Giới thiệu cuốn Tiểu thuyết "Tám ngày định mệnh" của Phạm Thành Long (tiếp theo 5)

Ngày đăng: 11:18 01/09/2020 Lượt xem: 447

----------------------------------------------------------------------------------
           
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
 

----------------------------------------------------------------------------------
           
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
(Tiếp theo 5)
CHƯƠNG V
Bất ngờ gặp người rừng
                  
         Ngày 20 tháng 12 năm 1975
         Từ Đà Nẵng, Lê Bình về Thượng Đức trên một chuyến xe khách. Rất may mắn, anh đi nhờ được xe Honda của một cán bộ đi công tác từ Thượng Đức về Khâm Đức.
         Khó khăn lắm Lê Bình mới hỏi thăm được đường từ Khâm Đức đi Lan Tôn. Đường đi Lan Tôn là con đường Trường Sơn được bộ đội mở từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Đây là con đường mà công binh Trường Sơn mở từ Lào chạy sang đất Việt. Vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm được vận chuyển theo đường Trường Sơn chạy từ đất Lào sang Lan Tôn. Từ Lan Tôn được chuyển tới các kho hậu cần của Khu 5 đặt trong những cánh rừng của huyện Phước Sơn, huyện Trà My… Thời chống Mỹ, mảnh đất này được gọi là chiến trường B1.
         Lê Bình xốc lại ba lô rồi rảo bước hướng về Lan Tôn. Con đường quân sự bằng đất chỉ mới sáu bảy tháng không có xe cộ hoạt động mà mặt đường đã có cây mọc. Những cây xanh tuy nhỏ nhưng đã làm cho mặt đường như “cũ lại” rất nhanh. Người ta vẫn bảo hoạt động của con người làm thay đổi thế giới. Con đường Trường Sơn chỉ mấy tháng trước thôi đêm ngày rầm rập những chuyến xe vận chuyển hàng, vận chuyển quân ào ạt ra chiến trường. Những con đường Trường Sơn với những vệt bánh xe ngập trong lớp bụi dày hai ba mươi phân. Giờ thì chúng đã đông đặc lại sau một mùa mưa. Con đường như đã chết.
         Lê Bình rảo bước. Con đường Trường Sơn dưới chân anh bây giờ thật khác lạ. Bốn bề tĩnh lặng. Tĩnh lặng đến nỗi anh có thể nghe rất rõ tiếng bước chân mình. Cách đây chỉ một năm thôi, khu vực Lan Tôn - “thủ phủ” của Binh trạm 44 này nhộn nhịp không khí gấp gáp của các lực lượng Trường Sơn đang dốc toàn lực cho chiến trường. Trên đường tấp nập xe ô tô vận chuyển hàng hóa, vũ khí, ô tô chở quân, ô tô của các đoàn binh khí kỹ thuật thẳng hướng chiến trường… Bụi đường mù mịt suốt ngày đêm. Hai bên cánh rừng, ẩn dưới đại ngàn ở Lan Tôn là các căn cứ kho tàng, là đơn vị vận tải, đơn vị sửa chữa, đơn vị công binh, các cơ sở quân y, là trạm giao liên… Vậy mà giờ đây, cái không khí hối hả, tấp nập ấy không còn. Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trên tây Trường Sơn… Họ trả lại cho đại ngàn Trường Sơn sự tĩnh lặng ngàn đời vốn có của nó. Tất cả im lìm như chết… Lúc này Lê Bình đã cảm nhận rất rõ sự cô đơn giữa đại ngàn Trường Sơn. Con người trở nên thật bé nhỏ giữa thiên nhiên. Chuyến đi của mình có mục đích. Không vô vọng. Mình không rơi vào sự cô đơn gần như tuyệt vọng giữa hoang đảo như Robinson. Nhưng lúc này Lê Bình đã cảm nhận được thế nào là sự cô đơn giữa thiên nhiên. So sánh tình cảnh của mình với Robinson, Lê Bình mỉm cười. Anh đã cảm nhận được một phần ý chí và khả năng của con người khi đối mặt với nỗi cô đơn giữa thiên nhiên hoang dã như Robinson ngày nào trên hoang đảo…
         Mặt trời đã bắt đầu ngả về tây. Lê Bình liếc nhìn đồng hồ. Đã ba giờ chiều rồi. Có lẽ anh đã đi được một quảng đường khá dài. Chắc cũng được gần hai mươi cây số. Đoạn đường này đang chạy qua những cánh rừng đại ngàn. Có rất nhiều cây lớn hai bên con đường. Thỉnh thoảng lại có những con đường rẽ vào những cánh rừng ở hai bên đường. Không biết những con đường này chạy đi đâu? Những con đường ấy nhỏ hơn và hoàn toàn chạy dưới những tán cây rừng xanh tốt. Rất có thể, anh đang ở giữa khu căn cứ Lan Tôn năm xưa của Binh trạm 44. Đoạn đường kín này có thể dẫn vào khu vực kho trung chuyển lớn trước khi chuyển vào cho chiến trường B1 - kho O2. Thế thì mình vẫn đang ở khu rừng giáp ranh giữa biên giới Việt Nam và Lào. Phải đi một chặng đường hơn một trăm cây số nữa mới tới nơi cần đến… Lê Bình xốc ba lô tiến về phía trước. Cố gắng đi thêm một giờ ba mươi phút nữa sẽ dừng lại tìm chỗ nghỉ để nấu ăn. Muộn hơn trời sẽ sập tối. Vì thế anh mải miết rảo bước.
