"Giai điệu Trường Sơn" - Truyện ngắn Nguyễn Thanh Hương

Ngày đăng: 06:57 21/07/2021 Lượt xem: 308
 
-----------------------------------------------------------------

GIAI ĐIỆU TRƯỜNG SƠN
Truyện ngắn
Nguyễn Thanh Hương
 
       Đầu tháng 6 năm 1971, lực lượng dân công hỏa tuyến đã có mặt tại các địa phương thuộc tỉnh Quảng Bình. Với nhiệm vụ là sửa chữa, nâng cấp và mở rộng đường giao thông, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, quân trang, quân dụng vào chiến trường.
       Lực lượng dân công hỏa tuyến gồm 12 đội, lấy từ 12 huyện của tỉnh Hà Tây, tuổi đời tứ 17 đến 28, mỗi huyện biên chế thành một đại đội.
       Tôi, đại đội phó, kiêm bí thư chi bộ đại đội Một, vốn là cán bộ Ban tuyên giáo huyện ủy. Đại đội trưởng là anh Đỗ Văn Phú, thường vụ huyện đoàn, cả hai chúng tôi được huyện ủy tin tưởng cử đi.
       Đại đội tôi có 139 người, nữ chiếm tới 103 người. Dễ hiểu thôi, vì lúc này trai làng ra trận hết. Còn những người đi dân công hỏa tuyến là ở diện trong gia đình chưa có người ra trận, xã gọi đích danh, một số hoàn cảnh đặc biệt thì xung phong tình nguyện.
       Đại đội tôi biên chế thành mười tiểu đội. Các tiểu đội trưởng đều là đảng viên, là cán bộ đoàn hoặc hội phụ nữ ở các xã cử đi.
       Ngày tập trung ở huyện để nhận quân, một người đàn ông nói riêng với tôi và anh Phú rằng:
- Xã Phúc Hà của tôi có 15 người, 9 nữ, 6 nam, nhưng có 5 người thuộc thành phần lý lịch xấu. Vào chiến trường, các đồng chí phải chú ý đến họ. Không cho họ giữ súng đạn, nấu cơm, hoặc làm những công việc bí mật. Hai đồng chí nhớ nhé, năm người: Thủy, Bình, Mai, Sơn, Hùng.
       Tôi đưa mắt ra hiệu cho anh Phú và nói cho qua chuyện: Xin cảm ơn đồng chí, chúng tôi sẽ lưu ý.
      Và tôi đặc biệt lưu ý tới năm thanh niên nói trên. Lưu ý không phải để moi móc, dè chừng, cảnh giác mà vì, thoạt nhìn, thấy năm cô cậu này, mặt mày sáng sủa, phải nói là đẹp, thân hình cân đối, nói năng nhẹ nhàng lễ phép, không văng tục như một số nam nữ thanh niên trong đại đội. Đặc biệt, trong những ngày phá núi mở đường, năm cô cậu này lao động rất khỏe, công việc nặng nhọc như vác đá, đẵn cây, họ đều xung phong và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
       Nhưng, họ rất ít nói, trong khi tiểu đội Một, toàn là những người của xã Phúc Hà, với họ thì đa số cười đùa, có chàng nói tục, rồi kể chuyện tiếu lâm, hoặc ca hát luôn miệng.
       Khi ăn cơm, năm cô cậu này cũng như hẹn trước, đều chờ nhau.
      Anh Phú cũng lưu ý đến năm người này và một số cô cậu khác cũng thuộc thành phần lý lịch có vấn đề nhưng lưu ý với kiểu cách soi mói. Trong tiểu đội Một, có sáu cô nữ là Ngọ, Tầm, Chân, Thân, Mỹ, Nhái. Sáu người này thành phần trong sạch, ai cũng có anh trai ngoài mặt trận, chỉ tội là không có ai học hết lớp 7/10. Hình thức thô thiển. Thế mới có chuyện tiểu đội Một luôn kém điểm thi đua hàng tuần.
