"Người trên tuyến đầu" - Truyện ngắn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 06:11 03/06/2021 Lượt xem: 329
Người trên tuyến đầu.
( Truyện ngắn tri ân những người lính áo trắng )
Hoàng Văn Kính

          Được tin lần này chị lại tiếp tục tham gia đoàn cán bộ, nhân viên Y tế đi tăng cường chống dịch cho tỉnh bạn, tôi tranh thủ sang chơi, hỏi xem chị cần gì để mó một tay, chị bảo: Có cơ quan lo hết rồi, chẳng thiếu thứ gì, lúc nào rảnh em qua nhà động viên ông bà và thằng Cún giúp chị.
Trong đợt bùng phát dịch lần trước chị cũng được đi. Lần bùng phát này vì có kinh nghiệm vả lại cũng cạn nguồn nhân lực để thay phiên nên chị tình nguyện đi tiếp.
          Lần trước mới cách đây tầm bốn tháng, được tin chị vừa ở nơi chống dịch về tôi vội sang thăm, ngắm dung nhan chị mà thấy ái ngại: Đôi mắt thâm quầng, da mặt nhăn nheo, đôi bàn tay ngày nào cũng phải ủ trong bao găng ướt sũng mồ hôi nom nhợt nhạt, thân hình tiều tụy, chị vạch áo ra cả mảng lưng đỏ ửng như phải bỏng, cảm nhận chị già đi đến chục tuổi.
        -Xem trên vô tuyến quay cảnh các nhân viên y tế phòng chống dịch tại các bệnh viện, các trung tâm em thương quá, thấy lo cho chị. Vất vả lắm hả chị - Tôi hỏi.        
          Chị kể: Bệnh viện dã chiến là nơi nguy hiểm hàng đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch. Khu điều trị được tổ chức khép kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ở đây có đầy đủ các thành phần, các lứa tuổi mắc bệnh, nhiều nhất là các cụ già, người trung tuổi, thanh niên và con trẻ cũng có nhưng không nhiều. Chị được điều động làm việc tại Khoa hồi sức tích cực, là nơi tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 nặng vì thế các nhân viên tại đây phải làm việc liên tục, theo sát mọi diễn biến của người bệnh. Ở Khoa chị có cá ca bệnh suy hô hấp, phải thở máy và lọc máu liên tục. Hồi sức cấp cứu là Khoa có nguy cơ phơi nhiễm Covid-19 cao nhất. Nhiệm vụ của Điều dưỡng viên phải chăm sóc bệnh nhân từ A đến Z: cho bệnh nhân ăn uống, thuốc thang và vệ sinh cá nhân cho họ. Những người bị bệnh nặng mình phải phục vụ tại giường. Vất vả và có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng lúc này người bệnh cần những người như bọn chị. Nhân viên Y tế không thể vì bất kì lí do gì mà bỏ nhiệm vụ. Lương tâm và trách nhiệm không cho phép.
          Mỗi ca trực phải làm việc liên tục trong nhiều giờ, nếu thiếu người phải kéo dài thêm. Vũ khí của người lính nơi tâm dịch là bộ đồ bảo hộ  bằng nilon, giầy, mũ, khẩu trang, kính chống giọt bắn. Khi đã khoác lên người đủ bộ thì không còn nhận ra ai, tên của mỗi người được viết sau áo. Đấy là khoảng thời gian mỗi cán bộ, nhân viên phải chịu cực hình. Trời nắng  nóng 35-37 độ, trong phòng không được chạy  điều hòa, mồ hôi chảy ướt từ đầu xuống chân. Điện thoại ngắt kết nối, không ăn, không uống và không cả đi vệ sinh.
-Thế nữa cơ à – Tôi tò mò - Lúc có nhu cầu… thì làm thế nào?
-Chẳng thế nào cả, phải cố mà chịu đựng chứ biết làm thế nào, không thể tùy tiện cứ muốn là cởi bỏ bộ đồ bảo hộ nguy cơ lây nhiễm sẽ rất lớn bởi vậy mọi thứ phải chuẩn bị kĩ trước khi đeo lên người những thứ đó. Mỗi người một việc, di chuyển lặng lẽ, âm thầm làm nhiệm vụ. Sự chuyên nghiệp của đội ngũ Y Bác sỹ và nhân viên y tế đã thành kĩ năng. Việc gì phải làm trước, làm sau; việc gì cần và chưa cần; mọi tình huống xẩy ra, diễn biến đột xuất của từng bệnh nhân được xử lí chính xác, mau lẹ một cách rất bài bản, cùng bất đắc dĩ mới phải trao đổi bằng lời nói.