Lê Bình nhìn đồng hồ. Anh quyết định tạt vào con suối bên đường. Chỗ này khá bằng phẳng. Một con suối có rất nhiều đá, nhiều cây rừng thấp rất tiện cho việc nấu ăn và mắc võng nghỉ lại.
         Đặt ba lô xuống một tảng đá lớn bên này con suối. Lê Bình cầm dao đi kiếm mấy cây củi khô rồi anh chọn vị trí đặt bếp nấu ăn. Trời còn nắng. Với kinh nghiệm ở rừng nhiều năm, Lê Bình mò mẫm bên các tảng đá ven suối để tìm bắt cua. Chỉ mấy phút, anh đã tóm gọn được hơn mười chú cua đá khá lớn. Thừa cho một bữa ăn. Anh tranh thủ xé cua và rữa kỹ. Kinh nghiệm cho anh biết rằng, cua đá phải rửa thật kỹ. Những con sán ký sinh trên mình cua sẽ rất nguy hiểm, nếu nấu không kỹ. Không may ăn vào chúng sẽ ký sinh trong cơ thể người thì coi như nhận một án tử… Quan sát kỹ, rất may những con cua đá này không con nào có sán. Anh quyết định rang số cua này để chấm với muối vừng, ăn với cơm nóng.
         Đây là ngày đầu tiên, Lê Bình phải dùng đến số gạo mang theo. Mấy ngày trước đi từ Đà Nẵng lên Thượng Đức rồi xuống Khâm Đức, anh đều ăn qua loa trên đường và được giúp đỡ nên chưa đụng đến số gạo đựng trong chiếc ruột tượng trang bị cho lính mà anh mang theo. Anh nhẩm nhanh trong đầu: Chỉ được phép nấu hai lạng gạo một bữa thôi. Nếu không số gạo mang theo sẽ không đủ ăn cho tới khi tới đích…
         Cơm nóng được nấu chín. Chiếc ăng gô này thật tiện lợi. Nó đã theo anh suốt sáu năm trời trên Trường Sơn. Cứ tưởng nó đã kết thúc “nhiệm vụ lịch sử” rồi. Không ngờ hôm nay nó lại phát huy tác dụng khi cùng anh rong ruổi trong chuyến đi trở lại Trường Sơn…
         Bữa cơm đạm bạc nhưng anh thấy rất ngon. Một nửa số cua rang được để lại cho bữa sáng mai. Muối vừng mẹ rang, Bình đã nhắc mẹ cho thêm muối để nó mặn hơn mẹ vẫn rang muối vừng cho cả nhà. Anh biết, số muối vừng này phải đủ cho anh ăn trong vòng mười ngày. Nếu làm nhạt thì đâu có đủ. Bình còn kêu mẹ cho thêm nhiều lạc rang vào muối vừng nữa cho thêm chất. Rồi mẹ anh còn làm cả một cân ruốc thịt lợn để cho anh mang theo ăn đường nữa. Ngày trước hành quân vào chiến trường, Bình và đồng đội được phát mỗi người một gói ruốc thịt loại nửa cân. Mang tiếng là ruốc thịt lợn nhưng những sợi thịt lợn cõng đầy muối. Ăn mặn chát. Nhiều đứa gọi đấy là ruốc muối chứ không phải là ruốc thịt. Thế mà anh nào cũng chỉ mong được nghỉ trưa, để được ăn cơm nắm với ruốc thịt mặn chát ấy. Mà thật lạ. Ăn cơm nắm với loại ruốc muối ấy ngon và ngọt đến lạ. Vèo một cái đã hết nắm cơm to đùng. Đói, mệt, thiếu chất nên thứ gì cho được vào bụng đều ngon hết…
         Lúc này không phải là cuộc hành quân gấp gáp vào chiến trường. Bữa ăn của Lê Bình thật khác ngày xưa. Một mình anh ngồi trên tảng đá lớn giữa đại ngàn Trường Sơn. Trời đã nhá nhem tối. Bình vẫn thong thả nhai từng miếng cơm nóng thơm ngậy mùi muối vừng trong mồm. Anh đã tìm thấy cái cảm giác như ngày nào ăn cơm nắm giữa trưa trên đường hành quân trên đường giao liên Trường Sơn. Nhưng lúc này cảm giác thì hơi khác. Không phải ăn vội vàng. Không phải ăn thiếu chất. Ăn có chất hơn xưa. Cua rang thơm ngậy ăn với muối vừng ngon không kém gì bữa cơm liên hoan với thịt gà, thịt lợn và rau, mướp xào… mà cả nhà tiễn anh trở lại đất nước Lào.