       Chuyện bắt đấu sau khi chúng tôi vào Quảng Bình được hai tháng.
       Hôm đó, sau bữa ăn tối, bỗng có đám to tiếng, tôi chạy đến. Một giọng con gái the thé:
- Ở xã Phúc Hà có ai thèm chơi với mày và những đứa như mày không. Nói cho mày biết, mày không thể cướp anh Tuấn của tao đâu. Lý lịch đen như mày, dù tài giỏi thì sau này cũng đi gánh phân, kéo cày thôi. Xí, cao giá cái gì mà vênh váo.
       Người nói là Tấn Thị Ngọ, có thể coi là người cầm đầu nhóm sáu cô gái trong tiểu đội Một, đối nghịch với nhóm năm cô cậu là thành phần có vấn đề.
        Tôi đến bên Ngọ nhẹ nhàng:
- Đồng chí bỏ cái ngón tay trỏ đi, xỉa xói đồng đội như thế có hay không?
       Ngọ cong cớn, chị đi mà hỏi nó. Tôi gắt, nhưng đồng chí không được lăng nhục người ta.
       Cạnh đó, Thủy vẫn thút thít khóc. Mai nói, không phải khóc, hãy tránh xa loài phân bẩn ấy đi.
       Ngọ hét to, con kia, mày bảo ai là phân, phân của tao còn sạch hơn mày.
       Đúng lúc ấy, Tuấn, tiểu đội trưởng tiểu đội Một, đảng viên, người cùng quê với hai nhóm kể trên đi đến nói với Ngọ:
- Tôi đã nói với chị bao nhiêu lần, từ hồi còn ở quê nhà, sao chị cứ bôi bác người ta. Hãy bằng người ta đi xem nào.
      Ngọ, không biết khóc thật hay giả mà gào rất to:
- Ối giời ơi, sao anh lại bênh nó để mắng em, sao anh bạc bẽo với em, hu… hu…
       Tôi ra lệnh giải tán, mọi người tản đi nhanh, chỉ còn Ngọ vẫn gào khoác, dứt tóc, đấm ngực. Mấy bạn cùng nhóm với Ngọ phải dỗ dành, lôi mãi, Ngọ mới về chỗ ở.
* * *      .
          Đại đội trưởng Phú và tôi bất đồng khi vào Quảng Bình được hơn một tháng. Khi mà tôi nêu ý kiến lấy cậu Sơn lên làm thư ký đại đội. Lý do, Sơn cũng như Thủy, Bình, Mai, Hùng đều tốt nghiệp Phổ thông trung học, chữ đẹp, nói năng được, nhưng anh Phú nói:
          - Lập trường cách mạng đồng chí để đâu mà lấy con nhà lý lịch có vấn đề?
          Tôi nói, hơn một tháng qua, đồng chí thư ký kia không làm được, ghi chép lung tung, chữ xâu, con số xấu, không rõ ràng. Với Sơn, tôi tin sẽ làm tốt, với lại, chúng ta có cả một tập thể chi bộ và nhiều chiến sỹ trung kiên  cơ mà, sao lại lo sợ một cá nhân chiến sỹ Sơn?
          Anh Phú vẫn không nghe. Tôi đưa vấn đề ra chi bộ, sau khi nghe tôi phân tích, các đảng viên đồng thời là tiểu đội trưởng đều tán thành, trừ anh Phú.
          Nói qua về nhóm của Sơn, ai cũng tốt nghiệp phổ thông trung học, là học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền nhưng cả năm người đều có bố hoặc chú đã từng đi lính cho Tây trong kháng chiến chín năm, mặc dù hòa bình lập lại, không ai bị cách mạng xử lý, vẫn lao động như bao người dân bình thường. Nhưng muốn gì thì gì, con cái họ vẫn mang cái tiếng (.)