-Xem trên tivi em thấy nhiều cán bộ nhân viên bị ngất xỉu mà  thương, thấy lo cho chị.
         Chị bảo: Đúng đấy, phải làm việc trong môi trường vô cùng khắc nghiệt như thế nên nhiều anh chị em bị ngất, gục ngay tai chỗ. Lúc ấy chỉ có mỗi cách phải nhanh chóng đưa ra khu vực an toàn, thoáng mát, cởi bỏ toàn bộ bộ đồ bảo hộ, nhanh chóng quạt tiếp không khí, tiếp nước. Căng thẳng, mệt mỏi như thế nên xong việc là lăn ra ngủ. Cơm nước được phục vụ chu đáo lắm nhưng còn hơi sức đâu mà ăn. Em cứ tưởng tượng xem, nhiệt độ bình thường ngoài trời như thế, khi đóng bộ đồ bảo hộ vào nhiệt độ bên trong sẽ tăng lên trên dưới 40 độ, có khác gì trong một cái lò, mồ hôi đổ ra như tắm, đã thế miệng mũi lúc nào khẩu trang cũng bịt kín, mất nước thiếu dưỡng khí  dẫn đến mệt mỏi, làm suy kiệt – Giọng chị trầm hẳn xuống: Tất cả vì người bệnh em ạ.  Cũng có trường hợp cả hai vợ chồng đều đi chống dịch khi hay tin mẹ mất mà không thể về chịu tang, phải thắp hương bái vọng từ xa  mong được vong linh mẹ thứ lỗi. Cũng có trường hợp bệnh nhân xông vào bóp cổ, hành hung các nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ, đang lo cứu mạng sống cho họ…


(Ảnh minh họa)
 
         Nghe chị kể tôi mới hình dung được phần nào nỗi vất vả của các anh, các chị. Gọi các anh chị là những người lính cảm tử trên tuyến đầu phòng chống dịch không sai chút nào. Tôi phân vân bởi vì biết nói với chị điều này là thừa, nhưng ngưỡng mộ và cảm phục, tôi vẫn phải nói: Là cái nghiệp chị ạ. Các cụ ta đã nói: Sinh vì nghệ, tử vì nghệ. Sống chết vì nghề, những người lính áo trắng đang thể hiện rõ nhất những phẩm chất tốt đẹp ấy trên tuyến đầu chống dịch, trong đó có chị đấy – Chị nhìn tôi cười: Cảm ơn em. Tôi hỏi dò chị - Những ngày ở đấy, điều gì khiến chị trăn trở nhất.
- Nói thật, mình cũng là con người, nhất là chị em nữ, đâu phải là sắt thép, gỗ đá nhưng một khi đã xác định lên tuyến đầu chống dịch thì chẳng có gì để sợ cả - Chị bảo – Lây nhiễm ư. Mình tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân thì hoàn toàn yên tâm. Vất vả ư, đã là một người lính trên tuyến đầu thì dù khó khăn, nhọc nhằn đến mấy cũng phải chịu đựng và cố gắng vượt qua. Bỏ cuộc có nghĩa là đầu hàng. Điều trăn trở và day đứt nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ con. Khi cởi bộ đồ bảo hộ là vồ ngay cái điện thoại gọi về nhà. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trong tâm trí là cậu con trai bé bỏng nó mới hơn một tuổi. Chỉ cần nghe tiếng con cười hoặc khóc trong điện thoại là trong lòng vơi đi mọi nỗi lo âu, phiền muộn, như được tiếp thêm sức mạnh để chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới – Giọng chị trầm hẳn xuống: Thằng Cún chưa cai sữa, chắc nó khóc nhiều lắm. Thời kì đầu chị bị cương sữa đau, nhức, phát sốt, mỗi khi nhớ con ngực lại đau nhói lên… Mẹ vắt sữa bỏ đi, ở sau lưng con khát sữa nằng nặc đòi bú, đau lắm chứ em, nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi. Có lẽ chỉ phụ nữ chúng mình mới cảm nhận được hết sự thiêng liêng ấy của tình mẫu tử.
