Giới thiệu cuốn Tiểu thuyết "Tám ngày định mệnh" của Phạm Thành Long (tiếp theo 3)
----------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
----------------------------------------------------------------------------------
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
(Tiếp theo 3)
CHƯƠNG III
Một quyết định khó khăn
Ngày 20 tháng 11 năm 1975.
Thế là Lê Bình đã đặt chân lên quê nhà sau sáu năm xa cách.
Từ bến xe Hà Đông, anh lên xe về Thạch Thất. Vẫn chiếc xe Ba Đình được đóng từ máy chiếc xe ô tô Ipha của Đức ngày nào. Giờ thì những chiếc xe khách này đã cũ đi nhiều. Nó cứ long sòng sọc khi gặp ổ gà trên con đường rải đầy đá răm.
Khung cảnh đường xá, làng quê gần như vẫn như ngày anh ra đi vào chiến trường. Chiến tranh đã làm ngưng trệ tất cả. Bom đạn Mỹ và những tiếng gầm rú điên loạn trên bầu trời của máy bay Mỹ đã kéo đất nước lùi lại. Ngồi trên xe, mắt Lê Bình không bỏ qua bất cứ hình ảnh nào hiện ra qua khung cửa sổ ô tô. Trong anh rộn lên niềm háo hức được trở về quê, nhưng nỗi buồn mang mác cũng ùa về. Quê hương nghèo quá. Vẫn những người nông dân cắm cúi trên đồng với những công cụ thô sơ. Người ta vẫn đi những chiếc xe đạp lọc cọc trên con đường ghồ ghề từ Hà Đông về Thạch Thất. Tất cả dường như vẫn như xưa… Ấy vậy mà chính họ đã góp phần làm nên chiến thắng kẻ thù giàu có nhất hành tinh này. Những người dân bình dị ấy đã làm nên ý chí Việt Nam. Quyết tâm và ý chí của con người Việt Nam thật kỳ lạ. Nó đã làm nên chiến thắng hôm nay… Lê Bình bỗng nhớ đến mấy câu thơ mà anh đã viết trong mùa mưa năm 1971. Năm ấy anh còn ở đại đội 7 bộ binh Binh trạm 35. Sau khi xem đoàn văn công Hà Bắc, anh đã viết trong nhật ký: “Anh biết em là văn công Hà Bắc/Em hát rất hay Quan họ Bắc Ninh/Em không đẹp nhưng tiếng hát lạ xinh/Có lẽ hát hay không phải do người đẹp/Như trái tim hồng ai dám bảo là mềm hơn sắt thép… ” Ý trí Việt Nam đã mạnh hơn sắt thép và bom đạn Mỹ…
Trên những gương mặt nhiều người mà anh gặp hôm nay, họ rạng rỡ hơn, tươi vui hơn, không còn thấy nỗi lo lắng vì bom đạn như ngày xưa. Đất nước hòa bình, mọi thứ đang thay đổi dần. Anh tin là chỉ ít tháng, ít năm nữa thôi đất nước sẽ đổi thay, sẽ phát triển như mong ước của bao người…
Xe đã tới bến. Lê Bình xuống xe. Cái bến xe thị trấn vẫn tạm bợ như ngày nào. Lèo tèo vài quán hàng nước. Vẫn là những lọ kẹo vừng, kẹo lạc, ít lạc rang, vài quả trứng vịt luộc, những chiếc bánh gai, bánh tẻ… bày bán quen thuộc trên những quán nước. Lê Bình xốc ba lô rồi bắt đầu cuốc bộ về nhà. Từ thị trấn huyện về tới nhà anh phải gần bảy cây số. Đi bộ với anh từ lâu đã quen rồi. Suốt sáu năm lăn lộn trên chiến trường, những người lính như anh đi qua nhiều vùng đất bằng chính đôi chân của mình. Đầu năm 1975, lần đầu tiên cả sư đoàn của anh hành quân từ Nam Lào về Việt Nam trên xe ô tô. Rồi từ đấy, anh và đơn vị liên tiếp được hành tiến tiêu diệt kẻ thù trên những chiếc ô tô chiến đấu của Trường Sơn…
Hình như kia là ngôi nhà Hiền bạn gái cùng lớp với anh ở trường cấp 3 Thạch Thất. Nhà Hiền ở thị trấn, Lê Bình vẫn nhận ra. Ngôi nhà vẫn thế. Vẫn là cái quán bán nước chè và bánh kẹo trước cửa nhà. Không biết bây giờ Hiền làm gì và ở đâu? Nếu học đại học thì Hiền đã ra trường và đi làm được ít nhất một năm rồi. Định ghé vào quán nghỉ uống nước, nhưng nghĩ, Hiền lúc này đâu có nhà. Bố mẹ nó có biết mình là ai. Nghĩ thế, Lê Bình sốc ba lô đi thẳng.
