------------------------------------------------------------------
KIM HƯƠNG ĐẾN VỚI BÀI THƠ “TRƯỜNG ƠI” CỦA NGUYỄN XUÂN SƠN
TRƯỜNG ƠI!
Chân dung tác giả Nguyễn Sơn
Trường ơi! Tuổi thơ tao mày
Bắt đom đóm bỏ vào chai làm đèn
Trên đầu Đạn réo bom rền
Dưới hầm tối một ánh đèn học chung
Lớn lên lứa tuổi ta cùng
Vào Bộ đội mỗi thằng vùng thật xa
Hậu phương còn bố mẹ già
Mày nằm lại tao được ra Bắc này
Về quê thăm bố mẹ mày
Ôm tao khóc gọi tên mày Trường ơi!
Sao con bỏ mẹ lâu rồi
Đến nay mấy chục năm trời còn chi
Lặng im tao chẳng nói gì
Rất lâu mẹ cứ ốm ghì lấy tao
Bỗng nhiên mẹ tát thật đau
“Mày đồ khốn nạn cút mau đi Trường
Đẻ ra mày chẳng có thương
Tưởng mày chết chợ, chết đường rồi kia”
Trường ơi! nước mát đầm đìa
Tao ôm mẹ, mẹ chẳng hề biết ai
Mẹ nằm vật xuống sõng xoài
Miệng còn lẩm bẩm - Ối trời đất ơi…
“Thằng Trường khốn nạn đâu rồi
Lại đây con, mẹ là người thương con”
Tao bế mẹ đặt lên giường
Lấy cao xoa day thái dương mẹ nằm
Đắp lên người mẹ chiếc chăn
Thiêm thiếp ngủ miệng lầm rầm Trường ơi!
Sợ mẹ ngã tao phải ngồi
Canh cho mẹ ngủ im rồi tao ra
Thắp hương cúng vái ông bà
Thắp cho mày nữa lệ nhòa mắt tao
Mẹ nằm thân gầy hanh hao
Mái đầu trắng chẳng sợi nào còn đen
Trường ơi! mày về mà xem
Cảnh nhà hiu hắt ngọn đèn dầu hao
Hễ mà về quê lần nào
Không thăm mẹ được là tao rất buồn
Nhìn thấy mẹ tao càng thương
Giá mày còn sống tìm đường về ngay
Để mày chứng kiến cảnh này
Cùng tao nữa chăm mẹ mày Trường ơi!
***
Xa mẹ đã hơn chục năm
Như mọi lần vẫn đến thăm mẹ mày
Giờ còn lại những hàng cây
Chẳng còn thấy bóng hao gầy mẹ đâu
Ngoài vườn hương Bưởi, hương Cau
Vào nhà lạnh ngắt mùi rêu mốc mùi
Bàn thờ trẻ nhất mày thôi
Căn nhà cấp bốn chẳng người sửa sang
Cột nhà vẫn đứng thẳng hàng
Mái nhà đã dột, tường đang nứt rồi
Mối mọt chúng đã xông hơi
Trầm ngâm ngắm ảnh mày rồi tao đi
Thắp hương tao nói những gì
Mày cứ nhìn miệng thầm thì của tao
Mày không đáp lại lời nào
Cúi đầu thay một lời chào tao đi
Trường ơi! Tao ước những gì
Giá như mày sống giờ thì đông vui
Có con cháu kém gì người
Thế mà mày phải ngậm ngùi biệt ly
Hàng Cau xưa vẫn xanh rì
Không còn thấp thoáng dáng đi mẹ mày
***
Ngẫm đời thấy mắt cay cay
Tuổi mình mỗi đứa thế này, thế kia
Dù sao bọn tao còn về
Mày nằm lại được những gì hôm nay
Ơn thì không trả mẹ thầy
Nghĩa thì mày bỏ từ ngày mày đi
Chỉ còn mỗi một chữ “VÌ”
Với Dân, với Đảng được ghi Bảng vàng
Về quê nhớ mày tao sang
Ngắm mày với chiếc “Bảng vàng ghi công”
Mày nằm dưới đất biết không?