          Sơn, Hùng, đàn ghi ta và thổ sáo thật điệu nghệ, Thủy có giọng hát như chuyên nghiệp, Bình, Mai cũng vậy. Tuấn có kể với tôi, cả năm bạn này khi đoàn văn công tỉnh về tuyển diễn viên, ai cũng trúng nhưng xã không cho đi. Không chứng nhận lý lịch thì không chuyển được hộ khẩu, không có hộ khẩu thì làm gì có tem phiếu, sổ gạo.
          Nhân tiện tôi hỏi nhỏ Tuấn về việc Ngọ yêu Tuấn, sao lại để Ngọ cãi nhau với Thủy là sao? Tuấn cười hề hề, em thế này mà lại yêu cái bà Ngọ “mõ già” ấy à! 26 tuổi, hơn em 2 tuổi, người như cối xay cùn, yêu sao được. Nếu Thủy, Bình, Mai, một trong ba người ấy yêu em, em dám yêu! Chị Liên ạ, năm người này xã không cho đi đâu, dù chỉ là công nhân vác đá, đi vào đây cũng không được nhưng do nhân dân trong xã kiến nghị, thắc mắc, đành phải cho đi mới đủ chỉ tiêu trên giao. Trước ngày lên đường, xã đoàn mới được tổ chức kết nạp họ. Nghe Tuấn kể vậy, tôi lại nhớ, tuần trước Sơn có tâm sự với tôi:
- Vì đi dân công hỏa tuyến cũng có chế độ mà Nhà nước quy định, đó là, nếu bị thương, cũng được công nhận Thương binh, nếu hy sinh, cũng là Liệt sỹ, nên bọn em xin đi bằng được, chị ạ.
          Tôi giật mình, rồi trấn tĩnh lại nói với Sơn rằng hãy cố gắng phấn đấu, nhưng đừng mong bị thương hay hy sinh làm gì nếu không ở trong trường hợp bất khả kháng. Không là Liệt sỹ, Thương binh nhưng các cô cậu hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng là có trách nhiệm với đất nước trong thời chiến này. Thế nhé, hãy vui vẻ lên, đừng mặc cảm.
          Với trách nhiệm của mình, tôi luôn gần gũi chiến sỹ, trong đó động viên nhóm của Sơn và những người có hoàn cảnh như Sơn, gặp gỡ nhóm của Ngọ, mong muốn họ đoàn kết, nhưng nhóm của Ngọ cố tình xa lánh, càng khoét sâu mâu thuẫn khi mà đội văn nghệ của đại đội thành lập do Sơn là tổ trưởng, cùng Thủy, Bình, Mai, ba giọng hát điêu luyện. Riêng Thủy, đa số anh chị em trong đại đội gọi cô là chim Họa my.
          Ngọ nói, có là diễn viên văn công nhà nước đâu mà mi với họa, có mà họa…khỉ. Các buổi tối giao lưu văn nghệ với nhau, với tiểu đoàn pháo 37 bộ đội Trường Sơn rồi Công binh Trường Sơn, nhóm của Ngọ tức tối, lồng lộn, tẩy chay không thèm đến. Ngọ gào lên có hát hay thì sau này cũng về nhà gánh phân, chổng đít lên trời cấy lúa, nhổ mạ chứ làm ông bà gì?
          Lại cũng chỉ vì chuyện của hai nhóm này mà tôi khốn khổ với anh Phú. Nhiều lần anh nói với nhóm năm người của Sơn và những người ở trong đại đội có hoàn cảnh như Sơn:
          - Các cô cậu phải biết mình là ai. Người ta phấn đấu một, các cô cậu phải phấn đấu mười. Mà cái cô Thủy kia, cậu Sơn, cậu Hùng thích đàn hát thì về mà đi văn công. Tối nào cũng tụ tập ca hát, tôi mà phát hiện các cô cậu hát nhạc vàng, tôi sẽ đuổi về quê. Các cô cậu là cái đầu mối gây bất hòa đấy.
