"Đi tìm hài cốt người yêu" - Truyện ngắn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 08:59 01/09/2020 Lượt xem: 438

---------------------------------------------------------------------------------

ĐI TÌM HÀI CỐT NGƯỜI YÊU
Truyện ngắn của Xuân Tuynh
 
         Sau ngày miền Nam giải phóng, Lê Hoài từ chiến trường trở về quê hương hy vọng gặp được Yến. Hai người làm lễ cưới đúng như lời giao ước trong buổi chia tay ở Hoài Ân đầu xuân 1975 trước khi Hoài vào chiến dịch Đông Xuân.
         Vừa bước chân về đến đầu làng, Hoài nghe tin sét đánh: Yến đã hy sinh. Anh đau khổ, chân tay bủn rủn. Mọi dự định, ước mơ tan vỡ. Vứt ba lô xuống giường, chưa kịp chuyện trò với mẹ và bà con trong làng xóm tới thăm, Hoài lấy xe đạp của em gái phóng ngay sang nhà Yến.
       Nhà Yến ở làng bên, cách nhà Hoài chừng 3 cây số. Ngày xưa không có đường thẳng, phải đi theo đường vòng men theo chân núi, đi bộ mất cả tiếng đồng hồ, giờ có đường cái trải nhựa mịn màng, chỉ vài phút Hoài đã có mặt ở nhà Yến. Vừa nhìn thấy bà Hương, mẹ Yến, Hoài vất xe đạp ở góc sân chạy vội vào nhà ôm lấy bà khóc nức nở như đứa trẻ. Tuy chưa cưới Yến, nhưng từ ngày ở nhà đi học, hai đứa chơi thân với nhau, quý mến nhau. Hoài coi bà Hương như người mẹ thứ hai của mình. Bà Hương không có con trai, hơn nữa chỉ có mình Yến là đứa con độc nhất, vì vậy bà quý mến Hoài, coi Hoài như con đẻ. Hai mẹ con ôm nhau khóc hồi lâu, Hoài vào thắp nhang cho Yến. Nhìn Yến trong tấm hình đặt trên bàn thờ, đôi mắt đen tròn sáng long lanh như đang nhìn mình, Hoài nghẹn ngào thầm gọi:
- Yến ơi! Sao em vội bỏ mẹ, bỏ anh mà đi. Mất em anh sống sao đây?
         Cứ vậy, Hoài đứng im như pho tượng trước bàn thờ cả giờ đồng hồ. Anh khóc đến cạn khô nước mắt.
         Hoài về nhà sống với mẹ và cô em gái. Nhưng hàng ngày anh vẫn đều đặn sang thăm bà và hương khói cho Yến. Anh định bụng không lấy vợ, sống độc thân để có thời gian chăm sóc cho hai bà mẹ đến trọn đời.
         Một năm, rồi hai năm qua đi, mẹ và em gái Hoài cùng bà con chú bác trong họ giục Hoài lấy vợ. Hoài khước từ:
- Yến mất, con chẳng còn thấy ai có thể thay thế cô ấy trong tâm hồn. Xin mẹ và bà con chú bác đừng buộc con phải lấy vợ. Con muốn dành sức lực, thời gian để chăm sóc mẹ và bà Hương. Bởi bà Hương chẳng còn ai để nương tựa tuổi già.
         Ở hoàn cảnh của gia đình Hoài, mẹ Hoài và bà con chú bác không thể để cho Hoài sống độc thân. Vì lẽ cha mẹ và cả dòng họ chỉ có mình Hoài là con trai độc nhất. Nếu Hoài không lấy vợ, không có con lấy ai nối dõi tông đường? Đây cũng là lời trăn trối của bố Hoài trước lúc lâm chung.
         Không cưỡng lại được ý định của mẹ và bà con chú bác trong họ. năm thứ 3 mãn tang Yến, Hoài kết hôn với Thanh, một cô gái xã bên do chú Hoài mai mối.
         Thời gian qua đi, Hoài sống với Thanh có hai con, một trai và một gái. Nhưng Hoài vẫn không nguôi nghĩ về Yến. Hằng đêm nằm ôm ấp Thanh nhưng trong mơ anh vẫn thầm gọi tên Yến. Anh coi việc chung sống với Thanh chỉ là nghĩa vụ vợ chồng. Ngày sống với gia đình, vợ con, tối anh dành ít thời gian sang nhà Yến.