Có thằng nó chẳng có công… rất giầu
Đánh giặc nó lẩn đằng sau…
Luồn lách nó giỏi, làm giầu rất nhanh
Nhà mày nửa ngói, nửa tranh
Mấy chục năm vẫn nguyên hình vậy thôi
Thắp hương tao lậy Phật Trời
Cầu mày an nghỉ dưới nơi suối vàng…
Nguyễn Xuân Sơn
Nguyên Chiến sỹ QĐND Việt Nam – Đại tá CAND
Thành viên Trang thơ: Những vần thơ và người lính
CẢM NHẬN CỦA CCB, BÁC SỸ QUÂN Y KIM HƯƠNG
Chân dung tác giả Kim Hương
Mở dòng ký ức về một số tác phẩm Văn học Nghệ thuật mang chủ đề “Tháng bảy – mùa của tri ân” trên Báo Điện tử Trường Sơn từ nhiều năm qua. Tôi tìn lại bài thơ mang tựa đề “Trường ơi” của tác giả Nguyễn Xuân Sơn, Nguyên Chiến sỹ QĐND Việt Nam – Đại tá CAND, hiện là Thành viên Trang thơ: Những vần thơ và người lính đăng trên Báo Điện tử Trường Sơn từ ngày 13 tháng 11 năm 2019. Mẩu ký ức ấy lại ùa vào tâm tưởng tôi khi mà ngoài kia cà dân tộc Việt Nam đang oằn mình chống dịch Covid 19 nhưng trong thời khắc này toàn Đảng, toàn Quân và toàn dân vẫn đau đáu hướng tới ngày 27-7, tưởng nhớ và thắp sáng ngọn nến tri ân đến các anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Cũng “đau đáu” như mọi con dân đất Việt cùng với cảm xúc tái hiện lại trong tôi về “mẩu ký ức” “Trường ơi” kia… Tôi ngồi viết – tôi viết những dòng này xin phép tác giả, xin phép bạn đọc và xin phép hương hồn các Anh hùng Liệt trong đó có cả hương hồn của người đồng chí đồng đội tôi – Liệt sỹ “Trường” – Nhân vật chính mà tác giả Nguyễn Xuân Sơn đã đề cập đến trong bài thơ “Trường ơi” hãy đừng gọi đây là “lời bình” về bài thơ. Mà hãy coi đây là cảm nhận, là tiếng lòng của riêng cá nhân tôi trong những ngày ngập tràn khói hương tri ân các anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống để có những ngày “Đất nước trọn niềm vui” hôm nay.
Xin cùng đến với “Trường ơi”
Tác giả Nguyễn Xuân Sơn nhập ngũ đầu năm 1971- khi mà cuộc chiến của dân tộc ta với đế quốc Mỹ bước vào thời kỳ khốc liệt. Anh chuyển sang Công an vào năm 1974 và liên tục công tác trong ngành Công an tới lúc nghỉ hưu. Anh ít làm thơ, nhưng những bài thơ anh viết lại thường dành tình cảm cho đồng đội nhiều hơn.
Ta hãy cùng anh đến với bài thơ TRƯỜNG ƠI, đây là lời tâm sự theo lối trò chuyện giữa hai người bạn, với cách xưng hô thân mật Tao - Mày thật dân dã đời thường như những người lính trẻ từng xưng hô. Hai người bạn ấy sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo khó, tuổi học trò cùng chung cảnh thiếu thốn và chiến tranh loạn lạc triền miên. Anh đâu làm thơ mà chỉ tâm sự, trò chuyện với người bạn- người liệt sĩ mà anh cảm thấy như luôn gần gũi bên mình. Lời anh mộc mạc chân chất mà thắm tình đồng đội khiến người đọc nghẹn lòng.
Ngay vào khổ thơ đầu đã làm sống dậy trong kí ức những dấu ấn khó quên:
"Trường ơi! tuổi thơ tao, mày
Bắt đom đóm bỏ vào chai làm đèn
Trên đầu đạn réo bom rền
Dưới hầm tối một ánh đèn học chung"
Đôi bạn cũng giống như bao Thanh niên trang lứa ở thời kỳ mà cả nước ra trận. Vì thế, dẫu đang là học sinh cũng xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ để lại nơi quê hương là bố mẹ già và bao ước mơ, hoài bão dang dở.
