ĐỌC: “NHỮNG NGƯỜI LÍNH SINH VIÊN” CỦA LÊ ANH QUỐC
Tôi hoàn toàn không quen biết người lính Lê Anh Quốc, càng không biết có Nhà thơ tên là Lê Anh Quốc. Vô tình đọc được thơ anh trên Facebook, tôi không thể làm được việc gì khác ngoài việc viết cảm nhận về trường ca hơn 500 câu “Những người lính sinh viên” của anh. Tôi rất ít khi bình thơ, phải xúc động lắm mới viết...
Được biết anh nhập ngũ năm 1971, khi đang là sinh viên. Một người lính sinh viên, một Nhà thơ lính. Một người trong số hơn 10.000 sinh viên các trường đại học của Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu từ năm 1970 đến năm 1972. Hơn một nửa đã hy sinh tại các mặt trận, nhưng nhiều hơn cả là hy sinh tại chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị những tháng ngày đỏ lửa.
Tôi gõ tên anh cùng tên bài trường ca của anh trong Google. Không thấy. Nghĩa là anh không nổi tiếng, thơ anh thuộc loại “chưa được xếp hạng” theo cách xếp hạng của giới tự phong cho mình là chuyên nghiệp.
Thơ về chiến tranh có hai giai đoạn. Giai đoạn trong chiến tranh và giai đoạn sau chiến tranh.
- Thơ trong chiến tranh mang tính động viên ca ngợi với âm hưởng chủ đạo là cảm hứng sử thi. Phạm Tiến Duật: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!” hay Nam Hà “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!”.
- Thời kì hậu chiến, khi đã có độ lùi của thời gian, bối cảnh xã hội và tâm thế sáng tạo cho phép người viết được tái hiện chiến tranh thiên về chất trữ tình triết lí, chiêm nghiệm. Cốt truyện không còn là điều quan trọng như trong trường ca truyền thống mà mang yếu tố tự sự nhiều hơn.
Trường ca “Những người lính sinh viên” nằm trong số đó.
Tác giả không nhận mình là thi sĩ chuyên nghiệp:
“Chúng tôi đi đánh giặc những tháng năm dài
Phút khuây khỏa
Làm thơ trên báng súng.
Đời chẳng tĩnh
Nên câu thơ quá động.
Lục bát trèo
Lên võng
Đung đưa…”
“Lục bát trèo lên võng đung đưa” là thơ nó tự trèo lên người lính. Câu thơ thật hay, chuyên nghiệp chắc gì nghĩ ra.
Thơ anh tự sự nhưng không phải tự sự của “tôi” mà là của “chúng tôi”, những người người lính có học mà anh gọi là lính sinh viên, từ ruột gan người lính. Những vần thơ mộc mạc, tự nhiên như chính đời lính gian khổ, đói rét, hy sinh, ngời sáng tình đồng đội thiêng liêng cao thượng.
Nói về thế hệ mình, anh tự hào:
“Thế hệ chúng tôi !
Ai cũng dễ thương,
Thơm thảo như hoa,
Ngọt ngào như trái.
Tình đồng đội lòng không cỏ dại,
Nghĩa đồng bào - Bầu, Bí thương nhau.”
Anh nói về sự hy sinh của các chị các em các mẹ mà anh cho là cao cả hơn sự hy sinh của người đàn ông:
“Thế hệ chúng tôi phụ nữ muộn chồng
Nhiều đứa quá thì nên cầm lòng vậy
Đời con gái chín dần trong cây gậy
Rụng xuống đường lọc cọc tiếng đơn côi.”
Chỉ người đàn ông đích thực mới nhìn thấy cái mất mát đáng sợ do chiến tranh mang lại cho người đàn bà:
“Con dâu nằm chung với mẹ chồng,
Tay bó gối phòng lúc mình mê ngủ.
Hai cái thiếu chẳng làm nên cái đủ.
Dưới mái nghèo năm tháng vắng đàn ông.”
Hình ảnh chiếc võng được lính liên tưởng như vầng trăng khuyết, như con thuyền chở lòng căm thù giặc, như cánh cung mà mỗi người lính là một mũi tên.