Ngôi làng bé nhỏ đầy cây xanh và cây ăn quả của Lê Bình đã ở trước mặt. Anh gạt mồ hôi để ngắm nhìn con đường đi vào làng. Làng anh không có cổng làng như nhiều làng quê khác. Đất đai của làng thì rộng rãi hơn nhiều làng quê Thạch Thất khác. Nhà cửa không san sát nhau như ở Hương Ngải, Kim Quan, Hữu Bằng… Nhà nào quê anh cũng có vườn rộng. Chỉ tội đất quê anh nhiều sỏi đá. Chỉ cần cuốc đi một lớp đất ba bốn mươi phân là đến tầng đá ong non. Vì thế mà vùng quê anh nghề đánh đá ong khá phát triển. Phần lớn những ngôi nhà ở đây đều được xây bằng đá ong. Giếng nước, tường rào nhà nhà đều được xây bằng đá ong. Thiên nhiên ưu đãi nhất cho quê anh đấy là giếng nước. Đào sâu khoảng ba bốn mét là đã có một cái giếng khơi nước trong vắt. Nước giếng đá ong ngọt đến lạ. Nấu chè xanh với nước giếng đá ong thì ngon hơn nấu với nước mưa. Đặc biệt, đi làm về, tắm nước giếng đá ong vào mùa hè thì mát lạnh như được tắm nước đá. Dù mệt nhọc đến mấy cũng tỉnh người… Lạc, sắn, khoai lang là ba thứ đặc sản của vùng đất quê anh…
Lê Bình về nhà khoảng hơn mười một giờ trưa nên đường làng khá đông người. Giờ này mọi người từ ngoài đồng, ngoài ruộng trở về nhà. Người lớn tuổi gặp Lê Bình, họ hồ hởi bắt tay, nắm vai hỏi thăm. Đám thanh niên mới lớn tíu tít hỏi chuyện, chúc mừng anh trở về. Chỉ trên đoạn đường mấy trăm mét mà Lê Bình phải dừng lại đếm gần mười lần để chào hỏi mọi người trong làng, trong họ. Nhiều người cầm tay, bóp vai xem có mất mát gì không. Nhiều người chân tình bảo: “Thế là mừng quá rồi. Anh trở về mà nguyên vẹn thế này là hồng phúc lớn lắm!”.
Trên đường về nhà Lê Bình gặp Nguyễn Hùng đi cày về. Hùng là bạn học cấp 1, cấp 2 với anh. Hùng bị tật ở chân nên không học lên cấp 3. Cũng chính vì thế mà Hùng không trúng bộ đội. Anh ở nhà làm ruộng. Hùng được bà con xã viên bầu vào Ban Quản trị Hợp tác xã nông nghiệp. Gặp Lê Bình, cậu ấy vui quá cứ ôm chầm mãi cậu bạn thân tốt bụng ngày nào. Nhà Lê Bình có điều kiện hơn nên vẫn thường cho Hùng đi nhờ xe đạp đến trường…
Hùng hồ hởi hỏi:
- Này, cậu ra quân hay về nghỉ phép đấy? Hôm nào tớ kêu mấy đứa bạn cùng lớp đến ngồi với nhau vui vẻ nhé. Đám cái Nhung, cái Phượng, cái Hà đều đã một hai con cả rồi. Lần này về, cậu tính chuyện vợ con được rồi đấy.
- Cám ơn cậu nhiều. Nói rồi Lê Bình dắt trâu hộ Nguyễn Hùng.