Ảnh minh họa
Cùng lên đường ra trận nhưng tác giả may mắn được trở về. Trong lần ghé vào thăm gia đình đồng đội, những ghi nhận trực quan của người lính cho chúng ta một cảm giác đau nhói, xót xa đến tận cùng. Giọt nước mắt không khỏi trào mi..., khi bắt gặp hình ảnh người mẹ của Trường... cũng giống như bao bà mẹ Việt Nam đau đáu trông ngóng con trở về. Nỗi nhớ mong ấy cứ chất chồng theo ngày tháng và cũng héo mòn đến cạn kiệt tâm trí. Suốt đêm ngày mẹ chờ đợi và hi vọng, sự mong mỏi cứ dày lên, khắc khoải theo năm tháng khiến tâm trí mẹ có lúc như điên dại. Khi mẹ thấy người lính - người bạn của con trở về, mẹ ngỡ đó là đứa con ruột thịt mà mẹ mỏi mòn trông ngóng. Cảm xúc của mẹ làm ta nhói lòng, đau xót, thương cảm đến vô bờ:
“Về quê thăm bố mẹ mày
Ôm tao, khóc, gọi tên mày Trường ơi”
Cảm xúc được đẩy lên đỉnh điểm nỗi đau của người mẹ, khi mẹ chẳng còn tỉnh táo để nhận biết con mẹ về thật hay chỉ là ảo ảnh. Mẹ giận quá đi chứ, hơn chục năm biền biệt, chả đoái hoài, quan tâm tới nỗi nhớ, niềm đau của mẹ, nay tự nhiên trở về. Yêu con vô hạn nhưng cái giận cũng trào lên, mẹ chửi “Mày là đồ khốn nạn” rồi đuổi “cút mau đi”, “Tưởng mày chết trận chết đường” đâu đó nên đã phụ công cha mẹ:
“Bỗng nhiên mẹ tát thật đau
Mày đồ khốn nạn cút mau đi Trường
Đẻ mày mà chẳng có thương
Tưởng mày chết trận chết đường rồi kia”
Đọc tới những câu thơ nhói lòng này, khiến ta chẳng cầm nổi giọt nước mắt xót đau và cảm thông vô hạn với nỗi lòng của người mẹ. Ngay đến người Chiến sỹ trận mạc từng trải là thế nhưng khi bị mẹ tát, mẹ nhận lầm là con trai mẹ và anh cũng chỉ biết khóc và ôm ghì lấy mẹ trong nỗi đau khôn tả:
“Trường ơi nước mắt đầm đìa
Tao ôm mẹ, mẹ chẳng hề biết ai”
Mẹ tỉnh rồi lại chìm vào cơn mê, tưởng như con mẹ đã về bên mẹ. Mẹ ngã xuống đất trong cơn mê sảng, miệng luôn gọi đứa con yêu hãy về trong vòng tay của mẹ:
"Mẹ nằm vật xuống sõng xoài
Miệng còn lẩm bẩm... ôi trời đất ơi
Thằng Trường khốn nạn đâu rồi
Lại đây con... mẹ là người thương con"
Mẹ vật vã rồi ngất lịm trên tay của tác giả. Một nỗi đau xé ruột, dày vò tâm can mẹ. Hình ảnh ấy là điểm nhấn đậm sâu - hồn cốt của bài thơ. Phải chăng, như một phác họa ảnh hình bà mẹ Việt Nam trong nỗi đau tận cùng khi mất đứa con yêu. Đất nước ta luôn phải gồng mình lên để hứng chịu bao cuộc chiến tranh, có biết bao người phụ nữ trở thành hòn Vọng phu, có bao bến sông quê trở thành “Bến Không chồng” và biết bao bà mẹ đêm ngày tựa cửa, mỏi mòn mong ngóng tin con. Một lần nữa hình ảnh Mẹ lại hiện lên thật xót xa trong tấm thân gày guộc và mái đầu bạc trắng:
"Mẹ nằm thân gầy hanh hao
Mái đầu trắng chẳng sợi nào còn đen
Trường ơi mày về mà xem
Căn nhà hưu hắt ngọn đèn dầu hao"
Thương cảm và đau xót đến tận cùng, tác giả đã bật lên tiếng gọi người bạn nay đã là Liệt sĩ ở một nơi rất xa xôi nào đó. Linh hồn của anh- Người liệt sỹ tên Trường đã hóa thành những vầng mây trắng, hay những vì sao trên bầu trời nước Việt. Anh có nghe và thấu hiểu tiếng gọi của bạn mình với một điều ước muốn rất tình người. Ước chi anh còn sống để trở về, cùng nhau chăm sóc mẹ, căn nhà sẽ bớt trống trải, bàn thờ không còn lạnh lẽo với ngọn đèn leo lét:
"Nhìn thấy mẹ tao càng thương
Giá mày còn sống tìm đường về đây
Để mày chứng kiến cảnh này
Cùng tao nữa chăm mẹ mày, Trường ơi".