         Sống với người chồng mà lúc nào cũng tâm tưởng về người yêu cũ, mẹ và vợ con mình không lo chăm sóc, lại đi chăm sóc người khác, trong thâm tâm Thanh không hài lòng nhưng không dám nói ra. Nhiều lần cô tìm cách cản trở chồng. Hôm giấu xe, hôm cố tình về trễ để cho chồng không thể bỏ sang bên bà Hương, nhưng chẳng sao cản được. Không có xe anh đi bộ, vợ đi làm về muộn, tối anh xách đèn dầu đi. Chỉ một hai tối không sang thắp hương cho Yến anh thấy bứt rứt khó chịu. Trước tình cảm sâu nặng của chồng, Thanh không cản được đành chiều theo ý chồng. Hơn nữa cô nghĩ chẳng lẽ mình lại đi ghen với người đã mất, mà người đó là liệt sĩ, một người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho nhân dân, trong đó có mình.
         Sang năm 1990, lúc này bà Hương đã tròn 80 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Thấy mình chẳng còn sống được bao lâu, vào ngày giỗ năm thứ 15 của Yến, sau khi cúng vái xong, bà gọi Hoài ngồi xuống bên cạnh chậm rãi nói:
- Dạo này mẹ thấy trong người khó ở, muốn khi nằm xuống có được con Yến bên cạnh. Nhưng giờ biết nó ở đâu mà rước về. Sức mẹ thì không đi được nữa rồi.
         Lời nói của bà như xoáy vào tim anh. Anh biết mình phải làm gì.
        Hôm sau về nhà anh âm thầm chuẩn bị tư trang giấy tờ cần thiết rồi quay ra nói với mẹ và vợ: “Tôi đi công tác xa ít ngày, mẹ và em trông coi nhà cửa”. Không nói ra lý do cụ thể nhưng quan sát việc làm và xem qua các giấy tờ chồng chuẩn bị, Thanh hiểu được việc làm của chồng. Chị động viên chồng:
- Anh cứ an tâm mà đi, gắng lấy cho được hài cốt chị Yến. Ở nhà em thay anh hàng ngày sang chăm lo cơm cháo cho bà Hương.
         Được vợ động viên, Hoài phấn khởi lên đường.
Sau hai ngày ngồi tàu xe vất vả, Hoài đến được Ân Tín, Hoài Ân. Sau hơn hai chục năm đi xa giờ trở lại có bao nhiêu thay đổi. Ân Tín giờ không còn là một xã nghèo, nhà cửa thưa thớt như những năm chiến tranh. Tất cả đã đổi mới. Nhà ngói mọc lên san sát. Đường xá mở rộng. Dọc hai bờ sông Côn hàng quán đông vui nhộn nhịp. Đêm đêm tiếng hát hò làm thức dậy cả một vùng quê. Hoài tìm về nhà má Tám, bà má nuôi của anh ngày xưa và cũng là má nuôi của Yến, người mà Hoài tin tưởng gửi Yến ở lại trước ngày anh đi chiến dịch.
Má Tám đã ngoại bát tuần, tóc bạc phơ như bông, lưng còng nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Thấy Hoài má nhận ra ngay.
- Thằng Hoài đấy à? Mi đi gì mà lâu dữ. Tao tưởng mi quên má, quên Ân Tín rồi!
- Quên sao được má. Ngày ấy con đi chiến dịch rồi đơn vị chiến đấu vô tận Sài Gòn. Giải phóng xong đơn vị hành quân ra chiến đấu ở biên giới phía Bắc nên không ghé lại thăm má, biết có lỗi với má nhưng đành chịu. Nhiệm vụ mà má.
- Tao nói vậy thôi. Má hiểu và thương các con lắm lắm!
         Ngồi một lát, má Tám cầm tay Hoài nói:
- Con vô thắp nhang cho con Yến đi.
        Nghe má Tám nói vào thắp nhang cho Yến, Hoài vui mừng thầm nghĩ vậy là má Tám biết nơi mộ chí của Yến. Vậy là an tâm rồi.