Người lính còn biết mơ mộng một ngày đỗ đạt vinh quy bái Tổ ngồi trên võng. Thương quá những chàng sinh viên gác bút nghiên đi đánh giặc!
Nói về sự lạc quan của người lính, khó ai có thể nói hay hơn:
“Chúng tôi cười
Cười chật đất
Cười chật sông
Cười chật suối...”
Về cái đói của lính, anh cũng có cách nói rất độc đáo đồng thời lại rất thật:
“Không sợ giặc, không sợ đạn bom rơi,
Cái sợ nhất lúc này là đói.
Đói vàng mắt,
Đói long đầu gối,
Đói phạc phờ,
Đói thừa cả chân tay...!
Mà lạ chưa?
Vào chính lúc này,
Chúng tôi lại đánh lui quân giặc.”
Kết thúc chiến tranh, anh không quá say sưa chiến thắng mà nói về làng quê, về đời sống của người dân và đương nhiên là nói về mẹ:
“Bây giờ mắt mẹ đã mờ,
Nhìn tôi bằng “ngón tay rờ” run run”
Câu thơ tuyệt hay. Cần gì phải nói bao năm chờ đợi mẹ khóc đến mù hai mắt, chỉ cần hình ảnh nhìn bằng tay là đủ lay động lòng người.
Anh có một “nỗi buồn chiến tranh” giống mọi người:
“Bao cô gái
Bao chàng trai
Lứa tuổi đôi mươi
Đã nằm xuống dưới bạt ngàn nấm mộ
Những cái tên…
ngày nào xanh nhãn vở
Giờ xếp hàng
Đỏ rực Nghĩa trang.”
Không phải rất nhiều nấm mộ mà là chỉ một nấm mộ thôi nhưng bạt ngàn. Thơ đấy chứ đâu, nghệ thuật đấy chứ đâu nữa!
Và một nỗi buồn rất khác. Các anh trở về với luống cày cây lúa. Thời trai trẻ đã qua đi, không được học hành như mơ ước. Trong thời đại công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, các anh bị lạc hậu:
“Không thể đem việc đổi xạ - bóp cò,
Làm công nghiệp trong thời mở cửa.
Ta sẽ chẳng vượt qua đói khổ,
Nếu chân mình còn nặng đế cao su!”
Đau hơn cả là cái tương lai tươi sáng mà vì nó các anh đã chiến đấu hy sinh vẫn còn xa chưa đến:
“Ta đã qua dài rộng rừng sâu,
Chân đã thuộc những nẻo đường ngang dọc,
Mà bây giờ trước đồng, trước ruộng
Sao ta đi, đi mãi... chẳng đến bờ?
Vẫn chỉ là muôn thuở: Đói hay No?
Mà lăn lóc cả đời với đất
Từ mặt trận,
mang Cái còn - Cái mất
Trở về làng đánh đổi Cái có - Cái không...”
***
Tôi bỏ cả ăn sáng, viết cho xong bài này. Hãy cho tôi một lần được làm người bình thơ, hãy cho tôi thắp nén tâm nhang cho anh, người lính thơ, Nhà thơ lính.
Có thể anh không có danh xưng Nhà thơ (tôi không rõ lắm) nhưng anh là Nhà thơ trang trọng trong tôi, trong những người bình thường và những người yêu thơ.
Chúng ta căm ghét chiến tranh, chúng ta mong con cháu mình không bao giờ phải cầm súng, không muốn rồi sẽ có những người lính sinh viên như anh. Nhưng để mong muốn đó thành hiện thực, chúng ta phải trân quý những người như anh - người lính vô danh, Nhà thơ thầm lặng! Bài thơ rất dài nhưng tôi khuyên các bạn nên đọc.