Mười năm sau ngày bà mẹ mất, tác giả quay trở lại, không còn bóng dáng hao gày của Mẹ nữa rồi. Căn nhà mỗi ngày một cũ đi, nửa ngói nửa tranh, dột nát và ẩm mốc vì không có người sửa sang, tường nứt như muốn sụp đổ... Nhìn tấm ảnh người đồng đội, thấy trẻ nhất trên ban thờ nhưng hình đã mờ theo năm tháng mà lòng trào một nỗi niềm xa xót:
“Bàn thờ trẻ nhất mày thôi
Căn nhà cấp bốn chẳng người sửa sang
Cột nhà vẫn đứng thẳng hàng
Mái nhà dột nát tường đang nứt rồi”
Ngoài vườn, cây bưởi, cây cau vẫn tỏa hương thơm ngát - một cảnh đẹp của một làng quê thanh bình càng gợi niềm thương bạn. Trong nhà, trên ban thờ, khói nhang cuộn lên bên tấm hình người Liệt sỹ rất trẻ. Tác giả đã nghĩ: “giá như không có chiến tranh, hoặc Trường không hi sinh mà lành lặn trở về, thì giờ đây cuộc sống của Anh cũng đủ đầy mọi mặt, gia đình và cháu con đàng hoàng...”. Nhưng chiến tranh là như vậy, mất mát và đau thương. Sự hi sinh của anh cùng bao người vì một Việt Nam hòa bình thống nhất, Tổ quốc mãi khắc ghi công ơn các anh.
Mỗi lần về quê, người lính vẫn ghé thăm nhà đồng đội, khi anh bắt gặp hình ảnh những căn Biệt thự nguy nga của các quan tham thời nay. Những người mà đa phần họ chả có công cán, máu xương gì đóng góp cho cuộc kháng chiến. Lúc đánh giặc thì chạy chọt, lẩn phía sau nhưng lại giỏi luồn lách nên giàu nhanh chóng trong thời “Kinh tế thị trường”. Một cách so sánh làm ta càng chạnh lòng cho những người lính- nhất là những đồng đội đã hy sinh:
“Mày nắm dưới đất biết không
Có thằng nó chẳng có công… rất giàu
Đánh giặc nó lẩn đằng sau
Luôn luồn lách giỏi, nó giàu rất nhanh”.
Một bài thơ khá dài, viết theo thể lục bát gồm 82 câu chia làm 20 khổ. Tác giả dùng từ ngữ rất dân dã, không cầu kỳ, không câu nệ “chữ nghĩa” mà chỉ mộc mạc, chân chất. Nhưng đó chính là tiếng lòng, là nghĩa tình với người đồng đội đã hy sinh ngoài mặt trận. Nếu tác giả tiết chế cô đúc hơn, gieo vần nhuần nhuyễn hơn, bài thơ sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa hơn.
Cảm ơn tác giả- Đại tá Nguyễn Xuân Sơn rất nhiều. Anh đã đem đến cho Kim Hương và bạn đọc một bài thơ lục bát thật xúc động. Câu từ giản dị, mộc mạc và chân thành như tính cách của người Chiến sỹ. Ý thơ dung dị, sẻ chia những mất mát, đau thương với gia đình đồng đội. Hình ảnh người mẹ khắc đậm hồn cốt bài thơ trong tận cùng nỗi đau trước sự mất mát quá lớn. Những dòng cảm nhận của Kim Hương chưa đi hết tận cùng từng ý thơ, nhưng Kim Hương thật sự xúc động bởi bài thơ đã chạm thấu tim đời, thôi thúc Kim Hương cầm bút viết lên những suy nghĩ của mình.
Kính chúc Đại tá Nguyễn Xuân Sơn nhiều sức khỏe, hạnh phúc và bút lực dồi dào để độc giả được thưởng thức nhiều bài thơ hay nữa.
Kim Hương.