          Anh Phú nói với tôi sáu lần, anh không có khả năng truyền đạt, tôi tóm tắt thế này:
          - Đồng chí Liên à, đồng chí đừng để mình mất lập trường. Tại sao đồng chí hay gần gũi các cô cậu có vấn đề lý lịch trong đại đội này?
          - Nhưng họ có làm gì sai trái đâu.
          - Đồng chí không hiểu là họ đang đóng kịch đấy, họ không tốt đẹp gì đâu, họ là mầm mống của sự mất đoàn kết nội bộ đại đội. Tôi đề nghị, không cho họ ăn cơm cùng một mâm với nhau, phải tách ra để dễ theo dõi. Đồng chí không nghe, tôi sẽ đưa ra cuộc họp chi bộ.
          Và anh ta nêu các ý kiến trên ra cuộc họp chi bộ, rồi nói, tôi nhân danh đại đội trưởng, sẽ làm văn bản trả đồng chí về địa phương.
          Tôi nóng gáy nói lại, đại ý rằng:
          - Tôi không vi phạm điều lệ Đảng. Còn đồng chí nói về các chiến sỹ có vấn đề về lý lịch thì tôi nói cho đồng chí rõ, Đảng ta đã từng và đang sử dụng những người đã từng làm quan trong chế độ phong kiến. Ở Trường Sơn này, các chiến sỹ mà đồng chí gọi là có vấn đề cũng đang đổ mồ hôi công sức, có khi sẽ có cả đổ máu, vậy mà đồng chí nói người ta đóng kịch là làm sao? Đừng chụp mũ như thế. Đồng chí là thường vụ huyện Đoàn, làm công tác quần chúng mà lại có ý nghĩ coi thường quần chúng, trong khi đồng chí cũng có tài giỏi gì mà coi thường người ta. Tôi đề nghị các đồng chí Đảng viên hãy thảo luận vấn đề này xem sao.
          Các đảng viên  đều có ý kiến khuyên anh Phú bỏ cái kiểu suy nghĩ ấy, chính là sẽ nâng cao uy tín cho đồng chí. Nhưng anh Phú kêu lên: Các đồng chí sai lầm hết cả rồi.
          Còn cô Ngọ, chiều hôm qua dám nói oang oang trong bếp ăn tập thể: Tôi mà có quyền, tôi cho chúng nó đi cải tạo lao động hết để tránh tai họa về sau. Không ngờ, tôi nghe thấy, tôi đã nói với Ngọ khá gay hắt:
          - Lẽ ra đồng chí phải biết xấu hổ khi luôn cậy mình là con nhà trong sạch nhưng lại không học hành cho tử tế để đi đại học, để ở nhà cũng đi làm ruộng, có hơn gì Thủy, Bình, Mai và các đồng chí khác chứ? Thói xấu nhất là thói ganh tỵ, thấy ai hơn mình thì tối mắt lại. Đời còn dài, hãy đợi đấy.
          Ngọ câng câng cái mặt: Vâng các chị Thủy, Bình, Mai và những người như các chị ấy mới là tốt đẹp.
          Tối, sau khi họp rút kinh nghiệm công việc trong ngày là đến việc sinh hoạt văn nghệ, nhóm của Ngọ kêu muỗi đốt, ngứa quá, rồi vỗ tay, la ó phá đám. Họ bỏ ra về khi đã nói: Họp xong rồi, chúng tôi về nghỉ, mai còn ra mặt đường. Không có thích hát nhé!