- Má ơi, má biết được mộ chí của Yến phải không? Con vô đây thăm má và cũng để...
- Mày cứ vô thắp nhang rồi tao nói chuyện sau.
         Hoài vô bàn thờ thắp nhang. Má Tám lấy bát chén sắp cơm trưa.
Hai má con ngồi ăn cơm. Má Tám mới chậm rãi kể cho Hoài nghe về sự hy sinh của Yến.
- Ngày đơn vị con rời đi được một tháng, máy bay B.52 của tụi nó đến trút bom xuống bệnh xá. Nghe nói có Việt gian chỉ điểm. Lúc này má đang ở trên Xanh, dứt trận bom lật đật chạy về thấy bệnh xá và cả rừng dừa xanh tốt chẳng còn gì, nhà cửa cháy, cây cối đổ ngổn ngang. Má và bà con, anh em du kích xã vào bệnh xá nhìn thấy cảnh tượng ghê rợn. Người chết nằm ngổn ngang. Máu đọng thành từng vũng trên mặt đất. Má đứng giữa căn nhà đổ nát la to: “Yến ơi! Con ở đâu?”. Như có linh hồn nó mách bảo, má chạy ngay về khu hầm chữ A cuối bệnh xá giáp chân đồi, thấy con Yến chết nằm chắn ngang cửa hầm. Trong hầm có ba người lớn và hai trẻ sơ sinh. Khi cứu được mọi người ra khỏi hầm họ nói nhờ y sĩ Yến đưa họ xuống hầm kịp thời, và chính y sĩ Yến bế hai đứa nhỏ xuống, rồi chạy ra khỏi hầm đi cứu người khác. Chúng tôi thấy mặt đất rung chuyển và những tiếng nổ ù tai, sợ hãi nằm bất động không hay gì cả.
         Má và bà con trong thôn mang xác con Yến về mai táng tại khu ruộng của má ở giáp bìa Xanh. Trước khi mai táng má móc trong túi áo nó thấy tấm hình của con. Má biết nó thương con lắm. Tấm hình má cất trong tủ để làm kỷ niệm.
         Sau giải phóng, các anh lãnh đạo xã đề nghị má đưa con Yến về ở trong nghĩa trang nhưng xin mấy anh cho nó nằm ở đây để má trông coi. Ý kiến của má được chấp thuận. Má có ý định sang năm thằng Hai con của má đi lao động bên Đức về má bảo nó cho tiền xây mộ cho con Yến.
         Buổi chiều, trời bớt nắng nóng, má Tám đưa Hoài vô thăm mộ Yến. Ngôi mộ ở trên một khoảng đất rộng chừng 20 mét vuông. Xung quanh có cây cối, hoa lá xanh tươi, trên mộ có một miếng gỗ khắc chữ đậm: “Liệt sĩ Lê Hoài Yến. Hy sinh ngày 15-2-1975” Hoài ngồi xuống bên mộ khóc thầm:
- Yến ơi! Anh vào với em đây. Anh đã tìm thấy em. Anh sẽ đưa em về với mẹ, với quê hương. Ở dưới đó em có nghe thấy được tiếng anh không?!
         Nước mắt Hoài thấm sâu xuống đất. Anh gục đầu vào ngôi mộ thiếp đi trong tiếng gió chiều. Má Tám ngồi bên cạnh cầm nón che nắng cho anh. Giấc mơ đưa anh trở về với những kỷ niệm ngày hai đứa gặp nhau trên mảnh đất này.
         Năm 1973, sau Hiệp định Pari, một đoàn cán bộ quân y ở Bắc vào chi viện cho Bình Định. 5 Y, Bác sĩ được cử về Hoài Ân trong đó có Yến. Số Y, Bác sĩ này huyện đưa về thành lập bệnh xá hậu phương nằm ở xã Ân Tín, cách đơn vị Hoài đóng quân 1km. Buổi chiều vừa đi công tác về biết tin có Y, Bác sĩ mới ở Bắc vô, Hoài cùng với mấy cậu bạn trong đơn vị cơm nước xong rủ nhau ra bệnh xá xem có ai là đồng hương không. Những năm tháng ở chiến trường có được một người đồng hương rất quý. Vừa ra đến bệnh xá, Hoài thoạt trông thấy Yến. Anh dừng lại thầm nghĩ: không lẽ đây là Yến? Anh bàng hoàng không tin vào mắt mình. Quay lại nói câu: “Hình như có Yến của tao vô đây các cậu ạ!”. Một cậu vỗ vai Hoài: “Có quáng gà không đấy? Lúc nào cũng mơ tưởng về Yến”. “Yến thiệt mà”. Hoài khẳng định. 3 người vào khu nhà có mấy cô gái. Vừa bước vào cửa Hoài kêu lên:
- Yến, Yến phải không?