         Tắm. Rồi Lê Bình mắc tăng võng. Kỹ năng thuần thục với tăng võng đã giúp anh thao tác rất nhanh. Hoàn tất chỗ ngủ thì cũng đã hơn sáu giờ tối. Lê Bình bước lên võng. Giá như ngày trước, nằm bên anh là khẩu súng - vật bất ly thân với Bình suốt sáu năm trên Trường Sơn. Giờ thì không có khẩu súng bên mình rồi. Nằm có vẻ thoải mái hơn nhưng lại có cảm giác hụt hẫng, bất an. Khẩu súng là điểm tựa, là người bạn của bất cứ người lính nào trên chiến trường. Với Lê Bình một người lính trinh sát bộ binh thì nó càng gắn bó không thể thiếu. Giờ thì nó không còn ở bên mình nữa rồi. Mình phải làm quen với hoàn cảnh mới thôi. Chả lẽ mong cả đời ôm súng ư? Lê Bình vội tháo bao con dao găm ra khỏi dây lưng để bên người. Anh thấy vững tâm hơn. Cả hai đất nước Lào và Việt Nam đều đã im tiếng súng. Hòa bình đã trở về sau nhiều năm tháng bom đạn, chiến tranh. Không còn sự đe dọa đến từ trên trời, đến từ mặt đất. Cảnh giác chỉ là một thói quen đã ngấm vào người một anh lính chiến như Lê Bình. Anh cười và tự trấn an mình…
         Đêm ấy sau một ngày cuốc bộ khá dài, Bình ngủ say như chưa bao giờ được ngủ vậy. Anh thiếp đi cho tới khi mặt trời ló rạng.
         Sau khi nấu ăn sáng, Bình lại cuốn tăng võng, khoác ba lô lên đường.
       Ngày thứ hai vượt Trường Sơn. Gần năm giờ chiều, Bình quyết định tìm chỗ nghỉ qua đêm. Anh dừng lại quan sát. Hình như có tiếng nước chảy? Tiếng nước chảy rất nhỏ. Chứng tỏ con suối này không ở gần đây. Dù sao có nước là tốt rồi. Lê Bình quyết định tạt vào ven rừng. Anh lần mò tìm vị trí con suối. Kia rồi! Phía sau những tảng đá trước mắt có lẽ là con suối. Từ đường lớn vào đây ít ra cũng phải mấy trăm mét. Bình tụt nhanh ba lô xuống đất. Anh vội vốc nước vỗ lên khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi. Bình cứ úp hai bàn tay lại vốc nước rồi anh úp mặt lên đó. Kinh nghiệm ở rừng khiến Bình không quên. Mỗi khi chụm tay vốc nước lên mặt, bình đều quan sát kỹ xem có vắt nước hay không, rồi anh mới ấp nước lên mặt. Nước mát lạnh thấm vào thịt da, làm cho anh tỉnh người… Sống trong rừng, nếu không cảnh giác thì có vô vàn thứ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người lính. Anh nhớ, có lần cậu Ba đồng hương với anh. Những lần đi xuyên rừng đi trinh sát, cậu ấy chủ quan vỗ nước vào mặt. Vô tình, anh đã vốc cả một con vắt nước vào mũi. Con vắt chui sâu vào mũi mà anh không biết. Con vắt “ngụ cư” trong mũi Ba một thời gian. Cái mũi bị viêm. Máu, mủ cứ rỉ ra. Y tá đơn vị thăm khám mới phát hiện ra một chú vắt đã no máu thập thò trong mũi của Ba. Y tá dùng banh định kéo con vắt ra, nhưng không thành công. Cái banh vừa chạm vào, con vắt lại thụt vào sâu trong mũi. Cuối cùng các anh đã phải dụng phương pháp dân gian mà bà con nông dân vẫn áp dụng để gỡ đỉa bám vào chân khi đi làm ruộng. Các anh đã cạo bồ hóng ở bếp ăn của đơn vị rồi trộn với xà phòng. Sau đó y tá dùng xi lanh bơm thứ hỗn hợp ấy vào mũi cậu Ba. Con vắt không thể chịu được thứ hỗn hợp “cay sè” này. Chỉ vài phút sau, chờ cho con vắt nhả miệng ra không còn cắn vào thành mũi nữa, Ba lấy hết sức bình sinh để xỉ mũi. Một con vắt no tròn bắn ra ngoài trước sự kinh ngạc, hãi hùng của mọi người… Cảnh giác bao giờ cũng không thừa, anh nghĩ. Đang hồi tưởng chuyện xưa thì:
- Giơ tay lên! Tiếng quát ấy làm Bình giật bắn người.