* * *

(Ảnh minh họa)
          Nhịp sống cứ thế trôi đi, đoạn đường mà chúng tôi đảm nhận được mở rộng, đầm lèn, rải đá thật kỹ. Được một năm yên ả, thì tháng 5.1972, người Mỹ lại mở rộng chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc (lần thứ nhất là giai đoạn 1964 – 1968). Sau gần bốn năm khôi phục cơ sở kinh tế, giao thông, miền Bắc lại đương đầu với thử thách mới, trong đó có đội ngũ dân công hỏa tuyến chúng tôi. Hỏa tuyến – lúc này thật đúng nghĩa với chúng tôi. Ngày nào, người Mỹ cũng ném bom bắn phá đường Trường Sơn. Và, cùng với bộ đội pháo binh, công binh, chúng tôi vẫn bám sát mặt đường, không để mạch máu giao thông bị gián đoạn. Nhưng máu của những con người ở đây đã bắt đầu đổ.
       Đại đội Hai, Ba cho đến Mười hai, đã có chiến sỹ ngã xuống bên đường trong khi đang làm nhiệm vụ. Và đau xót thay, đại đội Một của tôi, trong hai ngày, ba chiến sỹ đã ra đi, năm bị thương nặng phải chuyển về hậu phương. Ba chiến sỹ hy sinh là Thân (nhóm của Ngọ), Bình (nhóm của Sơn, Thủy), Sào, tiểu đội trưởng tiểu đội Ba.
       Người Mỹ ném bom không theo một quy luật nào. Hôm ấy, chúng tôi trên đường về nghỉ trưa thì đất trời như vỡ vụn, mặt đất rung chuyển bởi đủ các loại bom. Năm chiến sỹ của đại đội tôi bị hàng chục viên bom bi găm vào đầu, vào ngực, chân tay.
       Trước ngày đau thương này một tuần, chúng tôi tất cả lần đầu tiên mới chứng kiến những trận bom. Nói thật lòng, ai cũng sợ! Tiếng nổ muốn vỡ óc, rách tai, trống ngực đập thình thịch, dù tất cả đã ngồi trong hầm chữ A, năm người một hầm, hầm nọ cách hầm kia ba nươi mét, hầm cứ như đưa võng, muốn sụp xuống mà vùi lấp chúng tôi.
       Hết trận bom, chúng tôi và anh Phú đến từng hầm để kiểm tra, không có ai việc gì. Hầm tránh bom khi đi làm, cách mặt đường một trăm mét đến một trăm năm mươi mét. Khi về ở tập trung, hầm nọ cách hầm kia hai mươi đến ba mươi mét để tránh thương vong.
       Ngày mà ba đồng chí hy sinh và năm chiến sỹ bị thương, tôi nhớ Bình, Thân miệng chỉ mấp máy kêu hai tiếng mẹ ơi. Tôi ôm lấy Bình và Thân, cổ tắc nghẹn, vẫn cố gắng nói các đồng chí tản ra, không được tập trung đông thế này. Cử sáu đồng chí nam cáng ba đồng chí vào bãi cỏ sâu trong rừng, nhanh lên. Còn lại, chuyển các đồng chí bị thương lên bệnh xá dã chiến.
       Dù hoàn cảnh bom đạn, chúng tôi cũng tổ chức lễ truy điệu cho ba đồng chí vào lúc gần tối.
Đêm ấy, cả đại đội không ngủ. Tôi và anh Phú cùng các tiểu đội trưởng đến các hầm động viên mọi người hãy vững vàng trước bom rơi lửa đạn. Mọi người đều tỏ rõ quyết tâm không để con đường bị đứt đoạn, không để cho xe ta phải chờ đợi.
       Sau sự ra đi của ba nữ đồng chí, cả đại đội không còn chuyện nhóm nọ nhóm kia, mọi người gắn bó nhau hơn, và “tiếng hát vẫn cất lên ngày ngày – át cả tiếng bom” của Hùng, Sơn, Thủy, Mai và nhiều đồng chí khác. Ngọ và nhóm bạn không chê bai, rè bỉu các bạn nữ khác. Anh Phú đã gần gũi với nhóm của Sơn và những người có hoàn cảnh như Sơn.