         Mấy cô gái giật mình quay lại. Một cô cầm tay Yến giật mạnh: “Yến ơi, có người kêu mày kia kìa”. Yến vội quay ra:
- Anh Hoài! Đơn vị của anh ở đây à? Ôi, sự thật hay em đang mơ?
Hai người chạy đến với nhau.
         Đêm hôm đó Hoài đưa Yến về nhà bà Tám. Hai người tâm sự với nhau cả đêm.
         Ngồi trên tảng đá lớn sau nhà, một đêm yên tĩnh ở chiến trường dưới ánh trăng rằm vằng vặc. Gió từ sông Côn thổi lên mát rượi. Yến kể cho Hoài nghe đủ mọi chuyện. Gia đình, quê hương, bạn bè... Hoài choàng tay ôm Yến vào lòng. Đây là lần đầu tiên anh ôm một người con gái. Hơi ấm từ Yến truyền sang, anh thấy hồi hộp một cảm giác khó tả. Trước ngày chia tay vào chiến trường cũng một đêm trăng sáng, Hoài với Yến ngồi tâm sự gần trọn đêm trên cây cầu đầu làng. Ngày ấy Yến nhút nhát, mỗi khi Hoài xích lại gần cô đều không cho phép Hoài đụng vào người. “Chúng mình chưa thành vợ thành chồng. Hơn nữa ngày mai anh đi chiến trường, em để dành sau này thống nhất về sẽ hiến dâng cho anh tất cả”. Tôn trọng ý kiến của Yến, Hoài không dám ngồi sát Yến. Hai người giữ một khoảng cách nhất định trong suốt cả buổi. Còn đêm nay, đêm đầu tiên gặp nhau ở chiến trường sau 5 năm xa cách, Yến không tiếc Hoài điều gì. Cô chỉ muốn được nằm trong vòng tay anh mãi mãi.
Hoài cúi xuống, đặt cái hôn đầu tiên lên môi Yến. Yến đưa tay lên ôm lấy đầu Hoài ghì xuống.
- Hạnh phúc quá! Hạnh phúc quá anh ơi! - Yến nói trong hơi thở.
         Buông tay khỏi đầu Hoài, Yến từ từ mở nút áo ngực để lộ cặp vú trắng hồng phơi dưới ánh trăng. Hoài cảm giác như có mùi thơm, một mùi thơm kỳ diệu từ người yêu.
Lúc này trăng đã lên đỉnh đầu, soi bóng xuống dòng sông Côn lấp lánh. Cả ánh trăng và dòng sông kia cũng thổn thức trước vẻ đẹp của tạo hóa ban tặng cho Yến.
         Ở với nhau một tháng. Ngày làm việc, tối hai người gặp nhau ở nhà má Tám. Má Tám sống một mình, có thêm Hoài và Yến vui hẳn lên, vợi bớt nỗi nhớ chồng, nhớ con đang học tập, công tác tận ngoài Bắc xa xôi.
Vào chiến dịch Đông Xuân 1974 - 1975, đơn vị Hoài được lệnh đi chiến đấu. Họ hò hẹn sau chiến dịch gặp lại. Ai ngờ lần chia tay đó là cuối.
*
         Sau một ngày ở chơi với má Tám, Hoài thưa với má về ý định của mình xin má và chính quyền địa phương đưa hài cốt của Yến mang về quê theo nguyện vọng của mẹ đẻ Yến.
        Cảm thông với hoàn cảnh của gia đình Yến và cũng là nguyện vọng của Hoài, má Tám đồng ý cho Hoài mang hài cốt của Yến về. Má ra gặp lãnh đạo xã làm đầy đủ thủ tục cần thiết.
        Buổi sáng tiễn Hoài đưa hài cốt của Yến về Bắc, lãnh đạo xã Ân Tín cùng bà con trong thôn tổ chức trang trọng. Má Tám còn nấu xôi gói trong lá chuối đưa cho Hoài ăn đi đường.
- Con đi đường phải cẩn thận, đưa con Yến về an toàn má và bà con trong thôn mới an tâm. Khi nào về thư cho má hay.
         Hoài chào tạm biệt má và bà con trong thôn, khoác ba lô lên đường.
         Suốt chặng đường về anh luôn giữ chiếc ba lô bên mình. Về tới ga Ninh Bình trời tối. Xuống tàu đi bộ ra bến xe nhưng xe khách về quê anh đã hết. Đi xe ôm đường xa không ai chịu chở, đành nằm lại bến xe chờ sáng hôm sau. Trời rét, nằm ở cửa phòng vé, trên chiếc ghế băng. Nửa đêm ngủ thiếp kẻ gian lấy mất chiếc ba lô khi nào. Giật mình tỉnh dậy chúng đã chạy mất. Lo lắng, buồn chán. Thế là mình lại đánh mất Yến một lần nữa. Biết nói với mẹ Yến sao đây? Lại còn má Tám nữa chứ!
         Sáng ra anh đến ngay đồn công an thị xã Ninh Bình nhờ tìm kiếm giúp.
        Sau khi khai đầy đủ với công an, anh em trong đồn thông cảm với hoàn cảnh của Hoài, bố trí cho anh ở lại trong đồn, nhanh chóng triển khai đi tìm kiếm.
         Một ngày điều tra, dò xét nhưng chưa tìm được. Đồng chí trưởng đồn yêu cầu Hoài để lại địa chỉ và an tâm về nhà, khi nào tìm được sẽ điện cho anh lên nhận.
         Hoài về nhà với tâm trạng buồn nản. Anh im lặng suốt mấy ngày. Vợ con cho biết bà Hương ốm nhưng anh cũng không sang. Vợ và mẹ định bụng nói với nhau: “Chắc có điều gì hệ trọng nên Hoài mới im lặng như vậy”.
         Đêm thứ tư, trong giấc ngủ anh mơ. Trong mơ thấy Yến hiện về gọi anh: “Hoài ơi, cho em vào nhà. Để em nằm ngoài cửa lạnh lẽo lắm”. Hoài giật mình, gọi toáng lên: “Yến, Yến ơi!”. Vợ nằm bên cạnh thấy chồng mơ ngủ, đánh thức anh dậy”. “Mơ gì mà khiếp thế?”. Hoài tỉnh giấc bật đèn mở cửa đi tiểu. Vừa mở cửa anh đá chân phải một bọc ni lông lớn trước cửa, hoảng hốt kêu:
- Ai, ai vất gói gì vào nhà mình?
         Mẹ, vợ và con nghe tiếng la lớn giật mình thức dậy. Thằng con trai chạy đến táp lô điện bật tất cả đèn trong nhà, ngoài hiên sáng bừng. Hoài vội mở bọc ni lông, nhận ra chiếc ba lô của mình, mở ba lô thấy hài cốt của Yến còn nguyên vẹn trong đó, còn kèm theo mảnh giấy nhỏ viết: “Chúng tôi tình cờ bắt được chiếc ba lô vất ở ngã ba thị xã, mở ba lô thấy trong có hài cốt và trên nắp ba lô ghi rõ tên họ, địa chỉ. Chúng tôi tìm đến nhà gửi lại”.
        Nhận được ba lô hài cốt, cả gia đình Hoài mừng vui khôn xiết. Từ đó anh và gia đình thức cho đến sáng chuyện trò râm ran, phá vỡ cái không khí im lặng của Hoài từ khi công tác về. Hoài nói với mọi người:
- Ở đời này vẫn còn nhiều người tốt. Kẻ cắp nhưng vẫn còn chút lương tâm dành cho người đã khuất.
                                        
Nguyễn Xuân Tuynh
Ủy viên BCH Hội Trường Sơn tỉnh Khánh Hòa
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang - Khánh Hòa

tin tức liên quan