         Chuyện gì thế này? Bình còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra với mình thì ngay lập tức lại nghe thấy tiếng quát lần thứ hai:
- Giơ tay lên! Từ từ đứng dậy! Tiếng quát bằng tiếng Việt. Nghĩ thế, Bình thấy có phần nào yên tâm. Bình giơ hai tay lên và từ từ đứng dậy. Anh nghiêng người định nhìn lại phía sau, thì lại có tiếng quát:
- Quay mặt đi. Ngồi xuống tảng đá kia.
         Bình làm theo mệnh lệnh. Không biết anh ta là người thế nào? Tại sao lại xuất hiện tại nơi hoang vắng này? Có phải là người xấu không?
- Anh đi đâu?
         Bình buốt miệng trả lời một cách tự nhiên.
- Tôi sang Lào.
- Anh là Việt cộng à?
         Nghe người này hỏi, Lê Bình ngờ ngợ. Chỉ có người bên kia mới hỏi mình một câu như thế.
- Không. Tôi từng là bộ đội.
- Vậy anh đào ngũ à?
- Không! Tôi được giải ngũ. Hòa bình, thống nhất đất nước rồi mà.
- Anh nói hòa bình, thống nhất là sao vậy? Chiến tranh kết thúc rồi ư? Ai chiến thắng vậy? Việt Cộng hay phía Sài Gòn?
         Kẻ lạ mặt liên tiếp hỏi. Chứng tỏ anh ta chưa biết gì về chiến thắng 30/4/1975 giải phóng Sài Gòn. Đất nước đã thống nhất từ lâu. Vậy anh ta ở đâu trong những ngày vừa qua?
- Sao anh không để tôi quay mặt lại. Chúng ta có thể nói chuyện bình thường với nhau được không?
- Không! Tôi không muốn anh nhìn thấy tôi. Kẻ lạ mặt cương quyết.
- Tại sao vậy? Tôi nghĩ anh không phải người xấu. Nếu xấu, anh đã bắn tôi để cướp đồ đạc rồi. Phải không? Tại sao vậy? Anh không biết đất nước đã thống nhất rồi ư? Bình nhẹ nhàng hỏi lại.
- Chiến tranh đã kết thúc thật rồi à? Ai chiến thắng vậy?
- Vâng. Chiến tranh đã kết thúc từ ngày 30/4/1975 rồi. Anh không biết thật sao? Nam Bắc đã sum họp một nhà rồi. Chúng ta đang bắt tay xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Bác Hồ. Vậy là anh ở đây từ thời chiến tranh ư?
- Anh có nói giỡn không đấy? Thế thì phía Sài Gòn đã thất bại phải không?
- Dân tộc Việt Nam chúng ta đã chiến thắng! Anh không biết thật sao? Hãy để tôi quay lại, chúng ta cùng nói chuyện nhé.
- Tôi không muốn anh nhìn thấy tôi trong hoàn cảnh này.
- Nghe giọng nói của anh, tôi biết anh là một người bình thường mà.
        Bình hỏi nhưng chính anh cũng cảm thấy lạ lùng trước ứng xử của người này. Tại sao anh ta lại không muốn mình nhìn thấy anh ta? Anh ta là ai mà không biết đất nước đã thống nhất? Anh ta bị bệnh phong ư? Hay anh ta là người tàn tật?
- Tôi e khi nhìn thấy tôi, anh sẽ hoảng sợ. Mà tôi lại không muốn điều đó. Tôi là một người bình thường.
        Lạ nhỉ? Mâu thuẫn hết sức trong câu nói của kẻ lạ mặt này. Vì sao vậy? Bình cố nghĩ mà chưa tìm được câu trả lời cho những thắc mắc của anh.
- Thế anh định làm gì bây giờ? Lê Bình hỏi.
- Anh có mang đồ ăn không? Kẻ lạ mặt hỏi.
- Tôi chỉ có ít gạo, muối vừng và ruốc khô thôi.
- Thế thì tốt rồi. Gần một năm nay tôi không được ăn những thứ đó.
- Vậy anh đến từ đâu?
- Tôi là… À không, tôi ở dưới Đà Nẵng.
- Sao anh lại ở đây? Anh bị lạc à?