         Giọng chị buồn buồn: Như vậy nhưng không phải ai cũng thấu hiểu. Chẳng biết vô tình hay cố ý cũng có người kì thị, xa lánh, nói lời chê bai xúc phạm. Đấy là điều đáng buồn nhất và cũng đáng sợ nhất.
-Thôi chị ạ, một vài con sâu vô ơn bạc nghĩa ấy chị bận tâm làm gì. Chị hãy tin em:  Cả đất nước này, cả dân tộc này luôn đồng hành cùng các anh các chị, cùng chia sẻ mọi vui buồn, là điểm tựa tin cậy kề vai sát cánh cùng các anh các chị. Em hỏi thật nhé: Vất vả, nguy hiểm thế nếu dịch lại bùng phát chị có đi tiếp không? – Chị trầm ngâm:
-Như mọi người, ai cũng mong hết dịch. Chẳng vui sướng gì khi phải biền biệt xa con, xa tổ ấm gia đình vào nơi cận kề với sự lây nhiễm nhưng đấy là nhiệm vụ, mình không thể thoái thác, không được phép thoái thác. Cũng như các anh Bộ đội, khi Tổ quốc gọi, khi đất nước cần là  xách súng lên đường dẫu phía trước có muôn vàn khó khăn, dẫu phải chấp nhận đổi cả mạng sống để bảo vệ quê hương, bảo vệ nhân dân.
         Tôi buột miệng: Sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, trong cuộc chiến đấu sinh tử với giặc Covd-19, các anh chị có khác gì những người lính xung kích chống giặc ngoại xâm đâu – Chị bảo:  Bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân em ạ. Mình không làm thì ai làm, mình không đi thì ai đi. Mọi  sự hy sinh, cống hiến vì dân vì nước dù của ai, ở đâu cũng đều rất đáng trân trọng, rất đáng được tri ân.
          Tôi với em chồng chị cùng quê cùng học với nhau những năm phổ thông. Tôi hay qua lại nhà anh chị và luôn khâm phục sự hy sinh, công hiến, hết lòng vì nhiệm vụ của anh chị. Sau khi tốt nghiệp anh thi đỗ vào trường Sỹ quan Biên phòng. Từ ngày dịch bùng phát, anh được điều động chỉ huy một phân đội chốt chặn ở một cửa khẩu biên giới phía Bắc. Anh chị đều lên tuyến đầu chống dịch ở nhà chỉ còn bố mẹ già và cô em gái đang học Đại học cùng tôi.
          Sớm nay tôi đến tiễn chị. Nghe còi xe gọi, tôi vội xách cái balo của chị ra xe.
         Trao cậu ấm cho mẹ chồng,  chị không cầm được nước mắt, khóc nấc lên. Từ trong vòng tay bà nội thằng bé nhoài người đưa hai tay về phía mẹ. Không cầm lòng được chị vội quay lại ôm lấy con một lần nữa, hôn hít nó: Con ở nhà với bà nhé mẹ đi, hết dịch mẹ lại về với con – Con đi đây mẹ. Chi cắm đầu chạy vội ra xe, không dám quay đầu lại.
         Tiếng khóc đòi mẹ của đứa con nhỏ bám chặt theo lưng chị. Tiếng sụt sùi thương con, thương cháu của mẹ chồng cũng đuổi theo sau.
         Đứng chôn chân nhìn đoàn xe xa dần, lòng tôi trào dâng cảm xúc: yêu thương, kính trọng, nể phục, biết ơn những người chiến sỹ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch. Tôi liên tưởng đến hình ảnh những anh Bộ đội “ Cụ Hồ” năm xưa bùi ngùi chia tay vợ con, gia đình, người thân lên đường đi đánh giặc giữ nước. Hồi ấy họ ra trận với ý chí, với quyết tâm: Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Còn hôm nay  các anh, các chị lên tuyến đầu chống dịch cũng với tâm thế ấy: Tất cả vì người bệnh, tất cả để chiến thắng đại dịch Covid-19.

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan