rotsin nói với Katia trong “Con đường đau khổ” của A. Tolstoy rằng: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương”. Vâng, đọc văn chị, ta có niềm tin rằng “tấm lòng nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương” ấy, chính là tâm tình chia sớt, là những thanh âm hồn hậu ngân rung chị gửi lại trong tập sách này.  Phẩm hạnh đó sẽ góp phần lành lại những vết thương chiến tranh, để chúng ta hôm nay thấm thía và trân trọng từng giây phút hiện hữu trong cuộc đời.
    Sống tỉ mỉ, kĩ càng, thức nhạy mọi giác quan để cảm nhận vẻ đẹp từ cỏ cây hoa lá đến như thế; chân thành cởi mở, quý trọng tình cảm của bạn bè dành cho mình đến như thế; trân quý tự hào về những mảnh đất mình đi qua đến như thế; và có lẽ, hơn hết, chính sự lựa chọn cho mình một lối sống chân thành, dung dị đến như thế, tôi tin, đó sẽ là tất cả những cái khiến người ta yêu và nhớ đến văn của chị.

     Nhân Tiến, 22/04/2020

tin tức liên quan