- Vâng. Tôi bị lạc đường. Nghe tới đây, Lê Bình không còn thấy lo như lúc ban đầu nữa. Phải tìm cách trò chuyện một cách bình tĩnh và khôn khéo với anh ta để xem ý định của anh ta với mình là gì. Thật đen đủi hết mức. Mấy năm chinh chiến, bao lần đối mặt với lính ngụy Sài Gòn, lính ngụy Lào và Thái Lan anh đâu có ngán. Thế mà hôm nay lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này. Bị một kẻ không rõ mặt bắt sống. Thật không thể tưởng tượng được. Phải bằng mọi giá tìm cách thoát ra thôi… Nghĩ đến đây, Lê Bình trấn tĩnh trở lại. Anh đề nghị.
- Tôi sẽ nấu cơm để cả hai chúng ta cùng ăn. Tôi cũng chưa ăn mà. Tôi nấu nhanh thôi, chỉ hơn ba mươi phút là chúng ta có cơm ăn ngay.
- Được rồi. Nhưng, anh không được nhìn tôi. Kẻ lạ mặt ra điều kiện.
- Bây giờ hết chiến tranh rồi. Hòa bình đã trở lại. Cùng là người Việt tại sao chúng ta lại không là bạn của nhau nhỉ? Dù anh từng là người của chế độ Sài Gòn đi chăng nữa thì chuyện ấy đâu còn quan trọng. Trừ bọn ác ôn có nợ máu với nhân dân, còn tất cả những người của chế độ cũ đều đã làm ăn sinh sống bình thường cả rồi. Không có trả thù. Không có phân biệt đối xử. Mọi công dân Việt Nam đều được đối xử công bằng theo pháp luật. Anh ạ.
- Thật thế ư? Việt cộng chiến thắng. Thế những người đi lính Sài Gòn thì bây giờ ra sao?
- Tất cả đều được trở về với gia đình. Riêng các sĩ quan Sài Gòn thì phải trải qua một lớp học tập để hiểu biết về chế độ mới rồi họ lại được trở về với gia đình, vợ con và sinh sống bình thường như mọi người dân.
- Anh nói thật sao? Thế gia đình có tiệm buôn bán thì có tiếp tục được buôn bán không?
- Được chứ. Tất cả đều tự do sinh sống. Mục đích cuối cùng của việc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước chính là để mọi người dân Việt Nam đều được hưởng tự do, độc lập và hạnh phúc. Ai cũng có cơn ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như mong ước của Bác Hồ mà. Lê Bình nói một thôi một hồi như anh đang lên lớp chính trị vậy.
- Nếu đúng như anh nói thì ba mẹ em ở Đà Nẵng vẫn được làm ăn buôn bán thường rồi.
- Đúng vậy. Đấy là sự thật. Tôi không hề nói dối. Thành phố Đà Nẵng của anh đã được giải phóng từ ngày 29 tháng 3 năm 1975 cơ.
        Rồi Bình không thấy anh ta nói thêm gì nữa. Chắc anh ta đang ngẫm nghĩ về những điều mình vừa thông tin.
- Thôi được rồi. Anh quay lại và đi theo tôi. Nhưng anh đừng sợ đấy.
- Tôi đâu có sợ - trừ phi anh là một con quỷ. Lê Bình nói một câu vui đùa để trấn an anh ta.
       Nói rồi Bình tiến lại phía ba lô. Lợi dụng lúc cúi xuống nâng chiếc ba lô lên vai, Bình liếc nhanh về phía kẻ đang ra lệnh cho mình.”Trời!” Chỉ kịp kêu lên một tiếng, tay Bình đánh rơi chiếc ba lô xuống đất. Đứng sau anh đúng là một người rừng gớm ghiếc. Tóc tai anh ta dài che gần kín khuôn mặt. Bộ râu anh ta cũng dài gần tới ngang ngực. Anh ta đúng là một người rừng. Hèn nào anh ta không muốn cho mình nhìn thấy hình hài gớm ghiếc của anh ta. Lấy lại bình tĩnh, Bình quay mặt lại phía anh ta.
- Có gì đâu anh. Nào, chúng ta đi đâu đây?
         Người rừng vẫn lăm lăm khẩu AK trong tay. Anh ta dùng nòng súng để ra hiệu hướng đi cho Bình. Len lỏi một lúc, Người rừng dẫn Bình đến trước một cái hang đá nhỏ nằm cạnh con suối.
- Anh vào đi! Anh ta ra lệnh.
- Anh có định ăn cơm nữa không đấy? Bình hỏi.