- Tớ nhẩm tính, hôm nay có thêm cậu trở về. Thế là làng mình có mười hai cậu đi bộ đội từ các chiến trường trở về đấy. May thế! Này, cậu có bị thương ở đâu không? Hùng hỏi.
- Có hai lần nhưng nhẹ, không để lại di chứng.
- Thế thì tốt quá. Hồng phúc nhà cậu dày đấy. À mà quên. Cậu có biết anh trai Lê Hòa của cậu cũng vừa về nhà chiều qua không?
- Thế ư! Tớ không có tin tức gì về anh ấy. Anh Lê Hòa của tớ có sao không?
- Không. Nguyên vẹn như cậu. Bố mẹ cậu mừng lắm. Tối hôm qua tớ có sang chúc mừng. Vui lắm! Bà con làng xóm, họ hàng kéo đến chật một nhà. Hình như anh ấy được ra Bắc đi học thì phải. Hồng phúc ông bà tổ tiên nhà cậu lớn quá. Cả hai anh em đều toàn vẹn trở về thế này thì còn gì bằng.
Lê Bình trao dây thừng con trâu cho Nguyễn Hùng để vào nhà.
- Tối nay sang mình uống nước nhé. Báo cho mấy bạn gái cùng lớp cấp 2 với tớ và cậu đến chơi luôn đấy.
- Nhưng này. Để tớ đi cùng với cậu vào nhà.
Nói rồi Nguyễn Hùng tháo cây cày trên vai xuống đặt dựa vào tường rào trước cổng nhà Lê Bình. Anh cẩn thận buộc thừng trâu vào chiếc cày.
- Bác Hai, bác Đào ơi! Hai bác xem ai về đây này!
Tiếng gọi của Nguyễn Hùng vang rất to. Mẹ Lê Bình đang nấu ăn, bà hỏi từ trong bếp vọng ra.
- Ai thế? Anh Hùng à, có chuyện gì vậy?
- Bác xem cháu đi với ai về đây này!
Bước ra từ trong bếp, nhìn thấy Lê Bình khoác ba lô đi vào cùng Nguyễn Hùng, bà Đào vứt đôi đũa cả đang cầm trên tay chạy ào tới. Bà ôm chầm lấy con. Miệng bà liên tục kêu:
- Ối con tôi, Lê Bình đấy ư! Lê Bình của mẹ thật rồi!
Lúc này, ông giáo Lê Hai và con trai Lê Hòa từ trong nhà cũng chạy ra. Ông giáo ôm lấy vợ và con trai. Ông nghẹn lại không nói nên lời.
Tháo ba lô trên vai đặt vội lên ghế ở giữa nhà, Lê Bình cười rất tươi.
- Nhìn bố mẹ khỏe thế này, con mừng quá rồi. Rồi Bình quay sang hỏi anh trai: - Anh về chiều hôm qua hả? Hùng nó vừa thông báo với em. Vui quá rồi! Bây giờ nhà mình đã trở về trọn vẹn rồi.
Nhìn quanh, không thấy em gái đâu, anh vội hỏi:
- Em Loan đâu rồi mẹ?
- Em con đã lấy chồng rồi. Nó ở bên nhà chồng chứ có ở nhà mình đâu.
- Thế chồng nó là ai, ở đâu ạ?
Thấy thế, ông Lê Hai vội xua đi.
- Thôi chuyện ấy nói sau đi. Con từ đâu về thế? Con được về phép hay về hẳn đấy?
- Dạ, đơn vị con đóng quân ở Lao Bảo Quảng Trị, nên con từ đó về thẳng nhà. Con ra quân rồi ạ.
- Tốt quá rồi. Chợt ông chững lại, hỏi tiếp Lê Bình:
- Sao con không xin chuyển ngành đi học, hả?
- Dạ chuyện này con nói sau bố ạ. Lê Bình quay ra hỏi anh trai:
- Ông bà nội đi đâu rồi anh?
Bà Đào, thấy thế vội chen vào:
- Để cho con nói nghỉ đã ông? Chuyện học hành của nó để sau đi. Hòa ơi, con chạy sang cô con mời ông bà nội về nhà đi. Em Bình được về rồi. Rồi bà quay sang nói với Lê Bình.
- Sáng nay, cô con mời ông bà nội sang nhà cô chơi. Con Mận nó đưa chồng con về chơi mà. Để anh con sang đón ông bà về cho ông bà mừng cháu trai.
Lê Hòa vội chạy đi.
Tối hôm ấy, ngôi nhà xây năm gian của nhà hai ông bà giáo Lê Hai chật cứng người. Họ hàng thân thích, bà con hàng xóm nghe tin Lê Bình trở về đã kéo đến chúc mừng. Đông nhất, vui nhộn nhất là đám bạn học của cả hai anh em.
Bàn ghế các loại được huy động để mời khách. Ngoài hiên nhà, hai cái chiếu được trải ra để cho đám thanh niên ngồi. Lê Bình và Lê Hòa như con thoi. Hai anh em đi hết chỗ này tới chỗ kia để chào hỏi, mời mọi người uống nước, ăn lạc, ăn kẹo bánh…
Nghe tin Lê Bình và Lê Hòa về, gần một chục người lính ra đi từ làng cũng kéo đến. Có người lớp tuổi trên, nhiều người cùng trang lứa với các anh. Họ tới gặp gỡ, chung vui.
Chưa bao giờ nhà ông giáo Hai lại đông vui, náo nhiệt như thế. Chỉ chưa đầy một ngày mà gia đình ông đón liền hai tin vui. Cả hai người con ông ra đi chiến đấu đều trở về vẹn toàn. Ông bà vội hái hoa trái trong vườn, bắt gà thịt làm mâm cúng tổ tiên. Cụ Lê Hà, cha ông giáo khấn rất to để con cháu cùng nghe, cùng biết tổ tiên đã phù hộ, che chở hòn tên mũi đạn để cho hai cháu nội của ông được vẹn toàn trở về. Nước mắt cụ đã rơi vì sung sướng…
Hơn mười ngày từ khi về quê, Lê Bình tranh thủ đi thăm bạn bè và một số địa chỉ cần thiết. Em Mận lấy chồng ở Hữu Bằng. Anh đã được cô em gái dẫn đi mua một số đồ dùng cần thiết như kéo cắt tóc, dao cạo râu… Anh âm thầm chuẩn bị cho chuyến “hành quân” quay trở lại nước Lào.
Đêm chủ nhật. Nằm cạnh em trai, Lê Hòa hỏi Lê Bình:
- Em định tính chuyện tương lai thế nào?
- Anh hỏi chuyện vợ con hay chuyện học hành, làm ăn ạ?
- Hỏi tất cả, được không?
- Em muốn biết dự định tương lai của anh trước đã. Từ đấy em mới tính chuyện của em.
- Ô hay cái thằng này. Thế tương lại của em lại phụ thuộc vào anh à?
- Vâng ạ.
- Chú điên hay sao mà nghĩ thế?
- Dạ em không điên. Anh yên bề thì em mới có thể yên tâm ra đi được ạ.
- Thế là thế nào?
Đến lúc này thì Lê Bình thấy không thể giấu giếm được nữa.
- Thú thật với anh. Em đã có người yêu ở Lào rồi. Chúng em đã thề ước cùng nhau. Em phải trở lại bên đó. Vì thế em muốn anh ủng hộ em. Anh có ủng hộ em thì bố mẹ mới cho em đi ạ.
- Hẳn con bé ấy phải giỏi giang lắm mới làm cho thằng em của anh mê mải đến nỗi phải quay trở lại bên đó. Kể anh nghe xem nào.
- Vâng ạ. Cô bé ấy đã chữa vết thương cho em khi em bị thương. Năm nay cô ấy hai mươi mốt tuổi, đã tốt nghiệp lớp y tá do bộ đội Việt Nam đào tạo. Cô ấy là cô gái dân tộc Lào Thơng - như người Kinh bên mình, hiều dịu, xinh đẹp và chân thật lắm.
- Thế em sang để mang cô ấy về Việt Nam sinh sống à?
- Em tính sẽ ở lại bên đó làm ăn, phát triển kinh tế. Chúng em sẽ về thăm bố mẹ và gia đình. Anh sẽ phải lấy vợ. Em nhờ vợ chồng anh và vợ chồng em Loan chăm sóc phụng dưỡng ông bà và bố mẹ thôi.