…Sau vài chục trận bom, chúng tôi đã biết lợi dụng những lúc máy bay Mỹ không đến, tất cả lao ra mặt đường, ngày cũng như đêm, khuân vác đá vào những hố bom sâu hoắm ở giữa đường. Những lúc gian khổ, con người mới bộc lộ đúng bản chất, như Thủy, Sơn, Mai vẫn lạc quan, yêu đời, ca hát, lao động giỏi, cả đại đội vẫn gọi Thủy là chim họa mi trên đại ngàn Trường Sơn.
Nhưng rồi… nghiệt ngã quá khi mà chỉ còn hai tháng nữa, chúng tôi hết thời gian phục vụ, được trở về quê hương thì, đại đội tôi lại một người ra đi.
       Nhớ lại, những ngày của năm 1972, người Mỹ dùng kỹ thuật hiện đại, dùng tia lade điều khiển bom, định chỗ nào là trúng chỗ ấy, nên bom chỉ ném trúng lòng đường, thương vong do loại bom này rất hiếm, nhưng họ lại quá thừa bom bi, bom sát thương ném bừa bãi vào rừng nơi mà họ đoán ở đó có kho tàng của ta, có các đơn vị thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Vì thế, lúc bảy giờ tối, hàng loạt bom bi ném xuống nơi đơn vị tôi trú quân, khi mà mọi người đã vào hầm mà vẫn còn một số đứng ngoài hóng gió, do vậy bị trúng bom bi và hy sinh. Đó là Thủy. Chỉ hai tháng nữa được trở về, vậy mà…
       Tôi ôm lấy Thủy mà khóc, lòng đau đớn như chính đứa em ruột của tôi ra đi khi tuổi đời mới hai mươi mốt. Các chiến sỹ gái cũng òa khóc theo.
* * *
       Như vậy, Thủy là người hy sinh cuối cùng của đại đội tôi. Xong thời hạn, chúng tôi về địa phương để có những đơn vị mới lại từ Bắc chuyển vào tiếp quản công việc.
        Tôi được cử sang làm Phó chủ tịch Hội phụ nữ huyện, anh Phú chuyển sang văn phòng Ủy ban hành chính huyện. Nhóm của Sơn, Hùng và những người có hoàn cảnh như họ ở trong đại đội tôi đều được xã cho đi thoát ly. Các chiến sỹ còn lại đều có cuộc sống êm đẹp. Còn tôi, sau khi trở về được bốn năm, ở tuổi 33, ở cạnh xã tôi có một thương binh, anh bị mất cánh tay phải trong những ngày chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Có người mối lái, anh tìm đến tôi, và chúng tôi thành vợ thành chồng. Vợ chồng tôi có một con trai, một gái. Con trai theo nghiệp bố, con gái dạy học ở trường làng. Gần năm mươi năm đã đi qua, nhưng tôi (và chắc chắn những đồng đội của tôi ngày ấy) không thể quên được Trường Sơn – một thời máu lửa. Thời ấy đã làm giàu đẹp thêm những giai điệu của những bài ca cách mạng hùng tráng, thể hiện khí phách của con người Việt Nam trước hung ác bạo tàn của quân xâm lược.
       Trường Sơn, một kỳ tích của cuộc kháng chiến giữ nước. Làm nên kỳ tích đó, có phần công sức, mồ hôi và cả xương máu của những người trẻ tuổi như Thủy, Bình và các đồng đội của tôi. Và cô bé Thủy ấy tôi vẫn thấy như còn sống, giọng cô vẫn như ngân lên hàng ngày, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi con người Việt Nam ta với 4000 năm lịch sử oai hùng dựng xây và chiến đấu.
       Giai điệu Trường Sơn mãi còn như suối nguồn không bao giờ cạn./.
 
Nguyễn Thanh Hương
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
133, đường Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đạ Tẻh, Lâm Đồng.
Di động: 0949.300.759
tin tức liên quan