- Cứ đặt ba lô xuống đã. Người rừng lúc này đứng ở ngay cửa hang. Khẩu AK vẫn lăm lăm trong tay. Lê Bình nghĩ nhanh trong đầu: Phải lợi dụng tình huống này nhanh chóng đoạt lấy khẩu AK. Nghĩ thế, Bình làm như vô tình lùi nhanh lại phía sau. Chiếc ba lô trên lưng anh chạm mạnh vào nòng súng khiến anh ta vội hất nòng súng lên cao để tránh. Chỉ chờ có thế, với một động tác nhanh như chớp của một trinh sát, Bình tóm được nòng khẩu AK. Tay còn lại anh tạo một thế võ quật ngã Người rừng. Khẩu AK nằm gọn trong tay Lê Bình.
- Giơ tay lên! Bình ra lệnh.
         Kỳ lạ thay, Người rừng vẫn bình tĩnh ngồi trên đất. Tay anh ta không làm theo mệnh lệnh. Thấy vậy, Bình hô tiếp:
- Giơ tay lên!
- Súng không có đạn đâu anh. Vừa rồi em chỉ dọa anh thôi.
         Lê Bình vội kéo quy lát khẩu AK lên. Anh kéo hai ba lần liên tiếp. Không một viên đạn bắn ra. Anh tháo tiếp băng đạn. Băng đạn rỗng không. Khẩu AK lúc này chỉ là một cái gậy bằng sắt không hơn không kém. Tuy nhiên cảnh giác, Bình vẫn cầm nó trong tay.
         Bình lấy chiếc xoong nhỏ và chiếc ăng gô từ ba lô ra để chuẩn bị nấu ăn. Thấy thế, Người rừng vội chạy lại.
- Anh để em nấu cho. Nói rồi anh ta nhìn Bình chờ đợi.
- Được rồi. Để tớ lấy gạo. Bình dựng khẩu AK ở cửa hang và gần tầm với của anh để phòng bất trắc. Anh lấy đồ ăn ra.
         Sau khi vo gạo, Bình sai Người rừng đi kiếm củi thì anh ta xua tay.
- Không cần đâu anh. Ở trong hang em có đầy đủ mọi thứ cho việc nấu ăn.
       Người rừng bước vào hang trước. Cái hang đá này sâu khoảng ba bốn mét. Vòm hang cũng thấp, chỉ hơn một tầm với. Bên trong hang có khá nhiều thứ: Thùng đạn bằng gỗ thông, một vỏ thùng lương khô loại mười ki lô gam. Một cái đĩa chia cơm bị bẹp một góc và một cái xoong nhỏ…
         Mặt trời đã xuống núi rất nhanh. Trong hang đã tối. Người rừng vội chạy đến đốt đèn.
         Lê Bình vô cùng ngạc nhiên trước cơ ngơi của Người rừng. Ngạc nhiên nhất là cây đèn thắp bằng dầu ma dút. Đó là một quả bom bi hình quả dứa. Chắc chắn đây là sản phẩm của bộ đội ta chứ không phải do Người rừng tạo nên.
- Khẩu AK và tất cả những thứ này, cậu lấy ở đâu vậy?
         Bình nhìn thẳng vào mắt anh ta, hỏi.
Trước ánh mắt của Bình, anh ta hơi bối rối:
- Dạ, khẩu AK này em tìm thấy nó trong một cái kho cũ của Việt Cộng - à của cách mạng - anh ta vội sửa lại. Cái kho ấy nằm cách đây phải mấy cây số lận. Nó bị rỉ sét và không có thước ngắm. Chắc nó bị hỏng nên bị bỏ lại. Anh nhìn xem đi. Bình liếc nhanh thì quả đúng khẩu AK bị mất thước ngắm.
         Người rừng nói tiếp:
- Trong một lần đi tìm thức ăn, em đã lạc vào một khu kho của bộ đội thì phải. Một cái kho vô cùng rộng lớn, anh ạ. Em mò mẫm, lang thang tìm đồ gần hết một ngày mới đi hết được cái kho này. Em không thể tưởng tượng được là giữa khu rừng già này mà bộ đội cách mạng lại xây dựng nên một khu kho rộng lớn đến thế. Những con đường trong kho chằng chịt như xương cá chạy dưới những tán cây rừng sum suê. Lúc đầu em không để ý nên bị lạc. Về sau em để ý cứ theo những tấm bảng có mũi tên chỉ dẫn đi đến từng khu kho để các chủng loại khác nhau được đóng trên các thân cây. Thế là em dễ dàng tìm được đường mà không bị lạc nữa. Cứ cách bảy tám chục mét em lại thấy một cái sàn kho làm bằng những cây gỗ lớn. Nhìn cái kho rộng lớn ấy, em nghĩ tiềm lực của cách mạng lớn mạnh thế này chả trách phía Sài Gòn cứ thua hết trận này đến trận khác là phải… Em tìm được cái khẩu AK này bị bỏ lại trong một cái nhà hầm. Nó bị hỏng và rỉ sét hết nhưng em vẫn lấy mang về. Biết đâu có ngày cần đến nó. Những đồ đạc trong hang này em cũng tìm thấy trong cái kho cũ của cách mạng, em nhặt về dùng tạm. Cả chiếc đèn bom bi này cũng vậy. Lúc đầu em rất sợ. Tưởng nó là quả mìn. Nhưng thấy nó có cái tim đèn nên em đã mang về dùng. Em cũng đã đi gạn lại được một ít dầu ma dút trong những thùng phi cũ mang về.  Dầu ma dút này em sài từ rất lâu rồi mà vẫn còn nhiều đó anh…
         Lê Bình nghe Người rừng kể, anh nghĩ có lẽ cậu ta đã lạc vào một trong những cái kho của Binh trạm 44 rồi. Binh trạm 44 có tới mấy cái kho lớn như thế. Không biết cậu ta đã vào kho O2 hay O1... Thấy trời đã sập tối, Lê Bình vội giục:
- Thôi được rồi. Bây giờ chúng ta nấu ăn thôi. Tôi cũng đói lắm rồi. 