- Chú tính cứ nhẹ như lông hồng ấy nhỉ. Cuộc sống ở bên đó khó khăn, thuận lợi thế nào, chú chưa biết được. Văn hóa, lối sống của hai dân tộc lại khác nhau. Liệu chú có trụ lại được ở bên ấy không? Em phải tính cho kỹ. Nếu không sẽ phải hối hận đấy.
- Điều anh nói em cũng nghĩ tới tất cả. Ngần ấy năm sống với đồng bào Lào, em hiểu chứ. Người Lào tốt bụng lắm anh ạ. Người yêu của em chân thật và yêu thương em thật lòng. Em không thể phản bội lại người yêu của em được, anh ạ. Mà đất đai, thổ nhưỡng ở bên đó thuận lợi cho việc làm ăn lắm. Em nghĩ, với tính toán của em, em sẽ thành công trên quê hương vợ. Anh hãy tin ở em. Từ bé tới giờ em chưa bao giờ thất bại chuyện gì. Chắc anh hiểu em nhất.
- Anh tin ở em. Nhưng anh vẫn phải dặn thêm em. Bên đó là đất nước Lào chứ không phải là Việt Nam. Vì thế mọi suy nghĩ, mọi việc làm, mọi quan hệ phải hài hòa và tôn trọng sự khác biệt. Nếu sống giữa những người có văn hóa khác biệt với mình mà mình không chịu thay đổi đề hòa hợp thì sẽ thất bại. Em sẽ trở nên lạc lõng giữa những người thân thương của mình. Nói thế chắc em hiểu. Còn anh, anh đã có giấy gọi vào Trường Chính trị quân sự ở Hà Đông rồi. Học xong không biết sẽ được phân về đâu, nhưng anh sẽ gắng lấy vợ trong thời gian đi học để bố mẹ yên lòng. Được chưa?
- Em cám ơn anh đã ủng hộ em. Sáng mai, em sẽ thưa chuyện với ông bà và bố mẹ. Mong anh nói đỡ cho em. Em biết sẽ vô cùng khó khăn để thuyết phục cả nhà. Nhưng em tin, tiếng nói của anh rất có trọng lượng với ông bà nội và bố mẹ. Ông bà và bố mẹ sẽ gật đầu để em ra đi trong tình cảm. Nếu căng quá thì buộc lòng em vẫn phải ra đi đấy, anh à.
- Anh biết rồi. Thôi ngủ đi để ngày mai còn tỉnh táo mà trình bày thuyết phục mọi người. Nói xong, anh Lê Hòa đập đập tay lên má em trai:
- Chúc ngủ ngon!
Lê Bình mừng vô cùng. Anh trai mà đồng tình với mình thì anh tin mọi chuyện sẽ êm đẹp. Anh biết anh cả Lê Hòa rất có uy tín với ông bà và bố mẹ. Từ nhỏ anh ấy luôn được mọi người quý mến bởi tính nết ngoan ngoãn, chăm chỉ. Anh ấy học rất giỏi. Cấp học nào anh ấy cũng đoạt giải Học sinh Giỏi của huyện của tỉnh. Năm lớp 10, anh ấy còn đoạt giải Khuyến khích Toán toàn miền Bắc. Là những nhà giáo, bố mẹ rất tự hào về anh ấy. Nhiều gia đình trong làng thường lấy tấm gương của anh Lê Hòa để nhắc nhở con cái họ học hành: “Đấy cứ trông vào cậu Lê Hòa, con ông bà giáo Hai mà học tập. Cậu ấy được cả nết học lẫn nết người!” Lê Bình biết, tiếng nói của anh trai rất có sức nặng. Anh tin ngày mai anh sẽ thành công…
Anh trai đã thở đều đều. Giấc ngủ đã tràn đến với anh ấy. Còn Lê Bình thì vẫn không sao ngủ được. Anh nhớ Bun Hoa da diết. Lê Bình thầm gọi Bun Hoa: “Em yêu ơi. Anh tin ngày mai ông bà và bố mẹ anh sẽ ủng hộ để anh sang với em. Hãy gắng chờ anh ít ngày nữa, em nhé!”…