Phan Chi
Trường ca “Những người lính sinh viên” của Lê Anh Quốc với trên 500 câu thơ được biểu hiện bằng 4 Chương – Bao gồm:
- Chương một : KHÚC DẠO ĐẦU
- Chương hai: KHOẢNG TRỜI NGƯỜI LÍNH
- Chương ba: SAU CHIẾN TRANH
- Chương bốn: HỒI TƯỞNG
Trường Sơn xin trân trọng đăng tải từng Chương vào 4 ngày liền nhau để giới thiệu Trường ca “Những người lính sinh viên” đến các đồng chí và bạn đọc
Xin trân trọng
(Phạm Sinh sưu tầm và giới thiệu)
NHỮNG NGƯỜI LÍNH SINH VIÊN
Chương một : KHÚC DẠO ĐẦU
Thế hệ chúng tôi!
Chưa kịp lớn lên,
Bom đạn Mỹ xé rách trời, nát đất.
Vừa buông nách đứa em bé nhất,
Trên đầu mình,
Già dặn khoảng trời xanh.
Thế hệ chúng tôi- Thế hệ chiến tranh.
Hoa lau trắng những ngày tiễn biệt
Người lên đường - Đất Nước là Tiền tuyến
Người ở nhà – Tổ quốc hóa Hậu phương
Thế hệ chúng tôi !
Ai cũng dễ thương,
Thơm thảo như hoa,
Ngọt ngào như trái.
Tình đồng đội lòng không cỏ dại,
Nghĩa đồng bào - Bầu, Bí thương nhau.
Thế hệ chúng tôi con gái cũng “mày râu”
Chẻ lạt lợp nhà, đốn cây, bổ củi
Đêm trăng lên nhoi nhói câu thầm hỏi:
- Mình đàn bà sao bóng tựa đàn ông?
Thế hệ chúng tôi phụ nữ muộn chồng
Nhiều đứa quá thì nên cầm lòng vậy
Đời con gái chín dần trong cây gậy
Rụng xuống đường lọc cọc tiếng đơn côi.
Thế hệ chúng tôi...
Meo mốc bình vôi,
Mùa cau lại vàng,
Mùa trầu lại đỏ,
Mẹ cầm chổi gom những mùa lá đổ,
Đợi con về …
Run rẩy quét thời gian.
Ngôn ngữ Tình Yêu
thời của chúng tôi:
Một đôi chim bay trên áo gối,
Một bông hồng thả hương bối rối,
Một khoảng tròn quanh những chiếc khung thêu.
Thế là thương
Là nhớ
Là yêu
Là gánh vác việc nhà người ra trận.
Dẫu không hóa làm thân Núi Vọng,
Cũng một đời chín đợi, mười trông.
Đêm.
Con dâu nằm chung với mẹ chồng,
Tay bó gối phòng lúc mình mê ngủ.
Hai cái thiếu chẳng làm nên cái đủ.
Dưới mái nghèo năm tháng vắng đàn ông.
Thế hệ chúng tôi,
Ra ngõ gặp Anh hùng.
Đâu cũng thấy hy sinh cho Tổ quốc.
Người trước ngã,
Người sau không bỏ cuộc.
Trận đánh này,
Phải TOÀN THẮNG ngày mai …
Ngày mai
Ngày mai
Ngày mai…
Có thể là gần
Có thể xa vời vợi...
Sẽ chẳng tới nếu ta ngồi chờ đợi.
Chỉ con đường duy nhất phải vượt lên !
Dù ngày mai sẽ chẳng vẹn nguyên,
Những cô gái, chàng trai tuổi xuân hơ hớ.
Dù ngày mai sẽ bạt ngàn nấm mộ.
Những con người của thế hệ chúng tôi.
Mặc gian nan!
Mặc đạn bom rơi!
Đích phải đến là TỰ DO - ĐỘC LẬP.
Là Đất Nước sạch bóng quân xâm lược.
Là Bắc – Nam sum họp một nhà.
Mẹ sẽ vui
Ngày mai .
Khải hoàn ca !
Chúng con hát dọc đường về thăm mẹ.
Ta tưng bừng,
Ta thương người lặng lẽ.
Bởi
Mất - Còn,
Cũng đến một ngày mai…
(Xem tiếp Chương hai)