         Bữa ăn được dọn ra. Cơm được Lê Bình nấu vào chiếc xoong nhỏ cho hai người ăn. Không kịp tìm thức ăn từ rừng, Bình và Người rừng ăn cơm với muối vừng và ruốc thịt.
         Nhìn nồi cơm bốc khói, con mắt của Người rừng sáng lên. Anh ta không ngần ngại thể hiện sự thèm thuồng rất rõ trên khuôn mặt.
- Mấy tháng trời nay, bây giờ em mới được nhìn thấy cơm đấy anh. Người rừng thú nhận.
- Thế thời gian qua cậu ăn bằng gì?
- Dạ lúc đầu em đi vét gạo hư còn sót lại trong kho và tìm được vài phong lương khô và một thùng thịt hộp nhưng bị hỏng nên các anh bộ đội bỏ lại. Mỗi ngày em khuân về một ít. Rồi em đặt bẫy gà rừng, đào bắt dúi, mò cua, bắt cá dưới suối… Nghĩa là tìm được thứ gì thì ăn thứ đó. Mấy hộp thịt hộp bị phồng hết và có mùi, nhưng em vẫn khui ra đun thật kỹ để ăn. Bụng em tốt mà, chả sao cả. Em vẫn còn để dành mấy hộp phòng khi bí quá sẽ dùng tới nó. Người rừng ngẩng lên nhìn Lê Bình:
- Tất cả những điều em nói đều là sự thật. Em không ăn trộm, ăn cắp của cách mạng đâu anh. Đều là những thức cách mạng bỏ đi mà.
- Được rồi. Tôi tin cậu. Thế cậu tên gì để kêu cho tiện.
- Dạ em tên Tứ. Lê Tứ ạ.
- Cùng họ với tớ đấy. Thế cậu bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ năm nay em hai mươi ạ.
- Như vậy là kém mình năm tuổi. Này. Sao cậu lại để râu tóc như vậy?
- Dạ em đâu có dao kéo, anh. Ban đầu em cũng lấy con dao em nhặt được ở kho, mài sắc để gọt bớt tóc đi, nhưng vì nó là con dao dựa đâu có có gọt được tóc. Vì thế da tóc em đau quá, nên thôi. Thế là em để luôn không thèm đụng đến nó nữa. Mà chỉ sống có một mình thì sợ chi xấu đẹp đâu anh. Lúc này thấy thái độ thân thiện của Bình, Người rừng bắt đầu cởi mở hơn.
- Ban nãy cậu nói gia đình cậu ở Đà Nẵng, phải không?
- Dạ phải. Gia đình em ở đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng đó anh.
- Thế cha mẹ cậu tên gì? Và là người Đà Nẵng luôn hả?
- Dạ. Ba em tên Lê Ba. Vì ổng là con thứ hai nên kêu vậy. Ba em quê ngoài Sơn Tây. Má em người Đà Nẵng.
          Nghe tới đây, Lê Bình chợt nhớ ra điều gì. Anh hỏi lại:
- Thế ba cậu quê ở xã nào ngoài đó, cậu có biết không?
- Dạ. Ổng ở xã Cổ Đông, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây.
- Vậy sao? Thế ba cậu tuổi gì?
- Dạ ba em sinh năm 1934. Em nhớ không lầm đâu anh. Em còn biết nội em tên là Lê Hà nữa. Ba em kể bác hai của em là Lê Hai. Bác hơn ba em ba tuổi.
         Lê Bình không tin ở tai mình nữa. Trời ơi, thằng Người rừng đang ngồi trước mặt mình lại có thể là con người chú ruột của mình thật sao? Đúng là chú ấy sinh năm 1934, kém cha mình ba tuổi. Ông nội mình là Lê Hà. Còn cha mình là Lê Hai và ở xã Cổ Đông thì còn sai thế nào được. Chú Lê Ba của mình đầu năm 1954 theo một người cô vào buôn bán ở trong nam thì kẹt lại ở Đà Nẵng sau Hiệp định Giơnevơ. Năm 1955, chú ấy có gửi bưu thiếp ra nói rằng đang cùng với cô mở một tiệm buôn bán nhỏ ở 51 đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Trời ơi sao lại kỳ lạ như thế? Chẳng lẽ ông trời đã sắp đặt để mình gặp thằng em trong một hoàn cảnh éo le như thế này sao? Nếu mình nói là con trai của bác Lê Hai thì liệu nó có tin không? Làm cách nào để thằng Người rừng Lê Tứ này tin đây?...
- Này Lê Tứ. Ông nội của anh tên là Lê Hà. Còn cha anh là Lê Hai. Cha anh có một người em trai tên là Lê Ba. Đầu năm 1954, chú Lê Ba đi theo bà cô họ vào buôn bán trong Nam. Rồi hai cô cháu kẹt lại ở Đà Nẵng sau Hiệp định Giơnevơ. Trong một tấm bưu thiếp mà gia đình anh nhận được đầu năm 1955, chú Lê Ba viết thư ra báo tin cùng với bà cô ở lại và mở tiệm buôn bán nhỏ ở Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, đấy.
         Nghe tới đây Lê Tứ cũng tròn mắt vì kinh ngạc. Nhưng rồi cậu ta như lấy lại được bình tĩnh. Nó nhìn thẳng vào Lê Bình.
- Anh giỡn em, phải không?
- Tại sao anh phải giỡn cậu?
- Thế, anh cho em hỏi: Bà cô mà anh nói ấy kêu tên gì?
- Cô Lê Thị Lan. Bố cô Lan là em ruột của nội Lê Hà.
- Trời ơi! Thế thì đúng quá rồi! Anh đúng là con của bác hai em rồi! Nói rồi Người rừng lao tới ôm chầm lấy Lê Bình. Nó khóc rống lên:
- Ối anh ơi! Tại sao em lại được gặp anh trong hoàn cảnh thế này kia chứ? Mà anh chưa nói anh tên gì để em kêu cho đúng?
- Anh là Lê Bình. Anh là con thứ hai.
         Rồi như nhớ ra điều gì đó, Lê Tứ vội buông tay ra khỏi người Lê Bình. Nó hỏi:
- Vậy anh có thứ gì chứng minh anh là Lê Bình, con bác Lê Hai ở Cổ Đông không? Ánh mắt ngờ vực của nó hướng thẳng về phía Lê Bình. Anh không khỏi lúng túng. À, có rồi. Lê Bình vội lấy từ túi áo ngực ra tờ giấy giới thiệu đi đường của Ủy ban hành chính xã, được anh cất kỹ trong chiếc ví nhỏ.
- Em đọc coi. Họ tên anh, rồi con dấu của chính quyền xã Cổ Đông nữa.
         Lê Tứ đưa tờ giấy sát vào chiếc đèn bom bi. Nó đọc rất kỹ rồi xoay tới xoay lui tờ giấy được gọi là “Giấy giới thiệu”. Nó cúi sát xuống và xem rất kỹ càng. Bộ râu tóc bù xù của nó xòa xuống bắt lửa cháy xòe xòe. Nó cuống cuồng dập lửa cháy.
- Em tin rồi. Nhưng như anh nói, hòa bình, thống nhất rồi, vậy anh sang đây làm gì? Thằng Người rừng vẫn chưa hết nghi ngờ. Nếu nói chi tiết với nó cũng chả để làm gì. Nó đâu có hiểu và chắc chả quan tâm đến điều ấy. Lê Bình chỉ nói vắn tắt:
- Anh đã về quê rồi. Nhưng muốn quay trở lại nơi mà anh từng chiến đấu để xem việc làm ăn ở đây như thế nào rồi tính sau.
         Lê Tứ vẫn chưa hiểu. Nó tiếp tục hỏi:
- Thế ở quê mình làm ăn không được sao? Bên Lào lạc hậu hơn Việt Nam thì liệu có ổn không anh?
- Người ta bảo khai phá miền đất mới bao giờ cũng khó khăn nhưng tương lai thì lại mở ra… Biết đâu đấy! Nhưng thôi, không nói chuyện của anh nữa. Anh hỏi chú - Lê Bình thay đổi cách xưng hô - Tại sao chú lại ở đây?
( Kỳ sau tiếp theo chương V)
tin tức liên quan